Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TRẦN BÁ LINH - VỊ ĐẠI KHOA ĐẦU TIÊN CỦA THÀNH PHỐ BẮC NINH
17:08 | 25/05/2022

Tranh Dân gian Đông Hồ ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với những nội dung và nghệ thuật độc đáo hình thành qua nhiều thế hệ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Theo nguồn tài liệu lịch sử, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tồn tại ít nhất đã 5 thế kỷ. Tranh dân gian Đông Hồ vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh và cảm thụ nghệ thuật của nhân dân, vừa chứa đựng những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống của con người trong cuộc sống thường ngày. 

Kể từ khoa thi Đình đầu tiên năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đến khoa thi Đình cuối cùng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) triều Nguyễn, nước ta có 188 khoa thi và 2.971 vị đỗ Đại khoa. Tính riêng thành phố Bắc Ninh hiện nay, đã có tới 44 vị trong tổng số 679 vị đỗ Đại khoa của cả vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Lịch sử khoa cử của thành phố Bắc Ninh dưới chế độ phong kiến Việt Nam được tính từ Trần Bá Linh, người làng Thị Cầu, đỗ Tiến sĩ năm 1442. 

Theo các tư liệu Hán Nôm: Trần Bá Linh tên thụy là Ninh Giang, người xã Thị Cầu, huyện Vũ Giàng. Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (khoa này lấy 33 người đỗ tiến sỹ trong đó Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ 3 người, Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân 7 người, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân 22 người). Tháng 11 năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi cử Trần Bá Linh cùng với Trần Phong, Lương Như Hộc đi sứ sang nhà Minh cầu phong. Dưới thời Lê Thánh Tông, ông được thăng chức Thẩm hình viện, Tri Đông đạo quân dân bạ tịch. 

Quê hương của ông ở làng Thị Cầu, nơi nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa nằm ở phía Đông Nam thành phố Bắc Ninh hiện nay, nơi lúc đầu Văn Miếu và Thành Bắc Ninh được khởi dựng tại sơn phận Thị Cầu. Văn Miếu Bắc Ninh được làm lại năm Nhâm Tuất niên hiệu Gia Long thứ nhất (1802), xây dựng lại năm Giáp Thìn, niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), chuyển về đỉnh đồi Nác năm 1893 như ngày nay. Đền Khải thánh (một bộ phận quan trọng của kiến trúc Văn Miếu) được xây dựng ở phía Tây Bắc của Văn Miếu ở Thị Kiều (tức làng Thị Cầu), tu bổ năm Minh Mệnh thứ 6. 

Theo TS Lương Văn Kế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Văn Miếu Bắc Ninh có thể là một trong những văn miếu địa phương được dựng đầu tiên ở nước ta. Tại Văn Miếu Bắc Ninh, qua tấm văn bia “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” khắc năm Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) có ghi: Văn Miếu vốn ở sơn phận Thị Cầu, lâu ngày mà hỏng nát, cho nên đến năm Quý Tỵ niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893) thì Tỉnh hiến rời đến xây dựng ở địa phận Phúc Đức sơn, huyện Vũ Giàng. Tên của Tiến sỹ Trần Bá Linh cũng được khắc trên một trong 12 bia đá “Kim bảng lưu phương” tại Văn Miếu Bắc Ninh. Khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, ta sẽ thấy tên ông được khắc ở tấm bia đầu tiên được dựng đợt 1 năm 1484 trong số 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi (1442 - 1779). 

Năm 2010, tấm văn bia “Thị Cầu xã tiên hiền bi ký” được phát hiện tại đền Điều Sơn được khắc vào tháng 5 năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1868) có ghi: “Tứ Đại Bảo - Nhâm Tuất (1442) khoa đệ nhị giáp Tiến sĩ, xuất thân thẩm hình viện tri viện sự kiêm tri Đông đạo quân dân bộ tịch phụng sứ Bắc quốc Trần tướng công tự Bá Linh thụy Ninh Giang tiên sinh”. 

Tương truyền sau khi đỗ đạt, Tiến sỹ Trần Bá Linh trở về thăm quê, nhận thấy tiềm năng của vùng đất bồi rộng lớn ven sông Cầu có thể trở thành khu dân cư mới, lại “cận giang”, “cận thị”, nằm trên đường kinh lý, án ngữ phía bờ nam sông Cầu (đối diện với làng Nam Ngạn - Việt Yên - Bắc Giang hiện nay) nên sau khi đỗ đạt, ông đã xin nhà vua cho phép lập làng mới trên cơ sở thôn Nhi Cầu (xóm nhỏ của Thị Cầu) với tên gọi ban đầu là Tháp Cầu (phường Đáp Cầu ngày nay).

Trong lịch sử hình thành làng xã, việc lập làng mới là rất phố biến. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, việc lập làng mới ở các làng ven sông trên cơ sở những vùng đất bãi bồi ven sông đã có ở nhiều nơi. Từ một vài gia đình ban đầu, sau nhiều người khác lần lượt chuyển xuống trại ở, song họ vẫn sinh hoạt với cư dân trong làng, cụ thể như trường hợp trại La Phù (Đồng Nhân) của làng La Phù (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) khoảng đầu thế kỷ XVII, một bộ phận dân làng chuyển xuống ở tại khu bãi ven sông Đáy, cư dân ngày càng đông đúc. 

Đối với làng Đáp Cầu, từ một vùng đất bồi, có nhiều đầm, hồ ô trũng, với sức cải tạo từ sự cần cù, chịu khó của người dân, làng Đáp Cầu đã nhanh chóng phát triển thành khu có mật độ dân cư đông đúc, trù phú, trên bến dưới thuyền… Đầu tiên là xây nhà cửa quanh chân núi Thành Sơn, rồi lần lượt các xóm Núi, xóm Vạn với những cư dân sinh sống bằng nghề chài lưới, xóm Đồng với ao hồ và bãi dâu trải dài, xóm Tân Ấp ngay sát với làng Cô Mễ đã được hình thành. Những câu chuyện dân gian, những lời truyền kể như vẫn còn đâu đây về các địa danh: núi Thành, ngọn Tháp Lĩnh, điếm Lim, cửa ải Lãnh Kinh, bến Hội Đồng, miếu thờ ông Thiêng, xóm Đình, xóm Chùa, phố Bè, phố Nứa; các tục lệ như ngày hội rước nước sông Cầu, điệu múa Rồng…

Trong sách Bắc Ninh dư địa chí, phần “Huyện Võ Giàng” có ghi chép: Về văn học thì Kim Đôi là nhất rồi đến các xã Xuân Lôi, Bằng Lâm, Khắc Niệm, Đáp Cầu. Các bậc thầy giỏi ở Kim Đôi đều thờ ông.

Những ghi chép trong thư tịch cổ liên quan về các vị Trạng nguyên, Tiến sĩ… trong quá trình lịch sử khoa cử thời phong kiến Việt Nam thường rất hiếm hoi, nhưng là những cứ liệu hết sức quan trọng về truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh Bắc Ninh nói chung, từng địa phương nói riêng. Ghi nhớ công lao của Tiến sỹ Trần Bá Linh trong việc mở làng, xây dựng đình, chùa, phổ biến nhiều thuần phong mỹ tục cho nhân dân địa phương; dân làng Đáp Cầu tôn ông là phúc thần, hương khói thờ phụng tại đình Đáp Cầu. Con đường uốn lượn quanh sườn núi Thiềm Sơn chạy ngang qua ngôi trường THCS Thị Cầu (khu 2 phường Thị Cầu) hiện nay đã mang tên “đường Trần Bá Linh”./.  

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn  hiến, 2018.

2. Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh, Lê Viết Nga chủ biên, 2011, tr.221

3. Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, H.2002, tr.929

4. Bắc Ninh dư địa chí, Sở VHTT &DL Bắc Ninh - Viện Hán Nôm, Nxb Văn học, H.2021, trang 122.

5. Bắc Ninh dư địa chí, Đỗ Trọng Vỹ, Nxb Văn hóa thông tin, trang 175.

6.Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh, Nguyễn Quang Khải, Nxb Dân tộc, H.2000, tr.21.

7. Đại Nam nhất thống chí, tập 4, trang 120.

8. Văn Miếu Bắc Ninh, Kỷ yếu Hội Thảo khoa học Di tích văn Miếu Bắc Ninh, 1998.

9. Bách khoa thư làng xã, Bùi Xuân Đính, Nxb chính trị quốc gia sự thật, H.2021.

10. Đáp Cầu, những năm tháng đáng ghi nhớ, Ban nghiên cứu lịch sử phường Đáp Cầu, 1989, tập 1.

 

 

                                                                                                                                                                                                             NGUYỄN THỊ THANH HẢI