Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

BÌNH GIẢI “MÀY NGÀI, NÉT NGÀI” TRONG TRUYỆN KIỀU NGUYỄN DU
11:19 | 05/02/2024

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du dài gồm 3254 câu thơ lục bát. Qua rất nhiều các bài viết, bài nghiên cứu của những người có hàm chức như Giáo sư, Tiến sỹ, các nhà nghiên cứu văn hoá văn học nghệ thuật, các nhà báo nhà thơ đều khẳng định "Truyện Kiều là kiệt tác, là thi phẩm hội tập đầy đủ tinh hoa của ngôn ngữ Việt.

Với căn cứ trên, ta cũng không cần phải suy nghĩ nhiều các ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ Việt. Song, ta cũng cần chú ý cẩn trọng xem lại (đối chiếu) các từ (Nôm) để tham khảo. Bởi: cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm và hiện nay nguyên tác (bản gốc) không còn lưu.

 

Thời gian qua trong giới Kiều học (cụ thể là trong Hội Kiều học) có rất nhiều tranh luận trong các từ: “nét ngài và mày ngài”, cụ thể trong các câu:

1/ Câu 927:

Bên thì mấy ả mày ngài

Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi

2/ Câu 1213:

Khi khoé hạnh, khi nét ngài

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa

3/ Câu 1267:

Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

4/ Câu 2274:

Rỡ mình lạ vẻ cân đai 

                    (có bản ghi là lữa mình)

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

Trong bài viết này: Tác giả lại muốn trải lòng một thành viên sáng lập trong hội Kiều học, tâm hồn của một nhà thơ, tính cách của một nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, xin vô phép bình giải xung quanh các từ "mày ngài, nét ngài" trong bốn câu thơ: câu 927, 1213, 2167 và câu 2274 của cụ Nguyễn Du.

1. Câu 927 và 928 là một cặp thơ lục bát (6-8)

- 927 thể lục có 6 từ. Trong khuôn viên lầu xanh của Tú Bà, có nhiều nhà, nhưng địa điểm này có thể là nhà khách (nhà tiếp đón) lối đi vào nhà có hai bên (phải và trái).

- Ý thứ nhất: Thơ đã chỉ rõ: "Bên thì mấy ả mày ngài" ý thơ của Nguyễn Du đã gây lên (ảo). Ý thực là có ngôi nhà, đi vào thì có hai bên; bên - không biết là phải hay trái có "mấy ả", mấy ả thì phải có 2 ả trở lên, không quá 5 ả, toàn đàn bà không có đàn ông.

Hai từ “mày ngài" thực ở đây là "mấy ả" toàn "mày ngài" nhưng ảo lại là mày ngài thật hay giả - người đàn bà đẹp, có mày ngài... không được như Thuý Vân “nét ngài nở nang” thì cũng là nét ngài thật. Nhưng nếu mấy ả này đã dày công nhổ, tỉa lông mày, rồi thay thế bằng nét kẻ đen cho đôi lông mày hình lá liễu (mày ngài) thì sao?

- Câu 928 - Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi. Ý của câu (bát) này Nguyễn Du đã tả thực hoàn toàn. Có (ảo) thì (làng chơi) không rõ toàn đàn ông hay có đàn bà nữa (vì làng chơi có thể có cả đàn ông và đàn bà).

- Toàn bộ cặp lục bát 927 và 928 trên, Nguyễn Du đã rất tài nghệ sử dụng thuật giữa thật và ảo. Đặc biệt cụ đã sử dụng (thuật) ước định theo kiểu nôm na dân dã... (mấy ả, bốn năm người).

2. Câu 1213 và 1214 là một cặp lục bát 6-8

- 1213: “Khi nét ngài” câu lục (6) nét ngài ở câu này là (mẹo tình) nghề gái làng chơi do Tú Bà dạy bắt Thuý Kiều học để làm nghề. Thuý Kiều là thật, mày ngài của Thuý Kiều cũng là thật, nhưng "nét ngài" là ảo và giả tạo không như ở câu 20 tả Thuý Vân “nét ngài nở nang”. “Nét ngài nở nang” là nét ngài tự nhiên, nguyên thuỷ (nó chỉ được thể hiện khi con ngài cái mới ra tổ trong thời kỳ phát dục).

Câu bát (8) trong khổ thơ lục bát này có “ngâm ngợi nguyệt” và “cười cợt hoa”. Những từ trên Nguyễn Du ngụ ý tả không phải là nội tâm nhân vật, mà đều là hình ảnh giả tạo (mẹo) của gái làng chơi, buộc Thuý Kiều phải thực hiện. Thể hiện dùng mắt (lông mày) dùng mồm, môi để mua chuộc khêu gợi tình dành cho khách làng chơi (là mẹo của kích dục).

3. Câu 2167

“Râu hùm hàm én mày ngài” câu lục (6) ... Râu hùm, hàm én là nói lên người đàn ông đẹp, tuấn tú, anh hùng... còn “mày ngài” của đàn ông, theo điển cố văn học cũng là mày ngài đẹp. Nhưng “mày ngài” của đàn bà khác hẳn với “mày ngài” của người đàn ông.

- Mày ngài của người đàn bà là mày ngài của con ngài cái.

- Mày ngài của người đàn ông là mày ngài của con ngài đực, ở đầu con ngài cũng phát ra hai cái râu và có lông (ngược với ngài cái). Ngài đực lông cũng mọc dày từ phần nhỏ sát với đầu, lông mọc (mở) to dần đến quá nửa râu phát nở to rồi thu nhỏ (như lưỡi mác). Râu ngài cái thì cong, thanh nhưng râu ngài đực dựng ngược (mở) khoảng 60o - phía trên. Lông mày hình kiểu lưỡi mác tạo diện mạo người có tướng quân sự (võ tướng) trí quyết đoán và anh hùng.

4/. Câu 2274

- Câu lục (6) "Rỡ mình lạ vẻ cân đai" (cũng có quyển in là Lữa mình lạ vẻ cân đai), “rỡ” - rạng rỡ, tự hào, dám chắc tự tin.

- Câu bát (8) "Hãy còn hàm én mày ngài như xưa". Hai từ "hàm én" nói  về chàng con trai đẹp, tuấn tú. Còn hai từ “mày ngài” cũng đẹp... đàn ông có "mày ngài" lưỡi mác biểu hiện trời phú là một võ tướng trung thành luôn đi theo lẽ phải, chuyên làm điều nhân đức, dám chống lại cường quyền. Mặt khác lại là một người chung tình. Trong chiến trận, giữa rừng tên, núi mác... mạng sống vẫn bảo toàn, tình không đổi thay... một lòng thuỷ chung với một tình yêu (sét đánh) giữa Từ Hải và Thuý Kiều, bởi có hai từ cuối của câu bát (8) là hai từ “như xưa”. Như xưa... đã nói lên  lòng chung thuỷ trước sau không thay đổi.

Toàn bộ Truyện Kiều... xoay quanh từ “mày ngài” và “nét ngài”, cụ Nguyễn Du đã rất tài hoa trong bút pháp, quan sát kỹ con bướm, con sâu tằm - một nghề của nông dân người Việt. Cụ đã sử dụng ngôn ngữ Việt vào thể thơ lục bát, trong từng câu, từng ý, từng từ. Thơ cụ thể hiện, đa chiều, khiến người đọc đa cảm (giữa không gian thực và hư) và cuối cùng người đọc khi hiểu, khi biết lại rất đơn giản rằng:

- Mày ngài người phụ nữ đẹp giống mày ngài của con ngài cái có hai râu dài, thanh cong như hình một chiếc lá liễu.

- Mày ngài người đàn ông đẹp, tuấn tú, dáng anh hùng có hai râu dựng chếch khoảng 60o phần cuối có hình như lưỡi mác./.


                                                                                                                                                                                                                                           DƯƠNG MẠNH NGHĨA