Từ xưa tới nay, người trong vùng biết đến họ Vũ Ngọc Quan, xã Lâm Thao là một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng ở huyện Lương Tài nhưng chưa có nhiều người biết đến việc bảo tồn lưu giữ những giá trị vật chất của tổ tiên dòng họ từ mấy trăm năm trước của họ Vũ Ngọc Quan.
Khách đến Ngọc Quan tìm hiều về dòng họ Vũ không khỏi ngạc nhiên trước hệ thống cơ sở vật chất của dòng họ được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận. Từ Nhà thờ đến khu Lăng mộ, Văn chỉ với số lượng hiện vật phong phú đa dạng có từ mấy trăm năm trước được gìn giữ tới ngày nay. Các nhà nghiên cứu hết đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Họ đều có chung nhận xét suốt mấy thế kỷ, trải bao biến đổi của lịch sử, qua mấy cuộc chiến tranh ác liệt tàn phá, hiếm có một dòng họ nào lại gìn giữ và bảo tồn những giá trị vật chất của tổ tiên còn khá nguyên vẹn đến như vậy.
Trước hết là hệ thống Từ đường - nơi thờ phụng các bậc tiền nhân của dòng họ. Vũ tộc Ngọc Quan có 3 ngôi nhà thờ chính là nhà thờ Đại Tôn, nhà thờ Chính Tôn, nhà thờ cụ Huyện (chi thứ) và hệ thống nhà thờ ngành chi nhánh.
Nhà thờ Đại tôn dòng họ Vũ được xây dựng từ thế kỷ 18, qua mấy lần trùng tu nay rất khang trang bề thế, được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh (3/2007). Nhà thờ cấu trúc theo hình chữ tam. Phía trước là ngôi Tiền tế 5 gian cao rộng, giữa là ngôi Chính điện ba gian gỗ lim lợp ngói cổ, phía sau là Hậu đường 5 gian gỗ lim đồ sộ. Trước khu Tiền tế là khoảng sân rộng cho hàng trăm người ngồi dự trong những dịp lễ trọng. Trong nhà thờ hiện còn giữ rất nhiều cổ vật như án thư, tráp tải, hệ thống hoành phi, câu đối. Trước cửa ngôi Chính điện là bức hoành phi có ngự bút của Vua Lê ban tặng 2 chữ: Gia Miếu. Gian điện giữa là ban thờ ông nội Tiến sỹ Vũ Miên: Đệ Ngũ vị Tổ khảo Thiêm Đô Ngự Sử. Bên phải là ban thờ Đông các điện Đại học sỹ thân phụ Tiến sỹ Vũ Miên và bên trái là ban thờ Tiến sỹ Vũ Miên.
Trong nhà thờ có rất nhiều câu đối. Hệ thống câu đối trong nhà thờ đều khẳng định cội nguồn, truyền thống của dòng họ và công tích hiển hách của các bậc tiền nhân như:
1. Phát tích tự tằng Đông Mộ Trạch
Thành danh chi hậu Bắc Lang Tài
2. Danh tại Vũ môn tam khoá lãng
Công cao Đường Trụ bát kình thiên
3. Mộ Trạch dựng cơ đồ biết mấy công lao từ thủa trước.
Ngọc Quan xây sự nghiệp còn nhiều phúc lộc mãi mai sau.
Đặc biệt ngôi nhà thờ còn có 2 tấm bia đá cổ và một bức tượng Tiến sỹ Vũ Miên bằng đá xanh. Các nhà nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh xác định tượng có niên đại từ năm 1757 có giá trị độc đáo và quí hiếm giúp ta nghiên cứu tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Vũ Miên nói riêng, quan Tiến sỹ thời Lê Cảnh Hưng nói chung.
Ngôi nhà thờ lớn thứ hai được xây dựng trước nhà thờ Đại tôn thờ các vị Liệt tổ của Vũ tộc Ngọc Quan là nhà thờ Chính tôn. Ngôi nhà thờ này mới được trùng tu toàn bộ cổng, tường bao, bệ thờ, nền sân đều bằng đá xanh Ninh Bình. Điểm đặc biệt là các ban thờ đều lộ thiên. Nhà thờ có tường bao, trước cổng có đôi câu đối:
Dữ thiên địa đồng nhất nguyên khí
Vị tử tôn lập vạn đại cơ.
Bước qua cổng vòm là tấm bình phong cuốn thư mặt ngoài ghi 4 chữ Vũ tộc Từ đường, mặt trong khắc 4 câu thơ chữ Hán được phiên âm là::
Thuỷ nhiễu phong tàng địa
Danh cao quán nhất phương
Thị hoàng duy ngã Tổ
Cảnh phúc giới vô cương.
Bên trong là hệ thống bệ thờ Tứ vị liệt tổ và bệ đặt hương án lễ vật. Trước đây một năm có ba ngày hợp tế tại ngôi nhà thờ này là các ngày mồng 4 tháng Giêng; 22/2 và 22/8. Nay chỉ duy trì ngày 4 tháng Giêng hàng năm (ngày giỗ Đệ Nhất vị tổ khảo) con cháu toàn dòng họ đến đây dâng hương tế lễ.
Ngôi nhà thờ lớn thứ ba là Kỳ Sơn Tự (nhà thờ cụ Huyện) thờ Đệ lục vị tổ khảo và 5 vị con của cụ. Nhà thờ này mới được xây dựng lại từ năm 2004 với hệ thống đồ thờ tế khí phong phú.
Ngoài ra, các chi ngành đều có nhà thờ. Ở nhà thờ nào cũng có những hoành phi, câu đối giá trị. Ví dụ nhà thờ ngành thứ 12 (cháu nội Tiến sỹ Vũ Miên) có bức hoành phi đề: Khoa hoạn truyền gia. Nhà thờ cụ Đốc học Vũ Quyền có câu đối:
1. Danh tại thiên thu kiêm giám lục
Hành tàng nhất phiến ngọc hồ băng.
2. Dương Tử Quan Tây lưu trạch viễn
Hàn Công Đẩu Bắc chiếu nhân trường.
Nhà thờ cụ Huyện Kỳ Sơn có câu đối:
Cầm đường tưởng kiến Kỳ Sơn ngọc
Thư các thanh truyền biệt phả hương.
Bên cạnh hệ thống Từ Đường, Vũ Tộc Ngọc Quan còn bảo tồn gìn giữ khu vực Lăng mộ Tổ rất cẩn thận. Mộ Tổ ngự trên gò đất cao (Đống cao) đầu làng. Trước đây là khu bãi rộng. Mộ Tổ đặt trên gò đất cao nhất, đầu gối lên dãy núi Thiên Thai, mặt hướng về ngã ba sông Sen và sông Giằng. Khu Lăng mộ Tổ có diện tích khoảng vài sào đất, qui hoạch bởi hai lớp vòng tường. Phía trong vòng tường bao ngoài là phần mộ của các vị Tổ Ngành; vòng tường trong là lăng mộ Tổ có phần mộ của các vị Thuỷ Tổ từ Đệ Nhất đến Đệ Lục vị; có mộ Tiến sỹ Vũ Miên, chính thất phu nhân và con gái của Cụ. Khu lăng mộ Tổ và các phần mộ ở đây được xây cất toàn bằng đá rất cẩn thận. Điểm đáng chú ý là có nhiều ngôi mộ song táng, hợp táng như Tiến sỹ Vũ Miên và phu nhân cùng con gái, Tham Đồng Đề lĩnh tứ thành quân cụ Vũ Chiêu và phu nhân, Tham tri Vũ Trinh và phu nhân… Ở khu mộ này còn có hệ thống bia đá gần mười chiếc có niên đại vài trăm năm. Đặc biệt chính giữa Lăng là tấm bia đá lớn kích thước khoảng 40cm x 80cm trên có 4 chữ Vũ tộc Tổ mộ.
Tiến sỹ Vũ Miên có người thiếp yêu là con gái của Thông Chính sứ Vũ Phương Đẩu và Quế Lâm Quận phu nhân Nhữ Thị Nhuận người làng Mộ Trạch là Vũ Thị Diễm. Mộ của Cụ được xây thành Lăng riêng. Nơi đây còn một tấm bia đá cổ có bút tích của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Trước Lăng là 2 pho tượng đá tạc 2 thiếu nữ bê khay trầu và khay nước đứng hầu.
Nói đến Vũ Tộc Ngọc Quan còn phải nói đến Văn chỉ thôn Ngọc Quan. Văn chỉ này đã được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh (3/2007), được bảo tồn khá nguyên vẹn. Văn chỉ có Nhà Bái đường đặt tượng thờ Đức Khổng Tử, Quan Tư nghiệp Chu Văn An và Tế Tửu Quốc Tử Giám Vũ Miên. Vườn bia gồm 7 tấm bia đá lớn ghi tên tuổi, năm đỗ, phẩm hàm của các vị khoa bảng của thôn Ngọc Quan. Các tấm bia đều được đặt trên bệ cao, trên có mái che bằng xi măng. Các dòng chữ khắc trên các bia còn rất rõ nét. Chính giữa là hai bia lớn Tiến sỹ Vũ Miên và Phó bảng Vũ Giác. Các bia bên tả, bên hữu là bia các vị Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ và Tú tài. Tổng số có 47 vị khoa bảng trong đó họ Vũ có 43 vị. Ngoài ra còn có hệ thống bia ghi công đức và danh sách những người có học hàm học vị ngày nay.
Những cơ sở vật chất của thôn Ngọc Quan được bảo tồn đến ngày nay mang đậm dấu ấn của họ Vũ còn phải nói đến đó là đình làng Ngọc Quan. Ngôi đình làng do Tiến sỹ Vũ Miên cùng người em con chú ruột là Tri phủ Thiên Trường Thông Mẫn tiên sinh đứng ra quyên góp xây dựng. Hai cụ được dân làng tôn làm Hậu Thần. Ngôi đình được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2003.
Đến nhiều gia đình Trưởng ngành của các chi họ còn được xem các cuốn Gia phả được viết bằng chữ Nho vẫn rõ ràng, các sơ đồ hình cây còn thể hiện rõ thứ bậc.
Rời Mộ Trạch về lập nghiệp tại Xuân Lan - Ngọc Quan từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18,19. Họ Vũ Ngọc Quan đã phát triển thành một dòng họ lớn được coi là Vọng tộc với hàng chục người đỗ đạt làm quan từ hàng Thượng thư, Tham tri, Án sát, Đốc học tới Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo… Họ Vũ Ngọc Quan đã có mấy trăm năm phát triển rực rỡ. Nhiều di sản tổ tiên để lại đã bị thời gian, chiến tranh và ý thức của con người làm mai một đi rất nhiều, nhưng những gì còn hiện hữu đến thế kỷ 21 này đã minh chứng ý thức cội nguồn của cộng đồng Vũ tộc Ngọc Quan rất đáng trân trọng. Việc thường xuyên chăm sóc tôn tạo các di tích của dòng họ không chỉ thể hiện lòng kính trọng tri ân của dòng họ đối với tiên tổ mà còn nhằm giáo dục truyền thống quí báu đối với các thế hệ cháu con gia tộc và quê hương./.
VŨ NGỌC HÒA