Trang chủ

VỌNG TIẾNG CHUÔNG CHÙA
07:54 | 08/05/2018

 PHẠM THUẬN THÀNH

 

 

 

Làng Bùng, thời xưa là xã Phùng Xá của tổng Đại Lai huyện Gia Bình, nay là thôn Bùng thuộc xã Bình Dương huyện Gia Bình. Làng có hai xóm cách rời chân tre riêng biệt là Bùng Trên (Bùng Thượng) và Bùng Dưới (Bùng Hạ). Hiện làng Bùng có 360 hộ, 1500 khẩu, diện tích canh tác 66 hec ta, chủ yếu là chân vàn và vàn cao, phù hợp sản xuất nông nghiệp và cây rau màu. Thời trước, làng Bùng nổi tiếng trong vùng với nghề trồng cây thuốc lào. Chợ Bùng là chợ lớn giao thương ở địa phương, nay phát triển thành một thị tứ khá sầm uất với ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đầu tàu phát triển kinh tế của cả xã Bình Dương. Do quần cư lâu đời, lại là nơi đất lành chim đậu nên làng có đến trên 40 dòng họ, như các họ Trần Trọng, Trần Như, Nguyễn Gia, Nguyễn Đình, Phùng Bá…

   Theo sử sách thì làng Bùng có từ lâu đời, kinh tế nông nghiệp phát triển, dân cư đông đúc. Nơi đây có truyền thống thượng võ và trọng văn, qua sự tích về đức thánh Côn Nương, nữ tướng tài ba thời Hai Bà Trưng cách nay gần 2000 năm. Bấy giờ làng Bùng có Phan tiên sinh thông hiểu kinh nghĩa được Ngô bộ trưởng mời lên Thanh Cương (Đại Từ Thái Nguyên) dạy học cho con gái là Côn Nương và Vân Nương. Thái thú Tô Định cho quân đến bắt Côn Nương về làm tì thiếp, nhưng bị Ngô bộ trưởng cự tuyệt. Ông bị Tô Định bắt tra tấn đến chết. Phan tiên sinh đưa chị em Côn Nương về quê lánh nạn ở chùa làng. Sau này bà trở thành nữ tướng trụ cột của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, được phong chức Trưởng lĩnh nội thị công chúa và ban duyên với em chồng Trưng vương là Thái bảo quốc chính Tuyên Công.

Khi Mã Viện dẫn quân sang đàn áp nghĩa quân Hai Bà Trưng ở Hát Môn, nữ tướng Côn Nương thống lĩnh binh sĩ rút về quận Cửu Chân tiếp tục chiến đấu. Quân Hán truy kích ráo riết, hai bên kịch chiến và bà đã hi sinh ở bến Giang Tân. Dân làng thương tiếc lập đền thờ ở chính dinh Tụ Nghĩa khi xưa, kề liền chùa Khánh Linh, ngôi chùa che chở nữ tướng khi xưa. Chùa Khánh Linh được tôn tạo lại từ thời Lê, hướng Tây Nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện. Phía trước có sân và ao rộng, đẹp. Trong chùa còn giữ được 1 quả chuông đúc thời Nguyễn, 11 pho tượng, 1 hoành phi, 1 câu đối và một số đồ thờ tự khác.

Danh tiếng nữ tướng Côn Nương luôn sáng bừng trong tâm khảm người dân Việt mỗi khi đến thăm viếng người. Tấm gương liệt nữ ấy đã thành nơi hội tụ của lòng thiện cả nước hướng về. Năm 2013, đền thờ nữ tướng được tân tạo do ông Phí Kim Long, Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ tình người (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) đứng ra kêu gọi hội viên công đức xây dựng. Tiếp đó, dường như lòng thành và lòng thiện càng trỗi dậy mạnh mẽ, ông Phí Kim Long tiếp tục đề nghị địa phương cùng trùng tu nâng cấp ngôi Tam bảo chùa Khánh linh trong quần thể di tích đền Côn Nương, do đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến cuối năm 2015, quần thể di tích đền Côn Nương - chùa Khánh Linh đã hoàn thành, kinh phí xây dựng tới 30 tỉ đồng hoàn toàn tự nguyện công đức, gồm các hạng mục: đền thờ, tam bảo, cổng đá, cầu và kè lan can đá, tả hữu cung La Hán, cung Ngọc Hoàng Vua Cha, cung Tam Tòa Vương Mẫu, cung Tứ phủ công đồng, nhà tổ, nhà khách, nhà biện lễ, khuôn viên và một số hạng mục phụ trợ khác.

Ngay sau khi hoàn thành xây dựng, có một vị khách quen đến thăm và tiếp tục dấy lên lòng thiện xin được công đức quả đại hồng chung và tháp chuông cho chùa. Đó là ông Lưu Quang Lãm, một doanh nhân thành đạt, quê làng Thanh Hà (xã An Thịnh huyện Lương Tài), cháu ngoại của làng. Ông Lãm tâm sự, hồi nhỏ theo mẹ về bên ngoại đều được bà ngoại dắt lên chơi chùa. Bấy giờ chùa cổ đơn sơ lắm nhưng vẫn in đậm dấu ấn trong nhận thức non nớt của chú bé. Chú bé ấy đã có tâm nguyện sau này sẽ góp sức xây dựng ngôi chùa khang trang hơn. Nay bà mẹ, cụ Nguyễn Thị Thứ, con gái dòng họ Nguyễn Gia đã qua đời nhưng ông Lãm vẫn luôn nhớ đến quê ngoại, đến chùa làng bên ngoại, thấy cảnh chùa đã tân sắc bội phần, ông xin góp sức tô đẹp thêm ngôi chùa bằng quả chuông và gác chuông.

Tiếng chuông! Ôi tiếng chuông chùa làng đã đi vào hồn cốt người Việt, đi vào văn thơ nhạc họa. Theo quan niệm nhà Phật, tiếng chuông còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Bài kí "Chuông chùa Diên Phúc" do thiền sư Minh Hành, người chỉ đạo xây chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) soạn có đoạn: “Chuông là khí của ngũ hành, là tiếng của ngũ âm. Minh vương nghe được sẽ chích lòng từ bi, Phật vương nghe được sẽ giáng phúc. Trong hội đúc chuông đấng quan liêu phiệt duyệt mừng được làm công hầu tể tướng, kẻ thứ dân yên nghiệp ơn được thọ khảo phú cường”.

Bài kí "Chuông chùa Cổ Am" do hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở soạn có đoạn: “Chùa thì phải có chuông. Gõ chuông để cảnh tỉnh giấc u mê, tuyên dương giáo hoá của nhà Phật và làm cho tiếng mõ đỡ đơn độc khua vang ngày ngày.

Huyện ta ở xã Do Tràng có chùa Cổ Am núi non bao bọc thật đáng là danh lam chốn sắc sắc không không luân hồi đạo pháp. Có sắc mà không có tiếng chuông thì làm sao có được sự từ không đến sắc. Tiếng chuông vang lên từ cửa thiền mang theo đạo pháp lan đến từng làng xóm đâu phải chuyện nhỏ. Thế là từ nay sớm thỉnh chiều khua, tiếng chuông ngân vang lên tới tận chín tầng mây, đến tận trời và khắp núi cùng sông càng thêm điều mừng càng thêm phúc lớn. Làng ta được văn minh, dân ta tăng hiểu biết. Thắng tích càng nổi danh hơn. Tiếng chuông báo trước điềm lành rộng khắp quê hương. Với lòng kính ái sâu sắc xin ghi lại việc đúc chuông cho mai sau cùng biết”.

Bài kí "Chuông chùa Khánh Lâm" khắc tháng 3 niên hiệu Gia Long thứ 2 (1803) có đoạn: “Vì đạo chẳng có hình nên mượn tiếng chuông để nuôi lòng thực thà, giữ bản năng cương chính. Cho nên từ dưới vạn nấm mồ đến chín tầng mây nghe tiếng chuông thảy đều rung động. Chùa có chuông như đường truyền dẫn lan tỏa nhắc nhở mọi người tránh làm điều sai, đã sai thì trở lại đường sáng, ra khỏi đời lầm lạc”.

Thời xưa, để đúc được một quả chuông cần có sự đóng góp của các xã dân hàng phủ, tức là mấy huyện bây giờ. Đó là việc trọng đại mang tính lịch sử của địa phương, cần được biểu dương muôn đời. Thế mới biết lòng thiện của cá nhân ông Lưu Quang Lãm với quê ngoại đáng quý biết bao!

Ông Lưu Quang Lãm tuổi Canh Tí (1960), sinh ra trong gia đình nông dân làng Thanh Hà. Học hết cấp 3 ông nhập ngũ đợt tháng 11/1977. Năm 1981, xuất ngũ, ông vào học lớp đạo diễn sân khấu Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Năm 1983, học xong ông lại đi xây dựng đất nước theo “Tiếng gọi sông Đà”, trở thành cán bộ cung ứng vật tư của Tổng công ty sông Đà. Năm 1996, ông chuyển vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa làm vừa học vừa hoàn thiện kĩ năng kinh doanh thời hội nhập, Lưu Quang Lãm đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 2009 ông từ chức Giám đốc công ty Tài chính Tập đoàn dầu khí quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Công ty truyền thông bóng đá Việt Nam, đứng chủ hai kênh truyền hình “Bóng đá TV” và “Thể thao TV”. Tiếp đó ông lại mở rộng kinh doanh, thành lập Công ty đầu tư khai thác cảng An Thới.

Kinh doanh thành đạt ở phương Nam nhưng ông Lãm luôn nhớ đến quê hương. Năm 2013, ông thành lập Công ty cổ phần BOT 38, thi công mở rộng, nâng cấp và làm mới một số đoạn quốc lộ 38 từ Bắc Ninh đi Cẩm Giàng. Bên cạnh đầu tư tài chính về quê, ông Lãm còn để tâm công đức nhiều việc cho quê hương. Ông được Hội khuyến học tỉnh Bắc Ninh vinh danh công tác khuyến học giai đoạn 2000-2009. Ông đầu tư trên 1,6 tỉ đồng cùng dòng họ Lưu xây dựng nhà thờ tổ ở làng quê Thanh Hà. Ở làng ông Lãm đã công đức 400 triệu đồng xây dựng nghè, 700 triệu đồng xây dựng đình, 400 triệu đồng xây dựng chùa Hưng Long và chuẩn bị công đức đúc chuông cho chùa trị giá gần 1 tỉ đồng. Hằng năm ông Lãm đều dành làm việc thiện số tiền tới 1 tỉ đồng.

Với quê ngoại làng Bùng, sau khi được các cụ cao niên và lãnh đạo địa phương chấp thuận, ông Lãm đã tiến hành kén chọn thợ giỏi cho việc đúc đại hồng chung. Đó là nghệ nhân Dương Bá Sĩ, quê làng nghề Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nghệ nhân Dương Bá Sĩ là thợ giỏi gia truyền. Cụ Dương Bá Dỏn truyền nghề cho con trai Dương Bá Dự. Cụ Dự lại truyền nghề cho con trai Dương Bá Sĩ. Nghệ nhân Dương Bá Sĩ đã thi công nhiều chuông lớn, tượng lớn, như chuông chùa Bằng, tượng chùa Dạm… Ngay sau khi nhận đơn đặt hàng, ông Sĩ liền bắt tay vào làm khuôn, chuẩn bị vật tư, nguyên liệu. Khuôn làm 2 tháng mới xong. Và ngày tốt mồng 6 tháng Chạp năm Đinh Dậu (tức ngày 22/01/2018), làng Bùng đã tổ chức đại lễ “Hội đúc đại hồng chung chùa Khánh Linh” ngay tại khu Trung tâm văn hóa thôn. Các cụ cao niên, dân làng cùng các bà cô, khách thập phương đổ về từ sớm nô nức phát tâm công đức cho ngày hội đúc chuông. Mọi người chứng kiến thời khắc trọng đại sắp diễn ra. Một xe ô tô tải cỡ lớn gắn cần cẩu chở nguyên liệu đứng kia. Cái khuôn cao tới vài mét, có giàn giáo chắc chắn cho người đi lên thao tác. Cái lò nấu đồng cũng cao tới vài mét đang rừng rực lửa cháy. Phía cửa lò có cái máy hơi cỡ lớn đang rào rạt thổi lửa bốc hơn. Dây đồng, chậu đồng, thanh đồng đỏ lên, tan thành chất lỏng chảy xuống nồi chứa. Đúng giờ hoàng đạo tiến hành rót đồng. Hàng mấy chục khách thập phương đi lên giàn giáo mở hộp ném nhẫn vàng nguyên chất vào khuôn cầu phúc. Phúc ấy sẽ vững bền như đại hồng chung cùng năm tháng sau này.

Cụ Nguyễn Văn Biêu, 80 tuổi xúc động nói: “Hôm nay là ngày đặc biệt chưa bao giờ có. Rồi đây tiếng chuông chùa Khánh Linh sẽ vang vọng bay cao bay xa trên quê hương, làm rung động mọi trái tim Phật tử hướng về cửa thiện”.

Trước đó, cánh thợ xây Gác chuông trong khuôn viên chùa cũng đã tiến hành. Nền gác hình thành. Cột đá sẵn sàng dựng lên. Gác chuông 3 tầng, 2 mái lối cổ sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp kiến trúc cho cảnh quan đại danh lam Khánh Linh tự.

Cuối chiều, việc dỡ khuôn đúc diễn ra. Quả đại hồng chung thật là vĩ đại. Công việc đúc chuông đã viên mãn. Rồi mai đây tiếng chuông sẽ đánh thức lòng thiện, đánh thức tâm phật trong mỗi con người, làm cho người ta mỗi ngày một trong sáng hơn, thanh tịnh hơn, hoàn thiện hơn.

Ôi, đại hồng chung chùa Khánh Linh!