Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

THẦN TÍCH ĐỀN NGHĨA XÁ
15:33 | 27/10/2021

Thần phả cho biết: Bà Trần Cẩn Tiết là mẹ 2 vị tướng đi tu ở chùa Vương Xá (Tên cũ của làng Nghĩa Xá) năm 16 tuổi, sau đó bà có mang đẻ sinh đôi 2 con trai ở vùng Côn Sơn, đặt tên là Ngọn Côn và Thuấn Nghị. Lên bảy tuổi đã biết lễ nghĩa, năm 15 tuổi 2 người đã nâng nổi đỉnh đồng. Năm 18 tuổi mẹ mất hai anh em chôn cất mẹ chu đáo rồi vào Lam Sơn ứng nghĩa, được Lê Lợi cử làm tướng trấn giữ đạo Tây Bắc, về quê 2 anh em chiêu mộ được 3000 quân, đóng ở Vương Xá. Năm 1427 hai vị được Lê Lợi cử đi đánh Liễu Thăng ở ải Chi Lăng và chính hai anh em Ngọn Côn và Thuấn Nghị đã có công trực tiếp giết chết Liễu Thăng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng hai anh em Ngọn Côn và Thuấn Nghị đã được Vua Lê Lợi phong làm “Thiếu Bảo” ban ấp ở Siêu Loại (Nay là huyện Thuận Thành). Thái Tổ phong cho hai ông là “Thiếu Bảo trung đẳng”. Vua còn ngự chế một bài thơ rằng:

“Mười tám người cùng bàn bạc để xây nghiệp đế vương.

Một lòng đồng tâm hiến kế giúp nước.­­­

Sau này muốn nhìn rõ ràng được ghi ở Lam Sơn.

Cảm khái tưởng nhớ đến các công thần khai quốc”.

Tặng phong bà mẹ là “Cẩn Tiết phu nhân”. Hai ông nhận lệnh quay trở về nhiệm sở ở huyện Siêu Loại xây dựng doanh trại ở trang Vương Xá, nay là làng Nghĩa xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vì hai ông nhìn thấy vùng đất này có núi sông lượn quanh, rồng hổ bao bọc. Núi không cao mà non nước hữu tình, địa thế thuận lợi, thiết tưởng đây cũng là nơi phong quang thắng cảnh. Tức thì truyền cho binh sĩ cử người xây dựng doanh trại. Một ngày đặt yến tiệc mời các cụ phụ lão và nhân dân trang Vương Xá tới dự. Bỗng nhiên trời đất náo loạn, có một dải mây vàng giống như hình cầu vồng từ trên trời rơi xuống trước doanh trại. Hai ông hoá thân vào đám mây ấy và bay lên, nơi hóa đó ở tại xứ Đồng Càn đó là ngày 5 tháng 12. Nhân dân thất kinh, làm lễ tâu vào triều. Nhà Vua sai quay trở về làm lễ chuẩn hứa cho trang Vương Xá phải thờ cúng.

Lê Thái Tổ khởi nghĩa chống Minh, giết Liễu Thăng thu được thiên hạ. Thái Tổ cho ghi chép các sự tích của các vị thần có công, sắc phong tự hiệu cho thần:

“Nhất phong Ngọn Côn hồng phúc chí nhân đại Vương.

Nhất phong Thuấn Nghị hùng tài vĩ lược đại vương”.

Phong tặng Cẩn Tiết gia hàng bảo đức phu nhân. Từ đó về sau đều nhiều lần linh ứng, cho nên nhiều triều Vua về sau đã gia phong mỹ tự.

Ngày sinh của thần vào tháng Giêng ngày 7 đó là ngày lễ chính, lễ dùng: Thượng trai bàn, hạ ngưu tề, xôi, rượu, bánh và ca hát. Ngày hóa của thần là ngày 5 tháng 12 là lễ chính, dùng: Thượng trai bàn, hạ là có cá, thịt lợn, xôi, rượu, bánh trôi. Lễ khánh hạ vào tháng 5 ngày 5 lễ dùng như trước. Lễ hạ khánh vào tháng 8 ngày 5 dùng tùy nghi.

Năm Hồng Đức thứ 3 (1472) mùa xuân, ngày tốt. Quan Thượng thư đông các đại học sĩ thần Lê Tung, phụng soạn bản chính.

Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740) mùa thu, ngày tốt, thần Quản giám Bách linh tri điện hùng lãnh thiếu là Nguyễn Hiền, tái tôn cựu chính bản.

Năm Thành Thái thứ 10 (1898) tháng 3 (nhuận) ngày mùng 3, năm Mậu Tuất thừa sao chính bản.

Đình làng còn có 4 câu đối cổ và 3 sắc phong dưới triều Nguyễn, có câu đối như sau:

“Phá Liễu Thăng hùng uy linh Bắc địa.

Phù Lê tráng kiệt trấn Nam thiên”

Dịch nghĩa là: Phá Liễu Thăng anh hùng uy linh khắp đất Bắc…

Nghĩa Xá, còn gọi là làng Thượng, gồm 5 xóm: Xóm Lá, Cầu Làng, Điếm Cầu, Ngõ Vậy và Điếm Cổng, xưa Vương Xá trang, tổng Nghĩa Xá, huyện Siêu Loại. Ngôi Đền, nằm trong một khu đất cao, nhỏ ở phía Bắc của làng, mặt quay về hướng Đông Nam. Đây là nơi thờ các vị Thành Hoàng là Ngọn Côn hồng phúc chí nhân Đại vương và Thuấn Nghị hùng tài vĩ lược Đại vương. Hiện tại trong hậu cung Đền còn tấm bia ghi lại công trạng của hai vị Thành Hoàng làng có công đánh giặc Liễu Thăng trong trận chiến Chi Lăng trên núi Mã Yên.

Đền làng Nghĩa Xá có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 3 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, phía trước có sân và hai dãy dải vũ ở hai bên. Trong Đền còn lưu giữ các hiện vật đồ thờ chủ yếu được tạo tác vào thời Nguyễn, trong đó tiêu biểu là 4 bộ câu đối, một bản thần tích, sao năm 1898, một bia đá “Thần tích “ khắc năm 1907, ba đạo sắc phong vào các năm: 1853, 1917 và 1924…

Căn cứ vào các tư liệu Lịch sử và nội dung bản thần tích ở Đền Nghĩa Xá, chúng ta có thể khẳng định rằng Thời Lê Sơ (1428 - 1527) Tổng Vương Xá - huyện Siêu Loại - đạo Kinh Bắc. Nay là thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, với nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong đó phải nói đến công lao của hai vị tướng Ngọn Côn và Thuấn Nghị, người đã trực tiếp chém tướng giặc Liễu Thăng của nhà Minh, ngày 10/10/1427 (ngày 20/9 năm Đinh Mùi). Chiến thắng của hai ông đã góp phần đưa đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh đó đến năm 1526 thời Vua Lê Cung Hoàng, ở tổng Vương Xá có Lưu Doãn Trung, người tổng Vương Xá - nay Nghĩa Xá thi đỗ đến Thám Hoa (Đứng sau Trạng nguyên, Bảng nhãn là Thám hoa) đây là kì thi đình, kì thi cao nhất của thời phong kiến do nhà vua trực tiếp là người ra đề thi và chấm để chọn ba người đỗ cao nhất là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Vậy thời Lê Sơ, làng Nghĩa Xá đã có cả tướng võ và quan văn…

Qua những tư liệu lịch sử trên, chúng ta có thể tự hào về những trang sử hào hùng của cha ông, trong đó có các vị tướng quân được thờ làm Thành Hoàng tại ngôi Đền của làng Nghĩa Xá - Nghĩa Đạo - Thuận Thành - Bắc Ninh, đã có công giúp nhà Lê chiến thắng quân giặc, oanh liệt vĩ đại cả nước Nam.

Với ý nghĩa và giá trị về lịch sử và văn hóa, năm 1994 di tích Đền Nghĩa Xá đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, theo quyết định số 921-QĐ/BT ngày 20 tháng 7 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

                                                                                                                                                                                                               NHO THUẬN