Trang chủ

Sáu mươi năm gắn bó với Báo Văn nghệ
09:19 | 31/07/2018

 

 

 

PHẠM THUẬN THÀNH

Báo Văn Nghệ là tờ báo dành cho người làm văn học và nghệ thuật và công chúng yêu văn học nghệ thuật. Tất nhiên là như vậy. Nhưng có mấy ai đã dành gần như trọn cuộc đời với tờ báo này nhỉ. Vậy mà có đấy. Nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Văn Chương ở xóm Ngòi (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là người đặt mua và say sưa đọc báo Văn Nghệ đến nay tính ra đã sáu mười năm liên tục, bền bỉ, chung thủy.

Nhà giáo Nguyễn Văn Chương tuổi Canh Thìn (sinh năm 1940). Thuở nhỏ ông có may mắn được gần gũi với cụ giáo Dưỡng, người có tài văn thơ ở làng. Chính cụ giáo đã đổi tên Cự cho ông sang tên Chương hiện nay do thấy “thằng nhỏ” có khiếu văn thơ hơn người. Quả nhiên, khi đang học cấp 2 ở trường Thứa, ông đã bắt đầu làm thơ. Và từ năm 1958 dù đang đi học thiếu thốn mọi bề ông đã dành tiền đặt mua báo Văn. Năm 1960 ông tiếp tục đặt mua báo Văn Học. Bấy giờ Hội nhà văn Việt Nam còn có ấn phẩm tạp chí Văn Nghệ nên một bạn đọc cùng làng của ông là Nguyễn Mạnh Hùng nhận đặt mua tờ tạp chí này để hai người cùng đọc chung. Năm 1963, báo Văn Học và tạp chí Văn Nghệ hợp nhất thành báo Văn Nghệ thì ông đặt mua từ đó.

Bền bỉ gắn bó với báo Văn Nghệ, nhà giáo Nguyễn Văn Chương luôn bám sát được thời sự văn nghệ cả nước cũng như những thành tựu của nhiều tác giả văn học. Ngoài báo Văn Nghệ ông còn đọc nhiều báo khác, nhưng dường như báo Văn Nghệ vẫn ấn tượng hơn cả. Ông luôn khẳng định: “Báo Văn Nghệ vẫn đáng đọc”. Những tuần nào báo chậm, hoặc thất lạc là ông ăn không ngon, ngủ không yên. Nhân viên bưu tá cũng “khổ” vì sự tra vấn của ông. Với những hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh mà không đặt mua báo Văn Nghệ thì ông rất ngạc nhiên chất vấn: “Hội viên Hội văn học nghệ thuật không đọc báo Văn Nghệ thì làm văn học thế nào nhỉ”. Thậm chí ông còn lấy việc có tác phẩm in báo Văn Nghệ làm “tiêu chí” hội viên: “Ai chưa có bài đăng ở báo Văn Nghệ thì chưa xứng là hội viên văn học”.

Nhà giáo Nguyễn Văn Chương không chỉ đọc mà còn bày tỏ cảm tưởng với tác phẩm in trên báo. Bài cảm tưởng “Đọc truyện ngắn “Một lứa bên trời” tôi đã khóc” viết về ấn tượng với truyện ngắn của nhà văn Trần Thị Huyền Trang được in trên báo, sau đó lại được lược làm nhận xét cho mục mười truyện ngắn hay của năm đó. Ông còn có một số bài cảm tưởng khác in trên báo như nhận xét về truyện ngắn “Tiếng trống mở của đình” của tác giả Đinh Văn Y, bút kí “Một người ham làm giàu” của tác giả Nguyễn Duy Hữu…

Vốn là người yêu thích văn học từ nhỏ, lớn lên lại thường xuyên đọc báo Văn Nghệ, dường như chất văn cứ thấm đẫm trong tâm hồn nhà giáo Nguyễn Văn Chương. Khi cảm xúc ùa về như ong mang nhụy hoa về tổ làm mật ông đã cầm bút làm thơ. Bài thơ “Chữa máy thời gian” của ông được in báo Văn Học số 114/Thứ Sáu/Ngày 30-9-1960 bước đầu khẳng định một hồn thơ đang định hình. Đến bài thơ “Bên nòng pháo đêm nay” thì ông đã trở thành một tác giả thơ. Bài được in trên báo Nhân Dân số 5004/Thứ Bẩy/Ngày 23-12-1967, vào tuyển tập “Thơ ca chọn lọc chống Mĩ cứu nước”,  Tác phẩm dùng trong nhà trường, NXB Giáo dục - 1968. Khi chứng kiến bước chân thần tốc giải phóng miền Nam năm 1975, ông tràn đầy cảm xúc đến mất ăn mất ngủ và thức trắng đêm viết ra cảm xúc của mình thành bài thơ dài “Cả non sông điểm giờ khánh hạ”. Rồi sáng sớm đến trường xin nghỉ dạy để “thần tốc” đạp xe ra báo Quân đội nhân dân nộp bài. Bài cũng được “thần tốc” lên khuôn in báo Quân đội nhân dân số 5009 - Chủ nhật - 13/4/1975, trước ngày giải phóng Sài Gòn 17 ngày. Bài thơ là khúc ca khải hoàn cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng miền Nam của dân tộc ta. Bài thơ “Bến làng phiên chợ Tết” của ông được bình chọn trong mục thơ hay và bài bình đã nhiều lần được phát trên mục “Văn nghệ” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ có những câu đẹp: “Vun cao như bầu sữa/Cối gạo nếp hoa vàng/Chú gà trống mào lửa/Vỗ cánh chào xuân sang”.

Ông có một kỉ niệm rất đáng nhớ với báo Văn nghệ. Số là năm 2003 ông có bài “Một chữ của ông phó mộc” được in báo Văn nghệ và được bình chọn được tặng thưởng tháng của báo. Hôm đi xe ôm ra báo lĩnh giải, đi qua Cửa Nam bị công an giao thông “tuýt còi” và bị phạt. Tiền tặng thưởng vừa đủ phạt. Nhưng trong cái rủi có cái  may. Anh xe ôm về nhà viết được bài thơ “Đi đường lớn nhớ đường mòn”, dự thi thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội và đã lĩnh giải Ba cuộc thi 2002-2004.

Đến nay dù tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng tình yêu với báo Văn Nghệ trong ông chưa bao giờ vơi. Ngày ngày ông tâm niệm “duy hữu độc thư cao” và luôn dành nhiều thời gian mải mê tìm vẻ đẹp câu chữ trên báo Văn Nghệ và một số tờ báo yêu thích khác./.