Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ PHẬT GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
17:56 | 19/10/2023

Bắc Ninh là tinh có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời vẻ vang tiêu biểu hàng nhất của cả nước, cho nên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng với số lượng nhiều, giá trị sâu sắc. Đặc biệt là di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là đền, miếu, phủ, tập trung nhất ở các loại di sản văn hóa vật thể là chùa - cơ sở vật thể của Đạo Phật.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh  nói riêng và Việt Nam nói chung là một tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời trước cả Đạo Phật. Ngay từ khi Đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, hòa quện  với Đạo Phật. Hay nói cách khác là Đạo Phật từ Ấn Độ được truyền vào Việt Nam đã “Việt Nam hóa” ngay từ ban đầu. Việc thờ phụng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Mãn Xá, xã Hà Mãn và hệ thống chùa thờ Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng) ở Thuận Thành là minh chứng sâu sắc nhất về mối quan hệ giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo  trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với nền nông nghiệp lúa nước, và chuyển biến, thích ứng với sự thay đổi của  xã hội trong từng thời kỳ lịch sử của quê hương đất nước lúc thịnh, lúc suy. Có thời kỳ “bài trừ mê tín dị đoan", không ít những di sản văn hỏa vật thể (di tích) gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở các địa phương trong tỉnh đã bị tàn phá nặng nề (từ công trình thờ Mẫu, điện thờ, ban thờ, đến tượng Mẫu) và cả đến người thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu (ông đồng bà cốt) cũng bị cấm cản, xử phạt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh cũng như ở Việt Nam đều  được hình thành và phát triển từ tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc để đạt đến đỉnh cao là thờ Mẫu Tam phủ,Tứ phủ, Mẫu thần, Nữ thần. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời (Thiên phủ), sông nước (Thoải phủ); rừng núi (Nhạc phủ), nhằm cầu mong sức khỏe, may mắn cho con người; hình thành và phát triển mạnh mẽ rộng khắp ở các Điện thờ Mẫu, Đền Mẫu. Ban  thờ Mẫu ở các chùa Bắc Ninh - trừ các Di sản văn hóa vật thể  gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là những Mẫu cụ thể như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Man Nương… cũng gắn với cơ sở Phật giáo - chùa (như chùa Tổ Hà Mãn ở Thuận Thành thờ Phật Mẫu Man Nương).

- Địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu  gắn với các đền, miếu, phủ. Hoạt động chính là các nghi lễ hầu đồng ở các di tích đền, miếu, điện, phủ, am... nhưng số lượng di tích (vật thể) nhiều nhất lại là các chùa với các nhà Mẫu và ban thờ Mẫu. Ở Bắc Ninh hầu như làng quê nào cũng có nhà Mẫu, hoặc chí ít là ban thờ Mẫu ở chùa - có tới gần 600 địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là ở các chùa  (cơ sở vật chất của Phật giáo). 

Địa điểm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu khác với Phật giáo ở chỗ địa điểm thực hành tín ngưỡng Phật giáo chỉ diễn ra ở chùa; còn địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì diễn ra ở nhiều loại công trính tín ngưỡng hơn cả ở Đền, Miếu, Phủ và nhà Mẫu - Ban thờ Mẫu của các chùa. Tín ngưỡng thờ Mẫu chưa là đạo (như Phật giáo) nhưng có mối quan hệ  gắn bó sâu sắc, chặt chẽ với Phật giáo.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam  phủ được coi như “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt với  sự kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, lời ca, điệu múa.

Ở Bắc Ninh, Nữ thần được thờ có nơi lại là nhiên thần như: Thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp (ở một số chùa thờ Tứ Pháp vùng Dâu, Thuận Thành).   

Không phải khi nào, ở đâu, ai cũng hiểu tường tận sâu sắc về ý nghĩa tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là nét sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh con người suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò góp phần giúp cho việc phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc chống thiên tai địch họa, mang đậm đà bản sắc dân tộc và hàm chứa giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc. 

Sự xuất hiện truyền thuyết mẹ Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con… ở vùng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành và một số địa phương trong nước là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó còn là giá trị di sản văn hóa của những di tích này, là truyền thuyết tôn vinh người mẹ đối với vấn đề đoàn kết dân tộc, là sự kế thừa tín ngưỡng thờ Mẫu trong lịch sử. 

Bắc Ninh có nhiều di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh gắn với đạo Phật, tức là thờ ở các chùa (nhà Mẫu hoặc Ban thờ Mẫu trong chùa).

Cùng với  những Thánh  Mẫu lịch  sử và Thánh Mẫu huyền thoại tầm cỡ Quốc Mẫu, ở Bắc Ninh còn có các Thánh Mẫu ở từng địa phương, từng vùng, từng thời kỳ lịch sử… như Bà Chúa Chóa ở Yên Phong; Thánh Mẫu Phạm Thị ở Dương Lôi, Từ Sơn; Thánh Mẫu Tam Giang - Phùng Thị Nhan ở Vân Dương - đều thờ ở các chùa.(Cơ sở vật chất - vật thể của Đạo Phật).

Bắc Ninh có đa dạng những loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu gán bó mật thiết  với cơ sở tín ngưỡng thờ phật (Phật giáo) như:

- Mẫu huyền thoại và Mẫu lịch sử.

- Mẫu trong nước (không có Mẫu nước ngoài).

- Mẫu nhiên thần và Mẫu nhân thần.

- Mẫu có nguồn gốc quyền quý và bình dân.

- Mẫu được thờ theo tước hiệu.

- Mẫu địa phương và Mẫu cả nước.

Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở những di tích là các chùa lớn hơn, nhiều và phong phú hơn (tức là về số lượng nhà Mẫu và ban thờ Mẫu chiếm nhiều hơn). Về Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở chùa chỉ là một ngôi nhà, một ban thờ trong công trình (chùa) đó và thực tế ngôi nhà hay ban thờ Mẫu không phải là công trình chính của các chùa, nên kiến trúc và chất liệu cũng đơn giản hơn so với Tam bảo, Thượng điện. Vì vậy khi nghiên cứu giá trị Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở chùa sẽ được đề cập về giá trị kiến trúc nghệ thuật ít hơn. Với các nhà Mẫu, ban thờ Mẫu ở các chùa sẽ chỉ trình bày mang tính thống kê là chủ yếu.

Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh Bắc Ninh, rất phong phú, đa dạng, nhiều nhất (98%) là nhà Mẫu và ban thờ Mẫu ở các chùa trong tỉnh. Số liệu cụ thể như sau:

1. Thành phố Bắc Ninh: Di sản văn hóa vật thể tiêu biểu  gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có 55 chùa (trong đó có 45 nhà Mẫu 10 ban thờ Mẫu, 4 di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh, 1 thờ Mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan). Nhà Mẫu  và đền thờ Mẫu ở chùa Dạm có quy mô kiến trúc, tượng Mẫu hoành tráng tiêu biểu hạng  nhất tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

2. Thành phố Từ Sơn: Di sản văn hóa vật thể tiêu biểu  gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có: 35 chùa (trong đó có 26 nhà Mẫu, 21 ban thờ Mẫu); có đền chùa thờ Mẫu - Vua Bà Lý Chiêu Hoàng ở phường Đình Bảng với kiến trúc công trình, tượng và đồ thờ giá trị - Di tích văn hóa vật thể tiêu biểu hạng nhất tỉnh hiện nay.

3. Huyện Tiên Du: Di sản văn hóa vật thể tiêu biếu gấn với tín ngưỡng thờ Mẫu có 55 chùa (trong đó có 34 nhà Mẫu, 21 ban thờ Mẫu). Nhà Mẫu ở chùa Phật Tích có kiến trúc quy mô hoành tráng với tượng và đồ thờ giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc hạng nhất tỉnh hiện nay.

4. Huyện Yên Phong: Di sản văn hóa vật thể tiêu biểu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có: 61 chùa (trong đó có 25 nhà Mẫu, 36 ban thờ Mẫu). Nhà Mẫu ỏ chùa làng Mẫn Xá và làng Đông Xuất có quy mô kiến trúc hoành tráng với tượng và đồ thờ giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu hạng nhất tỉnh hiện nay.

5. Thị xã Quế Võ: Di sản văn hóa vật thể tiêu biếu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có: 82 chùa (trong đó có 19 nhà Mẫu, 63 ban thờ Mẫu). Chùa Phả Lại có nhà Mẫu với kiến trúc hoành tráng với tượng và đồ thờ tự giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc hạng nhất tỉnh hiện nay.

6. Thị xã Thuận Thành: Di sản văn hóa vật thể tiêu biếu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có: 85 chùa (trong đó có 38 nhà Mẫu, 47 ban thờ Mẫu); ban Mẫu chùa làng Thanh Hoài thờ Mẫu Liễu Hạnh. Chùa Bút Tháp có tượng phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (là bảo vật Quốc gia). Đặc biệt có chùa Tổ Mẫn Xá thờ Phật Mẫu Man Nương và hệ thống chùa thờ Tứ Pháp vùng Dâu - có giá trị Di sản văn hóa vật thể như những ngôi đền, thể hiện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và độc đáo nhất quê hương đất nước.

7. Huyện Gia Bình: Di sản văn hóa vật thể tiêu biểu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có: 78 chùa (trong đó có 58 nhà Mẫu, 27 ban thờ Mẫu). Chùa làng Vạn Ty và chùa làng Đại Bái có di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hoành tráng, giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc hạng nhất huyện hiện nay.

8.  Huyện Lương Tài: Di sản văn hóa vật thể tiêu biểu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có 90 chùa (trong đó có 33 nhà Mẫu, 57 ban thờ Mẫu). 

Số liệu tổng hợp tỉnh Bắc Ninh có 560 chùa (trong đó có 278 nhà Mẫu, 282 ban thờ Mẫu).*

Trong số trên có 08 Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh; 4 Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngường thờ Mẫu Nguyên phi Ỷ Lan. Còn lại 98% Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tóm lại dù thờ Mẫu nào thì tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh, Di sản văn hóa vật thể gắn với tín ngưỡng ở tỉnh Bắc Ninh cũng là nét sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh của người dân. Nó góp phần phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc; tôn vinh vai trò của người phụ nữ; đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người. Với tỉnh Bắc Ninh thực tế lịch sử cho thấy, mặc dù sự xâm nhập của các tôn giáo, các đạo nước ngoài vào (đạo Phật vào vùng Dâu - thủ phủ Luy Lâu), đều bị “Việt Nam hóa” bởi tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu Tứ Pháp là Phật Bà, vừa là Thánh vừa là Phật; Phật Mẫu Man Nương; hệ thống phật Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng); Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay… Đó là đặc điểm tiêu biểu nhất trong mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh./.

 

* Số liệu này không phải là bất biến vì với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, chùa được xây dựng thêm nhiều hơn, Ban thờ Mẫu được xây dựng thành nhà Mẫu riêng ngày một nhiều hơn. 

 

                                                                                                                                                                                                                 LÊ VIẾT NGA