Trang chủ

MÙA XUÂN NỞ MÃI
15:26 | 27/06/2018

 

 

Bút ký của Nguyễn Công Hảo

Đã từ lâu tôi mơ ước có một ngày được đặt chân lên vùng đất “Chưa mưa đã thấm” để thưởng thức “Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” bởi từ thuở nhỏ, câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, về chị Trần Thị Lý, về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, về mẹ Thứ… về Ngũ Hành Sơn, về dòng Thu Bồn trong xanh, về phố cổ Hội An và nhất là Thánh địa Mỹ Sơn huyền thoại… đã hút hồn tôi.

Và cơ may đã đến. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ, đoàn Cựu chiến binh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh có chương trình vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Viếng xong, đoàn được các đồng chí lãnh đạo đồng ý cho đi thăm một số địa danh ở các tỉnh miền Trung, trong đó có địa danh Thánh địa Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện kể cho nghe về cuộc đời và sự hy sinh của Nhà văn, Nhà báo Dương Thị Xuân Quý. Chị Quý là người con Hà Nội, nổi tiếng với những truyện ngắn viết về nông thôn vừa dí dỏm, vừa chân thực. Đầu năm 1968, ý thức được nghĩa vụ của người cầm bút với cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị đã gửi lại đứa con đầu lòng chưa đầy 17 tháng tuổi, tình nguyện vào Nam chiến đấu, theo chân người chồng thân yêu là nhà thơ đã đi từ năm trước. Sáng ngày mồng 8 tháng 3, đang công tác ở xã Duy Thành thì bọn Nam Hàn ập tới. Chị và đoàn công tác rút xuống hầm bí mật. Khi có tín hiệu báo yên, chị đẩy nắp hầm bật lên. Không ngờ bọn Nam Hàn xảo quyệt đã gài lại một ổ phục kích. Và những loạt đạn của kẻ thù đã cướp đi sự sống của người con gái mới 28 tuổi xuân, tài năng văn chương đang vào thời đơm hoa kết trái. Tập bản thảo truyện ngắn “Hoa rừng” cháy rụi. Cách đó vài chục ki-lô-mét đêm hôm trước, chồng chị cũng là Nhà thơ đang ở một mặt trận gấn đấy trằn trọc nhớ vợ, nhớ lời vợ trách yêu: “Anh đã làm bao nhiêu bài thơ tình mà chưa có bài nào anh tặng riêng em”. Thế là cảm xúc trào dâng, Nhà thơ viết vội những dòng “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao…”. Sau này, Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã láy đi láy lại trong ca khúc cùng tên “Tình ca mùa xuân 69” như là bản tình ca ngợi ca tình yêu, cuộc sống. Sau cái chết của chị, anh còn viết bài thơ nổi tiếng “Hạnh phúc” để lí giải thế nào là hạnh phúc, thế nào là tình yêu chân chính. “Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi hai đứa mình có mặt”, sẵn sàng “Khi Tổ Quốc cần họ sẽ sống xa nhau”. Và câu kết “Trên mồ em có mùa xuân nở mãi”. Câu kết ấy đã được Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam trân trọng ghi trên bia mộ của người nữ liệt sĩ Anh hùng: Nhà văn Dương Thị Xuân Quý.

Đó là cơ may thứ nhất.

Cơ may thứ hai đã đến với tôi vào cuối tháng 3/2010, tôi cùng anh Nguyễn Tiến Nhường – Trưởng Ban Tuyên giáo (nay là Phó Chủ tịch tỉnh) vào dự Hội nghị tổng kết công tác Thông tin đối ngoại ở Đà Nẵng. Hội nghị xong, anh bảo chúng tôi:

- Vừa rồi xem ti vi có nói đến khánh thành khu Dầu khí Dung Quất, tiện thể anh em mình vào đó thăm. Làm tuyên giáo mà thiếu tư liệu sống, chỉ nghe mô tả thì tuyên truyền hay làm sao được?

Tôi mạnh dạn đề nghị: Ngoài Dung Quất anh em mình đã vào đến Quảng Ngãi, nên đến thăm khu lưu niệm nhà bác Phạm Văn Đồng và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.

Anh Nhường đồng ý ngay. Thế là chuyến công tác đó chúng tôi được đặt chân đến quê hương của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây rồi con sông Trà Khúc, nước trong xanh bốn mùa chạy uốn quanh núi Thiên ấn được mệnh danh “Thiên ấn niêm hà” (tức là ấn trời đóng trên sông). Cùng với sông Trà, núi Thiên ấn từ lâu đã trở thành biểu tượng của đất Quảng Ngãi. Phía tây núi Thiên ấn có phần mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Phó Chủ tịch nước, một chí sĩ yêu nước và cách mạng nổi tiếng từng được Bác Hồ mời tham gia Chính Phủ. Năm 1946, khi Bác sang Pháp đã giao quyền Chủ tịch nước cho cụ với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững nền độc lập non trẻ của tổ quốc. Nghe nói núi Thiên ấn, sông Trà Khúc và núi Thiên Bút (Thiên Bút phê văn – Bút vẽ trời mây) từng là nguồn cảm hững cho bài thơ nổi tiếng “Trà Giang dạ bạc”“Trà Giang thu nguyệt” của thi sĩ Cao Bá Quát.

Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Trước kia, nơi đây là ngôi nhà lá 3 gian, 2 chái. Năm 1972, ngôi nhà bị trúng pháo đổ nát. Năm 1978, chính quyền địa phương xây dựng lại ngôi nhà mới trên khu vườn cũ trước đây của gia đình để làm nhà lưu niệm. Hiện nay, được tu bổ cả khu nhà lưu niệm và khu tưởng niệm trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật của gia đình cố Thủ tướng và nhiều tư liệu trong các giai đoạn hoạt động của Người.

Rời khỏi Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng thẳng Quốc lộ 1A vào tiếp gần 20 km, bên cạnh đường quốc lộ là bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bệnh xá làm theo kiểu nhà Rông – Tây Nguyên trên khuôn viên diện tích gần 4000m2. Khuôn viên có tượng đài anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (1942 - 1970) tay cầm nón che đầu, chân sải bước như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ.

Bênh xá chia hai phần. Phần chính để khám chữa bệnh phục vụ nhân dân có đủ các khoa nội, nhi, sản, răng hàm mặt, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, sơ cứu ban đầu với 10 giường bệnh; Còn một phần dành để trưng bày các tư liệu nói về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm phục vụ khách thăm quan, có nhiều tư liệu để biết thêm về chị. Ngay trong lửa đạn chiến trường, bốn bề kẻ thù bao vây, trùng điệp; trong sự sống chết mong manh ấy, chị từng nói, viết trong nhật ký “Cái chết còn dễ hơn ăn một bữa cơm”; ấy vậy mà chị phải hứng chịu không ít sự đố kị, dèm pha của chính đồng đội mình. Qua những tư liệu trưng bày ở phòng truyền thống, cúng tôi càng hiểu rõ hơn về chị. Bất kỳ hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn nào cũng không quật ngã được ý chí của một con người kiên trung, bất khuất, tài năng và tâm trí đều dành cho Cách mạng, cho Tổ quốc, nhân dân, để vững tin cầm súng, cầm dao kéo mà chiến đấu và chiến thắng, không phải chỉ với kẻ thù, mà còn chiến thắng ngay chính bản thân mình.

Trên đường về anh Nhường tâm sự với chúng tôi: Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, những người như chị Trâm, chị Quý lại càng nhắc nhở anh em mình phải quan tâm hơn nữa về mặt giáo dục chính trị tư tưởng, nhân cách và lòng yêu nước cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Tôi chợt nghĩ mà không dám nói với anh: Có lẽ thời hiện tại không ít người đã bất chấp sự hi sinh của thế hệ cha ông; họ chỉ cần lợi ích cho cá nhân mình bất chấp thủ đoạn, bất chấp lẽ phải, thậm chí bất chấp tính người. Không bao giờ họ nghĩ tới người khác, chưa nói lớn hơn là lợi ích Tổ Quốc, dân tộc. Họ cố tình làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đông, tham ô, lãng phí để làm giàu cho cá nhân; họ sẵn sàng bỏ bạc tỷ vào những trò vô bổ, cờ bạc, cá độ… Trong khi đất nước vẫn kêu gọi những tấm lòng vàng giúp dỡ người nghèo, người mang di chứng chiến tranh, người bị thiên tai, bất hạnh… Chưa bao giờ họ tự hỏi mình “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?” như Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết. Từ suy nghĩ ấy, tôi chợt nhớ một bài thơ của Tố Hữu:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải biết hót, chiếc là phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Tôi thầm đọc những bài thơ ấy để thành kính tặng những người như chị Trâm, chị Quý đã để lại cho cuộc đời mãi mãi tuổi thanh xuân. Cứ mỗi dịp cả nước kỷ niệm tri ân ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi lại bối hồi nhớ những chuyến đi vào miền Trung. Năm nay tôi không có điều kiện trở lại đó, xin viết lại đôi lời thay cho những nén nhang thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và tặng cho hai nữ anh hùng liệt sĩ trên đất Quảng. Có lẽ chẳng riêng tôi, mà các thế hệ mai sau luôn mến mộ và coi các chị luôn rực rỡ như những ngôi sao, ngát thơm như những đóa hoa, bởi các chị mãi mãi là Mùa xuân đẹp nhất!