Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

HAI ANH EM RUỘT CÙNG ĐỖ TIẾN SỸ MỘT KHOA
15:29 | 06/09/2023

Hoàng giáp Trần Danh Ninh: Truyện ký của gia tộc cho biết - Tiên sinh ham học từ thời niên thiếu, lớn lên nổi tiếng với tài văn chương, từ thi Hương thi Hội đến thi Đình đều đỗ cao - năm 1723 thi Hương đỗ Giải  nguyên, năm1731 thi đỗ Hoàng giáp rồi ra làm quan.

Hơn 35 năm làm quan Trần Danh Ninh bốn lần được giao đứng đầu trong các phủ, làm quan Tả và Hữu Thị lang 5 bộ, ba phen giúp nước, 4 lần cầm quân, 2 lần trực tiếp hộ giá nhà vua đi Tây chinh. Cụ ngày đêm luôn lo việc nước, không một lần sai sót, tính tình ngay thẳng cương trực, không gây bè phái mất đoàn kết, lấy lời thề Đông A làm lẽ sống, lấy đức cần kiệm để xây dựng nếp nhà, lấy điều nhân nghĩa để phúc cho con cháu, được mọi người mến mộ lưu truyền tiếng thơm cho hậu thế. Sự nghiệp làm quan - Cụ trải qua nhiều chức tước cao như trong gia phả ghi chép (chi tiết hơn chính sử).

Về đời tư cụ Trần Danh Ninh có 10 thê thiếp, sinh được 8 con trai đều học hành thành đạt đỗ Tú tài, Cử nhân - trong đó có Trần Y Trạch đỗ đầu Cử nhân (Giảỉ nguyên) với danh hiệu thần đồng Hải Quốc Anh Tuấn; 9 người con gái  đều lấy chồng gia đình danh giá. Cụ luôn luôn có tâm công đức góp phần xây dựng gia tộc và quê hương xứ sở: Năm 1753, cụ cho xây dựng Văn chỉ huyện Gia Bình và công đức 5 bộ kiệu Bát cống để thờ các bậc Tiên hiền tiên triết, xây dựng nhà thờ Giáp chi để giáo dục truyền thồng khoa bảng vẻ vang cho thế hệ trẻ của gia tộc và quê hương. Khi cụ về chỉ sỹ, được Vua ban cho 6 đôi câu đối đề vào cờ, sau ghi khắc vào bia đá lưu danh muôn thuở. Khi Trần Tướng công tạ thế (1767), triều đình cử Tả thị lang bộ Lại - Lê Trọng Thứ làm chủ tế và Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Quỳnh tổ chức tế lễ, đưa tang, mai táng theo nghi thức quốc gia hết sức trang nghiêm. Sau đó, Tướng công được Triều đình truy tặng - Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, hàm Thiếu bảo, tên thụy (tên đẹp) là Mẫn Đạt, hiệu Trung nghi. 

Tiến sỹ Trần Danh Lâm: Tên húy là Phụ Thân, sinh năm Ất Dậu - 1705, vốn từ nhỏ đã thông minh tuấn tú, mới 9 tuổi mẹ đẻ mất, gia cảnh nghèo túng, bà Từ Ý (mẹ cả) cùng với anh ruột - Trần Danh Ninh phải chèo lái vô cùng khó khăn vất vả nuôi tiên sinh ăn học trưởng thành. Tiên sinh tìm thư giới thiệu của phụ thân nhưng không thấy, lại nghe nói có ông Giám sinh, (vốn là học trò của cụ Quận công) là Giáo thụ dạy học ở xứ Thanh Hóa. Tiên sinh Trần Danh Lâm quyết tâm tìm đến để theo học, nhưng vì nhà nghèo nên trên đường vào xứ Thanh vô cùng khó khăn thiếu thốn, phải tự  khắc phục (chỉ mang theo vẻn vẹn có 9 đồng tiền và vài thưng gạo). Tiên sinh chỉ mua được một con cá mắm, gặp quán cơm phải khéo nói lắm mới xin được đổi gạo lấy cơm, (may có quán người ta không lấy gạo cũng cho cơm) cá mắm phải ăn dè “hết nạc mới vạc đến xương”. Thế rồi tiên sinh cũng tới được nhà thầy giáo. Ông đồ xứ Nghệ (tức ông Giám sinh) vốn cảm đức lớn của cụ thân sinh của ông Lâm, lại mến chí lớn của Tiên sinh (Đăng Lâm) mà tiếp nhận nuôi dạy như con cháu trong nhà. Nhờ đó Tiên sinh  đã dùi mài kinh sử, ngày đêm  đèn sách, học hành  tiến tới, được thầy yêu bạn mến. Đến năm 19 tuổi, Tiên sinh xin phép thầy trở về quê hương dự thi, rồi đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Mậu Tý (1722). Năm Tân Hợi đời vua Vĩnh Khánh - 1731 Tiên sinh 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Điều đặc biệt là tất cả các kỳ thi tiên sinh đều cùng bảng với anh ruột của mình là Trần Danh Ninh. 

Sau khi thi đỗ đại khoa Trần Danh Lâm được triều đình bổ làm quan trải nhiều chức tước quan trọng trong triều, như - Đốc đồng Thái Nguyên, Hiến sát sứ Nghệ An… 6 lần ra ngoài biên cương đều lập nhiều công tích lớn khống chế dẹp yên giặc giã  khiến cho biên cương phía Bắc được vững mạnh, được triều đình khen thưởng. Đặc biệt cụ làm quan Đốc thị Nghệ An tới 12 năm liền, ân uy nổi tiếng, triều đình triệu hồi về kinh để dưỡng nghi, mà nhân dân địa phương thì muốn cụ lưu lại.  

Đến năm Tân Tỵ sứ nhà Thanh sang phong sắc, triều đình thấy cụ học thức tinh thông nên giao cho cụ nghênh tiếp. Với sự hiểu biết sâu rộng, ứng đối trôi chảy, thấu tình đạt lý nên sứ nhà Thanh rất nể phục, khen tặng cụ bốn chữ “Dịch thế thư hương”, sau con cháu cụ đã làm bức đại tự 4 chữ này treo ở nhà thờ cụ từ trước đến nay. Khi ấy cháu gọi cụ là chú ruột (là con Tiến sỹ Trần Danh Ninh) là Trần Y Trạch cũng được theo cùng tiếp đón sứ nhà Thanh, cũng ứng khẩu trôi chảy và sứ thần cũng khen tặng 4 chữ “Hải quốc anh tuấn” - vào hàng “Thần đồng”. Cụ làm quan triều trải nhiều chức tước quan trọng - đến năm 1767 cụ được phong chức Công  bộ (đường) - rồi Tả thị lang bộ Hộ kiêm Ngự sử đài Đô ngự sử - đều hoàn thành xuất sắc. Đến năm  65 tuổi cụ xin về chí sỹ, triều đình lại tặng thăng - Hình bộ Thượng thư cho hưởng thực ấp hai xã Phương Triện và Ngọc Triện; lại tặng ban cho 12 câu đối - đề vào cờ giao cho dân binh của 5 tổng nghênh đón long trọng. Khi về qua huyện đường (lúc đó goị là Siêu Loại ) cụ đã đề thơ rằng: 

“Đức khu tư hồi mận diệp cằn thâm tình cổ/ Hào hoa kế mỹ phụ truyền tử  kế khắc xương, phúc duyên thiện kế”.

Tuyện ký còn cho biết - Cụ Trần Danh Lâm có tướng mạo khôi ngô kỳ lạ, mình dài (cao) 7 thước râu ria dẹp, tính tình điềm đạm, không chú ý những điều vụn vặt, thờ cha mẹ tận hiếu, thờ vua tận trung, ngay thẳng. Khi chiến trận thì cẩn trọng, mạnh mẽ quyết đoán; cai quản kẻ dưới thì khoan hòa, thương yêu mọi người chân tình và bao dung, độ lượng không dùng roi gậy bao giờ. Cụ làm quan trải 47 năm, qua 6 bộ đều hoàn thành công vụ xuất sắc, được trong triều  ngoài thành đều khen ngợi, ăn mặc giản dị, dinh thự thì sơ sài; nhưng lại có lòng công đức lớn - đã xậy dựng đền thờ Thánh ở huyện Đông Thành, Hưng Nguyên, Kỳ hoa, chùa Hương Tích, Văn Miếu huyện nhà, nhà thờ gia tộc Trần Danh, đình làng Trung và thôn nhà. Thê thiếp cụ có 10 người nhưng sinh toàn con gái, đến 50 tuổi đi cầu tự ở chùa Hương Tích Hồng - Lĩnh mới sinh được 6 người con trai, trưởng nam là Trần Danh Án đỗ Tiến sỹ năm 1787./.

                                                                                                                                                                                                                                                                LÊ VIẾT NGA