Tuồng là bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo mang tính bác học, từng có một thời hoàng kim ở nước ta. Trước đây, ở làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng hàng năm vào những ngày hội, xuân thu nhị kỳ như hội chùa Điều Sơn (20 tháng Giêng âm lịch), hội Đình Kim (mùng 8 tháng Tám) đều có những đêm diễn Tuồng cổ tại sân chùa, sân đình. Có những thời điểm về sau, đội Tuồng Thị Cầu dành được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được nhiều nơi biết đến.
Đầu năm mới đội Tuồng cổ diễn tích Tam Đa chúc thọ tại đình Kim - cầu cho mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu - cầu chúc các cụ bô lão trong làng thượng thọ, an khang, dân làng quanh năm no ấm. Cứ 5 năm một lần dân làng tổ chức rước cỗ, thi cỗ để 4 giáp Đông - Đồng - Già - Giữa dự thi, nhưng đội Tuồng cổ thì năm nào cũng biểu diễn để góp vui với dân làng, tạo không khí phấn khởi trong ngày hội làng.
Trước khi diễn ra lễ hội tháng Tám, tối nào các nghệ nhân cũng đến tập trung và trao đổi các bài bản, người biết chỉ bảo người chưa biết tập vở mới, tập các làn điệu, tập múa, cùng các nhạc công tập đàn, kèn, sáo nhị. Các vở Tuồng đã biểu diễn: Sơn Hậu đệ nhị, Lã Bố hý Điêu Thuyền, Tống Tửu Ô Hắc Lợi, Giang Đông phó hội, Dự Nhượng đả long bào, Ngũ viên thiệu, Hoa dung tiểu lộ, Tam tòng tam phóng Cao Tôn Bảo, Đào Phi Phụng, Trảm Trịnh Ân và một số vở khác như Phụng Nghi đình, Quan Công quá ngũ quan trảm lục tướng, Đào Tam Xuân loạn trào, Tam cần tam phóng, Tiết Đinh Sơn…
Sau những năm 1945, các nghệ nhân lần lượt về cõi vĩnh hằng, không còn người kế cận, tiếp tục duy trì môn Tuồng cổ truyền thống của làng, vì vậy nhiều người dân trong làng rất luyến tiếc.
Mãi đến năm 1959, đội Tuồng thế hệ mới đã tiếp nối và tiếp tục duy trì tốt các hoạt động nhờ sự giúp đỡ của ông Võ Thao - Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Bắc Ninh, làm cầu nối để địa phương được kết nghĩa với đoàn Tuồng Trung ương Liên khu 5 và đoàn đã tận tình giúp đỡ kể cả truyền nghề; dạy hát, nuôi dưỡng sinh hoạt cho các nữ diễn viên. Đoàn cử người về địa phương dàn dựng và đạo diễn, trang bị cả quần áo, đạo cụ, tất cả vai diễn. Ở địa phương, chi bộ Đảng, chính quyền, MTTQ đã vận động bà con ủng hộ vải để may phông màn, diềm, cánh gà... kích thước như của các đoàn văn công tỉnh. Một mặt vận động bà con nam, nữ thanh niên tham gia xây dựng sân khấu tại trung tâm chợ Cầu Kim. Bên ngoài, có làm biển gỗ kẻ chữ "Nhà hát nhân dân". Phong trào văn nghệ ở địa phương thời gian từ 1960 rất sôi nổi.
Khi hoàn thành nhà hát và sân khấu, Đoàn tuồng Liên khu 5 cũng về dự và hát trích đoạn một số tiết mục để chào mừng đội tuồng dựng thành công vở Trưng Nữ Vương và hoàn thành nhà hát của khu phố.
Năm 1964 đội Tuồng tham gia Hội diễn thị xã Bắc Ninh, Hội diễn tỉnh Hà Bắc và tham gia phục vụ các hội nghị ở địa phương, chào mừng những ngày kỷ niệm như: 19/5, 2/9, 22/12 và ngày tết Nguyên đán được nhân dân đón nhận nhiệt tình.
Sau khi tập thành công 4 vở: Trưng Nữ Vương, Đào Tam Xuân loạn trào, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, đội Tuồng đã phục vụ địa phương, các phố, xã bạn như Đáp Cầu, Tiền An (rạp hát Hòa Bình) sân chiếu bóng Cầu Gỗ (Vệ An) phục vụ các hội nghị tổng kết của trường Thương nghiệp tỉnh Bắc Ninh theo lời mời và ký hợp đồng diễn với các xã Phượng Mao (Quế Võ), Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang), Quả Cảm (Yên Phong), xã Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang), phục vụ Đại hội Dân quân toàn huyện. Những năm 1960 - 1970, đội Tuồng Thị Cầu tự hào là đội văn nghệ chủ lực của thị xã Bắc Ninh. Đội Tuồng đã vinh dự được Ty Văn hóa, UBND tỉnh (Hà Bắc) tặng Bằng khen; UBHC thị xã Bắc Ninh, Phòng Văn hóa thị xã tặng Giấy khen. Các diễn viên Trịnh Sự, Cao Liễm được tặng Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ hội diễn. Nữ diễn viên Nguyễn Thị Loan cũng được nhiều Giấy khen của Phòng Văn hóa. Những thành tích đóng góp, công sức rèn luyện của các nam, nữ diễn viên không chuyên của đội Tuồng Thị Cầu rất đáng trân trọng và khích lệ vì tham gia đều lấy tinh thần say mê văn nghệ, một thú vui thanh tao để cùng động viên nhau hăng hái lao động sản xuất. Sau đêm biểu diễn, sáng hôm sau ai nấy lại làm việc lao động sản xuất bình thường.
Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Văn Cầu cho biết: Ở đất này, có mấy ai không yêu Tuồng! Có nhiều người là… “nghệ sĩ nông dân”, những tiết mục Tuồng cổ xen kẽ Tuồng Trung ương, “Tuồng làng” cùng hát Quan họ, hát Trống quân… Năm 12 tuổi lần đầu tôi đi xem Tuồng trên khu giảng đường của Thị Cầu (sau này tiêu thổ kháng chiến) trên núi ông Tư. Đi làm năm 1957, tôi vẫn được xem ở khu vườn nhà ông Hồ Bính. Ấn tượng nhất về các vai diễn là vai Khương Linh Tá ba lần bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu vẫn chắp lại đầu tiếp tục chiến đấu ngăn quân Tạ để cho bạn thân Đổng Kim Lân thoát nạn. Mãi đến khi sức cùng lực kiệt thì hóa thành ngọn đèn soi đường cho Đổng Kim Lân vượt khỏi rừng núi hiểm nghèo trong vở Tuồng Sơn Hậu.
Người thầy dạy Quan họ và trống cổ bộ, cụ Nguyễn Văn Tý những lúc ngồi chẻ lạt để xâu ổ sứ ở HTX Cộng lực thường vừa hát Tuồng, vừa dạy cho trò những câu Quan họ và thổi hồn để lớp trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống. Hiện nay Nghệ nhân nhân dân Quan họ Nguyễn Văn Cầu vẫn còn lưu giữ được một số băng từ ghi âm các trích đoạn về Tuồng Hai Bà Trưng, ca trù ông Tô Tử, anh giả điếc, các câu Quan họ của cụ Tý.
NSƯT Phạm Đăng Mùi còn nhớ khi về Thị Cầu học Quan họ, ngoài các động tác múa dùi điêu luyện, đẹp mắt của đội hình đánh trống Cổ bộ, những tiếng ca Quan họ ấm nồng của các liền anh Thị Cầu, liền chị Đào Xá thì ca Tuồng của các diễn viên không chuyên ở Thị Cầu đều mãn nhĩ.
Trong ký ức NSƯT Tuồng Nguyễn Đức Tú, làng Thị Cầu xưa có nhiều cụ hát Tuồng. Ông gia nhập Đoàn Nghệ thuật Tuồng Hà Bắc năm 1987. Nhiều lần về diễn ở sân chiếu bóng Thị Cầu (nay là Trạm Y tế phường), các cụ ra động viên nhiệt tình lắm nhưng sau này thưa dần vì sức khỏe và tuổi tác.
Xã hội phát triển, các loại hình nghệ thuật ngày càng phong phú, song với nghệ thuật Tuồng có nơi có biểu hiện mai một. Ở các làng quê xứ Bắc rất ít nơi còn duy trì được nghệ thuật Tuồng cổ, có nhiều nơi đã mất hẳn như ở Thị Cầu. Dù một thời vang bóng, đến nay nghệ thuật Tuồng chỉ còn một phần trong kỷ niệm của người dân nơi đây./.
Tài liệu tham khảo:
Ghi chép của cụ Nguyễn Vinh (Khu 3, phường Thị Cầu, Tp Bắc Ninh)
NGUYỄN THỊ HẢI