Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

RỒNG - DẤU HIỆU HOÀNG GIA
11:36 | 05/02/2024

Hiện nay hầu khắp các làng quê Việt đều có ngôi đình làng, trên nóc đình cổ kính là đôi rồng chầu nguyệt oai phong. Thật khó lí giải vì sao lại có rồng tại thượng như vậy nếu không biết rằng rồng là dấu hiệu của Hoàng gia, nghĩa là vị thần được thờ trong đình, dù là thiên thần hay nhân thần, đều đã được triều đình ghi nhận là thành viên Hoàng gia qua sắc phong tước Vương cho thần.

Nguồn gốc rồng là dấu hiệu của Hoàng gia có nhiều cách giải thích khác nhau. Người thì cho rằng đây là sản phẩm của trí tưởng tượng con người về một loài vật cao quý dành cho Đế Vương. Người thì cho rằng rồng là biểu tượng của sức mạnh chiến thắng của Đế Vương khi đem quân đi chinh phạt các nước nhỏ, mỗi lần thắng lại cắt một phần quốc huy của nước thất trận để tỏ dấu hiệu chinh phục, sau đó hình thành một con vật là tổng hoà của nhiều loài thú khác. Lại có người cho rằng rồng là hình ảnh ước lệ của các dòng chảy, biểu tượng của nước, gắn với đời sống cư dân nông nghiệp. Nghĩa là mọi cách giải thích đều hướng tới rồng là con vật không có thật, do đó nó càng cao quý. Tuy nhiên, một số người lại khẳng định đã nhìn thấy loài vật biển có hình dáng to lớn giống con rồng đã được mô tả khi lái máy bay và tàu qua các vùng biển vắng. Ở Nam Dương hiện vẫn còn loài rồng Cômađô sống chủ yếu trên cạn, thân thể to lớn như cá sấu, gần giống thằn lằn. Cũng có một số loài thằn lằn nhỏ sống ở vùng núi, có hình dáng gần giống rồng nên cũng được gọi là rồng.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là cứ liệu sớm nhất khẳng định rồng là dấu hiệu Hoàng gia. Truyền thuyết này về sau được sử gia Ngô Sĩ Liên đưa vào phần ngoại kỉ để chắp nối đầy đủ lịch sử dân tộc từ xa xưa đến thời đang viết, được Vua Lê Thánh Tông phê duyệt trở thành sử liệu chính thức truyền đời. Kỉ Hồng Bàng được nhiều địa phương thờ, và những nơi này đều có bản Ngọc phả kể chi tiết 18 đời Hùng Vương, như bản Ngọc phả ở Hi Cương, bản Ngọc phả ở Bình Ngô... Theo đó, Lạc Long Quân là đời Hùng Vương thứ hai, hiệu là Hùng Hiền Vương. Do nguồn gốc rồng nên bà Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng rồi nở ra trăm con trai. Lúc này Lạc Long Quân đã là Vua một nước, có bá quan văn võ, có muôn dân rồi. Như vậy trăm con trai của người là trăm Hoàng tử, con trưởng nối ngôi là Hùng Vương thứ ba, hiệu là Hùng Quốc Vương, còn các Hoàng tử khác chia nhau đi cai quản các miền khác theo mô hình phân phong của nhà Chu. Bản thân Lạc Long Quân thì hoá thân thành rồng về biển. Trăm con Lạc Long Quân cai trị ở trăm miền khác nhau đều là con của rồng do đó lấy rồng làm dấu hiệu Hoàng gia là xác đáng.

Sau này, các nhà viết sử đều lấy hình ảnh rồng gắn vào các nhân vật có chân mệnh Đế Vương khi còn chưa lộ diện. Đinh Bộ Lĩnh suýt bị đâm chết ở đầm Gia Loan thì có rồng đến phủ thoát nạn. Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La thì thấy rồng vàng từ mạn thuyền bay lên mà đặt tên mới là Thăng Long. Chúa Chổm lúc ngủ luôn có rồng ấp ủ. Mạc Đăng Dung khi còn là quan đã được các nhà chiêm tinh thấy có mây rồng từ phương đông, quê Mạc Đăng Dung bay toả về phía Thăng Long. Thậm chí nhà Lê còn sai người đi trấn mạch, thì chính Mạc Đăng Dung là người hộ tống. Thống kê trong sách “Đại Việt sử kí toàn thư” riêng thời Lý có 17 lần rồng xuất hiện: Lý Thái Tổ 1 lần, Lý Thái Tông 5 lần, Lý Thánh Tông 1 lần, Lý Nhân Tông 10 lần. Rồng xuất hiện để tỏ rõ dấu hiệu chân mệnh Thiên tử hoặc chỉ ra thời thịnh trị mới do vị Vua này trị vì. Khi thái tử Lý Phật Mã chưa lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ có nhiều Hoàng tử cũng có ý tranh quyền thì việc rồng xuất hiện ở nơi Thái tử đã khẳng định đó mới là chân mệnh Thiên tử. Khi xảy ra loạn Tam Vương, dù Thái tử ở thế yếu, bị bao vây nhưng vẫn giành chiến thắng, ổn định được ngai vị và thế cuộc. 

Khi đã ở ngôi Vua thì hình ảnh rồng luôn đặc trưng cho Hoàng gia qua kiến trúc nhà ở, lăng mộ, qua trang phục, văn tự sắc chỉ Vua ban...

Tuy nhiên, mỗi triều đình đều có những chỗ dựa vững chắc từ các vị quan tài giỏi. Vì thế nhà Vua có nhiều cách kết thân với họ để vừa là ban ơn, vừa là tỏ lòng kính trọng. Kết thân nhất là thu nạp họ vào hoàng tộc. Lý Thường Kiệt được ban quốc tính và là Thiên tử nghĩa nam. Đỗ Anh Vũ là thông gia. Hồ Quý Li được kén làm rể. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Vua Lê Thái Tổ đã ban quốc tính cho rất nhiều công thần. Một cách thu nhận vào hoàng tộc khác là phong tước Vương cho công thần. Đây là cách khá phổ biến cho mọi triều đại. Công thần còn sống đã được nhận tước Vương là thời Lê Trung Hưng, một nước có Vua và có chúa. Còn lại là sau khi công thần qua đời mới được phong tước Vương. Người được phong tước Vương sẽ được dân thờ và được mang hình rồng tại thượng để chỉ dấu hiệu thành viên Hoàng gia cao quý. Hãy đọc sắc phong cho Gia quận công Nguyễn Công Hiệp (Đại Bái - Gia Bình) có công thời Lê Gia Tông đến thời Lê Cảnh Hưng được tặng phong là Minh Tuệ đại Vương, cho dân thờ là á thánh. Sắc phong cho Bỉnh quận công Nguyễn Gia Châu (Liễu Ngạn - Thuận Thành) là Ý Túc đại Vương cho dân thờ là hậu thần.

Trải mấy nghìn năm phong kiến, rồng luôn được coi là vật thiêng, đứng đầu trong tứ linh “Long, Li, Quy, Phượng”. Rồng có mặt trong 12 loài vật hàng chi của lịch đại, đó là hàng chi “Thìn”. Trong lịch can chi thì giờ Thìn kéo dài từ 7 - 9 giờ sáng mát mẻ, cơ thể tràn đầy sinh lực cho một ngày làm việc mới. Tháng Thìn là tháng Ba âm lịch cái rét đã yếu, nhường chỗ cho nắng ấm cây cối xanh tốt, hoa vào mùa kết trái. Và mặc dù là loài vật thiêng nhưng rồng lại luôn thường trực trong lời ăn tiếng nói của nhân dân với nhiều sắc thái ngữ nghĩa khác nhau. Khí thế đang lên có từ “hoá rồng”, “thế rồng”, “cá chép hoá rồng”. Tỏ ý chê bai có từ “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”. Tỏ ý gặp cơ hội, vui vẻ có từ “Rồng mây gặp hội”, “Rồng bay phượng múa”. Tỏ ý khiêm nhường có từ “Rồng đến nhà tôm”... Rồng còn được đặt tên cho nhiều loài cây, nhiều địa danh đẹp: cây xương rồng, lá lưỡi rồng, cây long não, quả long nhãn, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Long Biên... Đến trẻ con cũng có trò chơi “Rồng rắn lên mây” rất vui nhộn. Trong thiên nhiên có hiện tượng “Vòi rồng lấy nước” báo hiệu sắp có trận cuồng phong lớn./.


                                                                                                                                                                                                                                         PHẠM THUẬN THÀNH