Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn sau này Vua cho đổi thành họ Hàn, quê xã Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Thái học sinh khoa Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời Vua Trần Thái Tông. Khoa thi này triều đình lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa và 48 vị đỗ Thái học sinh. Sau ông được triều đình bổ làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình. Ông rất giỏi làm thơ quốc âm. Nước ta làm thơ quốc âm bắt đầu từ ông. Tác phẩm của ông có: Phi sa tập; Văn tế cá sấu.
Cả chính sử và giai thoại đều ghi rằng bấy giờ có nạn cá sấu vào sông Lô hoành hành. Vua Trần Nhân Tông sai ông làm thơ (văn tế) ném xuống sông, cá sấu bỏ cả đi nơi khác, nhà Vua cho việc ấy giống như Hàn Dũ (nhà Đường ở Trung Quốc), nên cho ông đổi thành họ Hàn. Nội dung bài thơ (văn tế) đuổi cá sấu như sau:
Ngạc ngư kia hỡi! Mày có hay!
Bể Đông rộng rãi là nơi mày
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại tới đây?
Ngươi phải biết rằng giống Việt xưa
Vốn dân chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ Rồng, Vua dạy bảo
Xuống nước Giao long cũng phải chừa.
Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tĩnh
Bể rộng (lặng) sông trong mới có đầy (rày)
Sài lăng xa dấu dân cày cấy
Ta vâng mệnh Đế bảo cho mày
Lại về biển Đông (biển khơi) mà vùng vẫy
Muôn vật đều yên đâu ở đấy.
Truyền kể - xưa nay có nhiều người tin sự việc trên là có thật, nhưng cũng không ít người cho đó chỉ là giai thoại, bởi:
Dù là loài cá nào chăng nữa, con người muốn xua đuổi nó đi chỗ khác thì chỉ có thể làm nên tiếng động lớn ầm ầm dưới sông nước thì nó sợ mà bỏ đi mà thôi, giống như ngư dân làm khi muốn dồn cá dưới mặt nước vào nơi có lưới đã giăng sẵn. Hoặc là có chất nào đấy thả xuống nước mà làm cho cá ngửi thấy sợ mà bỏ đi (còn ném thính - cám rang có mùi thơm, nhử cá đến để câu). Còn làm thơ ném xuống nước thì cá nào sợ mà bỏ đi, có chăng chỉ là hình thức “phù phép” mà thôi.
Còn bài thơ (văn tế) đuổi cá sấu, liệu có hay không? Nếu như làm thơ đọc (khấn) xong rồi ném xuống sông, chưa nói là hóa (đốt) thì còn hay chăng mà sau đó người ta bình xét? Thời đó đâu có máy photo mà lưu lại một hoặc vài bản.
Truyền kể: khi về hưu tại quê nhà, cụ Hàn Thuyên được triều đình ban cho lộc điền, nhưng cụ không nhận, mà xin Vua cho nhân dân địa phương được đánh bắt cá trên các con sông trong vùng: Dân làng chài Đông Giàng đánh bắt cá ở những con sông lớn, dân làng chài Lai Hạ đánh bắt cá ở những con sông nhỏ - gọi là “Đại giang Đông Giàng; tiểu giang Lai Hạ”. Dân trong vùng làm nghề đánh bắt cá là chính, nghề làm ruộng là phụ, nên mới có câu: “Dĩ giang vi điền, dĩ nghệ thế canh”. Đời sống người dân địa phương ngày càng khấm khá, ai ai cũng biết ơn cụ hết lòng vì nước vì dân.
Về cá nhân cụ Hàn Thuyên chỉ xây dựng một nếp nhà ngói có đao cong tám mái, nhưng đâu ngờ như thế đã là sai với quy định của triều đình. Có người ghen tức đã tâu lên triều đình. Cụ Hàn Thuyên biết vậy e rằng sẽ có chuyện không hay, nên đã cho đặt tượng Phật vào nhà để thờ Phật tại gia. Khi quan quân bề trên về xem xét, xử lý, chỉ thấy đó là ngôi chùa nhỏ, nên không có vấn đề gì lớn. Sau khi quan Thượng thư Hàn Thuyên tạ thế, ngôi nhà ấy trở thành chùa để bà con trong họ ngoài làng sinh hoạt tín ngưỡng thờ Phật - gọi là Chùa Mỗ. Để tưởng nhớ công lao to lớn của cụ, nhân dân địa phương xây dựng ngôi đền thờ Tướng công Hàn Thuyên, gọi là Thiên Mỗ từ ngay bên cạnh ngôi chùa./.
LÊ VIẾT NGA