Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

THÚY KIỀU TUỔI MÃO
08:59 | 18/01/2023

Tác phẩm "Đoạn Trường Tân Thanh" của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã thuật lại cuộc đời đa đoan của người con gái "nghiêng nước, nghiêng thành" Vương Thúy Kiều làm xúc động trái tim biết bao thế hệ độc giả Việt Nam và thế giới. Chính vì yêu quý nhân vật này, nên tác phẩm đã được lưu truyền rộng rãi hiện nay dưới cái tên giản dị: "Truyện Kiều". Nhắc đến tuổi của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du chỉ cho chúng ta biết như sau:

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Theo Kinh Lễ: "Con gái 15 tuổi thì được cài trâm - tức là tới tuần cập kê - để tỏ là đến tuổi lấy chồng". (Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh H - 1974)

Ngày xưa, các cụ cũng đã đúc kết tuổi dậy thì của trai gái là: "Nữ thập tam, nam thập lục". Vậy với tính cách của Thúy Kiều đã biết "e lệ nép vào dưới hoa", "tình trong như đã mặt ngoài còn e" thì Kiều phải qua tuổi dậy thì rồi, nhưng mới chỉ "xấp xỉ tới tuần cập kê", vậy chắc là năm đó Thúy Kiều 14 tuổi. Nhưng con tạo thật khéo trêu ngươi, trái tim người thiếu nữ vừa mới chớm rộn rã trong tình yêu với Kim Trọng:

Được lời như cởi tấm lòng,

Giở Kim thoa với khăn hồng trao tay.

Đã rơi vào cảnh:

Thương lòng con trẻ thơ ngây,

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ.

Đau lòng tử biệt sinh ly,

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!

Trong Truyện Kiều, thi hào chỉ cho biết đại lược là chuyện xảy ra trong "năm Gia Tĩnh triều Minh" nhưng không cụ thể là năm nào. Song trong nguyên tác "Kim Vân Kiều truyện" thì Thanh Tâm Tài Nhân lại cho biết rõ trong tờ Văn ước bán mình do Chung Sự viết và tờ hôn thú do tự tay Kiều viết đều đề rõ: "Gia Tĩnh thập nhất niên, tứ nguyệt thập ngũ nhật" Tức là ngày 15/4 năm Gia Tĩnh 11. Theo lịch sử Trung Quốc, niên hiệu Gia Tĩnh của Minh Thế Tông từ 1522 - 1566. Vậy Thúy Kiều 14 tuổi vào năm Gia Tĩnh 11 là năm 1532. Với các dữ liệu đó ta suy ra năm sinh của Thúy Kiều là năm 1519 cũng lại là năm Kỷ Mão, cách ngày nay là 2023 - 1519 = 504 năm.

Cụ Nguyễn Tiên Điền chắc là biết quá rõ điều đó, nên khi tả Thúy Kiều đã có những câu thơ hàm ẩn, mà nếu ta trong lúc "trà dư tửu hậu" ngâm nga các câu tập Kiều sau đây sẽ thấy rõ ràng bóng dáng một nàng Kiều cầm tinh con Mèo:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So về tài sắc lại là phần hơn.

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Đã phen túng đất sẩy chân,

Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh

Nép mình ngồi nhẫn tàn canh,

Tựa ngồi bên triện, một mình thiu thiu.

Hơn thế nữa, để tâm đến các nét phác họa tài hoa rải khắp Truyện Kiều, ta thấy cụ còn vẽ nên hình ảnh một cô mèo tơ rất hay chạy nhảy, nghịch ngợm:

Cúi đầu luồn xuống mái nhà,

Nhện này vương lấy Tơ kia mấy lần.

Lòng Tơ dầu chẳng dứt tình

Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.

Vì là cầm tinh Mèo, đêm thức nhưng ngày lại lim dim ngủ gà, ngủ gật, nên qua những câu thơ trong Truyện Kiều, ta cũng lại thấy rõ đặc điểm họ nhà Mão này qua hình ảnh Kiều:

Bàng hoàng dở tỉnh dở say,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nỉ non đêm ngắn tình dài,

Hãy còn thiêm thiếp chưa phai giấc nồng.

Khả năng chạy nhảy leo trèo là đặc tính di truyền của nhà Miêu. Cô Mèo "cập kê" này cũng tỏ ra có gen di truyền rất đậm của chủng tộc trong lĩnh vực "nhảy nhót" này:

Cất mình qua ngọn tường hoa,

Lần đường theo bóng trăng tà về Tây.

Mịt mù dặm cát đồi cây,

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.

Ngại ngùng rợn gió, e sương,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

Đặc điểm ẩm thực rõ rệt của họ nhà Mèo là thích ăn cá, nên cụ Nguyễn cũng chỉ ra sự hớn hở, thích thú của Kiều khi thưởng thức món ăn truyền thống của dòng họ Miu:

Cười rằng: Cá nước duyên ưa,

Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.

Hở môi ra cũng thẹn thùng,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Bóng chim tăm cá sẵn tay,

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Nhưng vì còn là Mèo "Vị thành niên" chưa tự chủ được về tài chính, nên cái khoản ẩm thực Mèo nhí phải hay ăn vụng trộm với dáng vẻ lấm lét, sợ hãi:

Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,

Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,

Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.

Muốn cho trong ấm ngoài êm,

Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.

Gió đâu sịch bức mành mành,

Chừa ngay cái thói trẻ ranh nực cười.

Và hình như gián tiếp chỉ cho hậu thế cái chìa khóa tính ra tuổi Kiều cầm tinh con Mèo, cụ Nguyễn đã cho Hoạn bà tiết lộ lý lịch Kiều:

Ra tuồng Mèo mả gà đồng,

Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.

Đến Từ Hải "Râu hùm, cằm én, mày ngài" tưởng rằng chỉ "côn quyền hơn sức" nhưng lại thực là "hơn người trí dũng" khi mà tuy say mê trong tình yêu, cũng đã suy đoán ngay ra được tuổi Kiều, vì chỉ có loài Mèo mới có "mắt xanh":

Trướng tô giáp mặt anh đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Kim Trọng năm bấy giờ 15 tuổi (1) hơn Kiều một tuổi, nên sinh năm Mậu Dần, cầm tinh con Hổ theo đúng công thức cổ: "Gái hơn hai, trai hơn một". Nhưng Hổ Kim Trọng và Mèo Thúy Kiều "Tuy rằng khác giống, nhưng chung một loài" nên cuộc sum họp sau 15 năm xa cách vẫn rất là gượng ép vì một bên Hổ, một bên Mèo nên cảnh vợ chồng nhà ấy chỉ:

Những như âu yếm vành ngoài,

Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ.

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Ba sinh đã phỉ mười nguyền,

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

Thoắt thôi tay lại cầm tay,

Hổ - Mèo, khổ tận đến ngày cam lai.

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh./.

 

Chú thích:

(1) Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Nhân, Bắc Kinh - Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã 1983 trang 34 hồi thứ 5 và Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế - NXB Hà Nội 1999 tr 55.

 

                                                                                                                                                                                                                       NGUYỄN KHẮC BẢO