Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CÁC NHÀ KHOA BẢNG TIÊU BIỂU Ở PHẬT TÍCH, BẮC NINH
11:14 | 05/02/2024

Ngô Trần Thực:

Xã Phật Tích thời Nguyễn thuộc tổng Thụ Triền, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xứ Kinh Bắc. Tổng Thụ Triền khi ấy còn có 6 xã, thôn khác. Thôn Thụ Triền thuộc xã Thụ Triền, xã Thụ Triền (2 thôn Phù Lập Thượng và Phù Lập Trung), Cổ Miếu, Cao Đường, Vĩnh Phú và Trùng Minh: 

Làng xã nơi đây có truyền thống khoa bảng vẻ vang tiêu biểu hàng nhất vào thời Lê và chủ yếu tập trung ở họ Nguyễn, họ Ngô, đó là các vị: (theo gia phả và Xã Phật Tích thời Nguyễn thuộc tổng Thụ Triền, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc truyền kể của gia tộc).

Trong các nhà khoa bảng nêu trên có vị đỗ rất đặc biệt - đó là Ngô Trần Thực thi đỗ Đình nguyên Tiến sỹ - duy nhất tỉnh Bắc Ninh:

Truyện ký và sử sách đăng khoa đều ghi: Tiên sinh Ngô Trần Thực sinh năm Nhâm Dần - 1722, quê xã Phật Tích, huyện Tiên Du (nay là thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), trú quán ở xã Bách Tích, huyện Nam Chân (nay là thôn Bách Tích, xã Nam Hồng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định). Ông thi đỗ giải Giải nguyên kỳ thi Hương, lại đỗ khoa Hoành từ. Trước khi đi thi Ngô Trần Thực đã làm quan Thự tri phủ. Năm 39 tuổi ông thi đỗ thứ 4 kỳ thi Hội; vào thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thử nhất) khoa Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21, đời Lê Hiển Tông - 1760 (Khoa này triều đình lấy đỗ 5 vị đồng Tiến sỹ xuất thân, Ngô Trần Thực đứng thứ nhất). Trên ông không có ai đỗ hàng Tam khôi và Nhị giáp, nên ông là Đình nguyên đồng Tiến sỹ xuất thân - cũng là trường hợp duy nhất ở tỉnh Bắc Ninh. Sau đó Tiến sỹ Ngô Trần Thực được triều đình bổ làm qua đến chức Đông các Đại học sỹ, Thự Thiêm đô ngự sử.

Trong những tài liệu về các vị đại khoa xưa nay, có sách “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh”, chủ biên là Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, tái bản năm 2015, viết về Tiến sỹ Ngô Trần Thực rất cụ thể (có chi tiết khác một số sách): về năm sinh là năm Giáp Thìn (1724) khác tài liệu ghi là sinh năm Nhâm Dần (1722); năm đỗ đại khoa là 37 tuổi - khác năm 39 tuổi và ghi rõ năm Tiến sỹ Ngô Trần Thực tạ thế năm Đinh Tỵ (1797), thọ 74 tuổi. 

Trong năm vị đại khoa của xã Phật Tích, chỉ có Ngô Trần Thực là đỗ Đình nguyên Tiến sỹ - cao nhất (như Trạng nguyên). Còn 4 vị họ Nguyễn thì đều đỗ đồng Tiến sỹ xuất thân.

Các nhà khoa bảng tiêu biểu khác ở Phật Tích:

1. Nguyễn Đức Ánh (1675 - ?) thi đậu đồng Tiến sỹ năm 41 tuổi, khoa thi năm Ất Mùi (1715), đời Vua Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh 11. Sau được giữ chức Hình bộ Tả thị lang, lúc về trí sĩ rồi mất - được triều đình truy tặng Công bộ thượng thư. Ông thân sinh ra Nguyễn Đức Vĩ, sau thi đậu Tiến sỹ năm 1727 và là ông nội của Tiến sỹ Nguyễn Quýnh đậu năm 1766, Tiến sỹ Nguyễn Tuân đậu năm 1778.

Sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" viết về Tiến sỹ Nguyễn Đức Anh như sau:

“Nguyễn Đức Ánh (1676 - ?), người xã Phật Tích, huyện Tiên Du, cha của Nguyễn Đức Vĩ, ông nội Nguyễn Quỳnh, 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), đời Lê Dụ Tông làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang, về trí sĩ. Sau khi mất được tặng chức Công bộ thượng thư, tước hầu”. 

2. Nguyễn Đức Vĩ (1700 - 1775), thi đỗ đồng Tiến sỹ năm Đinh Mùi (1727) đời Vua Lê Dụ Tông, Bảo Thái thứ 8. Năm 1736 được triều đình bổ làm quan với chức Đông các hiệu thư, rồi thăng Hình bộ Hữu thị lang và đổi sang làm Binh bộ Hữu thị lang, Lại bộ Tả thị lang (1739), chức Bội tụng (1743), Công bộ thượng thư kiêm công việc bộ Lại, Quốc tử giám tế tửu nhập thị kinh diên, tước Phương nghĩa hầu. Nguyễn Đức Vĩ là người thanh liêm, cẩn thận, làm quan trong triều được 18 năm, nhưng gia tài không có gì quý giá hơn những gia đình trung nông, nên ai cũng kính phục khen là liêm khiết. Năm 64 tuổi ông về trí sĩ tại quê nhà. Được ít lâu chúa Trịnh Sâm lại cho mời ra làm quan tiếp và thăng cho chức Binh bộ Thượng thư. Ông qua đời tháng 7 năm Ất Mùi - đời Cảnh Hưng 36 (1775) thọ 76 tuổi, được triều đình truy tặng làm Thái phó. Nguyễn Đức Vĩ thân sinh ra Tiến sỹ Nguyễn Tuân (Duân) đỗ năm 1778.

3. Nguyễn Duân (1736 - ?) - Ông thi đỗ đồng Tiến sỹ khoa Mậu Tuất, đời Cảnh Hưng thứ 39 (1778), khi ấy 43 tuổi. Sau được triều đình bổ làm quan Hàn lâm viện thị chế, đốc đồng xứ Kinh Bắc, ông là anh con nhà bác của Tiến sỹ Nguyễn Quýnh (đỗ năm 1766). Gia phả họ ghi tên ông là Nguyễn Tuân, còn các tài liệu khoa bảng xưa nay ghi là Nguyễn Duân.

4. Nguyễn Quýnh (1734 - ?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ, khoa Bính Tuất (1766) niên hiệu Cảnh Hưng 27, trong kỳ thi có danh sĩ Ngô Thì Sỹ đỗ Đệ nhị giáp (Đình nguyên). Sau đó ông được triều đình bổ làm quan Hàn lâm viện thị thư Đốc đồng Tuyên Quang và mất ở đó. Trong gia phả họ ghi: “Nguyễn Quýnh phụng gia ban tặng Hàn lâm viện thị giảng, phong tặng Đông các đại học sĩ”.

Nguyễn Quýnh là cháu nội của Nguyễn Đức Ánh, cháu họ gọi Nguyễn Đức Vĩ là chú ruột, em họ của Tiến sỹ Nguyễn Duân (con chú con bác). Ông thi đậu đại khoa năm 33 tuổi, khoa Bính Tuất (1766). Như vậy là họ Nguyễn làng Phật Tích gia tộc có truyền thống khoa bảng tiêu biểu nhất của quê hương nơi đây, với ba đời liên đăng Tiến sỹ có bốn vị đỗ đại khoa và nhiều cử nhân, tú tài. Xã Phật Tích ngoài bốn vị Tiến sỹ họ Nguyễn còn có một Tiến sỹ họ Ngô là: “Ngô Trần Thực, người xã Phật Tích nhưng trú quán tại xã Bách Tính, huyện Nam Chân nay là xã Nam Hồng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông đỗ giải nguyên khoa thi Hương, sau đỗ khoa Hoành từ (thi viết chữ đẹp). Năm 37 tuổi Ngô Trần Thực đỗ Đình nguyên đệ tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Canh Thìn, đời Cảnh Hưng 21 (1700), sau làm quan tới chức Đông các đại học sỹ thự thiêm Đô ngự sử”. Do đó nghiên cứu về Tiến sỹ Ngô Trần Thực, một số tài liệu lịch sử khoa bảng xưa nay ghi về tỉnh Bắc Ninh thường thiếu tên tuổi của nhà khoa bảng này. Tại làng Phật Tích hiện nay còn hai tấm bia đá ghi khắc tên, tuổi khoa danh, quan chức của các nhà khoa bảng nêu trên. Đó là những di vật duy nhất còn lại ở văn chỉ xưa của làng xã có truyền thống khoa bảng này.

Họ Nguyễn Phật Tích còn bảo trọng được từ đường gia tộc thờ các bậc tiên tổ những nhà khoa bảng tiêu biểu của quê hương và đất nước. Công trình này vốn được khởi dựng từ thời Lê. Trong đó hiện còn lưu giữ được gia phả họ ghi bằng chữ Hán, một số đồ thờ tự quý như câu đối, đại tự, ngai thờ và đặc biệt là một án thờ bằng gỗ, nghệ thuật chạm khắc rất điêu luyện, truyền kể đó là kỷ vật thiêng liêng do triều đình nhà Lê ban tặng.

Tư liệu và truyện ký trên đây có giá trị lịch sử vô cùng to lớn - góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc hơn về Đình nguyên Tiến sỹ Ngô Trần Thực và các nhà khoa bảng họ Nguyễn làng Phật Tích./.

                                                                                                                                                                                                                                           NGUYỄN DUY NHẤT