Làng Cổ Mễ là một làng cổ có từ lâu đời ở thành phố Bắc Ninh, trước năm 1945 thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, Cổ Mễ thuộc xã Vũ Ninh, thị xã Bắc Ninh, nay là Khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Phía Đông và Bắc giáp Đáp Cầu và con sông Cầu, phía Tây và Nam giáp thôn Phúc Sơn, Phương Vỹ và Thị Cầu. Làng nằm ở phía Nam dãy núi Trâu Sơn dài hơn 1km, còn có các tên gọi khác như núi Vũ Ninh, núi Đồn, cùng một dãy núi trong khu vực gồm nhiều ngọn núi như núi Chùa, núi Hà Mã, núi Kho…
Đình làng Cổ Mễ dựng năm 1681, đời Vua Lê Hy Tông. Hiện nay đình còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong (của các triều Vua thời phong kiến ban tặng), cùng với 7 tấm bia đá (niên đại 1752, 1812, 1819, 1868, 1875, 1888), trong đó có 2 tấm bia nói về việc ghi chép thời gian khởi dựng và thời gian trùng tu đình, ghi tên một số người đã cung tiến cho làng một khoản tiền và ruộng hậu (ruộng để thu hoa mầu phục vụ cho việc cúng lễ những ngày tuần tiết hàng năm).
Đình Cổ Mễ nhìn về hướng Đông Nam, mặt trước có thủy tụ. Tòa đại đình mặt bằng hình chữ nhất (-), nhưng bờ nóc lại có hình chữ đinh (J), nếu nhìn từ trên cao xuống. Phần hậu cung được bố trí ẩn ngay trong tòa đại đình, đây có thể là do những lần tu sửa về sau đã nâng nửa sau gian giữa lên cao, tựa như một cái gác lửng, như vậy nơi đặt bài vị Thành Hoàng làng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm mà vẫn tạo nên sự gần gũi bởi vị trí cao hơn hẳn.
Tòa đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, chiều dài 25,5m, chiều rộng 13,7m, hiên rộng 1,2m chạy bốn mặt. Tám hàng cột dọc chia gian khá to, vững chãi; 6 hàng cột ngang gồm 2 cột cái, 2 cột quân và 2 cột hiên. Khoảng cách mỗi gian có chiều rộng không đều nhau, nhưng nếu lấy gian giữa làm trung tâm tỏa ra hai bên thì các gian có chiều rộng tương đối giống nhau, kiểu đăng đối. Bốn cột cái ở gian giữa, gọi là “tứ trụ đình trung” kích thước xấp xỉ bằng nhau (4.30 x 4.25m). Nóc đình cao khoảng 7m, bên trên bờ nóc đắp đôi rồng chầu vòng lửa, có thể đôi rồng chầu này được đắp bổ sung về sau, không cùng năm dựng đình. Mũi ngói giọt nước cách nền hiên đình 1,85m. Sau này dân làng đã hạ thấp nền hiên xuống 20cm, và nền sân thêm 20cm nữa, vì thế nóc đình đã cao khoảng 7,30m, mũi ngói giọt nước cao 2,25m, chiều cao tăng lên giảm bớt sự nặng nề và thấp tối… Và xây thêm hai dãy nhà tả vu, hữu vu mỗi dãy 3 gian.
Các cột hiên nối với cột quân bằng một cây kẻ, cột quân nối cột cái bằng hệ thống rường, phần vì nóc phía trên câu đầu nối hai cột cái có ba vì chồng rường tam, còn một vì ở bên phải xử dụng lối chồng rường kết hợp giá chiêng.
Những tác phẩm điêu khắc, trang trí trên các thành phần kiến trúc đình Cổ Mễ còn lại cho đến ngày nay đều là những mảng chạm khắc còn lại từ khi dựng đình. Trang trí kiến trúc đình làng thường lấy gian giữa làm trọng tâm, vì gian giữa là không gian thờ cúng, nên điêu khắc trang trí ở đây cũng mang tính chất trang nghiêm. Các mô típ long, ly, qui, phượng… thường được xử dụng để trang trí gian giữa. Bốn vì thuộc ba gian (gian giữa và hai gian áp bên) đều được chạm nổi và chạm lộng rất công phu, với những hình tượng hiếm thấy ở các ngôi đình khác. Những bức cốn của các gian bên đều là các mảng trang trí chính. Bức cốn phần hậu cung hình chạm khắc thể hiện cả hai mặt (mặt trước và mặt sau). Những hình tượng Vân long đại hội; Ngũ hổ tranh châu… với kỹ thuật đục chạm tinh xảo, hồn nhiên, đường nét hình khối phóng khoáng thoải mái, các hoạt cảnh cô tiên cưỡng rồng, múa hát hết sức sinh động, mặc những bộ xiêm y diêm dúa, chau chuốt, tạo khối mềm dẻo, có chiều sâu tầng tầng lớp lớp…Những tia mây lửa được bố trí nhịp nhàng như sóng nước, hình ảnh chạm khắc như kéo dài ra vô tận. Có những bức chạm không theo kiểu đăng đối, hình các mũi mác được gắn liền vào thân rồng xuôi về phía sau, gây cảm giác như con rồng đang bay về phía trước (ngược lại hình mũi mác). Các gian bên cạnh chạm khắc nhiều hình tượng người, cách tạo khối thoải mái tự do. Ở đây thấy có cảnh trai gái khoác vai nhau đùa nghịch, trêu ghẹo nhau rất vui nhộn, hóm hỉnh; Có bức chạm cảnh người điều ngựa; Có bức chạm cảnh hầu đồng; Lại thấy có bức chạm hình tượng con sư tử đội con thuyền, trên khoang thuyền có đoàn người đang chèo thuyền. Đặc biệt có bức chạm đầu người một nam, một nữ nhưng thân mình lại là hình chim. Rồi hình tượng các con thú hòa quyện với cây cỏ, đan xen với những đám mây kết hợp cùng các chữ “Phúc”, “Thọ”… kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm kênh bong… cách tạo khối đầy đặn. Hình tượng rồng vẫn là phổ biến, song rồng ở đây luôn đan xen, giao hòa với những cỏ cây, muông thú khác. Hình rồng được bố cục hòa quyện với hình tượng người, đôi chỗ hình rồng chỉ là yếu tố phụ để tôn vinh cho hình tượng con người là yếu tố chính.
Bức chạm cảnh Hầu đồng trên ván nong có bố cục rất chặt chẽ, sơn son thiếp vàng, các nhân vật mảng chính gồm cô đồng, các con nhang đệ tử, hai bên cung văn với nhạc công đánh đàn, thổi sáo, tấu nhạc, mảng phụ là người đàn bà đang đội lễ, các nhân vật được sắp xếp có chính, có phụ, tạo thành một bức tranh hoàn thiện, chặt chẽ đến độ không thể thêm vào hoặc bớt ra một đường nét, một chi tiết hay một hình tượng nào… Không gian của bức chạm là không gian ước lệ, cách tạo hình, khối tuy đơn giản nhưng gây được ấn tượng khá sâu sắc bởi các động tác, trạng huống của các nhân vật rất sinh động. Những tác phẩm điêu khắc trang trí trên cấu kiện gỗ đình Cổ Mễ không những đạt giá trị nghệ thuật cao mà còn là những tư liệu quí về nghi lễ, về y phục của người Việt xưa đối với những nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học…
Nếu so sánh mảng điêu khắc trang trí nội thất đình Cổ Mễ với các ngôi đình khác của Xứ Bắc tại thời điểm ra đời vào cuối thế kỷ XVII, chúng ta có thể nhận thấy hầu hết các bức phù điêu trang trí của các ngôi đình thời kỳ này đều giải quyết được rất tài tình tương quan giữa các hình khối và không gian; Giữa các khối lớn và khối nhỏ cùng hệ thống đường nét trong một bố cục và giữa phù điêu này với phù điêu khác. Căn bản là những tương quan hình thức đó được giải quyết phù hợp với các chức năng, vị trí và nội dung của từng bức. Bởi vậy đã đạt được sự thống nhất giữa hình thức với nội dung. Vì mỗi bức chạm khắc trang trí đều phụ thuộc vào bộ khung của kiến trúc, bắt buộc phải xử lý sao cho phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ và chức năng của từng khung cảnh. Mỗi phù điêu (mỗi bức chạm khắc) chỉ được thể hiện trong một kích cỡ nhất định, nghệ nhân làm đình phải tính toán, lựa chọn sao cho hình khối này không lấn át hình khối kia, lại phải chọn đúng thời điểm tập trung nhất của sự việc, chọn những khoảng khắc tiêu biểu nhất, cô đọng nhất để phản ánh.
Các bức chạm khắc đình làng, nhất là hình tượng con người luôn luôn được nghệ nhân làm đình chủ động tạo hình bằng cách biến dạng hình thể, nghĩa là không câu nệ vào việc có giống như thật hay không? Tùy từng khung cảnh, tùy từng vị trí mà các nghệ nhân chọn cách thức biến dạng hình thể sao cho phù hợp. Phép biến dạng hình thể không bao giờ có một quy luật nào nhất định. Người ta có thể phóng đại một bộ phận nào đó trong cơ thể con người hay trên thân hình một con thú mà không cần quan tâm đến cơ thể học, giải phẫu học, chỉ cần nhấn mạnh phần định tập trung mô tả.
Không gian trong từng bức phù điêu đình Cổ Mễ là “không gian ước lệ”, nhân vật nào là chính thì cho to ra, chi tiết nào là phụ thì cho nhỏ lại. Tranh dân gian Đông Hồ cũng thể hiện loại không gian này. “Không gian ước lệ” cho phép nghệ nhân tạo hình nhìn thấy cả những chi tiết, nếu như nhìn từ một điểm theo luật viễn cận Châu Âu thì chi tiết ấy sẽ bị khuất. Tính chất cách điệu làm cho người xem không những không bị khó hiểu, ngược lại luôn làm tăng sức gợi cảm.
Trong nghệ thuật điêu khắc đình làng tiêu biểu ở Bắc Ninh, không thể không kể đến đình Cổ Mễ, đình Hồi Quan, đình Phù Lưu, đình Diềm. Với cách tạo khối hình đầy đặn, còn nguyên chất thô mộc, không tỉa chi tiết, không tả mà chỉ gợi, không cố đánh bóng cho trau chuốt, song lại có sức truyền cảm cao hơn hẳn phong cách chạm tỉa cầu kỳ, kỹ lưỡng, mền dẻo của các ngôi đình thế kỷ XVIII. Có nhiều bức vượt lên tính trang trí đơn thuần, chứa nhiều giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa nhân văn…
Đình Cổ Mễ thờ hai vị tướng Trương Hống, Trương Hát, dân gian gọi là Thánh Tam Giang, có công lớn giúp Triệu Quang Phục (549-570) đánh giặc Lương vào thế kỷ thứ VI làm thành hoàng làng. Tương truyền các ngài đã hiển linh phù giúp Thái úy Lý Thường Kiệt cầm quân phá tan quân Tống xâm lược vào năm 1077. Làng cũng thờ một vị quan võ họ Nguyễn, người quê Thanh Hóa, có vợ người làng Cổ Mễ làm hậu thần, từng giữ chức Hậu cần tiền đốc Tiến sỹ phục quốc Thượng tướng công gia tăng bác quân Đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự, kiêm Quận công Nguyễn tướng công, tự Phúc Hải thụy Trung tín phủ quân. Hằng năm làng Cổ Mễ tổ chức lễ hội đình vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch. Vào những dịp ấy, dân làng mang lễ vật đến đình thành kính dâng hương, tế lễ Thành Hoàng, cầu mong Thần phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi nảy nở, quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, phát tài phát lộc. Tế lễ xong xuôi chuyển sang phần hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn, đặc biệt có hội hát Quan họ ở sân đình, ở dưới thuyền trên mặt nước hồ ao./.
ĐỖ HỮU BẢNG