Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

“TRUNG TRẠNG NGUYÊN” NGUYỄN QUANG BẬT
10:12 | 22/07/2022

Nguyễn Quang Bật, sinh năm Giáp Thân (1464) quê ở làng Ngo (vốn xưa là xã Bình Ngô, huyện Gia Định, sau là Gia Bình, nay thuộc thôn Thượng Vũ, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thời trẻ phải mở quán nước nhỏ ở Cầu Khoai ven đường  kinh lý chạy qua địa phận huyện Gia Bình - Thuận Thành để thêm tiền ăn học. Theo gia phả họ Đỗ - Gia tộc đã trải lịch sử 500  năm - “gia phả được viết ở nhiều đời, tất cả đều nói đến Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật. Giảng Dụ tướng công là thủy tổ họ ta, còn về trước thất truyền không biết từ đâu”. Cụ Thủy tổ sinh thời dạy học ở làng Thường Vũ. Mộ tổ họ Đỗ ở gò Kim Tinh, Thường Vũ chính là mộ của thân phụ Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật”. Nội dung chỉ vắn tắt thế thôi, vì vậy nghiên cứu về thân thế sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật đặc biệt là thời kỳ niên thiếu (trước khi thi đỗ đại khoa) và gia đình, gia tộc (thời xưa) của quan Trạng rất khó khăn.

Truyền kể: Ngay từ thời niên thiếu Tiên sinh đã có ý chí “nhân định thắng thiên”. Trước khoa thi ông nằm mơ thấy thần hiện về báo mộng ông sẽ không đạt giải cao, thế nhưng ông vẫn tin rằng “thần đâu biết được việc người, phen này ta đỗ - đỗ thời Trạng nguyên”. Và Tiên sinh càng miệt mài học tập, rồi sau đó quả đúng như vậy. 

Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” chép - Năm 21 tuổi, Nguyễn Quang Bật thi đình đỗ đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, đời Lê Thánh Tông - 1484.  Khoa thi này triều đình lấy đỗ 44 vị Tiến sỹ. (Bắc Ninh - Kinh Bắc có tới 8 vị đỗ). Sau khi đậu Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật được Triều đình bổ làm quan Đông các và Hàn  lâm viện thị thư, Đô ngự sử, có chân trong hội “Tao đàn nhị thập bát tú”. Tác phẩm của ông hiện còn một số bài thơ chép trong tập “Toàn Việt thi lục”.

Nguyễn Quang Bật cùng Đàm Văn Lễ nhận di chiếu của Lê Hiến Tông để gíup Túc Tông lên ngôi. Sau này Lê Uy Mục lên ngôi (1505), đem lòng oán giận vì không lập mình, đã giáng ông vào Quảng Nam làm Thừa Tuyên sứ, rồi sai người đuổi theo bức tử ông ở sông Phúc Giang. Khi đó ông mới có 43 tuổi (41 tuổi thì đúng hơn).

Khi Lê Tương Dực lên ngôi (1509), nhà vua biết ông bị oan mới  truy phong tước, làm văn tế, tặng lá cờ thêu ba chữ “Trung Trạng nguyên” và sức cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng.  Sau khi Nguyễn Quang Bật qua đời, con cháu đổi sang họ Đỗ. Dòng họ này hiện nay  rất lớn, cư trú ở nhiều nơi và có truyền thống khoa bảng vẻ vang, tiêu biểu hàng nhất ở Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ quyển XIV, trang 544 - 545 “viết cụ thể hơn về sự việc hai ông Nguyễn Quang   Bật và Đàm Văn Lễ một lòng trung quân ái quốc, quyết lập hoàng thái tử lên ngôi vua mà bị giáng họa:

“Năm Ất Sửu, Đoan Khánh năm thứ 1 (1505), tháng 6 ngày mồng 5, biếm bọn Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ, Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam, rồi giết đi.

… Đến khi Hiến Tông ốm nặng, Văn Lễ và Quang Bật nhận di chiếu phụ tá Hoàng thái tử lên ngôi. Bấy giờ các thân vương tranh nhau đòi lập, Văn Lễ sợ xảy tai biến trong lúc bối  rối, mới vào tẩm điện lấy ấn báu truyền quốc đem về nhà, rồi cùng các đại thần văn võ lập Túc Tông lên ngôi hoàng đế. Vua Uy Mục căm giận lắm. Đến đây, dùng mưu của Khương Chủng, Nguyễn Nhữ Vi biếm hai người làm Thừa Tuyên sứ Quảng Nam. Khi họ đến sông lớn huyện Chân Phúc, vua sai người đuổi theo bắt phải tự tử. Hai người  khi sắp gieo mình xuống  nước, ngâm  thơ quốc ngữ rồi mới mất (tg - có lẽ là thơ Nôm). Sau đình thần trong bụng ai cũng biết là hai người chết không đáng tội, can Vua, Vua đổ lỗi cho Nhữ Vi rồi giết y”.

Tài liệu trên có ghi: “Trước khi sắp gieo mình xuống nước, Nguyễn Quang Bật có ngâm  bài thơ quốc âm rồi mới mất, nhưng không thấy ghi nội dung bài thơ đó.  Còn trong gia phả họ Đỗ thì có ghi cụ thể như sau:

“Bị đày đi Quảng Nam, cụ bị oan, tức giận lắm, ném hòn đá xuống sông và thề rằng - Con cháu nhà  về sau ai làm quan cho triều này, thì số phận cũng như  hòn đá này, nhân đó cụ ngâm mấy câu thơ bằng quốc âm cho khuây lòng. Thơ rằng:

“Trời, trời  xanh. Nước nước xanh

Ai đem người ngọc đến Nam Ninh

Nào chàng Liễu Nghị đi đâu  tá

Sao chẳng đưa nhau tới Động Đình”

Sau đó cụ nhảy xuống sông tự vẫn!  Từ đó con cháu kiêng lời thề của cụ đổi sang họ Đỗ.

Lời bàn: Có lẽ gia phả họ cũng do lập mãi về sau này nên không khỏi có nội dung ghi lại theo truyền kể mang cả màu sắc giai thoại. Còn  như khi đó Cụ (Quang Bật) ra đi trong tình hình như thế liệu có ai đi cùng mà chép lại bài thơ của cụ để lại cho hậu thế? Tựa như bài thơ “đuổi cá sấu”của Hàn Thuyên thời Trần - đã (hóa) ném xuống sông đuổi cá sấu rồi thì còn đâu bản khác nữa mà lưu cho hậu thế?

Về thời gian chính xác Lễ bộ thượng thư Đàm Văn  Lễ và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật bị sát hại (ngày mất)? Theo tư liệu nêu trên thì năm mất chắc chắn là 1505 rồi; còn ngày, tháng chính xác là ngày tháng nào?

Theo “Sơ đồ các chi phái họ Đỗ Nguyễn “lập năm 2017: Căn cứ vào di cảo của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ở Văn khắc trên bia đá tại chùa Hòa Lạc thị trấn Như Quỳnh, Hà Nội; do chính  cụ Nguyễn quang Bật soạn văn:

Nội dung văn bia viết về cụ Đô Thống  người xã Hành (Hòa) Lạc, Như Quỳnh  mất Năm Đoan Khánh thứ nhất, ngày 6 tháng 5 năm Ất Sửu, (trùng với ngày tháng sử chép là thời gian cụ Trạng bị biếm) ngày Canh Dần, giờ Mão cụ mất, hưởng thọ 71 tuổi. Cũng năm ấy ngày Nhâm Thân 20 tháng 8 táng cụ ở  ruộng Xứ Nguyễn”.

Đoạn cuối văn bia (lạc khoản) ghi cụ thể là: “Đoan Khánh năm thứ nhất (1505) Tiến sỹ cập đệ  khoa Giáp Thìn - 1484 đời Lê Thánh Tông, Hữu thị lang bộ Lại Trung trinh đại  phu Khuông thiếu doãn - Nguyễn Quang Bật người ở Gia Định cung kính ghi chép”.

Nội dung văn bia trên cho mọi người  biết - chí ít là tới ngày 20 tháng 8 năm 1505 cụ Trạng Nguyễn Quang Bật vẫn còn viết văn bia cho người khác. Nội dung bia đoạn cuối cho ta biết rõ hơn về chức tước của cụ Trạng là Hữu thị lang bộ Lại Trung trinh đại phu Khuông thiếu doãn.

Có ý kiến cho rằng  ngày 5 tháng 6 năm 1505, cụ Trạng Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ bị biếm chức  rồi, có thể chưa bị chết nhưng sao tới tận ngày 20 tháng 8 còn viết được văn bia cho người khác?

Văn bia trên được Quan Trạng - Hữu thị lang bộ Lại Trung trinh đại phu Khuông  thiếu doãn Nguyễn Quang Bật soạn thảo trong hoàn cảnh đang bị hàm oan, mắc vòng lao lý như vậy, cho mọi người thấy - gia đình dòng họ viên quan Đô Thống (nhờ soạn văn bia) quý trọng tài năng đức độ của Quan Trạng đến nhường nào, họ mới  không sợ liên lụy.

Nghiên cứu tìm hiểu về  cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân quê hương Gia  Bình - Thuận Thành nói riêng và đất Bắc Ninh - Kinh Bắc nói chung quả là vùng “địa linh nhân kiệt” lắm anh tài, nhưng sao lại thường là “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Từ danh tướng Cao Lỗ Vương; Thái sư Lê Văn Thịnh; Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái; Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ với vụ án Lệ Chi Viên và Trung Trạng  nguyên Nguyễn Quang Bật… đều bị hàm oan vì triều chính còn có những vị vua quan tài hèn đức mọn như vậy. Các danh nhân trên đa phần đã được hậu thế tổ chức những Hội thảo khoa học minh chứng, tôn vinh xứng danh. Có lẽ đối với Trung Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật cũng cần như vậy.

Truyện ký và tư liệu nêu trên góp phần tìm hiểu sâu sắc thêm về Trung Trạng nguyên, Hữu Thị lang bộ Lại Trung trinh đại phu Khuông thiếu doãn Nguyễn Quang  Bật./.

 
 
                                                                                                                                                                                                            LÊ VIẾT NGA