Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU
10:00 | 07/01/2022

Nhoáng cái lại sắp hết năm. Mọi người lại chuẩn bị đón xuân mới. Như thường lệ CLB mười hai con giáp sẽ tổ chức buổi vui thơ - đối gặp mặt các hội viên để đón xuân Nhâm Dần vào đêm Giao thừa.

Phòng thơ tuy nhỏ nhưng ấm cúng được trang trí đơn giản có một cành đào nho nhỏ đầy hoa nụ tươi thắm. Có một con hổ... nhồi bông hình dáng khá dũng mãnh và thêm một bình nậm sứ vẽ một chú hổ rất sống động.

Mọi người đã tề tựu đầy đủ nhưng hình như chia thành hai nhóm. Một nhóm có vẻ hứng khởi và một nhóm có vẻ trầm tư. Ông chủ nhiệm CLB trịnh trọng lên tiếng: 

- Thưa quý hội viên, đêm nay Giao thừa chúng ta họp mặt tất niên để tiễn năm Tân Sửu con trâu đón tết Nhâm Dần con hổ. Năm Tân Sửu vừa qua nước ta cũng như toàn thế giới bị đại dịch Covid làm thiệt hại lớn. Nhưng với sức khỏe và sự cần cù chịu khó của chú trâu, nền kinh tế nước nhà dần hồi phục đầy khả quan. Năm Nhâm Dần tới với sự nhanh nhạy dũng mãnh của chú hổ chắc rằng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Nào mời quý vị nghe và bình những bài thơ và câu đối về chúa sơn lâm đêm nay.

Một vị bên nhóm hứng khởi lên tiếng:  

- Thưa quý vị, con hổ đã được tôn vinh từ lâu là Chúa Sơn lâm. Vâng điều này không phải bàn cãi. Nơi rừng sâu núi thẳm làm gì có con vật nào đọ được với hổ. Hổ còn có nơi tôn sùng như thần được lập đền thờ, miếu thờ. Hôm nay, tôi xin được vẽ hình tượng hổ không phải bằng chất liệu hội họa mà bằng ngôn ngữ đó là một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Bằng một giọng hứng khởi vị này đọc: 

 

       Chúa Sơn lâm

Lừng danh đây đó Chúa Sơn lâm

Muông thú khiếp kinh bởi tiếng gầm 

Bước nhảy êm ru, nhanh tựa sóc

Cú vồ mạnh mẽ khỏe như vâm

Dẻo dai đuổi ngựa trên đồng cỏ

Lì lợm tha heo vượt suối đầm

Núi thẳm rừng sâu không đối thủ 

Lừng danh đây đó Chúa Sơn lâm.

Bài thơ vừa được đọc xong, mọi người bàn tán bình luận sôi nổi. Bài thơ lại được đọc với giọng hào hứng truyền cảm, mọi người như thấy một chú hổ bằng xương bằng thịt hiển hiện trước mắt với “bước nhảy êm ru” và “cú vồ mạnh mẽ”. Kìa kìa chú hổ lúc thì “đuổi ngựa trên đồng cỏ” khi lại “tha heo vượt suối  đầm”. Quả là giữa núi rừng này hổ xứng danh là Chúa Sơn lâm.

Ông chủ nhiệm CLB cũng lên tiếng nhận xét rằng đây là một bài thơ chỉn chu ý tứ nói về chú hổ rất chuẩn về chữ nghĩa và đăng đối. Nhưng cũng còn có ý kiến khác mời quý vị lắng nghe. Một vị thuộc nhóm trầm tư có vẻ hơi buồn buồn nói rằng: 

- Thưa các bạn từ lâu hổ được tôn vinh là Chúa Sơn lâm quả rất xứng đáng. Nhưng danh đó chỉ đúng khi trên mặt đất này còn nhiều rừng núi ấy là nơi hổ có thể làm mưa làm gió mà vạn vật không thể chống cự được. Nhưng từ khi con người thông minh với những vũ khí hữu hiệu chống lại rồi chủ động săn bắt thì hổ mất dần ưu thế. Nanh cọp vuốt hổ không thể đọ được những vũ khí hiện đại, hổ đã bị tiêu diệt hao tổn nhiều. Hơn nữa nạn phá rừng vô tội vạ trên khắp thế giới khiến cho nơi sinh sống của hổ mất dần đương nhiên hổ không thể phát triển như ngày xưa. Nhiều nơi gần như hổ đã tuyệt chủng. Cơ quan bảo tồn động vật hoang dã thế giới đã đưa hổ vào sách đỏ cần bảo vệ khẩn cấp. Ở châu Á trong đó có Việt Nam ta còn nhiều người thích chơi ghế bành da hổ, da hổ nhồi bông rồi nấu cao xương hổ cho nên hổ bị săn bắt càng nhiều. Mặc dù nhà nước đã có luật cấm nhưng không thể triệt để được. Đang lo rằng cứ đà này rồi hổ sẽ bị tuyệt chủng như loài tê giác ở nước ta mấy năm trước. Những thế hệ sau này có lẽ chỉ còn thấy hổ trên phim ảnh hay trong vườn thú mà thôi. Tôi xin có bài thơ nói lên nỗi niềm này: 

Thời oanh liệt nay còn đâu

Dẫu nhanh như sóc khỏe như vâm

Không trúng đạn lao cũng sụp hầm

Bao tấm hổ bì thành ghế đệm

Từng cân hổ cốt hóa cao ngâm 

Rừng xanh ắt cũng lu hình bóng

Núi thẳm rồi ra bặt tiếng gầm

Từ có con người dần vắng bóng

Ôi! Còn đâu nữa Chúa Sơn lâm. 

Bài thơ thật hay, chữ nghĩa đăng đối chuẩn và cái kết khiến mọi người đều nuối tiếc nếu Chúa Sơn lâm nay mai không còn trên thế gian này nữa. 

Không khí buổi vui thơ như chùng xuống. Ông chủ nhiệm CLB lên tiếng rằng để cái viễn cảnh không ai muốn đó không xảy ra mỗi chúng ta cần chung tay bảo vệ loài động vật hoang dã này.

Để mọi người vui vẻ hơn, ông đề nghị cùng nâng ly chúc mừng hai bài thơ vừa rồi.

Lúc này cái bình nậm sứ rượu mới được rót ra để mọi người cùng nhâm nhi. Ông chủ nhiệm CLB nói đây không phải là rượu cao hổ cốt đâu chỉ là thảo dược thôi chúng ta phải thực hiện đúng quy ước bảo vệ hổ chứ. Mọi người cùng vui vẻ cạn ly. Giờ đến phần câu đối, mời mọi người theo dõi.

Ông chủ nhiệm mời nhóm trầm tư đọc vế ra đối. Một vị đứng lên nói: 

- Mời các vị nghe và đối vế đối này 

NGÀY THƠ VIỆT NĂM DẦN NGÂM THƠ PHẠM HỔ.

Mọi người nghe đọc vế ra đối xong thấy ý tứ chữ nghĩa có vẻ đơn giản dễ hiểu nhưng xem kĩ ra mới thấy tác giả làm khó ở chỗ đã DẦN lại còn HỔ mà HỔ lại là PHẠM HỔ tên một nhà thơ nổi tiếng ở giữa thế kỉ trước của Việt Nam ta. 

Mọi người đều suy nghĩ tìm ý tứ chữ nghĩa để đối cho thật chỉnh.

Hồi lâu sau một vị trong nhóm hứng khởi xin đối. Vị này đọc: 

HIỆU SÁCH NAM TẾT HỔ BÁN SÁCH TRẦN DẦN.

Chà chà vế đối lại này rất chuẩn đáp ứng mọi yêu cầu của vế ra.

Này nhé “HIỆU SÁCH NAM” đối với “NGÀY THƠ VIỆT” rất chỉnh.

“TẾT HỔ” đối với “NĂM DẦN”quá chuẩn và đặc biệt người đối đã tìm được tên nhà văn TRẦN DẦN để đối lại với tên nhà thơ PHẠM HỔ thì phải nói rằng quá giỏi thể hiện người đối lại có kiến thức rộng có trí nhớ tốt và vô cùng nhạy bén ứng đối. 

Mọi người nghe vế đối lại so với vế ra xem xét kĩ về ý tứ chữ nghĩa thấy rằng vế đối lại này rất chuẩn đối chặt chẽ về ý tứ chữ nghĩa không kém gì vế ra.

Người ra đối vô cùng khâm phục người đối lại. Hai người bắt tay nhau rất thân mật.

Ta hãy cùng đọc lại cả cặp đối nhé: 

NGÀY THƠ VIỆT NĂM DẦN NGÂM THƠ PHẠM HỔ.

HIỆU SÁCH NAM TẾT HỔ BÁN SÁCH TRẦN DẦN.

Mọi người đều hào hứng vì buổi vui thơ đối thành công tốt đẹp.

Kìa pháo hoa Giao thừa đã nổ sáng bừng trời đất. Tất cả lại cùng vui nâng ly chúc mừng năm Nhâm Dần đã tới. Chúc mọi sự tốt lành./.

                                                                                                                                                                                                        NGUYỄN ĐÌNH TỰ