Trang chủ

VỀ NGUỒN VĂN NGHỆ
08:09 | 28/08/2018

 

LÊ KHANH

Tại lớp bồi dưỡng kỹ năng viết văn, làm báo của Quân đoàn 4 ở Sài Gòn sau giải phóng, Quốc Trung - cây viết lúc bấy giờ đã có tiếng của Quân đoàn đưa cho tôi tờ Văn Nghệ giải phóng. Tôi mừng ra mặt, tưởng bạn quà cho mình bằng bài viết đã được báo đăng. Không! Vẫn có quà, nhưng là món quà khác. Tờ báo có bài viết và đăng ảnh các văn nghệ sĩ hàng đầu ở trụ sở trên chiến khu Việt Bắc, những người tôi rất ngưỡng mộ. Họ đứng một hàng, người khoanh tay, người cắp mũ bên sườn, tư thế và trang phục rất thoải mái trước căn nhà tre nứa đơn sơ, dưới tán cây rừng. Rõ thật văn nghệ sĩ, chẳng thể lẫn vào đâu. Họ là cha đẻ của những tác phẩm kinh điển mà chúng tôi học ở phổ thông. Trong sổ tay tôi còn chép vài bài của mấy nhà thơ có mặt trong bức ảnh đó. Chị Dậu, cái Tý đã lấy đi nước mắt của bao nhiêu thế hệ học trò. Khi đến bước đường cùng thì chắc gì ta đã làm khác anh Pha, anh Chí. Cỡ lính trẻ mới mon men tập tọng vào viết lách như tôi thì các ông ấy xem như đã hiển thánh rồi. Chỉ có thánh mới đẻ ra được những đứa con tinh thần như vậy. Ao ước được một lần về cái trụ sở đầu tiên - ngôi đền của các vị thánh ấy. Nhưng rồi cuộc sống cuốn tôi đi nẻo khác. Nó bất ngờ kéo tôi vào cuộc chiến tranh  biên giới Tây Nam. Và cũng bất ngờ không kém, nó lại ném tôi ra với máu me thương tích trên người. Rồi sau đó thì cơm áo ghì sát đất, nó làm thui chột và quên đi cái mộng của tôi. Đó là cái mộng văn chương, cái mộng đẹp của tuổi học trò mà tôi đã đút ba lô đem vào lính. Hết mộng thì tôi cũng không còn nghĩ về ngôi đền ấy nữa, cũng lâu rồi. Nhưng, văn chương với tôi cũng là cái nghiệp, để bây giờ nó lại gọi và đưa tôi đến ngôi đền mơ ước cũ. Cũng gọi là cơ may.

Nhân chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam bây giờ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh tổ chức chuyến đi về nguồn. Nguồn là địa điểm đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam ở xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Huyện Hạ Hòa, vùng đất cửa ngõ Tây Bắc tỉnh Phú Thọ là nơi có nhiều danh thắng và các di tích lịch sử, văn hóa. Nổi bật là các di tích thời đại Hùng Vương dựng nước như Đền Mẫu Âu Cơ, một di tích lịch sử lâu đời gắn với truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân ở xã Hiền Lương. Truyền thuyết kể rằng, khi bà Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, đi đến đâu cũng truyền dạy dân cấy lúa, nuôi tằm, dệt vải. Bữa nọ, Người đến một nơi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cây cỏ hoa lá tốt tươi. Người cho khai hoang, lập ấp. Khi đàn con đã biết cấy lúa, nuôi tằm, dệt vải thì một ngày kia, Người cùng bầy tiên nữ bay về trời và đã để lại dải yếm đào dưới gốc đa; nơi đây, nhân dân đã lập đền thờ, giữ gìn hương khói đời này sang đời khác. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ. Hàng năm, nhân dân Hạ Hòa mở lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ vào đầu tháng Giêng âm lịch. Bên cạnh đó, Hạ Hòa còn có hàng chục di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nơi đây còn từng là các chiến khu cách mạng lừng danh trong kháng chiến chống thực dân Pháp như Chiến khu 10 ở Đại Phạm - Hà Lương - Gia Điền - Ấm Hạ… Anh Nguyễn Công Hảo, Chủ tịch Hội bảo chuyến về nguồn này rất có ý nghĩa. Ý nghĩa hơn khi mấy anh ở Trung ương cũng hẹn về. Đến địa phận huyện Hạ Hòa, gặp đoàn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ ra đón. Chúng tôi dừng xe chờ nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam từ Hà Nội lên.

Con đường bê tông vào xã Gia Điền không đủ chỗ cho hai làn xe chạy, quanh co theo những sườn đồi nghèo nàn trồng keo, bạch đàn bên những nương chè xanh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Cánh thợ săn ảnh lập tức hành nghề, khí giới giương lên bày trận. Nhà thơ Nguyễn Như Hạo cũng ghi chép lia lịa vào tờ giấy vừa xin hay xé ở đâu ra. Tôi chốt trong đầu: kinh tế xã hội năm sau cao hơn năm trước, hộ khá và giàu tăng, hộ nghèo cận nghèo giảm, an ninh quốc phòng giữ vững, năm 2015 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chấm hết. Sau cuộc gặp mặt ngắn và giản dị, chúng tôi vào Nguồn. Trời xanh ngắt, nắng chói chang rát buốt như ong đốt. Biến đổi khí hậu thế nào mà trời đất ghê gớm quá. Đã qua hạ chí mà nắng hơn cả giữa hè. Ngày hôm qua ở Hà Nội nhiệt độ ngoài trời có nơi trên 40oC. Ở đây chắc cũng chẳng kém đâu. Dự báo trời còn nắng nóng tiếp sang đến tuần sau. Xe dừng lại cạnh bãi đất trống có một vài cây to. Ngay bên đường, giữa bãi cỏ xanh một tấm bia dựng trên bệ xây tam cấp chẳng thấy nhà cửa hay lều lán gì. Trụ sở ở đâu? Phía sau bia, mấy bụi tre xanh lặng lẽ. Xa xa là rừng keo và bạch đàn lẫn với những cây trồng khác kéo từ chân đồi mãi lên đến đỉnh. Chị Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ chỉ tấm bia nói:

- Các anh chị, ta làm lễ ở đây.

Ở đây à? Mọi người quây quần quanh tấm bia. Bia chép “Tại thôn Gia Điền trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ”.

Thì ra ngày xưa các bậc tiên hiền đã ở đây. Ở làng này và ở chung với dân. Trước khi vào đây, tôi cứ hình dung cái trụ sở đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam. Một mái lán, cái chòi hay cái gì đại loại. Chí ít cũng phải có cái gì để gọi là trụ sở. Tấm bia ở Gia Điền đã làm cho cho tôi nghĩ khác hay là hiểu đúng hơn. Tấm bia nhắc rằng trong những ngày trứng nước, các văn nghệ sĩ lớn của đất nước đã đến và sống ở đất này. Họ ở chung với dân. Các ông có đi công tác đâu thì lại về đây ba cùng với dân. Ông Tố Hữu có thơ: “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” là như vậy. Cán bộ với dân thật chẳng khác nào như cá với nước. Chẳng có chòi lán nào gọi là trụ sở riêng của Hội ở đây đâu. Ngày ấy nhà dân, lòng dân chính là trụ sở. Cũng như cái chiến khu kia, đâu phải có thành cao, hào sâu, mà chính lòng dân và căn nhà họ ở đã là chiến khu rồi. Chiến khu 10 là thế đó. Ban nãy, lúc ở trụ sở Ủy ban xã xem tấm “Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia” do Bộ Văn hóa – Thông tin cấp ngày 26 tháng 5 năm 2004, trong bụng tôi cứ băn khoăn. Tôi băn khoăn mấy chữ ghi ở trên bằng. Chữ ghi rằng: “Chiến khu 10 (Khu vực nhà ông Nguyễn Văn Quý, nhà bà Nguyễn Thị Gái và gò Đồng Cống) xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.” Giờ thì tôi hiểu. Không như bây giờ, cơ quan phải có cái trụ sở; ngày xưa ở với dân thì đâu cần trụ sở. Sống với dân để cùng nhau kháng chiến, nhưng cũng chính là để sáng tác đấy chứ. Sống đã rồi hãy viết. Ông Nam Cao đã viết như vậy trong nhật ký của mình. Chỗ khác ông lại viết “sống với những người Mán thật thà mà tốt bụng, không biết chữ, nhưng nói đến cách mạng thì hăng hái lắm”. Là ông nói ở Gia Điền đây hay ở nơi nào? Nhưng tôi thì cứ tin rằng, chính từ  đây, các ông ấy đã ra đi. Hòa mình vào đời sống của công nông binh và kháng chiến, các ông đã viết nên những tác phẩm để đời. Ông Văn Cao có “Trường ca Sông Lô” để bây giờ, mỗi lần nghe ta vẫn thấy toát lên khí thế oai hùng. Ông Nguyễn Huy Tưởng đi Chiến dịch Biên giới. Đó là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta. Từ thực tiễn nóng hổi ở chiến trường, ông đã viết nên “Ký sự Cao Lạng”. Thiên ký sự mãi mãi để cho hậu thế đọc mà tự hào và càng thương thế hệ cha ông. Ông Tô Hoài theo chân bộ đội đi chiến dịch Tây Bắc. Sống giữa những người Mông, chứng kiến và cảm thông bao mảnh đời cơ cực, tối tăm đã được cách mạng hồi sinh, ông viết “Vợ chồng A Phủ”. Đó là tác phẩm đỉnh cao của dòng văn nghệ kháng chiến, chúng tôi đã được học hồi phổ thông. Ông Hoàng Vân sáng tác bài “Hò kéo pháo” ngay trên đường bộ đội kéo pháo. Và đặc biệt, hình ảnh Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc được các nhà quay phim, nhiếp ảnh ghi lại cực kỳ chân thực và sinh động. Bác cưỡi ngựa băng rừng đi công tác, thăm bộ đội, dân công hay giảng bài huấn luyện. Bác suy nghĩ và tự tay đánh máy chữ hay vác cuốc ra vườn trồng rau. Cảm động nhất là hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc lội suối, hay tự tay giặt đồ, rồi mình trần đội mũ, vừa đi vừa vác que phơi quần áo. Những hình ảnh ấy nay đã là bảo vật quốc gia, có giá trị trường tồn. Cùng với văn thơ nhạc họa, hình tượng Bác Hồ trong phim ảnh đã làm nổi bật hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại mà giản dị, có sức lay động lớn. Và còn rất nhiều tác phẩm khác nữa, đủ thể loại, đã ra đời. Những tác phẩm đó tuy chưa phản ánh được hết nhưng cũng đủ sinh động về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ mà anh dũng của dân tộc, góp phần làm cho kháng chiến thắng lợi. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đã làm chấn động địa cầu. Thực tiễn hào hùng ấy là mảnh đất màu mỡ để các sáng tác văn học nghệ thuật nảy mầm đơm hoa kết trái.

Thực tiễn ấy đã làm nên dòng văn nghệ kháng chiến đặc sắc, có sức lan tỏa và được phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Trong các cuộc kháng chiến ấy, văn nghệ sĩ đã theo sát bước chân người lính trên chiến trường. Dấu chân họ song hành cùng dấu chân người lính. Và khi cần họ xếp bút để cầm súng như chiến binh thực sự. Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường. Mỗi trang văn, vì vậy, không chỉ thấm mồ hôi mà cả máu đào.

Hôm nay, Đoàn Văn nghệ sỹ tỉnh Bắc Ninh về nguồn để tri ân các bậc tiền nhân, để thấu hiểu hơn về truyền thống Văn nghệ cách mạng Việt Nam. Mọi người xếp hàng dâng hoa trước bia. Trời xanh vẫn giội nắng trên cao. Nhà báo Ngô Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội đọc lời tri ân ngắn gọn nhưng cũng đủ thể hiện sự thành kính sâu sắc. Một khoảng trống lặng yên. 

Sau lễ tri ân, mọi người cùng nhau chụp ảnh. Tôi đứng chung với nhà thơ Nguyễn Tự Lập, anh em làm với nhau vài kiểu.

Trước lúc trên xe về thành phố Việt Trì, anh Hảo thông báo:

- Chiều viếng Đền Hùng. Mai đoàn về Tân Trào, Định Hóa. Và chúng tôi tiếp bước hành trình mới của Văn nghệ Cách mạng Việt Nam./.