Trang chủ

KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI BÁO
09:27 | 02/07/2018

 

HOÀNG NGỌC BỈNH

 

         Tháng 6. Mùa hè đã đi qua được nửa chặng đường. Nắng chói chang, và cây phượng vỹ già bên cạnh trường mẫu giáo làng tôi hoa cũng đã tàn đi quá nửa. Xen vào đó là những nhành lá xanh tươi, ẩn hiện những chùm quả non ngắn dài đung đưa trong gió. Thế mới biết, những người có tuổi như bọn tôi thường thấy thời gian trôi đi nhanh quá. Mới hôm nào còn đón những giọt mưa xuân lây phây nhè nhẹ, và cái rét cứ như cắt thịt, cắt da… Thế mà thoáng nắng đã trải vàng, chói chang tỏa xuống mặt đường bê tông hầm hập. Hè đã về và đã lại sắp sang thu, rồi mùa đông sẽ tới và chẳng mấy sẽ lại hết năm. Đời người coi như được cộng thêm một tuổi. Bâng khuâng trong đêm hè, tôi không còn được nghe tiếng côn trùng kêu rả rích từ khoảnh ao làng cổ xưa vọng lại, cũng chẳng còn được nghe tiếng sáo diều vi vu dìu dặt, làm đẹp ký ức tuổi thơ… Nhưng mỗi khi mùa hè đến, lòng tôi lại thấy xốn xang, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Và đêm nay cũng vậy, trong những bộn bề kỷ niệm về mùa hè, về tháng 6 tôi nhớ thời gian này mình còn có hai sự kiện đáng nhớ, trong đó có ngày sinh nhật và ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ừ nhỉ, nhân dịp này tại sao tôi không ghi lại một trong những kỷ niệm qua quãng đời làm báo của mình? Và cứ thế, những kỷ niệm về những tháng ngày rong ruổi trên những nẻo đường mưa nắng, trên mỗi làng quê để tìm chất liệu sáng tác, rồi những cuộc phỏng vấn, những đêm trăn trở đắn đo cho những trang viết của mình cứ ùa về, bộn bề trong ký ức, thúc dục tôi cầm bút để viết lên đôi dòng tản mạn này. Và trong rất nhiều điều còn đọng lại, tôi chỉ có thể ghi lại một trong những kỷ niệm đẹp nhất qua những tháng năm cầm bút của mình.

Có thể nói, suốt hàng chục năm qua, chúng tôi, những người rất vinh dự được đứng trong đội ngũ văn nghệ sỹ thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, vừa là hội viên Hội nhà báo Việt Nam vẫn đang miệt mài lao động sáng tạo. Ngoài việc sáng tác những tác phẩm Văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Tạp chí Người Kinh Bắc, chúng tôi còn có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên cả nước, nhưng Tạp chí Người Kinh BắcBáo Bắc Ninh mới là nơi mà các tác phẩm của chúng tôi được sử dụng nhiều hơn cả. Cụ thể là những tác phẩm của các tác giả Trần Đình Luyện, Trần Anh Trang, Thượng Luyến, Nguyễn Công Hảo, Nguyễn Anh Thuấn, Thành Hương, Trần Phan, Ngọc Sơn, Nguyễn Trung… đã trở nên thân thuộc, thường xuyên xuất hiện trên tờ báo và Tạp chí tỉnh nhà. Trong đó, đã có không ít tác giả được trao tặng giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật và giải thưởng Báo chí Ngô Gia tự.

Với tôi, suốt mấy chục năm theo đuổi công việc làm báo của mình, đã cộng tác với nhiều tờ báo từ trung ương tới địa phương, nhưng Báo Bắc Ninh và tạp chí Người Kinh Bắc mới chính là người bạn mà tôi gần gũi, trân trọng và tin yêu nhất. Hai cơ quan báo đã đồng hành, động viên và giúp tôi trưởng thành về nhiều mặt, qua đó, tôi cũng đã có thêm nhiều bạn viết, chia sẻ với tôi nhiều niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Cũng từ Báo Bắc Ninh và Tạp chí Người Kinh Bắc, đã giúp tôi gặt hái được ít nhiều thành công và cũng để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), khi anh em trong chi hội Nhà báo Tạp chí Người Kinh Bắc vẫn đang đón đợi ngày gặp mặt để chia sẻ, ôn lại những buồn vui trong những năm cầm bút của mình, tôi cũng xin ghi lại một trong những kỷ niệm đẹp của mình với Báo Bắc Ninh để để chia sẻ cùng bạn đọc.

Từ khi tạm biệt nghề thủy nông để theo đuổi công việc viết lách của mình, tôi đã đi nhiều, viết nhiều, trải nghiệm nhiều điều từ cuộc sống. Đối với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống (nay là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống), tôi cũng đã dành rất nhiều tình cảm tốt đẹp, có nhiều bài viết về những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cũng như sự lớn mạnh, đi lên của Công ty sau mấy chục năm phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt. Trong số những bài mà tôi đã viết về Công ty, có bài đã trở thành kỷ niệm sâu sắc, đến bây giờ còn in đậm trong tâm trí.

Ngày ấy, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn điện quốc gia cho nhiều thành phần kinh tế đang từng ngày phát triển, và tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống đã quyết tâm thực hiện, triển khai nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm tối đa nguồn điện năng tiêu thụ, cụ thể là mỗi năm đã giảm được từ 3 đến 5% so với tổng số 14,5 triệu kw giờ điện được giao. 

Nhưng thật trớ trêu, đúng vào thời điểm đó, đã có một tờ báo đăng tải bài viết với nội dung phê phán sự điều hành kém hiệu quả của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, dẫn đến nguồn điện năng tiêu thụ tăng cao, năm sau thường cao hơn năm trước. Là người có nhiều năm công tác trong ngành, hiểu tương đối rõ về những việc làm hiệu quả của Công ty, đặc biệt trong lĩnh vực tiết kiệm điện, nên tôi rất nghi ngờ về nội dung bài báo kể trên. Sau  khi  gặp các đồng chí lãnh đạo Công ty và các phòng ban chức năng để tìm hiểu, đối chiếu số liệu, tôi thấy người viết bài đã không sâu sát, tìm hiểu kỹ tình hình thực tế, (đó là việc sử dụng điện của các công ty thủy nông nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, và không thể so sánh năm này với năm khác, hoặc nơi này với nơi khác) dẫn đến việc đưa thông tin sai lệch, phủ nhận mọi nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công nhân Công ty trong việc tiết kiệm điện. Đặc biệt, vào đúng thời điểm bài báo đã nêu (năm 2007), Công ty đã tiết kiệm được 2,7 tỷ đồng tiền điện so với kế hoạch được giao. 10 tháng đầu năm 2008, đã tiết kiệm được 791 kw giờ điện, tương đương 500 triệu đồng. Thấy mình cần phải có ý kiến phản biện để làm cho mọi người hiểu rõ sự thật, chỉ trong một đêm, tôi đã hoàn thành bài viết gửi cho Báo Bắc Ninh. Và cũng chỉ sau đó vài hôm, sau khi tòa soạn Báo Bắc Ninh xác minh cụ thể vụ việc, bài báo đã được in trang nhất, ra mắt bạn đọc đúng vào ngày Công ty tổ chức Đại hội Công nhân viên chức. Hôm đó, trang báo có bài viết của tôi đã được phát đến tận tay các đại biểu, gồm cả lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Điện lực Bắc Ninh, cùng các ban ngành có liên quan. Bài báo đã kịp thời giải tỏa những băn khoăn, bức xúc của mọi người, đặc biệt là cán bộ công nhân Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống. Động viên họ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tiết kiệm điện, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ nhân dân.

Tôi còn nhớ, hôm đó Giám đốc Công ty Ngô Chí Hướng đã bắt tay tôi rất chặt và nói: “Cảm ơn Báo Bắc Ninh, cảm ơn anh rất nhiều!”. Tôi hiểu, chỉ bằng lời nói ngắn ngủi ấy, nhưng đã hàm chứa biết bao tình cảm, sự tin yêu của vị Giám đốc trẻ dành cho tờ báo và cho mình. Tôi thấy rất vui khi bài báo của mình đã mang lại niềm vui cho nhiều người mà hiệu quả từ bài báo mang lại. Và niềm vui càng được nhân lên, khi bài báo của tôi năm đó đã được Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh trao giải thưởng Báo chí Ngô Gia Tự.

Mới đấy mà đã gần chục năm trôi qua, bài báo đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm đẹp và ngọt ngào, còn đọng lại trong ký ức, luôn động viên, nhắc nhở tôi: Dù tuổi đã ngày càng cao, sức khỏe và sức viết không còn được như xưa nữa, nên chắc chắn sẽ phải cố gắng rất nhiều, nuôi dưỡng trong mình ngọn lửa đam mê, ý thức trách nhiệm để tiếp tục lao động sáng tạo, đóng góp chút sức lực, việc làm nhỏ bé của mình với cộng đồng xã hội. Và Báo Bắc Ninh, Tạp chí Người Kinh Bắc vẫn sẽ là người bạn thân thiết, địa chỉ tin cậy, nơi tôi gửi những bài viết tâm huyết của mình./.