Trang chủ

NHÀ VĂN Phan Thư với tác phẩm đầu tay của tôi
09:31 | 31/07/2018

 HOÀNG GIÁ

Cách đây 20 năm, trong dịp lễ hội chùa Dâu tôi được thi đấu cờ tướng với một kỳ thủ trẻ. Tôi thua. Phục tài, tôi mời cậu ta ra quán nước tâm sự.

            -Anh làm nghề gì?

            -Cháu viết văn, viết báo.

            -Ái chà chà! Không ngờ hôm nay mình lại được đấu cờ với một nhà văn. Thế viết văn có khó không? Liệu tớ (cậy hơn tuổi nên có phần bỗ bã) có viết được không?

            -Thực ra cháu cũng chỉ là người mới tập viết chứ đã là nhà gì đâu. Còn chú có viết được hay không thì phải đọc một cái gì chú đã viết  mới có thể nói được chứ.

                -Mình chưa viết gì. Nhưng mình sẽ thử.

            Ba ngày sau chúng tôi lại gặp nhau ở lễ hội Tạ Ân làng Đại Trạch. Sau cái bắt tay thật chặt, chúng tôi lại căng đầu trong ván cờ bán kết. Lần này may mắn tôi thắng. Tôi lại kéo anh bạn trẻ ra quán nước và thú thật đến lúc ấy tôi mới biết cậu ta là Phạm Thuận Thành, quê An Bình, cùng huyện. Tôi rút trong túi áo ra một tập giấy. Đó là bản thảo truyện ngắn đầu tay mang tiêu đề “Bạn đọc” mà tôi phải đánh vật suốt ba đêm mới hoàn thành. Tôi ngượng ngịu (vì đâu đã dám tự tin) đưa cho Thành. Thành chăm chú đọc, rồi đưa cánh tay dài ngoẵng bắt chặt tay tôi, bảo:

            -Quả thật là cháu không ngờ. Ngày mai cháu sẽ đưa chú lên chỗ ông Phan Thư. Ông ấy là nhà văn, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Nhất định truyện này của chú sẽ được in.

            Đêm ấy tôi không ngủ được. Mới bốn giờ sáng đã ra sờ lốp xe máy. Chẳng may nó xịt hơi thì hỏng bét. Nhưng tôi đã gặp may.

            Hôm ấy ở văn phòng hội đặt ở chùa Cao, xã Vạn Phúc có cả anh Phan Thư, nhà thơ Trần Anh Trang và khá đông anh em yêu mến Văn học-Nghệ thuật đa phần cũng tò te như tôi. Anh Phan Thư trân trọng cầm tập bản thảo, khen tôi chữ đẹp và chăm chú đọc. Tôi hồi hộp theo dõi những thay đổi trên khuôn mặt rất biểu cảm của anh. Đọc xong, anh đưa cho anh Trần Anh Trang, bảo: “Ông đọc đi. Khá lắm!” rồi bảo tôi:

            -Anh mới viết mà viết tốt lắm. Anh nên tham gia vào hội VHNT. Muốn vậy anh phải có ít nhất là một truyện nữa.

            Tôi phấn khởi lắm. Khi chờ phà ở bến phà Hồ, thấy một ông lão mù bày một bàn cờ thế, tôi đã nghĩ tới câu chuyện về ông ta cũng khá thú vị, cho nên viết thêm một truyện nữa không thành vấn đề gì. Về nhà muốn lao vào phòng viết ngay, nhưng vợ bảo phải đi dỡ khoai chạy nước sông đang lên. Đành vậy. Nhưng tay thì cuôc mà đầu cứ mông lung nghĩ về ông lão mù nên cuốc lung tung, khoai sứt sẹo, nham nhở. Vợ tôi ngạc nhiên bảo “Hôm nay anh làm sao mà như người mất hồn. Hay là lên tỉnh bị ả nào cướp hết “hương đồng gió nội” rồi.” Tôi mặc kệ. Thực ra tôi có nghe thấy vợ nói gì đâu. Tôi đang mải dàn xếp cho ông già mù bày thế cờ “Tiết Nhân Quý nhất mã tranh hùng” mà.

            Ba ngày sau tôi một mình lên gặp anh Phan Thư. Văn phòng đóng cửa. Tôi hăng hái đi tìm nhà riêng của anh. Đang đi trên đoạn phố heo hút, tôi nhác thấy một phụ nữ quen quen, liền đỗ xe hỏi thăm. Trời đất, Tôi hỏi đúng chị Cam học trước tôi một lớp ở trường cấp III Hàn Thuyên, lại là phu nhân của Chủ tịch hội. Phan Thư đùa vui “Thế là con đường văn nghiệp của ông đã có quý nhân phù trợ”. Chúng tôi hoan hỷ bắt tay nhau. Khi tôi đưa bản thảo mới Phan Thư gạt đi, bảo:

            -Trưa rồi. Uống với tôi vài chén đã, gọi là bạn cũ gặp nhau và cũng mừng cho ông bắt đầu cầm bút.

            Tôi dè dặt đặt bản thảo xuống ghế, miễn cưỡng nâng cốc. Nhưng Phan Thư huyết áp cao có uống được đâu. Anh bảo tôi cứ tự nhiên rồi vớ bản thảo, đeo kính đọc ngấu nghiến. Anh đọc đi đọc lại tới hai, ba lần rồi bỏ kính bảo:

            -Anh có học trường viết văn nào đâu mà sao viết có nghề thế. Truyện của anh có nhiều chi tiết rất lạ, bố cục khá bất ngờ và rất cảm động. Cái này in ở Người Kinh Bắc thì tốt quá rồi. Nhưng số tới còn in cho anh cái “Bạn đọc”, phải bốn tháng  nữa mới in được cái này ( lúc ấy ba tháng mới có một số tạp chí). Theo tôi anh nên gửi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây, tôi cho anh địa chỉ.

            Tôi vẫn băn khoăn. Bởi trước đó tôi chỉ ước mơ có được cái gì đó in ở baó Bắc Ninh hay bất kỳ tờ báo nào cũng thấy vinh dự lắm rồi. Bây giờ chắc chắn có truyện in ở Người Kinh Bắc-đã là quá sức tưởng tượng, lại còn “có voi đòi tiên” “chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay bổng”, tôi ngại mang tiếng lắm. Phan Thư phải động viên mãi, tôi mới dám.

            Tôi ra ngay bưu điện Bắc Ninh gửi bài. Cũng là vì tôi tin Phan Thư, tin những lời chân thành của anh. Bây giờ anh không còn nữa nhưng những cử chỉ, lời nói và sự nhiệt thành của anh vẫn sống mãi trong tôi. Tôi kính phục và cảm ơn anh nhiều lắm.  Anh đã khơi dậy niềm đam mê, đã thổi bùng ngọn lửa văn chương, đã trải hoa trên con đường văn nghiệp của tôi. Tôi thấy mình phải viết thật hay, thật nhiều, thật sâu sắc để trả ơn bạn đọc, trả ơn những người như anh Phan Thư.

            Đúng hai tuần sau thì Tổng biên tập-đại tá Nguyễn Trí Huân gọi điện qua nhà hàng xóm, báo tin truyện ngắn “Người bày cờ thế trên bến Hồ” đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và mời tôi làm cộng tác viên.

            Từ đó tôi mới tự tin và càng say mê viết, dẫu rằng với tôi là quá muộn để có thể thành nghề, nhưng  rõ ràng văn chương đã là cái nghiệp của những năm tháng còn lại của tôi. Mỗi người đến với nghiệp văn bằng những con đường khác hẳn nhau, bằng phẳng hay chông gai, thành công hay thất bại, cả đời hay đứt đoạn…còn tùy thuộc vào nỗ lực, vào sự may mắn và khả năng sáng tạo của mình. Với tôi con đường văn nghiệp khá bằng phẳng, lại may mắn gặp được những con người như Phạm Thuận Thành, Nguyễn Hữu, Trần Anh Trang và nhất là anh Phan Thư-Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật đầu tiên khi Bắc Ninh tái lập.

Xin được coi bài viết này như một nén tâm nhang cầu chúc cho anh-người đã khuất, cho vợ con anh-những người đang sống mãi mãi yên vui, mãi mãi quý yêu cuộc đời và những con đường mình đã chọn.