Bộ tranh “Tố nữ” trong dòng tranh dân gian Đông Hồ được sáng tác theo lối tranh “tứ bình” của dòng tranh dân gian Hàng Trống, gồm 4 bức tranh miêu tả về thiếu nữ xưa. Vẻ đẹp của các cô tố nữ được cố Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam (1930 - 2016) đã đưa vào tranh Đông Hồ những đường nét uyển chuyển, màu sắc tươi sáng và ý tưởng thú vị thông qua các nét vẽ và các bài thơ Nôm đề tranh. “Tố nữ” ở đây có nghĩa là chỉ “người con gái đẹp” không chỉ đẹp về tâm hồn mà còn đẹp về tài năng.
Vẻ đẹp của các thiếu nữ trong bộ tứ bình đầu tiên về “Tố nữ đứng” của cố Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam miêu tả thiếu nữ vấn tóc đuôi gà, mặc áo ngũ thân đứng biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống như sáo, sênh tiền, quạt và đàn nguyệt, bên cạnh là các bình hoa mẫu đơn, sen, cúc… đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông (nên còn gọi là bộ “tứ quý”); được thể hiện ở hai loại tranh màu và tranh đen trắng; mỗi bức tranh được đề đôi câu thơ chữ Nôm:
Thanh xuân còn mấy nghìn năm nhớ,
Cốt cách như in ngọn bút hoa.
Sắt đá bền gan cùng tuế nguyệt,
Phấn son đỏ mặt với sơn hà.
Dưới cõi trần ai mấy tố nga,
Chiều thanh vẻ lịch dễ đôi ba.
Kém gì điều hán mầu trang điểm,
Những tưởng cung tần thi lệ sa.
Ở bộ tranh “Tố nữ ngồi”, vẻ đẹp được nhân lên không chỉ bởi tài năng mà là cả những cảm xúc khó nắm bắt, mỗi thiếu nữ ngồi trên một chiếc đôn đang thả hồn theo điệu nảy nót của các nhạc cụ dân tộc: tỳ bà, sáo, hồ cầm, nhị. Thông qua hình vẽ và bốn tứ thơ nêu chủ đề từng bức tranh, thơ ca và nhạc họa hòa quyện với nhau như một thể hữu cơ; thơ là tranh bằng lời, tranh là thơ bằng đường nét. Đó là sự bổ sung hoàn hảo tạo nên một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao:
Ngỏ ngón cho nhau rõ biết tay
Cống hồ vả cũng tiếng xưa nay
Líu lô bảy bậc vàng oanh hót
Inh ỏi năm cung hạc tiếng bay
(Tố nữ thổi sáo)
Bổng trầm xoay vặn mặt trong tay
Nhỏ to còn đang lựa bốn dây
Rõ mặt tri âm đông đám cả
Lên cung nhường cũng lọt tầng mây.
(Tố nữ cầm đàn tứ)
Cống xế gọi là đưa bậc gẩy
Cử cò lần nữa mấy đường dây
Dân gian mấy độ coi chừng đó
Nay hẳn cung tiên nghịch khúc này.
(Tố nữ cầm đàn nhị)
Ríu rít giọng oanh pha giọng yến
Líu lô cung Bắc lẫn cung Nam
Dã lòng quân tử đa mang đó
Đem tấm tình chung gửi khúc đàn.
(Tố nữ gảy đàn tỳ bà)
Qua những sáng tác “Tố nữ đứng” và “Tố nữ ngồi”, ta có thể cảm nhận sâu sắc về hình ảnh phụ nữ xưa với khắc họa trong thơ “Đề tranh Tố nữ” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Giống như lời ca của người quan họ về người tố nữ trong tranh, các liền chị đẹp người, đẹp nết khiến cho liền anh ao ước, trộm nhớ thầm thương:
Kỳ đà len lỏi giếng khơi
Sơn lâm rầu rĩ, giọt đồng hồ sang canh
Chị hai như Tố nữ trong tranh
Tôi như thuyền tam bản, lên ghềnh được sao
Tôi nói đây, sợ mang tiếng dỗ dành…
(Kỳ đà len lỏi giếng khơi)
Trong những sáng tác về đề tài Tố nữ, bộ tranh “Tố nữ tân thời” ở dòng tranh Đông Hồ với nét đẹp của người phụ nữ hiện đại tóc cắt ngắn uốn sóng, khuôn mặt đầy đặn, dáng vẻ nhàn nhã với trang phục tân thời; song cảm nhận được hình như người tạo tranh vẫn còn day dứt đâu đây bởi những thay đổi đột ngột từ truyền thống sang hiện đại, từ bỏ các giá trị truyền thống nên các bình hoa và thơ đề không xuất hiện ở dạng tranh này, màu in chỉ đơn giản là hai màu đen trắng, bức tranh này vì vậy mà hiện nay ít sản xuất, kể cả khi dòng tranh phát triển cực thịnh ở giai đoạn đầu năm 1940 thì loại tranh này cũng thưa vắng người tìm mua.
Bộ tranh “Tố nữ Quan họ” là sáng tác của cố Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam năm 1990, chủ đề theo tranh tứ bình tố nữ song nghiêng về miêu tả vẻ duyên dáng của các liền chị quan họ với nét vẽ đậm đà, màu sắc bừng sáng trên nền giấy phủ điệp, đây là loại tranh mới được khách hàng rất ưa chuộng. Sau gần 30 năm, thế hệ các con của nghệ nhân lại nối tiếp dòng sáng tác này và phát triển thêm những gam màu sáng hơn, đậm nét truyền thống văn hóa Kinh Bắc trong từng đường viền, từng màu sắc trên chiếc nón quai thao, dải yếm đào, tà áo tứ thân…; mỗi bức tranh được họa hai tứ thơ gửi gắm tâm tình của người Kinh Bắc:
Đẹp duyên câu chuyện mở đầu
Tình chàng nghĩa thiếp cơi trầu hôm nao
(Tố nữ bưng cơi trầu)
Thướt tha nón thúng quai thao
Quê hương Quan họ biết bao tâm tình
(Tố nữ cầm nón quai thao)
Cầm trăng khi bỗng khi thanh
Hội xuân tiếng hát trong làng quê hương
(Tố nữ cầm đàn nguyệt)
Quạt này trăm nhớ ngàn thương
Mát mình mát cả người đương hẹn hò
(Tố nữ cầm quạt)
Nói về sự độc đáo của bộ tranh này, người con dâu trưởng của cố Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh cho biết: sáng tác của cha tôi là sự kết hợp khéo léo giữa chủ đề hiện đại và truyền thống, đặc biệt là nét đẹp duyên dáng của người con gái Kinh Bắc tài hoa và xinh đẹp trong trang phục của liền chị Quan họ. Với bộ tứ bình này, do khổ lớn nên việc in đường nét to đậm sẽ được làm trước, sau đó sẽ tô màu và đường nét nhỏ nhất, rồi hoàn thiện trong vòng hai ngày tròn. Giấy dó được quét thêm điệp cho lấp lánh, cùng bố cục hợp lý, tự nhiên trang nhã kết hợp với bộ khung bằng tre hun của làng nghề Xuân Lai đã tạo cho bức tranh đậm hơn phong cách dân gian, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của các cô gái Quan họ xứ Kinh Bắc.
Vẻ đẹp của các cô gái trên quê hương Quan họ trong tranh toát lên sự thanh cao mà đằm thắm, tài hoa mà dịu dàng, vừa duyên dáng vừa nết na… đại diện cho người con gái Việt Nam nói chung và người con gái xứ bắc nói riêng. Từ đó cho chúng ta cảm nhận được những nét tinh túy, bản sắc văn hóa Việt, ý tưởng và sự tài hoa của người nghệ nhân vẽ tranh dân gian Đông Hồ. Nét đẹp của người phụ nữ xưa và nay vẫn được trường tồn qua hình bóng Tố nữ trong tranh Đông Hồ, như những vần thơ được Chế Lan Viên từng nhắc đến:
“… Ta nghe bừng tỉnh dậy,
Câu Quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường,
Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy,
Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương”
Hiện nay, nhiều bức tranh Tứ bình về “Tố nữ” và các bộ Tứ bình khác trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, kết hợp với các bức tranh về đề tài Quan họ như “Tố nữ Quan họ”, “Đến hẹn lại lên”, “Hội làng”, “Chị Hai quan họ", “Múa quạt Quan họ”… được các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ tiếp tục phát triển, làm phong phú thêm kho tàng tranh dân gian Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Bắc Ninh với bạn bè trong nước và khách quốc tế khi tìm hiểu về văn hóa, con người Bắc Ninh xưa nay./.
THANH HẢI