Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Tranh bát tiên quá hải - Lịch sử - Ý nghĩa - Quyền pháp - Tôn thờ
15:27 | 06/09/2023

Bát tiên (8 vị tiên) là một quần thể thần tiên được dân gian tôn thờ. Bát tiên trong Đạo giáo là 8 vị tiên gồm: Lý Thiết Quài, Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cữu. Các truyền thuyết về 8 vị tiên này vốn đã được ghi chép bởi các văn nhân đời Đường, Tống nhưng hợp thành một nhóm tám người chỉ hình thành từ đời Nguyên và danh sách tám người ấy cũng chưa thống nhất. Cho đến lúc Ngô Nguyên Thái viết “Bát tiên xuất xứ đông hải ký” mới xác định danh sách bát tiên như trên đang dùng đến ngày nay.

Trong 8 vị tiên đều có đủ thành phần nam, nữ, già, trẻ, giàu có, nghèo hèn, văn vẻ, thô lỗ... đủ các loại người phản ánh từ xã hội. Hình tượng của Bát tiên cũng sặc sỡ màu mè không kém với đủ mọi phong cách, khác hẳn với các loại thần tiên nghiêm trang đạo mạo. Bản thân họ náo nhiệt vui vẻ như một màn hí kịch, chính nhờ tính chất hoạt kê vui vẻ ấy, bát tiên rất được hoan nghênh trong dân gian.

Câu chuyện Bát tiên quá hải này vốn xuất xứ từ tạp kịch “Tranh ngọc bản Bát tiên quá hải” của đời Nguyên, chuyện kể: Bạch Vân Tiên trưởng mở Yến hội mời Bát tiên và Ngũ thánh (Tề thiên, Thông thiên, Lãm Hải, Phan Giang, Di Sơn) đến thưởng lãm hoa mẫu đơn. Khi Yến tiệc tan, trên đường trở về, nhóm Bát tiên ai nấy tự mang bảo bối ra vượt qua biển hiển lộ thần thông. Con của Long Hải Long vương là Ma Yết và Long Đốc đánh cướp tấm ngọc của Lam Thái Hòa do y phục mà tưởng là nữ nên bắt nàng xuống biển. Bảy vị tiên còn lại nổi giận, trận ác chiến xảy ra và họ giết chết Ma Yết, đánh bị thương Long Đốc. Tứ Hải Long Vương cũng đến tham chiến nhưng đánh không thắng nổi 7 vị tiên.

Sau đây là danh sách, quyền pháp, binh khí, y phục thường có trong tranh của 8 vị tiên.

1. Lý Thiết Quài: Là người có rất nhiều tên (7 tên)

Còn được gọi là Huyền, Lý Ngưng Dương, Lý Khổng Mục, Lý Hồng Thủy. Tương truyền Lý Thiết Quài có dung mạo rất khôi ngô, tuấn tú. Nhân một lần hồn lìa khỏi xác, bay về núi Hoa Sơn hội với chúng tiên và Lão Quân, khi quay về xác đã bị thiêu, hồn không còn nơi nhập, đành phải mượn xác của người ăn mày chết đói ở bên đường, do vậy mà biến thành người mặt đen, chân què. Sau này ông được Thái Thượng Lão Quân truyền cho vòng kim cô để thu phục thời loạn. Ồng thường mang theo một cái hồ lô để chữa bệnh cứu người. Đến khi công đức viên mãn ông được Ngọc Hoàng phong làm Thượng Tiên.

Trước khi ra đi tìm hai vị Lão Tử và Uyển Khâu làm thầy, ông nói với đồ đệ: “Ta muốn đến núi Hoa Sơn, nếu ta xuất hồn đi 7 ngày không quay trở về thì các con hãy mang xác ta thiêu hóa đi”. Nhà học trò lại có việc hiếu với mẹ đã lầm lẫn không thấy hồn sư phụ quay về liền mang đốt đi. Không lâu sau Nguyên thần của Lý Thiết Quài trở về, thấy mất xác thì rất hoảng sợ. Đột nhiên ông phát hiện trong rừng có một xác người mới chết đói, linh cơ chợt động, ông nghĩ: “Mượn đây cũng được”. Lập tức ông chui vào xác ấy sống dậy, lúc ấy mới biết xác này xấu xí quá: (Đầu rối, râu xoắn mắt to, thọt một chân phải, hình dạng cực kỳ xấu xí).

2. Chung Ly Quyền

Còn được gọi là Hán Chung Ly, là một trong Bắc Ngũ tổ của Đạo giáo. Hình tượng của Hán Chung Ly thường mang áo để lộ ngực, tay cầm quạt lông vũ, tóc vấn thành hai búi trên đỉnh đầu, thần thái tự nhiên. Ông là người có tướng mạo tuấn tú, thân cao tám thước, đúng là một nam tử nhân tài. Không lâu sau ông được giữ chức Gián Nghị đại phu trong triều.

Chung Ly Quyền vâng lệnh xuất chính, có tài hơn người nhưng thực sự không có tài cầm quân, ông bị quân địch đánh cho tan tành, phải trốn chạy một mình vào trong núi sâu. Ở hiền gặp lành, giữa rừng núi Chung Ly Quyền lạc đường, tình cờ gặp Hồ Tăng dẫn ông vào một thôn làng, bảo: “Đây là nơi ở của Đông Hoa Tiên Sinh, tướng quân cẩn thận đấy”. Nói xong Hồ Tăng bái biệt bỏ đi. Không lâu, một lão nhân mặc áo lông cừu trắng chống gậy đến hỏi: “Có phải tướng quân nhà Hán, Chung Ly Quyền đó không? Sao ông không ở lại đây?” đành nghe theo mà ẩn cư ở núi Chung Nam, gặp được Đông Hoa đế quân truyền cho bí quyết trường sinh và luyện được Kim Đan, Thanh Long Kiếm Pháp. Sau được gặp Đà Dương chân nhân. Truyền cho Thái ất cửu khuê rồi luyện được Hỏa Bùa Kim Đan và tu luyện thành tiên ở núi Không Động - Sơn Đông - Trung Quốc.

3. Trương Quả Lão

Là một đạo sỹ đời Đường, rất giỏi đạo pháp, ông thường mang theo một ống tre, cưỡi trên lưng lừa, ẩn cư ở Điều Sơn thuộc tỉnh Hằng Châu. Đường Huyền Tông đã từng triệu kiến, hứa sẽ ban cho ông chức tước, quan lộc, nhưng ông đều một mực từ chối và quay về núi tu luyện.

Nhờ được các tiên Uyển Khâu, Lý Thiết Quài truyền đạo pháp, Trương Quả vào ẩn cư ở núi Trung Điều, Hằng Châu (thuộc tỉnh Sơn Tây) tu đạo trường sinh bất lão.

Trong Bát tiên, Trương Quả Lão có đặc điểm rất đặc biệt, một là già lão, là tiếng mọi người tôn xưng vì ông ấy có hình dạng một lão nhân đáng kính.

Khi di chuyển, Trương Quả thường cưỡi một con lừa trắng và lúc nào cũng ngồi ngược, một ngày ông đi được vài vạn dặm. Lạ lùng nhất, đến chỗ ngừng chân, ông gấp con lừa lại như gấp giấy cất vào hòm, lúc lên đường lại lấy lừa ra biến thành lừa thật.

Đến đời Huyền Tông khẩn thiết mời mọc, họ Trương mới vào cung yết kiến. Truyền thuyết khi Đường Huyền tông có ý định gả Công chúa Ngọc Chân cho Trương Quả Lão, ông có làm một bài ca tỏ ý từ chối một cách hài hước.

Từ đó Trương Quả Lão vân du bốn phương, nghêu ngao ca hát tỏ chí mình và để khuyên dạy người đời.

4. Hà Tiên Cô

Nguyên tên gọi là Hà Tú Cô, là nữ tiên duy nhất trong bát tiên. Năm 13 tuổi bà gặp Lã Động Tân, được Lã Động Tân ban tặng cho một quả đào tiên, sau khi ăn xong không còn biết đói, có thể đoán trước được họa phúc, sau này được Lã Động Tân giúp mà thành tiên.

Hà Tiên Cô là một trong Bát tiên, truyền thuyết cho rằng là người ở huyện Tăng Thành, Quảng Châu, vốn tên là Hà Tú Cô sinh ngày 7 tháng 2 năm Võ Tắc Thiên đời Đường. Vị tiểu thư họ Hà này yểu điệu thục nữ và xinh đẹp đến nỗi có biệt danh là: “Tây Thi đậu hũ” (Đậu hũ Tây Thi) vì cha nàng có mở cửa hàng bán đậu hũ. Từ thuở nhỏ nàng đã giúp cha buôn bán. Năm 13, 14 tuổi, một lần nàng đi chơi ngoài đồng hoang, tình cờ gặp các tiên nhân là Lý Thiết Quài, Lã Động Tân, Trương Quả Lão vân du đến đó. Các bậc thần tiên ấy tặng cho nàng một trái đào tiên, táo tiên và một chút vân mẫu phiến, từ đó nàng không còn biết đói khát là gì và có khả năng đoán trước được tương lai, họa phúc của người khác.

Uy tín xem bói thật tài tình, chuẩn xác đến từng chi tiết trong đời sống cũng như công danh sự nghiệp. Đến nỗi rất nhiều nơi có miếu, đền thờ cô để đến xem và xin lộc.

5. Lam Thái Hòa: Tay cầm lẵng hoa, vốn là nam tử, nhưng do trang điểm mà thành nữ. Truyền thuyết kể rằng, Lam Thái Hòa là hóa thân của Xích Cước đại tiên, là một đạo sỹ đi chu du khắp chốn, uống rượu hát ca, tưởng như người cuồng dại. Ông chu du khắp thiên hạ, sau đó đắc đạo tiên phát ở Tửu Lầu.

Lam Thái Hòa không rõ là người ở đâu, thường mặc áo màu xanh lam rách, đeo dây lưng rộng ba tấc hơn, một chân đi hài một chân không. Mùa hè Lam Thái Hòa thường mặc áo độn thêm bốc, mùa đông lại nằm dưới tuyết, khí nóng trong người bốc lên ngùn ngụt. Mồi khi vào chợ ca vang, tay cầm gậy dài hơn 3 thước, vừa say vừa hát, người ta đều kinh ngạc đứng lại coi. Chàng lanh lẹ hài hước, ai hỏi gì trả lời ngay tức thì, giống như điên cuồng mà không phải... lời ca rất nhiều điều hàm ý vị thần tiên khiến người thường không hiểu hết được. Nhưng ai cho tiền chàng liều xâu vào dây dài kéo lê dưới đất hoặc ném tung tóe khắp nơi, hoặc cho lại người nghèo, hoặc đem đổi rượu chu du thiên hạ.

6. Lã Động Tân.

Còn gọi là Lã Nham, tự Động Tân, hiệu là Thuần Dương Tử, cũng là một trong Bắc ngũ tổ của Đạo giáo. Tương truyền, Lã Động Tân đã từng là Tống thất triều Đường, sau đó lưu lạc phong trần, tại kinh Trường An gặp được Chung Ly Quyền, Chung Ly Quyền truyền cho Kim dịch đại đan và Linh Bảo Tất pháp, sau này lại gặp Hỏa Long chân quân, được ông truyền cho pháp thuật Nguyệt Giao Bái và Kiếm Pháp Thiên Tuần, tu luyện thành tiên.

Trong hàng ngũ Bát tiên, Lã Động Tân tuy không phải là “anh cả” đứng đầu nhưng ảnh hưởng của ông hơn hẳn 7 vị tiên kia, các miếu thờ 7 vị tiên cùng nhóm với ông hiện còn rất ít, riêng miếu thờ Lã Động Tân đâu đâu cũng có và được tôn xưng là “Lã tổ miếu”. Trong lịch sử, Lã Động Tân là người có thực, ông là một đạo sĩ nổi tiếng cuối thời Đường.

Thuở nhỏ Lã Động Tân rất thích học kinh sử nhưng đi thi Tiến sỹ nhiều lần không đậu, ông bèn vào cõi giang hồ ẩn dật. Truyền thuyết, ông gặp Chung Ly Quyền trong một quán rượu ở Trường An, trải qua 10 lần thử thách đã trao truyền cho ông thuật trường sinh và đan dược, nhờ vậy ông đắc đạo.

Lã Động Tân bỏ Nho học Đạo chống kiểm vân du, ra tay cứu khổ phò nguy, trừ bạo an dân. Ông dùng kiếm thuật chặt đứt phiền não, sắc dục, tham sân.

7. Hàn Tương Tử.

Vốn tên Hàn Tương. Đó là một người khôi ngô tuấn tú, tay luôn cầm sáo trúc. Chung Ly Quyền và Lã Động Tân là những người truyền cho Hàn Tương Tử thuật tu hành, Hàn Tương Tử xuất gia tu đạo ở núi Chung Nam, khi tu hành chính quả, nhập vào bát tiên.

Nhưng không! Cuộc đời đâu có dễ dàng thế, xem thêm một chút truyền tích trong sự nghiệp để hiểu rõ con người Hàn Tương Tử nhé.

Hàn Tương Tử là chắt của Hàn Du, đại văn học gia, Hình bộ Thị lang đời Đường. Theo phần Tể tướng thế gia biểu sách Đường thư, Hàn Tương đúng là chắt của Hàn Dũ, đậu Tiến sĩ niên hiệu Trường Khánh thứ 3 (823) quan chức tới Đại lý thừa, nhưng sách sử không chép gì đến việc Hàn Tương học đạo thành tiên cả. Hàn Dũ từng viết tặng người chắt Hàn Tương ba bài thơ nhưng trong đó cũng chẳng hề nhắc gì tới đạo thuật của Hàn Tương Tử.

Hàn Dũ đi giữa đường gặp một người đội tuyết đến xin gặp, đó là Hàn Tương, người cháu hỏi: “Chú còn nhớ câu đối cháu đã tặng năm xưa chứ? Đó là cháu nói việc hôm nay đấy”. Hàn Dũ hỏi thăm thì địa danh ở đây chính là ải lam quan. Hàn Dũ than thở một lúc và tin Hàn Tương không nói khoác.

8. Tào Quốc Cữu

Tương truyền Tào Quốc Cữu là em trai của Tào Hoàng Hậu. Ông thường đội mũ sa (mũ của quan văn), mặc quan phục màu đỏ. Sau ông gặp được Chung Ly Quyền và Lã Động Tân, được truyền cho hoàn chân bí thuật, giúp Tào Quốc Cữu thành tiên.

Truyền thuyết về các vị tiên thật là dài dòng lắm. Tôi chỉ trích một đoạn có liên quan.

Tào Quốc Cữu là người xuất hiện muộn nhất trong Bát tiên, tài liệu về ông cũng rất ít, chủ yếu có truyền thuyết như sau: một thuyết có tên là Tào Cảnh Hưu, em Tào Hoàng Hậu của Tống Nhân Tông. Sách “Lịch đại thần tiên sử” chép: Cảnh Hưu có thiên tư thuần hậu, không thích phú quý, rất mê thanh tĩnh... Em của Quốc cữu phóng túng coi thường pháp luật, sau có tội trốn khỏi lưới hình phạt. Quốc cữu lấy làm thẹn bèn bỏ vào núi ẩn cư tu luyện Nguyên lý, mặc áo gai ở hoang dã, thường cả tuyền lễ nhịn ăn. Một ngày nọ Cảnh Hưu gặp hai tổ sư là Chung Ly và Thuần Dương. Hai tổ sư hỏi: “Nghe ông tu dưỡng, vậy dưỡng vật gì vậy?”. Đáp: “Dưỡng đạo”. Hỏi: “Đạo ở đâu?”, ông chỉ tay lên trời. Hỏi: “Trời ở đâu?”, ông giơ tay chỉ vào tim. Hai tổ sư thấy vậy cười bảo: Tâm tức trời, trời tức đạo. Ông đã thấy bản lai diện mục rồi vậy”, rồi truyền cho ông bí thuật đưa vào hàng ngũ các tiên”.

Quan niệm tôn thờ trong dân gian:

Trong tranh Bát Tiên Quá Hải “Các Ngài đã thể hiện bản lĩnh siêu phàm bằng các quyền trượng trong tay, mỗi người đều có năng lượng riêng để cứu giúp chúng sinh. Với tấm lòng hỉ xả thân thiện của Bồ Tát. Lại đi mây về gió trông nom 4 phương 8 hướng. Nên dân gian ngưỡng mộ kính trọng tôn thờ để thỏa mãn ước nguyện, có một đời sống khỏe mạnh, vui vẻ, thân thiện, thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau để trường thọ? Thường là treo chơi 1 tranh có cả 8 vị để cầu mong có được ước nguyện chung...

Nhưng dân gian còn có cách tính bản mệnh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của từng cá nhân và treo đúng phương hướng cho phù hợp từng vị thần tiên để trợ giúp cho hiệu quả?...

Sau đây là bảng mà người xưa đã thống kê các bản mệnh và phương hướng để treo chơi cũng như là để thờ:

1. Treo hướng Đông (mệnh Mộc) được hưởng lợi Chung Ly Quyền

2. Treo hướng Đông Nam (mệnh Mộc) được hưởng lợi: Hàn Tương Tử

3. Treo hướng Tây (mệnh Kim) được hưởng lợi: Lam Thái Hòa

4. Treo hướng Tây Nam (mệnh Thổ) được hưởng lợi: Hà Tiên Cô

5. Treo hướng Tây Bắc (mệnh Kim) được hưởng lợi: Lă Đồng Tân

6. Treo hướng Nam (mệnh Hỏa) được hưởng lợi: Lý Thiết Quài

7. Treo hướng Bắc (mệnh Thủy) được hưởng lợi: Trương Quả Lão

8. Treo hướng Đông Bắc (mệnh Thổ) được hưởng lợi: Tào Quốc Cữu.

                                                                                                                                                                                                                                                                MINH ĐẠT