Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NGUYỄN CHU THẮNG VÀ NGUYỄN HÒA - HAI CHÚ CHÁU ĐỀU ĐỖ TIẾN SỸ
11:10 | 28/11/2023

Nguyễn Chu Thắng, thụy là Quế Nguyên tiên sinh, sinh năm Canh Tuất, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thành phố Từ Sơn), là chú họ của Nguyễn Hoà), xuất thân từ viên ngoại lang. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, làm quan đến chức Tán trị đạo Nghệ An, Thừa Chính sứ ti Tham chính, được phong tước Hoa Khê bá. 

Tiến sỹ Nguyễn Chu Thắng được gia phong các mỹ tự: Thông minh, Cương trực, Huệ trạch, Hiển linh, Hộ quốc, Hựu dân, Phù vận, Tế thế, Tuy hưu, Triệu mưu, Tá lí, Phù khánh, Quảng vận, Diễn phúc, Thừa hưu, Dương vũ, Phục tích, An dân, Trợ quốc, Đốc hựu, Hồng ân, Vĩ tích, Trợ uy, Chiêu huê, Chính trực, Minh đoán, Hùng tài, Vĩ lược, Cương chính, Anh quả, Thông minh, Thần vũ, Duệ trí, Tinh anh, Tuấn triết, Khoan bình, Khải đễ, Trầm hậu, Trinh thuận, Duệ trí, Văn nhã, Kiện Dũng, Hùng vĩ, Anh linh, Hồng hy, Anh đức, Thịnh công, Chính nghị. 

Vốn trước đây ông làm nhà ở xã Thiết Bình thuộc huyện Đông Ngàn.

Truyền kể: ông từng dạy học ở Kim Hoa đất Bắc Hà, học trò theo học ông có tới hơn hai trăm người. Một ngày kia có ông Nguyễn Văn Giai, người huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang xứ Nghệ An đến du học ở đất Bắc, ông thấy người ấy có dáng vẻ văn nhã bèn đến cùng nhau kết nghĩa, phân chia tử đệ rõ rằng. Ngay sau đấy Văn Giai trở về để ứng tuyển khoa thi Tiến sỹ đời Lê. 

(Nhà Lê thời kì đầu khi chưa phục quốc, đặc biệt có mở các Chế khoa để chọn kẻ sĩ. phân làm nhị giáp và viết rằng: Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân và Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân. Đến năm Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 3 đời Vua Anh Tông Nghị hoàng đế, mới mở khoa thi Tiến sỹ, khoa thi đó ông Nguyễn Văn Giai đỗ Đình nguyên Hoàng giáp). Còn ông Chu Thắng mãi đến khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh thứ hai (1592) (Hồng Ninh niên hiệu của Mạc Mậu Hợp) vào cuối đời nhà Mạc mới đỗ Tiến sỹ, tên đứng thứ 13, năm đỗ ông 43 tuổi. 

Khoa thi Đình năm ấy không có Tam khôi, chỉ có ông Phạm Hữu Năng người xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Giàng đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.

Vào năm nhà Mạc mất, Vua Lê tiến ngự kinh thành, Văn Giai khuyên ông quy Thuận. Ông được tuyển dụng lại, đồng thời có sáng tác ra bài phú “Nhân đoan nghĩa đoan,” thế là ông đỗ đầu, sau chuyển vào Nghệ An giữ chức Tham chính. Văn Giai có cho mọi người thân thích cùng đến thụ nghiệp. Đến năm Mậu Ngọ, con thứ của Bình An vương là Vạn Quận công Trịnh Thung muốn lập đảng phái của mình ở Nghệ An để mưu cầu việc riêng, có đến xin nhờ ông giúp đỡ, nhưng ông từ chối. Thung ngậm mối hận trong lòng, bèn ngầm sai bọn cướp tới nhiệm sở của ông, chờ đến tối để đột nhập vào nhà, nhưng ông đã nhanh chóng luồn cửa sau chạy ra ngoài. Bọn chúng truy đuổi ráo riết, vài ngày sau ông bị thương nặng rồi mất, (Từ năm Canh Tuất đến lúc nhậm chức ông đã trải qua ba lần thi) thọ 69 tuổi. 

Anh của ông Chu Liêu giữ chức Chủ bạ, con gái ông thường ra vào Vương phủ, may gặp được vận rồng, nhân cơ hội đó xin cầu phong cho cha và chú. Vua thuận lòng cho, bèn sai các quan trong triều đình bàn định xem xét phong tặng sắc cho ông Chu Liêu. Văn Giai lúc ấy đang được trọng dụng, báo đáp cái đức nghĩa của ông, nên nhân đó cũng tán thành. Thế là ông với Chu Liêu cùng được nhà Vua phong là Thượng đẳng phúc thần đại vương, và được dựng miếu phụng thờ ở xã Thiết Bình, xã đó phải thờ phụng chu đáo. Dòng dõi con cháu ông ở xã này rất đông. 

Truyền kể: Lúc các ông mới được phong tặng, vốn được nhà nước làm tế lễ. Xã ấy phải khổ sở về việc phải tuân thủ yêu sách, nên họ bèn xin cho đem về quê để tế. Sau này miếu đó bị đổ nát, lại phải lo lắng (đắn đo) về kinh phí tu sửa, nên lại xin rước thần vị của các ngài về nhập vào trong đình để tế cùng với thành hoàng của bản tự.

Theo sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” Nguyễn Chu Thắng xuất thân từ là Viên ngoại lang. Năm 43 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 8) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh thứ 2 đời Mạc Mậu Hợp (1592). Ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến Tham  chính, tước Hoa Khê Bá. Năm Mậu Ngọ (1618), ông bị sát hại, lúc ấy mới 69 tuổi. Sau ông được triều đình  ban sắc phong là Đại vương thượng đẳng thần và lập miếu thờ ở làng Thiết Lũ (nay là thôn Kim Lũ).

2. Nguyễn Hoà: đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628), làm quan đến chức Cẩn sự lang, Sơn Tây đạo Giám sát ngự sử. Ông có tên thụy là Nhã Phong tiên sinh. 

Ông sinh năm Mậu Dần (1578), Truyền rằng: Nguyễn Hòa là người có sách lực tự cường (luôn gắng sức tự phấn đấu), ôn bài đọc sách không ngừng nghỉ. Mỗi đêm khi đọc tới sách Nguyễn Lưu thì ông thường lấy những đọan hay chép ra, để đến lúc làm thơ thì thường lấy những đọan đã chép (trong sách Nguyên Lưu) ấy ra làm câu khởi câu thực. Sau đời Lê Trung Hưng, ông đỗ Tiến sỹ năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Vua Lê Thần Tông, (Từ lúc Vua Trang Tông lên ngôi ở sách Vạn Lai tiếp tục kế nối dòng chính thống của triều Lê. Trải từ đời Vua Trung Tông, Anh Tông đến Thế Tông năm Quang Hưng thứ 15 thì mới khôi phục được Kinh Đô, làm nên cái nghiệp của Trung Hưng. Vua Thần Tông là con của Kính Tông và là cháu của Thế Tông) tên đứng thứ 8, năm đỗ ông 51 tuổi.

Khoa thi Đình năm ấy có ông Giang Văn Minh người xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc đỗ Thám hoa, thi Đình thi Hội đều đứng đầu. Tiến sỹ Nguyễn Hòa mới nhận chức Giám Sát chưa được bao lâu thì mất. 

Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” chép: “Nguyễn Hòa sinh năm Mậu Dần (1578), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), xuất thân từ Giám sinh. Năm 51 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 2), khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, đời Lê Thần Tông-1628 (khoa này, lấy đỗ 18 người, trong đó có 1 Thám Hoa, 3 Tiến sỹ xuất thân, 14 đồng Tiến sỹ xuất thân).

Ông làm quan đến  chức Giám sát Ngự sử, chưa kịp về chí sỹ đã mất. Nguyễn Hòa là cháu họ Nguyễn Chu Thắng.

 Nguồn tư liệu: chủ yếu theo tài liệu “Cổ Mặc danh công truyện ký  do Nguyễn Tử Trinh hiệu Độn Phu biên soạn năm Chính Hòa2 (1681), sao chép năm Vĩnh Hựu thứ nhất (1735). Đó là tư liệu cổ sử có giá trị độc đáo hiện lưu tại  nhà thờ họ Đàm Thận, xã Hương Mạc, Từ Sơn. Các sách, tư liệu khác từ trước đến nay viết về các nhà khoa bảng trên có nhiều, xin không nêu lại ở đây nữa./.

 

Chú thích:

Nguyễn Lưu: đó là sách đạo giáo Nguyễn Lưu

Khởi thực: câu khởi câu thực trong thơ.

Vạn Lại sách: một trại Thanh Hóa, nơi mà nhà Vua đã lên ngôi.

 
                                                                                                                                                                                                                                                          LÊ HỒNG NGÂN