Sông Như Nguyệt/ Sông Thị Cầu đoạn trước đây chảy qua địa phận thành phố Bắc Ninh ngày nay còn có tên khác là sông Thị Kiều, hay gọi là sông Càn Mãn. Xưa kia, sông Cầu lượn vòng vào tận khu cánh đồng Bùi (khu vực chợ Cầu Kim, khu 6 phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh hiện nay), thuyền bè xuôi ngược vào đổ hàng và ăn hàng sát chân núi Thành (núi Dinh), núi Chu (Châu Sơn). Đến nay ở phường Thị Cầu vẫn còn những tên xóm, tên đường liên quan đến dòng chảy xưa như đồng Bùi, bãi Than, xóm Dải Áo, đường Đấu Mã…
Năm 1056, vua Lý Thánh Tông ban chiếu khuyến nông, tổ chức đắp đê trên các triền sông, đào vét các kênh, ngòi. Tháng 9 năm Đinh Tỵ (1077), vua Lý Nhân Tông cho đắp đê trên sông Như Nguyệt dài 67.380 bộ (khoảng 45km). Sau này, nhà Trần, nhà Lê tiếp tục tu bổ thêm. Với sức lao động của con người, qua cải tạo, lợi dụng các phần tương đối cao, những gờ sông cao nhất của những dòng sông thời bấy giờ chảy vào đoạn đê sơ sài đầu tiên và sau cùng đã ổn định được dòng sông trong khung cảnh hiện nay: đó là khúc sông Cầu - khúc sông một phần nhân tạo chảy qua vùng Quả Cảm, Đẩu Hàn, Đáp Cầu và Trung Đồng ngày nay. Cùng với việc đắp đê, nhà vua còn cho đào vét nhiều kênh ngòi, trong đó có kênh Lãnh Kinh (Thị Cầu) vào năm 1089. Như vậy, khúc Lãnh Kinh là một dòng chảy của sông Như Nguyệt, thuộc vùng Thị - Đáp Cầu nhưng đến nay rất ít người còn nhớ đến.
Với địa thế cao ráo, thoáng đãng, giao thông thủy, bộ thuận tiện, thiên nhiên đã ưu đãi tạo ra một cảnh quan, một địa bàn chiến lược quan trọng cho vùng đất Thị Cầu - phên dậu phía Bắc bảo vệ Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Thành cổ Bắc Ninh trước khi chuyển về vị trí phường Vệ An ngày nay thì xưa kia được xây dựng tại Thị Cầu, là nơi đón tiếp sứ thần nghỉ lại để lấy sức đi tiếp về thành Thăng Long, là trung tâm hành chính của một vùng, vừa là một vị trí quân sự then chốt của tuyến phòng thủ phía bắc kinh thành. Theo các cụ người làng Thị Cầu, đường Trần Lựu hiện nay trước đây là một phần tường thành. Qua tấm bia “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” cho thấy trước kia Văn Miếu nằm ở khu vực Thị Cầu, vì lâu ngày mà hư hỏng. Nhà nghiên cứu Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, Chi hội trưởng chi hội Văn nghệ dân gian Hội VHNT tỉnh cho biết: vị trí Văn Miếu ở Thị Cầu thuộc khoảng phía trên Tổng Công ty May Đáp Cầu hiện nay, ngay sát dưới đền ông Voi, thuộc sườn núi Chu.
Trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, vùng đất Thị Cầu và các vùng phụ cận thuộc Long Biên được coi là bãi chiến trường, khúc Lãnh Kinh không chỉ mang chức năng dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà Lãnh Kinh còn là một chiến tuyến vững chắc phía Bắc kinh thành. Trong thế trận đánh giặc Tống xâm lược, Thái úy Lý Thường Kiệt quyết định chọn sông Cầu làm phòng tuyến. Sông Cầu (tức Như Nguyệt) cách xa biên giới Việt - Trung hơn trăm cây số, cách phía Bắc kinh thành Thăng Long chưa đầy 30 cây số, chặn ngang các ngả đường từ vùng đông bắc về Thăng Long. Ông cho đắp chiến lũy ở từng đoạn nơi đồng trống và những đoạn chặn ngang các trục đường giao thông quan trọng bên bờ nam, những nơi mà phía bên bờ bắc quân Tống có thể chiếm đóng, trong đó đoạn Thị Cầu là đoạn chặn ngang đường từ Lạng Sơn về Thăng Long. Ở núi Dinh (Thị Cầu), chỉ cách bờ sông Cầu vài trăm mét, cũng là hành dinh của quân Lý.
Cuối năm 1076, quân Tống chia làm nhiều ngả tiến công xâm lược nước ta. Ngày 8/1/1077, đại quân do Quách Quỳ chỉ huy đã tràn qua biên giới theo ngả Lạng Sơn, định nhằm thẳng Thăng Long tiến xuống. Đến ngày 18/1/1077, các mũi quân Tống đều dồn tới bờ bắc sông Cầu, đại bản doanh của Quách Quỳ đóng ở khu vực xã Quang Châu (Việt Yên), phía bờ bắc Như Nguyệt, trước mặt xã Thị Cầu. Với dự kiến chính xác kế hoạch đóng quân của Quách Quỳ cùng phó tướng là Triệu Tiết, quân Tống không thể “đánh nhanh” theo lệnh vua Tống vì hai đầu mối giao thông về Thăng Long là Như Nguyệt và Thị Cầu đều được quân Lý phòng thủ kiên cố. Sau nhiều lần kế hoạch vượt sông thất bại, phần lớn đội quân Tống bị tiêu diệt và đầu hàng, Quách Quỳ mất hẳn khả năng tấn công, đành đóng quân chờ thủy binh trong lúc lương ăn gần hết, hoàn toàn lâm vào thế phòng thủ bị động. Bên phía ta, suốt cả mùa đông năm 1076 và cả mùa xuân năm 1077, không quản ngày đêm vừa bám đồng ruộng vừa sẵn sàng chiến đấu, các bễ lò rèn ở Thị Cầu luôn đỏ lửa để rèn thêm đao kiếm, sửa chữa vũ khí cung cấp kịp thời cho chiến trường. Đồng thời nhiều toán dân binh đã phối hợp với quân đội Đại Việt chốt giữ trại quân Thị Cầu ngày đêm đánh chặn các mũi hướng tấn công của giặc từ Tam Tầng, Đông Tiến, Quang Biểu (Việt Yên) sang. Tại núi Dinh (núi Thành/Pháo đài), đại quân đã đóng quân, tổ chức phòng ngự và tổ chức các trận phản công vào đại bản doanh, đánh bại quân chủ lực của Quách Quỳ. Đến đầu tháng 3/1077, toàn bộ quân Tống đã vội vàng rút chạy về nước. Đến năm 1084, Lê Văn Thịnh đấu lý với sứ Tống buộc Tống phải trả hết toàn bộ đất đai cho nước ta.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba, để chuộc tội với vua Nguyên, Thoát Hoan tiếp tục được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy quân viễn chinh xâm lược nước ta lần thứ ba. Cuối năm 1287, giặc rầm rộ chia 3 đạo tiến vào nước ta. Trên con đường tiến quân của giặc theo tuyến Chi Lăng - Bắc Giang - Thăng Long, ta liên tục tổ chức các trận đánh chặn giặc, trong đó tiêu biểu là chiến thắng Lãnh Kinh. Cửa ải Lãnh Kinh nằm trên con đường trạm lộ từ Thăng Long đi Chi Lăng, quân đội nhà Trần đã bố trí một lực lượng tinh nhuệ trấn giữ. Ngày 29/12/1287, giặc Nguyên tiến đến cửa ải Lãnh Kinh, tướng giữ ải của ta là Hương Đức Hầu Quán đem quân đón đánh. Quân ta dùng tên thuốc độc bắn ra như mưa sang đội hình địch. Giặc vừa chết, vừa bị thương rất nhiều, bước tiến quân của giặc buộc phải chững lại. Chiến thắng Lãnh Kinh (Thị Cầu) được các nhà sử học ca ngợi là trận đánh giặc Nguyên khá tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba, làm cho những tên giặc Nguyên sống sót khi về đến nước vào đầu hè năm 1288 mà vẫn còn hồn bay phách lạc.
Đầu thế kỷ thứ XV, đất nước ta trải qua nhiều biến động sâu sắc, nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ mới thành lập đang đứng trước nhiều thử thách nghiêm trọng. Lợi dụng cơ hội ấy, quân xâm lược Minh đã chiếm được nước ta vào giữa năm 1407. Tại hai phủ Bắc Giang và Lạng Giang, chúng xây thành lũy kiên cố, trong đó có thành Thị Cầu để bảo vệ con đường huyết mạch từ Đông Quan về Trung Quốc và tạo ra một hang ổ kiên cố để bóc lột, đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân và khi cần có thể chi viện cho Đông Quan (Hà Nội). Ở mỗi phủ, nhà Minh đặt một quân vệ. Giao Châu tiền vệ ở Thị Cầu, Xương Giang vệ ở thành Xương Giang. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trước khởi nghĩa Lam Sơn tuy không thành công nhưng là ngọn lửa yêu nước ngầm cháy, nuôi dưỡng ý chí bất khuất. Khi đại quân Lam Sơn bao vây Đông Quan thì tướng Đỗ Khuyển từ trung lộ Thanh Hóa chỉ huy hơn nghìn quân tiến ra giải phóng các châu huyện của Bắc Giang, Lạng Giang và vây đánh thành Thị Cầu, giặc co rút vào hai thành Xương Giang, Thị Cầu. Thành Thị Cầu bị bao vây từ cuối năm 1426, tháng 3/1427, toàn bộ quân địch do chỉ huy là Đường Bảo Trinh dẫn đầu đã phải mở cửa thành, đầu hàng và nộp thành cho Lê Trích. Chiến thắng Thị Cầu có ý nghĩa to lớn là đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, đồng thời cắt hẳn sự ứng viện lẫn nhau giữa Đông Quan và Xương Giang. Quân địch ở thành Xương Giang càng bị cô lập, hệ thống thành lũy của địch từ Lạng Sơn về Đông Quan căn bản bị suy sụp. Tháng 11/1427, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh, đất nước được giải phóng, nền độc lập dân tộc được giữ vững trong gần bốn thế kỷ. Sau chiến thắng này tướng Trần Lựu về trấn giữ thành Thị Cầu. Khi ông mất, triều đình nhà Lê ban sắc cho dân Thị Cầu lập đền thờ tướng quân Trần Lựu (tôn xưng là Thượng đẳng thần) và vợ ông là bà Khôn Ninh công chúa (con gái Lê Lai, con nuôi vua Lê Lợi) là vợ tướng Trần Lựu tại đền ông Voi. Trong diễn xướng dân gian ở Thị Cầu, không thể không nhắc đến nghệ thuật diễn xướng trống Cổ Bộ tham gia đám rước miêu tả trận đánh “vu hồi” của tướng Trần Lựu tại ải Chi Lăng.
Sau khi đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442), ông Trần Bá Linh, thụy là Ninh Giang, người xã Thị Cầu, huyện Vũ Ninh về thăm quê, nhận thấy vùng đất bồi ven bờ nam sông Cầu có thể lập làng, ông liền trở về kinh thành xin nhà vua cho lập làng mới mang tên Đáp Cầu, sát dòng chảy của sông Cầu.
Đầu thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến đàng ngoài diễn ra cuộc khủng hoảng sâu sắc. Năm 1744, nghĩa binh của Nguyễn Hữu Cầu - một thủ lĩnh của phong trào nông dân khởi nghĩa đã đánh quân của Trấn thủ Kinh Bắc Trần Đình Cẩm thua ở chợ Chay, rút chạy về quân doanh Thị Cầu. Nghĩa binh thừa thắng đuổi theo, vây hãm trấn thành Kinh Bắc ở Thị Cầu, phóng hảo đốt phá dinh trại quân Trịnh, khiến cho Trấn thủ Trần Đình Cẩm và đốc đồng Vũ Phương Đề vất cả ấn tín, bỏ thành chạy về kinh đô thoát thân. Nghĩa binh làm chủ trấn thành, uy hiếp Thăng Long, thanh thế lừng lẫy.
Năm 1761, Lê Quý Đôn đi sứ, dừng lại ở Thị Cầu. Đến năm 1764, ông được cử làm Đốc đồng Kinh Bắc, ông nhận thấy nơi này là “Quan hà ngàn dặm phương xung yếu”.
Cuối năm 1788, mượn cớ giúp nhà Lê đánh quân Tây Sơn, triều đình Mãn Thanh cử một đạo quân 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Chúng ồ ạt vượt qua sông Thương, tràn xuống đóng ở núi Tam Tầng. Tại núi Dinh, quân doanh Thị Cầu do tướng Phan Văn Lân chỉ huy, được sự giúp đỡ của nhân dân đã tập kích doanh trại địch ở núi Tam Tầng, phía bờ nam sông Cầu. Nghĩa quân Tây Sơn cởi trần, tay cầm vũ khí, đầu trống canh năm, ồ ạt lội qua sông, thẳng tiến bức bách quân Tôn Sĩ Nghị, hỏa hổ loạn xạ, vang ầm trời đất. Để cứu vãn tình thế, quân Thanh phải cho quân tiến lên thượng nguồn, đánh úp vào quân doanh Thị Cầu buộc Phan Văn Lân phải rút quân. Tết Kỷ Dậu (1789), quân của Tôn Sĩ Nghị bị đánh tan tành. Trong sự nghiệp truy quét thù trong, đánh bại giặc ngoài của nhà Tây Sơn, nhân dân Kinh Bắc đã góp phần tích cực, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương.
Dưới triều Nguyễn, Thị Cầu và Đáp Cầu thuộc huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Bắc Ninh. Cuối thế kỷ XVII, từ rất sớm, thực dân Pháp đã nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của khu vực sông Cầu và vùng Thị - Đáp Cầu. Tháng 8/1872, Giăng Đuy - Puy đã ngược sông Cầu đến vùng Đáp Cầu, Thổ Hà... để khẳng định con đường thủy bộ thuận lợi ở đây. Mùa xuân năm 1882, thành Hà Nội rơi vào tay thực dân Pháp. Giữa năm 1882, quân đội Mãn Thanh cũng tràn đến Bắc Ninh để tranh giành ảnh hưởng và lãnh thổ. Thái độ nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn càng làm cho thực dân Pháp ngày càng lấn tới trong âm mưu xâm chiếm Bắc Ninh. Tháng 4/1882, Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai. Mùa xuân năm 1884, chúng lại huy động 10 nghìn lính, 55 đại bác và nhiều tàu chiến tiến đánh từ Phả Lại đến về Thị Cầu, Quả Cảm. Lúc này nghĩa quân của Nguyễn Cao vẫn giữ thế chủ động tấn công giặc Pháp, trong khi quân nhà Nguyễn có quân Thanh giúp sức. Tại Đáp Cầu, ngày 12/3/1884, nghĩa quân đã bắn chìm tàu chiến Ca-ra-bin và diệt 43 tên Pháp, trong khi hàng vạn quân nhà Nguyễn và nhà Thanh để lọt thành Bắc Ninh vào tay giặc.
Ngay sau khi chiếm được tỉnh Bắc Ninh, thực dân Pháp một mặt tiếp tục những cuộc hành binh đàn áp các phong trào yêu nước và mở rộng địa bàn chiếm đóng, mặt khác tiến hành hàng loạt những chính sách nhằm từng bước áp đặt bộ máy cai trị của chúng. Đáp Cầu trở thành một cảng sông quan trọng, các đồi cao ở Thị - Đáp Cầu trở thành pháo đài phòng thủ kiên cố. Quân Pháp tập trung ở đây khá đông, chủ yếu là lính lê dương, pháo thủ, hậu cần. Nhiều công trình dân sự và kinh tế được xây dựng, Thị - Đáp Cầu, trở thành khu công nghiệp kiêm cảng thị và căn cứ chính trị, quân sự, thương mại quan trọng của Bắc Kỳ.
Suốt 20 năm, theo Đảng một lòng làm cách mạng, Nhân dân Bắc Ninh không tiếc máu xương để đánh Pháp, đuổi Nhật, dành chính quyền về tay nhân dân vào mùa thu tháng Tám năm 1945. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ đánh thắng kẻ thù xâm lược và bảo vệ biên giới phía Bắc, khúc sông hiền hòa ấy tiếp tục được chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, các trận đánh cầu phao Đáp Cầu của bộ đội Thiên Đức, các trận đánh tại cụm phòng không bảo vệ cầu Đáp Cầu năm 1967… Chính tại vùng đất này, trên trận địa phòng không núi Dinh là nơi bài hát “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa” nổi tiếng đã được ra đời từ cảm xúc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khi chứng kiến tình cảm giữa quân và dân sâu đậm “như cá với nước”.
Các tư liệu lịch sử về Lãnh Kinh rất ít ỏi, các câu chuyện dân gian liên quan đến dòng chảy của sông Cầu đoạn chảy qua địa phận thành phố Bắc Ninh ngày nay gần như không còn, song những chiến thắng trên khúc Lãnh Kinh xưa, sông Cầu nay đã chứng tỏ vai trò trọng yếu của Bắc Ninh trong lịch sử dân tộc và truyền thống yêu nước của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc./.
THANH HẢI