Trang chủ

PHỐ NÚI MỜ SƯƠNG
09:26 | 18/07/2018

 

 NGỌC BÍNH

Tôi nhận quyết định của Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh: tham gia đợt sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại nhà sáng tác Tam Đảo hơi muộn.

Ngày 28/3/2018 lên Hội lấy giấy đi đường và phải có mặt ở Tam Đảo 14 giờ ngày 31 tháng 3 năm 2018. Dù vậy tôi vẫn hăm hở chuẩn bị những thứ cần thiết cho nửa tháng xa nhà.

Từ nhỏ ở quê, những chiều quang mây, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường được người lớn chỉ về phía Tây Bắc, nơi có những dải núi xanh mờ: Đó là Tam Đảo.

Lớn lên hút thuốc lá Tam Đảo, vậy mà đã biết Tam Đảo là gì đâu?

Lúc máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, thường nghe nói Tam Đảo là nơi nghỉ mát của các vị lãnh đạo cao cấp.

Ấy vậy mà bây giờ - sau mấy chục năm. Tam Đảo đã là một thị trấn. Dân số chưa đến một ngàn người, vậy mà hàng năm đón tiếp cả trăm ngàn lượt khách du lịch.

Họ đến với Tam Đảo bởi những đám mây trắng bay ngang, những cung đường quanh co khúc khuỷu ven sườn núi xanh thẫm. Con người như được trôi trong mây, được nghe gió thổi ầm ù nhẩn nha đập vào cây rừng xạc xào, mông muội, khiến người ta nghĩ về một thời quá vãng.

Nơi đây là cả một vùng rừng núi điệp trùng chưa người khai phá. Năm 1902, một nhà thám hiểm người Pháp phát hiện ra điều kì thú về thời tiết ở khu vực này nên đã vạch lá vin cây len lỏi trong những màn sương đặc quánh. Giữa mùa hè nóng bức của xứ Bắc Kỳ - An Nam mà nơi đây mát lành như Pari bên chính quốc.

Qua một thời gian khảo sát. Toàn quyền Đông Dương quyết định mộ phu khai phá nơi đây. Từng đoàn thanh niên nam nữ từ dưới Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, răng đen, da sạm nắng, chân tay khẳng khiu, bằng những dụng cụ thô sơ chặt cây rừng, bổ từng nhát cuốc mở đường tiến sâu vào núi và lên cao dần.

Thời gian cứ trôi, nắng, mưa, muỗi, vắt, đói, rét, mệt mỏi và đặc biệt là bệnh sốt vàng da đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi năm, lớp trước mỏng dần, đã có lớp sau từ dưới xuôi kéo lên thế chỗ.

Hàng ngàn nhân công khai phá, những con đường đất vòng vèo trơn trượt sau những trận mưa đã tiến dần vào những vùng mây trắng lượn quanh, sương mù dầy đặc, giáp mặt chẳng thấy nhau. Cái lạnh bắt đầu bắt nạt những dân phu thiếu áo thiếu quần. Họ làm quần quật ngày đêm chỉ mong có bữa cơm no. Trải qua những năm tháng triền miên trong mệt mỏi, bệnh tật. Tuy vậy bản năng con người vẫn thức gọi. Và những đứa trẻ lần lượt ra đời – Người Pháp đã cho họ định cư ở một nơi riêng biệt, đối xử như những người nô lệ da đen.

Người An Nam ở đây nếu còn muốn sống thì đừng có đặt chân vào khu vực của người Pháp. Do nhu cầu tự nhiên, ngày càng có nhiều quan chức thực dân tới nghỉ ngơi. Con đường duy nhất lên Tam Đảo được chính quyền thuộc địa duy tu ngày một rộng rãi hơn. Cho tới những năm bốn mươi của thế kỉ trước con đường đã được tráng nhựa, và khu thị trấn núi hôm nay được mở rộng hơn.

Thời kì sơ khai của Tam Đảo, do bệnh tật, nhiều người chết và thế là một niềm tin vào đấng thần linh đã định hình trong tâm thức những người “cu li” bản địa. Những ngôi miếu thờ mẹ núi rừng (Mẫu Thượng ngàn) đơn sơ hàng ngày nghi ngút hương khói. Dân số theo năm tháng tăng dần. Khi thực dân Pháp thất bại, rút khỏi Đông dương – Miền Bắc Việt Nam được sống trong hòa bình. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bắt đầu quan tâm tới Tam Đảo. Nơi đây đã được xây dựng một số ngôi nhà sang trọng làm nơi nghỉ dưỡng của các vị lãnh đạo nhà nước. Để duy trì cuộc sống của những cư dân nơi đây, một phố nhỏ đã hình thành và phát triển dần thành một thị trấn ở độ cao gần hai ngàn mét này. Đường xá đã được tu bổ tôn tạo kiên cố, chính quyền tỉnh Vĩnh Phú xưa và Vĩnh Phúc nay đã đầu tư xây dựng thị trấn Tam Đảo núi thành Khu du lịch cho khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hít thở không khí trong lành của một vùng rừng xanh núi biếc có một không hai của tỉnh.

Những ngôi miếu đơn sơ trên sườn núi, đã được xây dựng thành những nơi thờ cúng bề thế, đường lên cao là những bậc thang được lát đá sạch sẽ. Những quán gió được xây dựng ở những nơi đắc địa nhất, khiến cho du khách cảm thấy mình đang bồng bềnh trôi theo những đám mây ở một miền hoang sơ mà không quên ngắm nhìn tháp truyền hình sừng sững trên đỉnh cao Phù Nghĩa.

Những nhà văn nhà thơ của chín tỉnh phía Bắc sông Hồng còn đang chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kì vĩ và lòng mến khách của người dân Tam Đảo thì đã phải chia xa. Cuộc chia tay sau buổi tổng kết thật vui mà cũng man mác buồn. Vì mới quen nhau đã phải chia xa. Âu cũng đành, biết làm sao được./.