Trang chủ

HÀNH TRÌNH TRẬN ĐỊA BẮC KHE TANG
14:49 | 30/08/2018

 

Khe Tang (di tích Lịch sử đặc biệt cấp quốc gia) trên đường 15 miền Tây Quảng Bình thuộc địa phận xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Do ở  vị trí hiểm yếu của tuyến đường nên ngay thời kỳ đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ. Máy bay Mỹ đã ném bom phá hủy cầu Khe Tang vào ngày 16-4-1965 để thay thế cầu bị phá. Lực lượng công binh E152, các đại đội thanh niên xung phong của hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, lực lượng cầu đường làm ngầm và cầu cáp qua sông để xe của ta vận chuyển hàng vào chiến trường. Từ đó cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch đã diễn ra. Một bên là lực lượng không quân hiện đại của Mỹ, kể cả các loại máy bay chiến lược ngày đêm dội bom đạn xuống trọng điểm nhằm cắt đứt sự vận chuyển của ta tại nơi này. Một bên quyết bám trụ, mặc cho mọi gian khổ hy sinh với khẩu hiệu “Địch đánh ta cứ đi” bất kể trong mọi tình huống.

Tiểu đoàn 11 pháo cao xạ 37 ly thuộc E 280 Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân được điều vào bảo vệ Khe Tang từ tháng 8 năm 1966. Thời kỳ này do ta đã làm thêm đường 20 quyết thắng từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình qua  U Bò, Cà Rùng, Ta Lê nối sang đường 128 ở Lùm bùm (Khăm Muộn – Lào). Phá được thế độc đạo, trước đó ta chỉ vận chuyển trên tuyến đường 12, nối với đường 15 ở ngã ba Khe Ve (Khe Tang đến Khe Ve 10 km) để vượt biên giới Việt – Lào qua đèo Mụ Giạ đưa hàng vào tuyến trong.

Khe Tang trở thành mục tiêu đánh phá với cường độ liên tục ngày và đêm. Bầu trời, mặt đất lúc nào cũng rung chuyển bởi tiếng nổ của đủ các loại bom đạn và sự gầm rú điên loạn của hàng đàn máy bay thay phiên nhau quần đảo trên trời.

Các đại đội của tiểu đoàn phải căng sức đánh máy bay địch. Bảo vệ trọng điểm, lực lượng công binh, TNXP và xe trên tuyến. Đặc biệt khi bị chúng đánh vào trận địa, trong điều kiện độc lập chiến đấu với những tình huống căng thẳng và ác liệt. Thường làm cho nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh, bị thượng. Ngoài việc bị các máy cường kích (F105-P4H) đánh vào trận địa, các đơn vị còn hứng chịu những loạt bom tọa độ của B57 là loại máy bay chiến lược tầm trung dội xuống, nhưng không thể đánh trả được, bởi chúng bay ở độ cao ngoài tầm với của pháo 37 ly. Vì vậy chỉ còn nhờ vào sự may rủi mà thôi.

Cùng với việc đánh địch. Thời tiết ở miền Tây cũng rất khắc nghiệt. Nắng như đổ lửa, mưa như trút nước, rét như cắt da. Bộ đội đều ăn, ở, ngủ, nghỉ trong hầm trên trận địa. Ăn uống thì kham khổ, trừ khẩu phần lương thực không bị đói. Nhưng thực phẩm rất kham hiếm. Trên chỉ cấp được ít thịt hộp, cá khô, thịt ướp muối, họa hoằn mới được sử dụng. Trong khi dân của địa phương lại nghèo, đói, số lượng không đông, ở phân tán và phải đi sơ tán trong rừng nên chẳng có gì để mua được. Bộ phận nuôi quân của đơn vị chỉ khai thác được ở rừng các loại rau, như: Rau tàu bay, rau rện, rau má, hoa chuối rừng… về làm thức ăn cho bộ đội.

Từ những điều kiện chiến đấu, ăn, ở và thời tiết như thế, bộ đội xuống sức rất nhanh. Một trăm phần trăm cán bộ, chiến sĩ lần lượt bị sốt rét, và nhiều bệnh tật khác. Có những trường hợp đã tử vong do sốt rét ác tính.

Mặc dù vậy, với tinh thần vượt lên chính sức mình, cán bộ chiến sĩ trong các đơn vị của tiểu đoàn vẫn ngày đêm đánh địch, cùng lực lượng công binh, TNXP, cầu đường giữ vững được huyết mạch giao thông để đêm đêm từng đoàn xe đi qua trọng điểm trong sự phong tỏa dưới làn mưa bom, bão đạn của lũ giặc trời trút xuống. Đồng thời còn bắn rơi được nhiều máy bay địch. Điển hình như ngày 3-9-1967 tiểu đoàn bắn rơi 3 chiếc F105. Trong đó tại trận địa Bắc Khe Tang: Đại đội 11 bắn rơi tại chỗ 1 chiếc. Riêng đại đội 10 cũng tại trận địa Bắc Khe Tang qua các đợt thay đại đội11 đi bảo vệ Khe Nét vào trung tuần tháng 8 và 9 cũng bắn rơi được 2 chiếc F4 vào các ngày 12 - 8 và 10 - 9.

Cuối tháng 12 năm 1967 và những ngày đầu tháng một năm 1968 trời rét. Rừng núi miền Tây mây mù che phủ, bầu trời bị thu hẹp lại, tầm nhìn hạn chế, với thời tiết như thế, bọn máy may cường kích không hoạt động được, thay vào đó là bọn B57 đi rải bom. Mặt đất vẫn rung lên bần bật lên tục, không ngừng. Gây cho ta rất trở ngại trong việc đảm bảo giao thông cũng như thiệt hại về người.

Đêm mùng 8 tháng 1, Đại đội 10 lại từ bờ nam sang trận địa Bắc Khe Tang.

Ngày mùng 9, tôi cho nửa đại đội về bờ Nam đào trận địa dự bị, còn một nửa ở lại trận địa để luyện tập, vì đơn vị mới nhận thêm quân bổ sung. Ở khẩu đội 4 do Nhữ Văn Hiếu khẩu đội trưởng cho tập số  1-2-4. Ở khẩu đội 5 do Nguyễn Văn Sáng khẩu đổi trưởng cho tập số 3 – 5. Khoảng 9h từ hầm chỉ huy đại đội, tôi đến khẩu đội 4 kiểm tra anh em luyện tập. Sau đó từ khẩu đội 4 sang khẩu đội 5. Vừa bước chân vào hầm khẩu đội 5. Nghe tiếng động cơ của B57, chưa kịp hô hết câu “chú ý bom tọa độ”, bom đã nổ vào trận địa. Khói, bụi, đất mù mịt. Chúng tôi chỉ còn biết đứng chịu trận để bụi, đất tung vào người. Nhưng rất may tôi và anh em ở khẩu đội 5 vẫn không ai bị sây sát đáng kể. Khói, bụi tan vội chạy từ khẩu đội 5 để ra xác định sự thể sau loạt bom nổ, vừa mới được vài bước chân đã thấy một chiến sĩ nằm sấp mặt xuống đất, lật đồng chí đó lên. Tôi nhận ra đó là Đào Minh Tân quê ở Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, bị mảnh bom phạt hết phần mặt từ hàm trên lên đến phần đầu phía sau: Nhìn sang khẩu đội 4 chẳng thấy pháo và người đầu, chỉ thấy một hố bom rộng hoác cách hố bom khoảng 15m là giường của khẩu pháo và 3 bánh lật úp. Như vậy là 7 anh em ở khẩu đội 4 cùng thân của khẩu pháo đã bay mất do sức công phá của quả bom. Rơi trúng vào khẩu đội.

Tổng hợp sự thiệt hại của đơn vị sau loạt bom (22 quả) do B57 rải vào trận địa có o8 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. 7 cán bộ chiến sĩ bị thương và một khẩu pháo bị phá hủy.

Tôi cho bắn tín hiệu ứng cứu. Đại đội 3 TNXP tỉnh Quảng Bình ở khu rừng gần đó đã đến hỗ trợ đơn vị đưa thương binh đi cứu chữa, đồng thời cùng tìm kiếm những phần thi thể của anh em ở khẩu đội 4 bị nát vụn còn sót, rơi vãi trên trận địa. Tuy nhiên gom lại cũng không được bao nhiêu. Chúng tôi chia đều cho vào 7 cỗ quan tài, mỗi quan tài một vốc nhỏ để đưa đi chôn cất cùng với liệt sĩ Đào Minh Tân (Ngoài số liệt sĩ hy sinh tại trận địa còn có đồng chí Nguyễn Đình Nụ, khẩu đội trưởng khẩu đội 3 do vết thương quá nặng, trên đường đi cứu chữa cũng đã hy sinh, nâng tổng số hy sinh  của đơn vị ngày 9/1/1968 lên 9 đồng chí).

Sau tết Mậu Thân năm 1968, do yêu cầu của chiến trường, việc vận chuyển hàng qua trọng điểm Khe Tang tăng lên. Máy bay định càng điên cuồng đánh phá. Các đại đội của tiểu đoàn vẫn kiên cường đánh địch ngày đêm. Mặc cho đạn bom vây bủa và kể cả tiếp tục có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương cho tới khi Mỹ phải ngừng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất vào ngày 31/10/1968.

Khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Anh em đồng đội chúng tôi còn sống đều đã ở tuổi trên 70. Quỹ thời gian ở trên đời không còn nhiều. nhớ về một thời máu lửa ở trọng điểm Khe Tang. Nhớ về đồng đội đã hy sinh ở nơi đó. Tháng 8 năm 2015, chúng tôi quyết tâm tổ chức vào thăm Khe Tang và thắp hương tưởng niệm đồng đội ở các trận địa. Trong chuyến đi này, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo, các tổ chức, chính trị xã hội của xã Lâm Hóa đón tiếp ân cần và chu đáo (chúng tôi đã có thông tin trước đó) Đồng chí Trương Tư Thoan - Bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch HĐND xã đã cùng một số cán bộ của địa phương trực  tiếp cùng đi đến các trận địa.

Gần 50 năm trở lại, dấu tích của thời đạn bom cày xới đến độ hủy diệt mà Mỹ - Ngụy đã huy động đánh vào trọng điểm Khe Tang. Nay hầu như không còn dấu tích. Thay vào đó, cây cối đã phủ xanh, một màu trải dài ngút ngát. Cầu Khe Tang được làm mới bằng bê tông nối hai bờ Nam, Bắc thượng nguồn sông Gianh trên đường Hồ Chí Minh thay cho đường 15 rộng thênh thang, mặt đường trải nhựa láng bóng, xe chạy bon bon ngược xuôi Nam Bắc. Đúng là con đường ước vọng của độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Đường vào các trận địa đều đã không còn dấu vết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhớ được vị trí, kết hợp với sự thông báo trước cho các đồng chí ở địa phương nên việc tìm kiếm không mấy khó khăn. Riêng trận địa Bắc Khe Tang ở đồi cao nằm sâu trong đường, nên phải leo qua quả đồi rất dốc mới vào được khu vực trận địa. Cây trồng và cây rừng tự nhiên, mọc xen dày. Hố bom vẫn còn sâu và rộng, giường của khẩu pháo đã mất. Theo các đồng chí cựu chiến binh của xã cho biết dân tìm phế liệu chiến tranh, cưa cắt mang đi từ lâu rồi. Chúng tôi bồi hồi xúc động thắp hương trên miệng hố bom tưởng niệm đồng đội. Đã bao nhiêu năm trôi qua linh hồn của họ chắc vẫn còn hiện hữu nơi này làm bạn với cỏ cây sông núi. Không ai một lần hương khói, bởi chẳng ai biết tại hố bom này có bảy liệt sĩ đã hóa thân vào bất tử.

 

Sau cuộc thăm viếng, về lại trụ sở làm việc, cùng với các đồng chí ở địa phương trao đổi với nhau về thời kỳ bảo vệ trọng điểm Khe Tang. Do các đồng chí lãnh đạo đều là thế hệ sinh sau chiến tranh. Những điều diễn ra, hồi đó đều không được biết. Nay qua nguồn thông tin của chúng tôi, các đồng chí thấy rằng đây là những điều có tính lịch sử cần được khắc ghi trên đất quê mình. Vì vậy các đồng chí đề nghị chúng tôi cung cấp danh tính của các liệt sĩ C10 – D11 – E280 hy sinh ở trận địa Bắc Khe Tang, đồng thời viết thành văn bản về hoạt động của đơn vị để các đồng chí đề nghị cấp trên làm bia hoặc đài tưởng niệm các liệt sĩ. Điều các đồng chí lãnh đạo địa phương đề cập cũng là tâm nguyện của chúng tôi. Để có tác động và sự phối hợp của các ngành, các cấp có liên quan. Tôi đã gửi văn bản đề nghị lên Bộ LĐTBXH, Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam, Sở LĐTBXH, xã Lâm Hóa và huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình. Trên cơ sở những thông tin do chúng tôi cung cấp và  danh tính của các liệt sĩ đã được E280 và Cục chính sách tổng cục chính trị QĐND Việt Nam xác nhận. Với sự phối hợp tích cực của các địa phương và các ngành liên quan trong tỉnh Quảng Bình ngày 2-2-2018 UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định: Trận địa Bắc Khe Tang là di tích lịch sử của tỉnh./.

THẾ CHƯƠNG