Trong những năm qua, lĩnh vực Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh, giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa quý báu của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đã có rất nhiều các tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ trong tỉnh chứa đựng giá trị nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, đạt giải trong các liên hoan, triển lãm khu vực.
Tuy nhiên, cùng với việc không ngừng nâng cao giá trị của các tác phẩm VHNT thì công tác quảng bá các tác phẩm ấy cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Công tác quảng bá chính là cây cầu kết nối các văn nghệ sĩ với quần chúng nhân dân, kết nối các tác phẩm VHNT với những người thụ hưởng, để VHNT được lan tỏa ngày càng sâu rộng, bám rễ vào quần chúng. Có như vậy, văn học nghệ thuật mới khẳng định được vai trò, vị trí vốn có của mình, các tác phẩm VHNT mới thực hiện được sứ mệnh là lực lượng đi đầu trọng sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Với sự quan tâm của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, sự nỗ lực của các cán bộ công tác hội và hội viên, thời gian qua, hoạt động quảng bá các tác phẩm VHNT cũng đã dần được quan tâm chú ý và đạt được những thành tựu bước đầu. Tạp chí Người Kinh Bắc - Cơ quan ngôn luận của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Với 100 trang/số định kỳ hàng tháng, Tạp chí Người Kinh Bắc đã góp phần giới thiệu các tác phẩm VHNT đến với các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, các Hội VHNT tỉnh bạn, các hội viên của Hội, đến cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Website Người Kinh Bắc đã được không ngừng nâng cấp và đổi mới, việc đăng tải các tác phẩm VHNT đã được quản trị viên cập nhật thường xuyên, liên tục.
Lãnh đạo Hội cũng đã tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ các văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm. Tất cả các cuộc thi, liên hoan, triển lãm, xét giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, cấp khu vực, các tỉnh bạn… được lãnh đạo Hội quan tâm chỉ đạo, triển khai và động viên rộng rãi các văn nghệ sĩ tham gia. Cùng với đó, Lãnh đạo Hội cũng nỗ lực để cân đối kinh phí dành cho hoạt động quảng bá, thiết thực góp phần khích lệ các văn nghệ sĩ, nhất là hoạt động triển lãm và trưng bày các tác phẩm kiến trúc, mĩ thuật, ảnh nghệ thuật.
Lãnh đạo Hội và các hội viên luôn sẵn sàng mở rộng không gian giới thiệu các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ. Điển hình như lãnh đạo Hội và hội viên đã tích cực phối hợp với phòng Văn nghệ- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bắc Ninh để thường xuyên xây dựng các chuyên đề giới thiệu tác phẩm của các văn nghệ sĩ trên kênh truyền hình địa phương; Tích cực tham gia trưng bày báo xuân trong các dịp đầu xuân mới, tham gia các gian hàng trưng bày sách, tạp chí nhân kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam… Đồng hành với lãnh đạo Hội, Ban chấp hành các phân hội, chi hội cũng tích cực tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề góp phần tăng cường hoạt động quảng bá các tác phẩm trong chi hội, phân hội.
Cùng với các hoạt động quảng bá của Hội VHNT tỉnh và các chi hội, phân hội, các văn nghệ sĩ cũng đã tích cực tìm tòi, nỗ lực tự thân nhằm quảng bá các tác phẩm của mình đến công chúng. Đã xuất hiện các hoạt động công diễn, triển lãm, các buổi ra mắt giới thiệu tác phẩm mới xuất bản của các hội viên. Trong lĩnh vực Âm nhạc, một số nhạc sỹ, nghệ sỹ đã chủ động thu âm, phối khí, in đĩa; Lĩnh vực Sân khấu, các nghệ sỹ đã chủ động dàn dựng, biên đạo... nhằm đa dạng hóa hoạt động quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Mặc dù hoạt động quảng bá tự thân còn chưa nhiều nhưng cũng đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc giới thiệu rộng rãi các tác phẩm VHNT.
Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ cũng đã thích ứng dần với công nghệ số, đã tích cực khai thác các trang mạng xã hội để giới thiệu các tác phẩm VHNT của mình. Đây là một kênh quảng bá mới nhưng rất phù hợp với xu thế của thời đại, nếu biết cách tận dụng và khai thác một cách hợp lý sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn.
Với sự lãnh đạo của Hội VHNT tỉnh, sự nỗ lực của các cán bộ công tác hội và hội viên, thành quả trong hoạt động quảng bá các tác phẩm VHNT trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ trong việc đưa các tác phẩm mới, các tác phẩm xuất sắc của các văn nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng yêu văn nghệ trong và ngoài tỉnh.
Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, kết quả hoạt động quảng bá đạt được vẫn còn rất hạn chế. Hầu hết các tác phẩm VHNT mới chỉ được giới thiệu bó hẹp trong nội bộ các văn nghệ sĩ, thậm chí giới hạn trong nội bộ từng chi hội chuyên ngành. Rất nhiều tác phẩm VHNT chưa đến được nơi cần đến, chưa tới được với công chúng yêu văn nghệ, chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Cá biệt một số tác phẩm được công chúng yêu mến và phổ biến rộng rãi thì lại được biết đến qua các kênh tự phát, không qua hoạt động quảng bá chính thống, điển hình như các ca khúc trong lĩnh vực âm nhạc.
Công tác quảng bá trong thời gian qua chậm thích ứng với cơ chế thị trường, chậm đổi mới theo thị hiếu và nhu cầu thụ hưởng của xã hội. Hoạt động quảng bá vẫn đi theo lối mòn truyền thống, chưa bắt nhịp kịp với xu thế chung.
Nhìn lại những năm vừa qua, rất nhiều tác phẩm VHNT tỉnh nhà đã đạt giải cao ở cấp Trung ương và khu vực, đặc biệt hàng năm, Hội VHNT tỉnh nhà cũng đã tổ chức phát động và trao giải rất nhiều cuộc thi sáng tác dành cho các chi hội chuyên ngành, nhưng dường như chưa có một hoạt động quảng bá chính thức nào được tổ chức để giới thiệu rộng rãi nhằm tôn vinh về giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm xuất sắc ấy. Sự chia vui với tác giả- tác phẩm vẫn chỉ bó hẹp trong đội ngũ lãnh đạo Hội, hội viên cùng chi hội chuyên ngành hoặc hạn chế trong các nhóm văn nhân, thi hữu.
Những năm qua, Hội VHNT tỉnh nhà cũng đã tập trung rất nhiều tâm huyết và trí tuệ của các văn nghệ sĩ để biên soạn và xuất bản nhiều đầu sách VHNT. Tuy nhiên, bao năm qua, Hội vẫn chưa có nguồn kinh
phí để tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá cho các đầu sách mới.
Cơ quan văn phòng Hội không có đủ nhân lực để phân công cán bộ chuyên trách hỗ trợ công tác quảng bá tác phẩm. Bởi vậy, hầu như chưa có sợi dây liên kết thường xuyên, liên tục giữa Hội và văn nghệ sĩ với các nhà xuất bản, nhà sách; với các công ty sản xuất âm nhạc; với các đoàn nghệ thuật biểu diễn, các ca sĩ; với các công ty tổ chức sự kiện, trung tâm tổ chức sự kiện; với các đơn vị chuyên tô chức triển lãm, trưng bày… Cũng vì vậy, không tận dụng được những nguồn lực quý báu ấy để phối hợp và hỗ trợ cho công tác quảng bá các tác phẩm VHNT.
Việc tận dụng các kênh truyền thông đa phương tiện, các trang mạng xã hội để quảng bá tác phẩm VHNT còn nhen nhóm, tự phát; chưa có một định hướng chiến lược mang tính nhất quán cũng như cơ chế khai thác và tận dụng hữu hiệu các kênh quảng bá này.
Đây đó có một vài văn nghệ sĩ rất tâm huyết với tác phẩm của mình và cũng có điều kiện kinh tế nhất định nên đã cố gắng để tự tổ chức hoạt động quảng bá cho
những đứa con tinh thần do mình sáng tạo ra. Nhưng điều kiện kinh tế của đại đa số các văn nghệ sĩ chỉ ở mức trung bình hoặc rất eo hẹp. Cho nên hầu hết các văn nghệ sĩ, dù ôm ấp khát khao sẽ có một vài hoạt động quảng bá cho các tác phẩm VHNT của chính mình nhưng lực bất tòng tâm. Nếu như trong hoạt động sáng tác, ít nhiều còn nhận được kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ sáng tác của trung tâm Hỗ trợ sáng tác- bộ Văn hóa, TT&DL. Nhưng đối với công tác quảng bá, các văn nghệ sĩ gần như chưa nhận được bất kỳ một quỹ hỗ trợ chính thức nào từ trung ương đến cơ sở.
Mỗi một tác phẩm VHNT khi được các văn nghệ sĩ tâm huyết sáng tạo ra đều rất trân quý, đó chính là đứa con tinh thần mà các văn nghệ sĩ gửi gắm tâm tư, nguyên vọng. Và có lẽ, văn nghệ sĩ nào cũng mong muốn đứa con tinh thần của mình được đông đảo mọi người biết đến, đón nhận và tỏa sáng để góp phần mang lại những giá trị tích cực trong đời sống xã hội. Thậm chí có những tác phẩm VHNT dù chưa xuất sắc thì các văn nghệ sĩ cũng mong muốn có được những đóng góp, nhận xét từ mọi người. Có như vậy thì các văn nghệ sĩ mới có động lực để nâng cao tay bút nhằm hoàn thiện các sáng tác của mình hơn, có động lực để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Một tác phẩm VHNT dù xuất sắc đến mấy nhưng nếu không được quảng bá rộng rãi thì chẳng khác nào “áo gấm đi đêm”, sáng tạo ra mà không nhận được sự chia sẻ thì nó sẽ tự bào mòn dần tâm huyết của người sáng tạo.
Dẫu vẫn biết sức sống của VHNT rất mãnh liệt, không qua con đường này thì qua con đường khác để đến với quần chúng nhân dân, bởi xét cho cùng, quần chúng nhân dân chính là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng những giá trị và thành quả ấy; dẫu vẫn biết nếu không có các hoạt động quảng bá rầm rộ, trống reo cờ mở, thì ngọn lửa VHNT vẫn âm ỉ lan tỏa trong văn nghệ sĩ và công chúng yêu văn nghệ. Nhưng có lẽ, đã đến lúc cần có những nhận thức mới, những nguồn lực mới, những phương thức mới để khơi cho ngọn lửa ấy bùng cháy rực rỡ…
Do khuôn khổ của mỗi số tạp chí có hạn, chúng tôi còn tiếp tục trở lại vấn đề này trong những số sau.
CHÍ HIẾU