Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Truyện ký về hai vị đại khoa thôn Thọ Triền, xã Hương Mạc
17:00 | 24/06/2023

1. Vũ Dự - người thôn Thọ Triền, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được phong Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, làm quan đến chức Tán trị đạo Sơn Nam, Thừa Chính sứ ti, Tham Chính sứ. Ông có tên thụy là Mặc Phong tiên sinh. 

Ông sinh năm Mậu Tuất (1538), tướng mạo cao lớn, sức khỏe dồi dào cường tráng. Ông đỗ Tiến sĩ trong khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất (1562), (Thuần Phúc là niên hiệu của Mạc Mậu Hợp, Mậu Hợp là cháu của Mạc Phúc Nguyên, là chắt của Mạc Phúc Hải, và là chút của Mạc Đăng Doanh) tên đứng thứ 13, từ hàng Nho sinh thi một lần là đỗ, năm đó ông 25 tuổi.

Truyền kể: Khoa thi tam trưởng năm ấy đã ra bài phú Thái cực sinh lưỡng nghi. Trước đó vài hôm, ông có xem những bài phú cũ, những bài phú đó do thân phụ ông - An Bang nghĩ ra. Ý ông lúc đầu cho rằng sẽ không ra đề thi ở trong cuốn sách này, nên ông mới đặt cuốn sách xuống bàn, nhưng cuốn sách ấy cứ rơi đi rơi lại xuống dưới đến ba lần, sau đó ông mới bèn nhặt nó lên mà đọc, quả nhiên đề thi ra đúng vào trong sách ấy. Những sách mà ông đọc thuộc, lúc đầu là đọc tới Nguyên Lưu tiền tập, rồi Mạnh Tử tập chú. Đến ngày thi Văn sách, phần nhiều các câu hỏi đều hỏi về những sách ấy, vì thế nên ông đã đỗ. 

Thi Đình năm ấy, có ông Phạm Duy Quyết người xã Hùng Khê huyện Chí Linh đỗ Trạng Nguyên, ông Trương Lỗ người xã Bối Trì huyện Thanh Oai đỗ Bảng nhãn, ông Nguyễn Khiêm người xã Đường Hào huyện Đường Hào đỗ Thám hoa. 

Truyền kể: Khi ông chưa đỗ đạt có hỏi cưới con gái ông Đàm Đoan Thận, nhưng ông Đoan Thận không đồng ý gả cho, vì thế ông lấy vợ người huyện Vũ Ninh (nay là huyện Võ Giàng). Đến ngày ông đỗ Đại khoa thì ông Đoan Thận lại đồng ý gả con gái cho, thế là ông lấy con gái họ Đàm làm vợ cả, rồi lạnh nhạt với cô gái họ Nguyễn kia (cô gái họ Nguyễn kia buồn mà chết). Ông đặt mộ bà ở trong giữa chùa của thôn. Đến năm Mậu Dần trong một lần hồi kinh, khi chưa đến đất Hoa Thiều thì trước mắt ông thấy tựa như một dải lụa hồng, ông liền rút kiếm ra chém, lúc về thì mang bệnh mất, thọ 41 tuổi.

2. Nguyễn Quốc Tĩnh - người thôn Thọ Triền, sau ông lại đổi tên là Nguyễn Quốc Ninh. 

Nguyễn Quốc Tĩnh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần (1710), từng giữ các chức: Phụng sai Đốc đồng đạo Thanh Hoa, Cẩn sự lang, Đề hình giám sát ngự sử, sau khi mất được truy tặng Triều liệt đại phu, Tán trị đạo Lạng Sơn, Thừa chính sứ ti tham chính. Ông có tên thụy là Đoan Hoà tiên sinh. 

Ông sinh năm Đinh Tị (1677), là người khôi ngô, thông minh đĩnh ngộ hơn người, học không biết chán, ông thường lấy một trăm hạt "Vô hoạn tử" bỏ vào trong túi, rồi mỗi ngày đọc sách lấy hạn định là một trăm lần, mỗi lần một hạt bỏ ra ngoài cứ thế cho đến hết mới thôi. 

Sau này khi lớn theo thầy họ Ngô người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên đi du học Nghệ An, ba năm mới trở về. Lúc này tài văn chương của ông nổi tiếng khắp châu quận, hai lần ứng thí thì các quan ở trường thi đều xếp ông vào loại xuất sắc, những người đến theo học ông có tới hơn mấy trăm. 

Khoa thi Hương năm Mậu Tý ông có làm bài phú Vạn dân hân duyệt, lúc ấy người đạt điểm ưu chỉ được vài người, ông là người đứng đầu. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời vua Lê Dụ Tông (Dụ Tông là con của Hy Tông), tên đứng thứ 6, ông thuộc lọai từ hàng sinh đồ thi một lần đã đỗ, năm đỗ ông 34 tuổi. 

Khoa thi Đình năm ấy có ông Phạm Khiêm Ích người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm đỗ Đình nguyên Thám hoa, ông Nguyễn Công Khuê người Lê Xá huyện Chương Đức đỗ Hoàng giáp.

Truyền kể: Trong thời gian làm quan  Nguyễn Quốc Tĩnh luôn giữ đúng pháp luật, và luôn tự khép mình với bản chất thanh liêm. Phàm những người kiện tụng, khi trình diện đều mang theo lễ vật kính biếu, nhưng ông đều từ chối không chịu nhận. Khi mới nhận chức Giám sát, nhân lúc còn nhàn rỗi ông có trở về quê quán, ông đích thân đốc xuất người dân trong làng đắp đê (bờ đất đắp ngăn nước) ngăn giữ nước, trừ nạn úng lụt. Từ đó mới cấy trồng được nhiều giống lúa, bởi thế nhiều người mang ơn ấy của ông lắm. Khi Ngô tiên sinh ở Thanh Oai mất, ông đã mua vài sào ruộng, giao cho con cháu họ Ngô tiên sinh cấy trồng, và lấy cái đó để mà thờ cúng tiên sinh trong những ngày giỗ chạp. 

Đến lúc Nguyễn Quốc Tĩnh nhậm chức Hiến sứ ở Nghệ An, Vua cho mở khoa thi Hương, và cử ông phụng khảo chọn kẻ sĩ, ông tự thân đến ngôi đền Chiêu Trưng, cùng nha lại đốt hương thề ước. Năm Thái Hoà thứ tư ông Nam chinh đi đánh Chiêm Thành, về tới cửa biển bị bệnh mà chết, nhân dân ở đó lập miếu thờ cúng. Miếu đó nằm ở xã Triều Khẩu huyện Hưng Nguyên, sau này được phong là Chiêu Trưng đại vương. Khi làm quan ông không  bao giờ nhận hối lộ. 

Năm Ất Mùi Nguyễn Quốc Tĩnh phụng mệnh vua sai làm Đốc đồng đạo Thanh Hoa, cùng quan Lưu thủ dẫn quân đến huyện Cẩm Thuỷ phủ Thiệu Thiên vây bắt bọn tù trưởng của thổ dân chống lại mệnh lệnh của triều đình (bọn phản nghịch), nhưng lệnh mới về đến chấn doanh, chưa được bao lâu thì ông mất, thọ 39 tuổi. Triều đình bàn xét thấy ông có công lớn, nên đặc biệt truy tặng thêm nhiều chức.tước. 

Truyện kí nêu trên lưu trong tập “Cổ Mặc danh công truyện ký", do Nguyễn Tử Trinh hiệu Độn Phu (quê Cổ Mặc) biên soạn từ  năm Chính Hòa thứ 2 (1681), sao chép năm Vĩnh Hựu thứ nhất (1735), nay do ông Đàm Thận Côn ở xã Hương Mạc lưu giữ. Đây là tài liệu cổ sử lại do chính tác giả người địa phương ghi chép, nên độ chính xác khoa học cao, góp phần bổ sung  khi nghiên cứu về các nhà khoa bảng Bắc Ninh./.

                                                                                                                                                                                                        NGUYỄN DUY NHẤT