Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Người góp phần bảo tồn di tích Lăng Kinh Dương Vương
10:52 | 22/07/2022

Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đã có từ rất lâu đời ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến, đặc biệt tấm bia đá khắc chữ Hán “Kinh Dương Vương Lăng” dựng năm 1840 dưới triều vua Minh Mạng vẫn còn. Năm 1949 thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, đình và chùa làng Á Lữ đã bị tiêu hủy. Một số đồ thờ cúng và sắc phong còn lưu giữ được đã được các cụ trong làng chuyển về khu Văn chỉ xưa của làng và chuyển thành Đình thờ Tam vị Thánh Tổ như hiện nay. 

Sau khi đình và chùa làng Á Lữ bị tàn phá, dân làng đã di dời Lăng Kinh Dương Vương về xây dựng trên nền của đình làng cũ. Lăng nhìn về hướng Đông với tường bao quanh, có ban thờ đặt trước bia “Kinh Dương Vương Lăng”. Bên trong cổng Lăng có một bức bình phong. Bên phải cổng ra vào Lăng có gắn một tấm bia khắc chữ Hán ghi chép về lịch sử xây dựng Lăng. Rất tiếc sau lần di chuyển Lăng ra ngoài đê năm 1971 thì không thấy tấm bia đá này nữa (chưa rõ do bị vỡ khi tháo dỡ hay lưu lạc đâu mất). Đường vào khu Lăng còn có một chiếc cầu bằng đá phiến lớn, trên mặt tấm đá có hai lỗ thủng giống vết bàn chân người, truyền kể đó là do bà Chúa Á đã đạp thủng để cho con có khí thở khi bị truy bắt. Hiện phiến đá đó đã bị vỡ làm hai mảnh đang được lưu giữ ở khu đình làng.

Năm 1971 các cụ trong làng quyết định di chuyển Lăng về đúng vị trí cũ ở ngoài đê như hiện nay. 

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng Á Lữ, đặc biệt qua các tư liệu do ông Vương Hữu Tấn, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vật lí hạt nhân nguyên tử, con trai cụ Giáo hiện còn lưu giữ, thì người góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và bảo tồn các tư liệu, hiện vật của khu di tích từ những năm nửa cuối thế kỷ 20, là một người con có học của làng Á Lữ mà dân làng thường gọi với cái tên kính trọng là cụ Giáo. Cụ chính là người đã âm thầm, bền bỉ lưu giữ và bảo tồn, dịch thuật các tư liệu cổ như Thần phả, hoành phi, câu đối, văn tế, sắc phong… liên quan đến di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương. Cụ xem đây là sứ mạng và trách nhiệm của mình đối với quê hương vì trong làng không còn có ai có biết chữ Hán để đọc hiểu được các tư liệu ở di tích này. Cho nên, có thể nói cụ chính là người đã góp phần quan trọng giữ gìn và làm sống dậy di tích lịch sử văn hóa “Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương” ở làng Á Lữ.

Các bài văn tế dùng trong lễ Tết, tuần tiết sóc vọng, đặc biệt là lễ hội Kinh Dương Vương vào 18 tháng Giêng hàng năm đều được cụ Giáo dịch sang chữ quốc ngữ để hậu thế biết và sử dụng cho đến ngày nay. Từ những năm 1970, cụ Giáo đã cùng với ông Nguyễn Sỹ Sần, cán bộ văn hóa của xã Đại Đồng Thành làm hồ sơ đề nghị công nhận Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là di tích lịch sử quốc gia. Cụ đã miệt mài tiếp tục công việc thầm lặng của mình là tìm hiểu và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa này với hy vọng một ngày nào đó di tích sẽ được Nhà nước công nhận. Một số gia đình trong làng cung tiến câu đối cho đình làng để thờ Thủy Tổ cũng đều xin chữ cụ Giáo và nhờ cụ viết. Các câu đối ngày ấy do điều kiện kinh tế khó khăn nên làm rất đơn giản. Sau này khi di tích được công nhận là di tích quốc gia thì các câu đối đã được làm lại, hiện vẫn còn treo trong Đình.

Năm 1986 - 1987, đoàn khảo cổ do Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã về khảo cứu, điền dã vùng đất cổ Thuận Thành và khu di tích lịch sử văn hóa “Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương”. Giáo sư Vượng đã có nhiều ngày đến nhà đàm đạo cùng với cụ Giáo tìm hiểu về di tích lịch sử này, đặc biệt là bộ Thần phả đình làng, các hoành phi, câu đối, văn tế và sắc phong chép về Thủy tổ, để giúp cho địa phương có tư liệu lịch sử làm hồ sơ đề nghị Nhà nước cộng nhận Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là di tích lích sử văn hóa cấp quốc gia. 

Năm 1993, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng mộ và Đền thờ Kinh Dương Vương là cái nôi chốn tổ của người dân đất Việt. Từ những năm 2000, UBND huyện Thuận Thành đã đầu tư trùng tu sửa chữa nâng cấp khu di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử văn hóa của nó. Nơi đây không những là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, mà còn là một địa điểm ghi dấu cội nguồn lịch sử của dân tộc. Với những giá trị và ý nghĩa lớn lao của khu di tích lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ; vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích với quy mô rất lớn gồm nhiều hạng mục công trình, trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng. Khu di tích đã và đang trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh của quê hương ta. Trong những ngày lễ hội, đã thu hút hàng ngàn “Con lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền đất nước về với khu di tích lăng và đền thờ, nhằm tri ân và thờ phụng tôn vinh Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước.

Nhân dân làng Á Lữ nói riêng và Thuận Thành hiện nay trân trọng những đóng góp của các bậc tiền nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa “Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương” ở làng Á Lữ, trong đó không thể không nhắc đến công lao của cụ Giáo họ Vương. Những đóng góp thầm lặng nhưng rất to lớn của cụ Giáo đã góp phần gìn giữ, bảo tồn để cho di tích này được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia như hiện nay. 

Cụ Giáo có tên khai sinh là Vương Hữu Thuyết, hậu duệ đời thứ 10 của họ Vương Trang ở Phúc Khang, (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, tỉnh Bắc Ninh) - nguyên giáo viên trường Lạc Thổ, nguyên Hiệu trưởng trường Á Lữ (Thuận Thành) những năm 1950 - 1954./. 

 
 
                                                                                                                                                                                                           NGUYỄN ĐÌNH TRIỂN