Chùa Hòa Lạc thời xưa thuộc xã Hành Lạc, tổng Như Quỳnh, nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại chùa hiện còn lưu lại tấm bia đá thờ hậu đầu thế kỉ 16 thuộc loại rất quý hiếm. Chữ trên bia còn đọc được 357 chữ và cho biết nhiều thông tin quý về nhân vật được thờ và người soạn văn bia. Nội dung văn bia phiêm âm Hán Việt như sau:
"Tiền niên Đô Thống binh chi Hành Lạc nhân khảo mẫu Vũ Thị Nhân
Thiệu Bình nhị niên Ất Mão nguyệt nhật dã công ấu nhi".
Thánh Tông hậu hoàng đế vu bình nguyên Hồng Đức nguyên niên dĩ giai ấn cựu thần đặc trừ Kim Tử giao Lạng Sơn Vệ Phó quản lĩnh, lịch Khánh Dương vệ Phấn Uy kiêm Tổng tri. Nhị thập niên tuyển vi Thanh Hóa Đô tổng binh kiêm sự Tổng binh nhị thập hữu thất niên.
Thượng vấn kì lão chiêu hứa trí sự công đổng lĩnh binh quyền nhị thập dư tái trung cần trị chí giản tại...
Đế tâm, lão nhi trí sự lễ dã.
Đoan Khánh nguyên niên Ất Sửu, ngũ nguyệt, lục nhật Canh Dần, Mão thời, thọ chung, hưởng linh thất thập hữu nhất, bản niên bát nguyệt nhị thập nhật Nhâm Thân táng ư Nguyễn xứ điền, tọa Nhâm hướng Bính đối khảo mộ địa dã. Thú Phạm thị, sinh nam tử, trưởng Doãn Cung vi Minh Dực tướng quân, Thanh Hóa lưu Thuần Tượng vệ Phó đô tri, thứ viết Nhượng, thứ viết Minh, tịnh Tú Lâm cục nho sinh, quý Át thượng ấu. Sinh nữ nhị, trưởng Trinh thích Tri bạ Nguyễn Khác Tuân, thứ Túc thích Quan Nam, Đỗ Nhân Hảo, công vi cương nhu tương tế, văn vũ kiêm tư. Tại triều tắc danh dự trứ văn, xuất trấn tắc chánh tích khả kỉ.
Thường dĩ bổng tiền chu hương lý thân thích. Tịnh... thân thích gia tài tạo bản xã Nghĩa Trụ giang kiều cửu gian, tạo Thích Già tự tam thập nhị gian. Tác thiện giáng tường thị dĩ thiên hựu chi thần tương chi khắc hưởng đa phúc thọ khảo linh. Chung nghi lặc trinh trung dĩ thùy bất hủ.
Đoan Khánh nguyên niên tứ Giáp Thìn khoa Tiến sĩ cập đệ Lại bộ Hữu thị lang Trung Trinh đại phu khuông Thiếu doãn, Gia Định, Nguyễn Quang Bật cẩn chí.”
Trước hết về nhân vật được thờ hậu
Đó là vị quan võ (không rõ họ), người xã Hành Lạc, mẹ họ Vũ, sinh năm Ất Mão, niên hiệu Thiệu Bình thứ 2 (1435) đời Lê Thái Tông, giữ chức Đô thống xứ Thanh Hóa nghỉ hưu tại quê. Ngài mất giờ Mão, ngày Canh Dần mồng 6 tháng 5 năm Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505). Ngài làm quan từ thời trẻ, đến năm Hồng Đức thứ 1 (1470) đời Vua Lê Thánh Tông được ban phong tước Kim Tử, chức Phó quản lĩnh vệ Lạng Sơn, rồi thăng chức Tổng tri Phấn Uy vệ Kháng Dương. Năm Hồng Đức thứ 20 (1490) ngài được phong Đô tổng binh xứ Thanh Hóa, đến năm Hồng Đức thứ 27 (1496) ngài nghỉ hưu tại quê. Ngài thường “đem tiền tài bổng lộc chu cấp cho thân thích làng xóm, xây cầu sông Nghĩa Trụ 9 nhịp và ngôi chùa 32 gian. Làm việc thiện tất gặp điều lành cho nên được trời và thần phật phù hộ hưởng nhiều phúc, sống lâu. Tấm lòng trung trinh này phải được ghi tạc để lưu truyền mãi mãi”. Ngài lấy vợ họ Phạm, sinh 4 trai 2 gái. Con trưởng Doãn Cung nối nghiệp võ, là Minh Dực tướng quân, chức Phó đô tri vệ Thuần Tượng, đóng quân ở biên giới Thanh Hóa.Hai con trai tiếp theo tên là Nhượng và Minh theo nghiệp văn, là nho sinh Tú Lâm cục. Con trai út tên là Ất lúc bấy giờ còn nhỏ. Hai con gái đều đã gả chồng, một con tên là Trinh gả cho tri bạ Nguyễn Khắc Tuân, một con tên là Túc gả cho Đỗ Nhân Hảo, một vị quan giỏi trong triều ngoài trấn. Ngài từ trần vào giờ Mão, ngày Canh Dần mồng 6/5/Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505), thọ 71 tuổi. Ngày 20/8 an táng tại ruộng xứ Nguyễn, đối diện mộ thân phụ.
Về nhân vật soạn văn bia
Theo dòng lạc khoản trên văn bia ghi rõ: “Đoan Khánh năm thứ nhất Tiến sĩ cập đệ khoa Giáp Thìn, Hữu thị lang Bộ Lại, Trung Trinh đại phu, Khuông thiếu doãn Nguyễn Quang Bật, người ở Gia Định cung kính ghi chép”. Danh nhân khoa bảng, trạng nguyên Nguyễn Quang Bật người xã Bình Ngô (làng Ngo), huyện Gia Định, nay thuộc khu phố Thường Vũ (phường An Bình - thị xã Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1464 trong gia đình nông dân nghèo. Thời trẻ ông phải mở quán nước ở cầu Khoai trên đường kinh lí từ Phả Lại qua Gia Bình về kinh đô Thăng Long (nay là đường quốc lộ 17). Vừa làm vừa học, vậy mà mới 21 tuổi ông thi đỗ trạng nguyên khoa thi Giáp Thìn đời Vua Lê Thánh Tông (1484), thời kì học nghiệp phát triển, người tài xuất hiện khắp nơi. Cũng năm ấy nhà Vua cho dựng bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sau khi thi đỗ được tuyển làm quan ở Viện hàn lâm, chức Hàn lâm viện thị thư, thành viên hội “Tao Đàn nhị thập bát tú”, đứng tên thứ 7. Thời Lê Hiến Tôn phong chức Đô ngự sử đài, phụng mệnh cùng Thượng thư Đàm Văn Lễ phò lập Túc Tông. Khi Hiến Tông ốm nặng, bà Kính phi, mẹ nuôi hoàng tử Tuấn mưu lập tranh thái tử Thuần, nhưng hai ông từ chối. Không may Túc Tông lên ngôi vài tháng thì qua đời, hoàng tử Tuấn kế vị, tức Vua Uy Mục đế đã biếm chức hai ông vào Quảng Nam giữ chức Thừa tuyên sứ. Khi hai ông vào đến huyện Chân Phúc (nay là Nghi Lộc) Vua sai người đuổi theo bắt tự xử trên sông Lam. Theo sách “Đại Việt sử kí toàn thư” thì Uy Mục đế ngay khi lên ngôi Vua ngày 18/12/1504 thì đến ngày 22/2/1505 đã sai thái giám ngầm giết Thái hậu vì bà không muốn lập hoàng tử Tuấn là con tì thiếp nối ngôi, không thể nối dài đại thống. Đến ngày 6/5/1505 Uy Mục đế lại biếm chức hai Nhiếp chính đại thần phò lập Túc Tông và bức hại. Tuy nhiên theo văn bia, đến ngày 20/8 mới an táng quan Đô thống ở Hành Lạc, sau đó Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật mới soạn văn bia và chức quan đã thay đổi, từ Đô ngự sử đài sang Thị lang bộ Lại. Quả nhiên Uy Mục đế làm Vua chỉ được 4 năm, đến đời Hồng Thuận (1509) Vua Tương Dực đế phát binh lật đổ Uy Mục đế, người đời gọi là Quỷ vương.
Do trạng nguyên Nguyễn Quang Bật bị triều Lê Uy Mục bắt tội, lại trải thời gian trên 500 năm nên di cảo của ông không còn nhiều. Bài thi đình xuất sắc trả lời Vua về nhà Triệu Tống đỗ trạng nay không còn. Ông tham gia làm sách “Quỳnh uyển cửu ca”, vâng họa 9 bài thơ của Vua Lê Thánh Tông đến này chỉ còn hai bài chép trong sách “Hoàng Việt thi tuyển”. Nội dung một bài như sau:
Thư thảo hý hành
(Phụng họa Ngự chế)
Bút thế tung hoành tuyệt khả nhân
Nha tiêm ngọc trục ánh dư huân
Huyền hùng đối cứ tàng đan lĩnh
Tử yến tương truy nhập bích vân
Dương giám cửu truyền, Trương Húc thể
Đắc thư hưu thác Bá Anh cân
Tiểu thần hà hạnh chiêm y cận
Khoái đổ văn chương Khuê bích văn.
Dịch thơ:
Đùa vui viết thảo thành thơ
(Vâng họa thơ Đức Vua)
Vượt hẳn muôn người, bút lực dư
Câu ngà chữ ngọc ráng vàng mơ
Ngồi trong núi đỏ. gấu đen ẩn
Lướt giữa mây xanh, én tía đua
Trương Húc, mãi truyền trang bút pháp
Bá Anh, đâu kém nét thi thư
Tiểu thần may được hầu minh chúa
Vui thấy sao Khuê rạng chiếu thơ...
(Duy Phi dịch)
Sách “Bắc Ninh dư địa chí” có chép bài thơ tuyệt mệnh của ông từ nguồn gia phả như sau:
Trời, trời xanh. Nước, nước xanh
Ai đem người ngọc đến Nam Ninh
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình.
Như vậy, bài văn bia chùa Hòa Lạc ở Hành Lạc, Như Quỳnh là tư liệu quý về danh nhân khoa bảng, trạng nguyên Nguyễn Quang Bật.
Ngày nay, tại quê hương Thường Vũ có nhà bia trạng nguyên Nguyễn Quang Bật bảo tồn tấm bia tại nhà thờ ông dựng năm 1937 nhưng bị hư hại trong kháng chiến chống Pháp. Trường Trung học cơ sở phường An Bình mang tên Nguyễn Quang Bật và có Thư viện Nguyễn Quang Bật. Dòng họ Đỗ, hậu duệ trạng nguyên đặt ngày Lễ giỗ trạng nguyên Nguyễn Quang Bật vào ngày 10/10 âm lịch. Ngày này, bên cạnh nghi thức Lễ tế còn có nội dung trao thưởng khuyến học trang nghiêm, động viên con cháu noi gương tiên tổ học hành thành đạt, tấn tới, phục vụ quê hương, đất nước./.
PHẠM THUẬN THÀNH