Trang chủ

CHUYỆN VỀ NHỮNG NHÀ BÁO KHÔNG CHUYÊN NƠI MIỀN CÁT
08:09 | 25/06/2018

 DUY HOÀN

Mỗi lần về với xứ Trầm Hương (Nha Trang – Khánh Hòa), đến thăm Học viện Hải quân, chúng tôi lại có dịp được giao lưu, hàn huyên với những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp. Mái trường bên bờ sóng ấy đã chắp cánh cho lòng đam mê và tình yêu biển. Các anh đã làm nên chân dung cuộc sống qua từng trang viết bộn bề, dung dị, đằm sâu chất lính.

Trong số những người bạn gọi là có chút văn chương, có một người lính, nhà báo họ Hồ mà anh em vẫn thường đùa vui vậy. Dẫu mới gặp anh được đôi lần nhưng qua đồng nghiệp và những tác phẩm của anh, cảm nhận được nét tinh tế, dí dỏm cũng thật để nhớ. Đó là Trung tá Hồ Anh Mão, hiện công tác tại Tạp chí Khoa học và Huấn luyện hải quân. Dịp gặp này, tôi được chuyện trò cùng Mão nhiều hơn. Vốn là người đồng hương nên tiếng quê nghe lại càng gần gũi. Với Anh Mão, từ ước mơ cháy bỏng thuở nào: Được làm chú Hải quân, và hoài bão ấy đã thành sự thực. Năm 1994, Hồ Anh Mão đậu vào Học viện Hải quân Nha Trang. Trưởng thành từ một người lính - học viên. Ra trường, cánh đại bàng non ấy như được tiếp thêm niềm sinh lực. Trong 16 năm quân ngũ, chàng sĩ quan trẻ ấy đã được “tung hoành” nhiều vùng biển, đảo từ khu vực Nam Trung bộ đến tận vùng biển Tây Nam của Tổ quốc như Cam Ranh, Biên Hòa, Phú Quốc, Thổ Chu… Gần Mão, càng nhâm nhi câu chuyện càng thấy thú vị bởi anh không chỉ am hiểu khá nhiều về tự nhiên mà lĩnh vực xã hội, văn phong còn nổi trội hơn. Ngẫm và nhớ lại bài bút ký năm nào “Sóng không chỉ có trong bão giông”, Hồ Anh Mão đạt giải A sáng tác văn học về đề tài biển đảo giai đoạn 2007 - 2011 do Quân chủng Hải quân tổ chức. Có lẽ đó là động lực để anh có thêm ý chí, niềm đam mê với từng con chữ. Năm 2013, Hồ Anh Mão lại nhận thêm tấm bằng tốt nghiệp Học viện Báo chí tuyên truyền. Thật trân quý, những năm gần đây do đặc thù công việc làm biên tập tạp chí, anh không có điều kiện đi nhiều nhưng những bài viết của anh vẫn ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, thấm đẫm và có sức lan tỏa như: “Thiên nga trắng trên đại dương xanh” viết về tàu buồm Lê Qúy Đôn, “Câu chuyện về những chú chó trên Quần đảo Trường Sa” hay “Ngọn hải đăng giữa trùng khơi”… viết về những người giữ biển nơi đầu sóng ngọn gió. Nhà báo họ Hồ ơi! U43 mà cảm xúc lúc nào cũng dâng trào, tươi mới.

Cách đây hơn 20 năm, có một chàng sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với mong ước được trở thành người lính thủy và tình yêu biển đảo luôn thôi thúc và khơi dậy trong anh. Chàng trai xứ Nghệ Thanh Điệp đã nhanh chóng hòa nhập và được đứng trên bục giảng của mái trường Học viện Hải quân. Gặp gỡ hôm nay, cũng như bao lần đọc trên nhiều trang báo vơi mục “Người đi biển cần biết” của Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Thanh Điệp – Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng Hải dương Môi trường biển – Khoa Hàng hải. Chúng tôi đều tâm đắc và mến quý đức tính nhiệt huyết, trải lòng với những kiến thức, lượng thông tin quý giá mà anh đã đúc kết, rút ra từ những kinh nghiệm thực tế đi biển và qua những trang giáo án trên giảng đường. Những bài viết đó là cẩm nang cần thiết, giúp cho những người dân, mỗi con tàu có được những hiểu biết về Luật biển, cách nhìn trời, đoán mây và phòng tránh bão an toàn với xác suất cao nhất. Ngoài ra, anh còn có nhiều bài viết về gương người tốt, việc tốt trong chuyên mục “Bông hoa biển” của Báo Hải quân Việt Nam. Thanh Điệp cũng có rất nhiều bài viết phóng sự, bút ký, thơ, ca ngợi lòng quả cảm của những người lính biển và của những cựu binh về Đoàn tàu không số anh hùng nhằm hun đúc ý chí, bản lĩnh cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh gìn giữ biển trời Tổ quốc thân yêu.

Cùng một màu áo lính như Thanh Điệp, Anh Mão, có một nhà thơ “già dặn” hơn trong nghề viết. Rất gần gũi với độc giả không ai khác, đó là Thư viện Trưởng của Học viện Hải quân - Trung tá Nguyễn Xuân Tình. Mới ngoài tuổi tứ tuần mà tóc anh đã điểm bạc nhưng những câu thơ của anh luôn nồng nàn cháy bỏng, hồn nhiên như những người lính tuổi đôi mươi rạo rực niềm yêu trước lúc lên đường… “Gửi một thời trai/ Lính trẻ bồi hồi thèm bàn tay con gái/ Mai xa rồi, mai xa rồi! Có chi mà ái ngại/ Dặt dìu người ở ngươi ơi!”… Từ một cử nhân trường Đại học Văn hóa ngày nào, dáng nhỏ thư sinh ấy đã một thời ước mơ làm báo, để rồi mơ ước ấy cứ dặm dài cùng anh gắn liền với cuộc đời người lính và những trang viết. Ngoài phụ trách chuyên môn, Xuân Tình lại viết báo, làm thơ. Nặng lòng, chắc khỏe, bám sát tính thời sự cao, đó là tính cách của anh. Mới đây, bạn đọc vẫn không quên khi đọc bài báo của Xuân Tình “Lính Trường Sa và tình yêu bóng đá” khi đội tuyển U23 Việt Nam sắp bước đến đài vinh quang làm được điều kỳ diệu, vỡ òa, nghẹt thở cả châu lục. Kịp thời, nóng hổi cập nhật, anh nối mạng thông tin với các đảo và cảm xúc ấy, tình yêu Tổ quốc ấy của những người lính ở Trường Sa được anh ghi chép, chia sẻ cùng công chúng. Xúc cảm lớn nhất của Xuân Tình là khi mỗi lần Tết đến, Xuân sang. Dẫu bộn bề bao việc nhưng anh vẫn dành những tình cảm đặc biệt, dồn nén, thao thức với từng con chữ gửi ra ngoài ấy cùng đồng đội nơi Trường Sa thân yêu như: “Đón Xuân nơi đầu sóng” hay “Những chuyến hàng chở mùa xuân ra đảo” rồi rưng rưng trước “Bán đảo mùa Xuân” những câu thơ rút ruột, diết da tặng những người lính Lữ đoàn 146 Hải quân nơi cầu tàu ngày chia tay ra đảo… “Sao! Em vẫn lặng im e ấp bồi hồi/Dáng nhỏ mảnh mai giữa trời Xuân bán đảo/Đi đi em giữa xôn xao màu áo/Cánh mai rừng khát cháy cả giêng hai”

 

Trải nghiệm, lắng sâu và đằm thắm, đó là phong cách của những nhà báo mặc áo lính nơi miền cát. Dẫu cuộc sống đời thường còn chưa hết khó khăn nhưng tình yêu biển vẫn trào dâng trên mỗi trang viết của người lính. Các anh cứ trải lòng với một thứ tình cảm chân thành nhất. Mạch nguồn cảm xúc ấy là tiếng lòng, là tình yêu đồng đội để mỗi ngày những tác phẩm của họ được lớn dần và chắp cánh bay xa…