Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Đọc - Hiểu các trích đoạn "Truyện Kiều" trong nhà trường nhìn từ những quan niệm mang tính văn hóa thời trung đại
11:14 | 25/07/2023

Trước nay, khi “đọc hiểu” các trích đoạn Truyện Kiều trong chương trình phổ thông, ngoài việc áp dụng phương pháp xã hội học (tìm hiểu về tác giả, về hoàn cảnh ra đời, về vị trí đoạn trích...), các giáo viên và học sinh còn thường xuyên sử dụng phương pháp hình thức (dựa vào các yếu tố hình thức nghệ thuật để hiểu văn bản). Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ quen bám sát vào câu từ hay những biện pháp nghệ thuật, các hình ảnh ước lệ, tượng trưng... để phát hiện ra vấn đề, tức là chú trọng phát hiện nội dung cuộc sống thông qua các chi tiết hình thức mà chưa quan tâm đến hình thức mang tính quan niệm. Thực chất, cái lí của hình thức nằm trong những quan niệm mang tính văn hóa của một thời đại nhất định về thế giới, con người, xã hội, thiên nhiên. Vì vậy, muốn áp dụng thành công phương pháp hình thức vào việc đọc hiểu Truyện Kiều, theo chúng tôi, rất cần hiểu về các quan niệm mang tính văn hóa thời trung đại mà Nguyễn Du chịu ảnh hưởng. Bởi đó mới chính là gốc rễ, là cội nguồn hình thành nên các yếu tố hình thức, từ đó quy định các yếu tố nội dung của kiệt tác này.

1. Quan niệm về thế giới, xã hội, thiên nhiên và con người mang tính đối lập

Trong Đoạn trường tân thanh, thi hào Nguyễn Du đã thể hiện cách nhìn nhận về thế giới, về xã hội, về thiên nhiên và con người mang tính đối lập. Có thể thấy, ở Truyện Kiều con người được phân rõ thành hai loại là người tốt và người xấu (quan có người tốt, người xấu; dân cũng có người xấu, người tốt), chứ không phân biệt theo giai cấp, theo kiểu giàu - nghèo (như một số nhà nghiên cứu sau này gán cho). Khi phân con người thành hai loại thiện - ác; chính - tà, đại thi hào Nguyễn Du, giống như nhiều tác giả văn học cùng thời, đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật tương ứng nhằm đánh dấu hai loại nhân vật đó. Những yếu tố nghệ thuật dành cho nhân vật phản diện là những gì thuộc về trần ai bụi bặm, thuộc về cái hằng ngày, là cái xấu, cái ác. Ông đã dành cho những kẻ xấu đó nhiều hình ảnh, ngôn từ mang tính mỉa mai, đả kích rất lớn. Tú Bà thì có màu da “nhờn nhợt” của một kẻ chuyên làm việc trong bóng tối, chẳng biết đã “ăn gì” mà dáng dấp “cao lớn, đẫy đà làm sao”; Mã Giám Sinh tuy giàu có, quyền quý, “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng lại có hành động của kẻ vô văn hóa, vô giáo dục “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”; Sở Khanh có“Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng” lại có hành động “lẻn vào” của kẻ lừa bịp, xấu xa (hắn đã lợi dụng Kiều, lợi dụng lúc nàng cô đơn, hoang mang, đau đớn nhất để rủ nàng bỏ trốn, rồi giữa đường rẽ giây cương đi mất); Hồ Tôn Hiến là một đại quan, quyền lực đầy mình nhưng cái “mặt sắt” đen sì của hắn cũng có lúc “ngây vì tình” trước tài năng và vẻ đẹp của một người đàn bà... Trái lại với cách miêu tả nhân vật phản diện, những gì dùng để khắc họa nhân vật chính diện lại là những thứ phi thường, thuộc về thiên nhiên, thuộc về vũ trụ, đầy tính ước lệ. Vẻ đẹp của Vân và Kiều được Nguyễn Du dùng nhiều hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên để miêu tả: Vân thì “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; Hoa cười ngọc thốt đoan trang”; còn Kiều thì “Làn thu thủy, nét xuân sơn” và tài năng cũng khác biệt, không ai so bì nổi; sự xuất hiện của Kim Trọng với “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời” khiến cho cả “một vùng như thể cây quỳnh cành giao”, thấm đẫm chữ tình... Có thể thấy, thi hào Nguyễn Du đã dùng hai biện pháp nghệ thuật khác nhau, dành cho hai loại nhân vật khác nhau nhưng lại là hai mặt của một quan niệm thống nhất và đậm chất văn hóa trung đại.

Không chỉ thể hiện quan niệm về con người, về thiên nhiên mang tính đối lập, tác giả Truyện Kiều còn thể hiện sự đối lập trong quan niệm về thế giới nhân sinh và thân phận con người trong thế giới ấy. Xã hội (thuật ngữ ta dùng ngày nay) trong Truyện Kiều, được Nguyễn Du hình dung qua các khái niệm: “cõi người”, “miền nhân gian”, “quê người”, “chân trời góc bể”... đối lập với gia đình. Trong cái chốn “cõi người ta”, “miền nhân gian”, “quê người”... đầy hiểm nguy ấy thân phận con người vô cùng bé nhỏ, bèo bọt, mong manh... Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (1; tr 93) đã bộc lộ rõ nét quan niệm này của Nguyễn Du, bằng việc xuất hiện một loạt các cụm từ: “Bốn bề bát ngát”, “Bên trời góc bể”; “Chân mây mặt đất”, đối lập với “tấm son”, với “hoa trôi man mác”... Nhận biết rõ căn nguyên của những hình ảnh đối lập ấy sẽ giúp ta hiểu sâu sắc nỗi cô đơn của nàng Kiều nói riêng, của con người nói chung trong “chốn bụi trần”, cảm nhận hết được chiều sâu thẳm của những dòng thơ li biệt khi con người (nàng Kiều) phải rời nhà, rời người thân vào nơi xa lạ “đất khách quê người”.

Nói tóm lại, khi đọc - hiểu Truyện Kiều nói chung và các trích đoạn trong nhà trường nói riêng, theo chúng tôi, cần đề cập đến (thậm chí đào sâu) nhận thức về xã hội, về thiên nhiên và con người mang tính đối lập của tác giả. Cũng nên tìm kiếm thêm những trích đoạn khác, những tác phẩm thơ văn khác cùng thời và có cùng quan niệm này để so sánh, làm nổi bật vấn đề. Việc làm đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, cách xây dựng hình tượng nhân vật, cách miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người... của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. 

2. Quan niệm về con người mang dấu ấn của đời sống tâm linh, của linh cảm cá nhân.

Không chỉ bày tỏ quan niệm về thế giới, về xã hội, về con người mang tính đối lập, thi hào Nguyễn Du, trong kiệt tác của mình, còn cho thấy những cách nhìn nhận, thể hiện con người mang dấu ấn của đời sống tâm linh, của linh cảm cá nhân. 

Thừa nhận sự tồn tại của thế giới tâm linh (thế giới khác với thế giới thực, do con người tưởng tưởng ra dựa trên một nguyên lí nào đó) là một nét văn hóa mang đặc trưng riêng thời cổ, trung đại. Thế giới ấy đi vào trong thơ văn, có ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của nhiều tác giả thời trung đại, mà Nguyễn Du là một điển hình. Ông đã lý giải nguyên nhân số phận bất hạnh của nàng Kiều bằng thuyết “tài mệnh tương đố”. Thi nhân có một lập trường hai mặt về nguồn gốc của bi kịch mâu thuẫn giữa “tài” và “mệnh”. Một mặt, như nhiều tác giả cùng thời, ông tin rằng ở đây có bàn tay đánh ghen của tạo hóa đối với những đấng tài sắc. Đây là một quy luật huyền bí, song nhà thơ cảm nhận nó một cách nhất quán, từ những lời triết luận (Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu; Tài tình chi lắm cho trời đất ghen; Chữ tài liền với chữ tai một vần...) đến sự mô tả chân dung Kiều và nhất là diễn tả ám ảnh định mệnh đã ăn sâu vào ý nghĩ, hành động, đường đi, nước bước của cuộc đời Kiều. Mặt khác, ở nhiều nơi, nhiều chỗ trong Truyện Kiều, nhà thơ dường như lại linh cảm thấy có những con người cụ thể, trần thế gây ra nỗi đau khổ cho nàng Kiều. Ông dồn tất cả sự phẫn nộ, khinh ghét vào những con người cụ thể đó. Thái độ này đã có ảnh hưởng quan trọng đến việc miêu tả một cách sắc sảo những nhân vật phản diện. 

 Trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” (1; tr 81) là minh chứng cho thấy đời sống tâm linh và những linh cảm cá nhân đã tác động đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Khi đọc hiểu trích đoạn này, phần lớn chúng ta đều biết việc Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân với “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, với “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”... là dự báo về cuộc đời bình lặng, yên ấm sau này của nàng. Còn khi miêu tả Kiều, thi nhân lại để thiên nhiên “ghen” và “hờn” như là tiên đoán trước số phận long đong, chìm nổi... Thế nhưng, mấy người lý giải được nguyên nhân của những dòng thơ miêu tả ngoại hình hết sức độc đáo, tài hoa đó lại bắt đầu từ một niềm tin thơ ngây của tác giả vào bàn tay đánh ghen của tạo hóa đối với người tài sắc (Niềm tin ấy bắt nguồn từ quan niệm truyền thống “hồng nhan bạc phận”). Theo Nguyễn Du, vì Thúy Kiều: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” nên mới bị thiên nhiên, đất trời ghen tuông, hành hạ, phải hứng chịu kiếp “hoa trôi, bèo dạt”... Tương tự như việc miêu tả ngoại hình nhân vật chính diện, việc miêu tả một số nhân vật phản diện trong tác phẩm cũng chịu không ít tác động từ niềm tin vào thế giới tâm linh và những linh cảm mang tính cá nhân của tác giả. Có lẽ, Nguyễn Du cho rằng những kẻ ác, kẻ xấu gây bất hạnh cho người tài sắc không xứng đáng để ông dùng nhiều lời, dành nhiều thời gian tô vẽ và cũng không cần phải dùng những hình ảnh đẹp đẽ, mĩ miều để điểm trang. Vì thế, khi miêu tả nhân vật phản diện trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không tập trung vào ngoại diện mà chủ yếu xoáy vào hành động, hoặc đặc tả vài nét tiêu biểu cho tính cách nhân vật. Miêu tả Tú Bà, ông chỉ dùng hai câu: “Nhác trông nhờn nhợt màu da; Ăn gì cao lớn, đẫy đà làm sao”. Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (1; tr 97), tưởng rằng nhân vật phản diện Mã Giám Sinh được nhà thơ ưu ái hơn khi ông giới thiệu khá đầy đủ từ quê quán, tên riêng đến tạo hình “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Nhưng ngay câu thơ sau, với hành động “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” hết sức vô văn hóa, thì mọi lời đẹp đẽ bên trên đều bị phủ định sạch trơn... Với những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, khi đọc hiểu các trích đoạn miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, người đọc không chỉ bám vào câu, từ, vào các biện pháp nghệ thuật mà còn cần lưu ý đến nguyên nhân thôi thúc tác giả lựa chọn cách viết, cách khắc họa nhân vật như vậy. Tức là, lưu ý đến quan niệm của tác giả về con người mang dấu ấn của đời sống tâm linh, của linh cảm cá nhân.

Như ở trên chúng tôi đã đề cập, Nguyễn Du tin vào thế giới tâm linh, ông tin rằng có sự tồn tại của thế giới thứ hai, bên cạnh thế giới mà con người đang sống. Niềm tin ấy không chỉ chi phối đến việc miêu tả nhân vật mà còn ảnh hưởng đến mọi hành động, tư tưởng, cuộc sống nội tâm của nhân vật trung tâm - Thúy Kiều. Đoạn trích Trao duyên (2; tr 104) cho thấy sự tồn tại của thế giới tâm linh là có thật, thông qua lời Thúy Kiều nhắn nhủ Thúy Vân:

"Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về".

Khi đã quyết định bán mình, từ bỏ tình yêu với Kim Trọng, Kiều đau đớn đến mức cho rằng linh hồn mình đã chết đi rồi. Thế nên mới “Thấy hiu hiu gió” thổi qua “ngọn cỏ lá cây” thì đó là linh hồn nàng hiện về. Trong đêm thề nguyền với Kim Trọng, Kiều đã tin vào thế giới tâm linh và bây giờ, khi trao lại cho em những kỉ vật tình yêu thiêng liêng, Kiều lại một lần nữa bộc lộ niềm tin mãnh liệt của mình. Nàng tin rằng, linh hồn nàng tồn tại trong “chiếc thoa”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” và mãi mãi không rời xa chàng Kim, không rời xa nơi này, dù thân xác nàng có phiêu bạt đến nơi nào. Trong hoàn cảnh ấy, Kiều muốn tin và bám víu vào niềm tin có sự tồn tại của thế giới tâm linh để tạo sợi dây ràng buộc với quá khứ, với người nàng yêu, với mối tình mà nàng phải từ bỏ. Việc hiểu được niềm tin của Kiều (thực chất là của Nguyễn Du) sẽ giúp ta hiểu được sâu sắc hơn tình yêu và sự hi sinh của nàng. 

Niềm tin của tác giả vào sự tồn tại của một thế giới khác cũng chi phối cách cảm nhận và khắc họa không gian và thời gian trong tác phẩm. Ngay trong trích đoạn “Cảnh ngày xuân” (1; tr 84, 85), ở phần mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa người đọc vào một không khí văn hóa tâm linh đặc trưng của thời xưa: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Hội là cuộc chơi, là sự giao tiếp giữa con người với con người của thế giới hiện thực. Trong cuộc chơi hội đạp thanh ấy, sẽ xuất hiện một con người bằng xương, bằng thịt là Kim Trọng. Còn lễ là tảo mộ, thực tế là cuộc tiếp xúc của người sống với linh hồn người đã mất, trong cuộc lễ ấy xuất hiện bóng ma Đạm Tiên. Lễ và hội chỉ là hai hình thức điển hình nhất của hoạt động con người, trong mối quan hệ với hai thế giới mà nó hình dung. Rồi đây, cuộc đời của Kiều sẽ diễn ra, trải ra tuy không phải là lúc nào cũng trong không khí lễ và hội, song trong hai thế giới hiện thực và tâm linh như vậy...

Với con người hiện đại ngày nay, hẳn chỉ có một thế giới duy nhất với những quan hệ hiện thực. Nhưng không nên quên rằng, với người xưa, việc hai thế giới cùng tồn tại là một sự thực lịch sử. Vì thế, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc đọc - hiểu Truyện Kiều nên chú ý đến những quan niệm về thế giới, về xã hội, về thân phận con người mang tính văn hóa thời trung đại mà Nguyễn Du chịu ảnh hưởng.

Đã có một thời gian dài người ta áp “chủ nghĩa duy vật biện chứng”, “chủ nghĩa hiện thực” và tư duy phân tích của phương Tây vào “đọc” Truyện Kiều mà quên rằng, tác phẩm này ra đời trong một thời đại văn hóa có những đặc trưng loại hình khác biệt so với thời đại hiện nay. Nhiều người cố gắng “hiện đại hóa” Truyện Kiều nên vô hình chung, đã bỏ qua lĩnh vực quan trọng giúp đọc - hiểu tác phẩm được sâu sắc, toàn vẹn hơn, đó là những ảnh hưởng của tư tưởng, quan niệm mang tính văn hóa. Trên đây, chúng tôi đã bàn đến việc đọc hiểu các trích đoạn Truyện Kiều trong nhà trường nhìn từ những quan niệm mang tính văn hóa thời trung đại. Tất nhiên, đó mới chỉ là những ý kiến mang tính chất gợi mở. Hi vọng rằng, việc làm của chúng tôi sẽ được các bạn đọc yêu Truyện Kiều khác hưởng ứng và phát huy. Cũng hi vọng rằng, hướng phân tích mới này sẽ được các thầy cô giáo và các em học sinh lưu tâm, vận dụng để đọc hiểu các trích đoạn Truyện Kiều trong nhà trường, từ đó góp phần giúp cho việc đọc Kiều, hiểu Truyện Kiều ngày một toàn diện hơn./.

____________________

(1) Nguyễn Khắc Phi. Ngữ văn 9 (tập 1). NXB Giáo dục, H. 2008.

(2) Phan Trọng Luận (chủ biên). Ngữ văn 10 (tập 2). NXB Giáo dục, H. 2006.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Du. Truyện Kiều. NXB Giáo dục, H. 1998.

2. Trần Nho Thìn. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. NXB Giáo dục, H. 2003.

 

                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG