Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NĂM DẦN KỂ CHUYỆN HỔ
15:51 | 14/01/2022

Hổ cũng sợ uy Vua

 

Năm 1902, vua Thành Thái ra Hà Nội để dự lễ khánh thành cầu Doumer (cầu Long Biên bây giờ). Sau khi dự lễ, nhà vua đi thăm vườn bách thú gần Hồ Tây. Toàn quyền Pháp Paul Doumer và đoàn tùy tùng cùng đi theo nhà Vua. Khi nghe kể về một con hổ rất hung dữ, không ai trị được ở vườn bách thú Hà Nội, Vua Thành Thái nói với cả đoàn rằng: “Ta rất muốn đến xem con hổ đó!” Paul Doumer vốn chẳng ưa gì vua Thành Thái bèn nói khích nhà Vua:

- Ở nước Pháp chúng tôi ngày trước có Nã Phá Luân Đại đế. Người chỉ dùng ánh mắt thần của mình mà khiến cho một con hổ dữ phải cúi đầu, vẫy đuôi. Giá như Nã Phá Luân Đại đế còn sống.

- Cần gì Nã Phá Luân (Napoleon) sống lại tới bây giờ. Chỉ ngài toàn quyền đây thôi, hổ dữ mà trông thấy dung mạo, ánh mắt của ngài, chắc nó cũng phải ớn lạnh, cụp tai xuống rồi!

Doumer cười lạnh khô:

- Bệ hạ khen quá lời, nòi giống tầm thường như kẻ này làm sao có được uy lực, hào khí của bậc đế vương như bệ hạ để mà chinh phục dã thú!

Vua Thành Thái lặng im, suy nghĩ một lúc rồi nhà Vua quay lại đám tùy tùng cả Tây lẫn ta, nói:

- Đưa trẫm tới coi con hổ dữ. Bảo mấy người trông coi chuồng thú mở cửa chuồng ra để trẫm tiếp kiến chúa sơn lâm.

Đám tùy tùng nghe vậy, xanh mặt, nhìn nhau lo sợ. Vua Thành Thái mỉm cười, nói:

- Không can chi mô. Đừng sợ! Thói thường, người ta cứ hay ra oai, dùng khí giới uy hiếp nên thú dữ mới hung hăng. Ta biết cách khuyến dụ, làm lành, chung sống với dã thú. Các người không tin răng?

Không ai đồng tình với nhà Vua cả, nhưng Doumer thì mừng thầm trong bụng, chỉ mong sao Thành Thái làm mồi cho hổ, vì hắn biết vị Vua trẻ Việt Nam mới ngoài 20 tuổi đã ngấm ngầm chống đối Pháp. Hắn ra lệnh cho bọn tay sai đưa gấp Vua Thành Thái vào chuồng hổ.

Khi Vua Thành Thái bước tới gần chuồng hổ thì đoàn tùy tùng đều chạy dạt ra xa, Paul Doumer thì tìm một chỗ đứng xa nhất, hồi hộp theo dõi bi kịch đẫm máu sắp xảy ra. Vua Thành Thái đưa tay kéo cánh cửa sắt, cửa chuồng từ từ mở, nhà Vua bước vào, hai chân hơi dang ra, tay chống nạnh, lưng đeo kiếm dài như một tráng sỹ. Thấy có người lạ bước vào chuồng, con hổ dữ không hiểu vì sao chỉ gầm gừ mấy tiếng rồi vờn qua vờn lại, đi tới đi lui hoài ở góc chuồng? Thật kỳ lạ! Nhà Vua vẫn trụ vững và hổ dữ thì không dám lại gần và không dám nhìn vào con người kỳ dị này.

Vua Thành Thái từ từ bước tới gần con hổ, cách chừng vài mét thì dừng lại, mắt nhà Vua nhìn thẳng vào con dã thú. Đột nhiên, con hổ vụt đứng dậy hai chân sau, hai chân trước giơ lên, cào vào chấn song sắt, đầu ngúc ngắc, mắt lấm lét nhìn nhà Vua. Đám khán giả thót tim! Vua Thành Thái tiến lên rồi dừng lại. Con hổ tụt xuống. Đúng vào lúc ấy, nhà Vua rút thanh kiếm dài ra, chỉ mũi kiếm vào mặt con hổ dữ, thét to:

- Hổ dữ, ngươi hãy quỳ xuống!

Con hổ có vẻ như ngớ ngẩn.

- Quỳ xuống!

Giọng nói nhà Vua tự nhiên nhỏ lại, hạ thấp. Con hổ quay mình hẳn về phía nhà Vua, gầm một tiếng, rung lắc toàn thân rồi tựa vào hai chân trước, đầu từ từ cúi xuống như đang quỳ lạy. Vua Thành Thái giơ tay ra trên đầu con hổ như trấn an, khuyến dụ:

- Được! Được lắm! Thôi, trẫm cho phép nhà ngươi an nghỉ, lui!

Khi nhà Vua quay trở ra, đứng trong vòng vây của đám tùy tùng, Vua mỉm cười. Paul Doumer cảm thấy xấu hổ, nhục nhã và thừa nhận mình chưa hiểu gì về người Việt Nam, còn một ký giả người Pháp ở trong đoàn tùy tùng hôm ấy đã ghi lại và đăng trên một tờ báo Pháp.

Bài thơ "Cọp lốt người"

 

Ở huyện nọ, xưa có một viên quan tham nhũng khét tiếng. Y đỗ Phó bảng đời Tự Đức, được bổ làm Tri huyện một miền sơn cước. Do tài mẫn cán dẹp “giặc cỏ” mà y tiến nhanh như diều gặp gió. Về sau, y được thăng đến chức Tổng đốc một tỉnh. Để tỏ lòng tri ân với Pháp, càng ngày y càng ra sức bóc lột và đàn áp dân chúng. Người đương thời gọi y là Thượng Cọp với nghĩa y dữ như cọp. Năm sáu mươi tuổi, y về làng mở tiệc khao lão “lục tuần khánh hạ”. Nhân đó, những người yêu nước bèn lập mưu bắt Thượng Cọp để cảnh cáo. Thấy Thượng Cọp mặc áo sồi to sụ như một con cóc, tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, mọi người không nỡ giết. Họ bắt y phải làm bài thơ với nhan đề Cọp lốt người thì sẽ được tha. Thượng Cọp đành phải nuốt nhục viết:

Đã sáu mươi năm cọp lốt người.

Ngày nay ra cóc, nghĩa buồn cười.

Bao mùa trên gác khoanh đai gấm.

Mấy thuở trong hang khoác áo sồi.

Tặc lưỡi vốn quen nghề nuốt bạc.

Nghiến răng đành chịu dấu bôi vôi

“Chúa tể sơn lâm” đành sa lưới

Xin để nuôi chơi chớ nỡ hoài.

Ý thơ rất thành khẩn, y đã tự nhận mình là cọp lốt người, mặc áo như con cóc chịu dấu bôi vôi. Cuối cùng thì tha thiết van xin tha tội chết. Những người yêu nước đã niêm yết bài thơ cho mọi người trong vùng biết, rồi cởi trói tha cho Thượng Cọp. Nghe đâu khi về nhà, y xấu hổ quá, ức hộc máu. Con cháu của y phải an ủi, phục thuốc mãi mới khỏi!

Đùa nhà thơ Phạm Hổ

 

Nhà thơ Phạm Hổ (1926 - 2008) sinh năm Bính Dần, vì thế tên khai sinh và bút danh là Hổ. Ông viết nhiều và viết hay cho thiếu nhi. Tuy cầm tinh con hổ nhưng ông rất hiền lành nhã nhặn. Có câu chuyện vui: Phạm Hổ chọn ba con sông đặt tên cho ba cô con gái của mình. Đó là Phạm Sông Đông, Phạm Sông Hương và Phạm Sông Hồng (Sông Đông là cách ông ghi dấu tình cảm của mình với nước Nga Xô Viết). Cả ba cô con gái của nhà thơ Phạm Hổ đều công tác trong ngành Văn hóa nghệ thuật. Khi biết chuyện này một số nhà văn đã nói vui: “Thế là ba con sông vây quanh một con hổ”!

Cách đây hơn nửa thế kỷ; tổ thơ báo Văn nghệ chỉ có nhà thơ Vĩnh Mai và Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh gọi Vĩnh Mai là bố, xưng con. Sinh hoạt tổ thơ thật đầm ấm, thân tình. Ít lâu sau, nhà thơ Phạm Hổ được bổ sung vào tổ thơ, lại càng đầm ấm hơn, công tác biên tập, in ấn, phát hành càng chu đáo, thuận lợi.

Một lần, nhà thơ đàn anh Chế Lan Viên (1920 - 1989) ghé thăm tổ thơ, rất khen tinh thần làm việc và quan hệ đầm ấm, thân tình đó. Thấy Phạm Hổ có bệnh suyễn, thở như kéo nhị, liền viết bài thơ đùa như sau:

“Tổ thơ một “bố”, một “con”.

Bố già “lẩn thẩn”, con còn “ngô nghê”

Lại thêm Phạm Hổ mới về.

Hổ gì… “Hổ giấy” khò khè cả đêm”!

Cả tổ thơ đều cười rất vui, xem bài thơ đùa của Chế Lan Viên là một kỷ niệm không thể nào quên đối với họ.

Đối đáp thông minh

 

Tỉnh Nghệ An có Hoàng Phan Thái đã từng đỗ đầu xứ. Vào thời ông còn là học trò, ông thường đến trêu ghẹo một vị sư hay chữ và thích thơ phú.

Một năm, gần Tết, nhà sư viết 2 câu đối, dán ngoài cổng chùa:

Khuyến thiện trừng dâm

Cứu nhân độ thế

Đêm đó, cậu bé Thái đến chùa, viết nốt thêm để trở thành:

Khuyến thiện trừng dâm, con dâu đẻ tháng tư mồng tám.

Cứu nhân độ thế, của ai vay mất một đền mười.

Hai câu của nhà sư lấy trong kinh Phật có nghĩa là “khuyên thiện ngăn dâm, cứu người giúp đời”. Song Phan Thái đã lấy tích Phật sinh và câu “Của Phật mất một đền mười” để bẻ lại sư.

Khi Thái vừa viết xong thì chú tiểu bắt được đưa tới gặp nhà sư. Khi sư hỏi, Thái đều trả lời lưu loát, nhưng nhà sư vẫn chưa hài lòng và ra vế đối khá hiểm hóc:

Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái.

Trước khi đối lại, Phan Thái xin phép nhà sư ra đứng ngoài cửa chùa để tìm ý tưởng. Rồi Thái đọc to:

Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu.

Đọc xong, Thái co cẳng chạy biến.

Nhà sư hơi bực nhưng rất phục tài của Thái nên cũng bỏ qua./.

                                                                                                                                                                          Sưu tầm: NGUYỄN VĂN HIẾU