Guột (xưa có tên là Khê, xã Dũng Quyết, tổng Vũ Dương, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn) vốn là một làng Việt cổ nằm giữa ngã ba của hai dòng chảy Tào Khê và Đầm Cũ, nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Quế Võ. Người làng Guột từ bao đời nay vẫn luôn tự hào về bề dày lịch sử văn hiến và truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương mình.
Thôn Guột hiện có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 200 ha, dân số trên 2.700 khẩu với 510 hộ. Phía Bắc giáp Đầm Cũ (bên kia đầm là xã Phù Lương, Quế Võ); Phía Nam giáp quốc lộ 18; Phía Đông giáp xã Cách Bi và Phía Tây giáp thôn Lựa (cùng xã). Sinh cơ lập nghiệp ở Guột là các dòng họ: Nguyễn Quý, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, 2 họ Nguyễn Quang, họ Tạ, Trương Công, Họ Kim, họ Đỗ và họ Duy với nghề chính là trồng lúa và rau màu (xưa có thêm nghề dệt vải và đánh bắt cá). Trải trường kỳ lịch sử, cho đến ngày nay Guột vẫn là một làng quê cổ kính và văn hiến, vẫn còn đó những xứ đồng, gò đống cổ như: đồng Đô, đồng Huý, đồng Nàng, Rộc Biếc, chuôm Hang, Đống Rờm, đồng Guột, rộc Guột, Kẻ Nghè, Đồng Hội, Đồng Trâu, đồng Chải, đồng Rừng, Đồng Quan, Mả Cả, Cổ Hạc, cửa Đình… Mỗi xứ đồng là một địa danh mang những đặc điểm riêng mà từ lâu đã gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Làng Guột hiện có 7 xóm: xóm Đông, xóm Ba, xóm Bà, xóm Nhác, xóm Chùa, xóm Đồn và xóm Trại nằm quần tụ bên nhau thành một cụm dân cư đông đúc.
Một trong những nét văn hiến tiêu biểu của làng Guột là truyền thống thượng võ. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết, truyền thống võ vật ở Guột vốn có từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) đã nổi tiếng trong cả nước với tên tuổi của 6 vị võ quan họ Nguyễn Đức đó là Hùng Quận công, Cẩm Quận Công, Ân Quận công, Quế Quận công, Nhậm Quận Công và Giao Quận Công. Với những đóng góp to lớn đối với đất nước, 6 vị quận công họ Nguyễn Đức đã được triều đình Lê - Trịnh cho lập miếu đường muôn đời thờ phụng tại quê hương.
Bên cạnh những võ quan làm việc cho triều đình, còn có những đô vật làng Guột sinh sống tại địa phương, từng làm nức tiếng trong dân gian như: Voi Non (đô vật họ Tạ), Chớp Bắc (đô vật họ Nguyễn Hữu), Mây Leo (đô vật họ Nguyễn Quý); sau này có Nguyễn Quý Đai, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Văn Lảm; các kiện tướng quốc gia và quốc tế như: Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Đức Trừ, Nguyễn Quý Tình… Và truyền thống thượng võ, quả cảm ấy lại được tiếp nối và toả sáng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những chiến công hiển hách của những người con làng Guột. Đó là chiến công của người anh hùng Nguyễn Quang Ca, đã chiến đấu kiên cường oanh liệt, là người đã dùng mìn cho nổ tung cầu Dũng Quyết để cản bước tiến của giặc Pháp vào năm 1952, làm nức lòng quân dân trong tỉnh. Anh đã hy sinh anh dũng và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó còn là chiến công của đội nữ dân quân thôn Guột với hai khẩu đại liên 12 ly đã bắn rơi chiếc máy bay do thám không người lái của giặc mỹ vào năm 1968. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Guột đã có hơn 400 lượt người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 59 người đã hy sinh anh dũng, 2 người được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những thế hệ người con làng Guột đã nối tiếp truyền thống của cha ông làm dạng danh cho quê hương, gia tộc và đất nước.
Nét văn hiến của làng Guột không những được thể ở truyền thống võ vật mà còn được thể hiện ở truyền thống ham học, hay chữ. Truyền thống này được phản ánh đậm nét ở việc làng cho xây dựng văn chỉ để tôn thờ các vị tổ của đạo nho và các vị tiên hiền của làng xã.
Lễ hội làng Guột không quy định vào ngày nào cố định mà được lựa chọn tuỳ theo từng năm cho phù hợp. Cũng có năm hội làng được mở vào ngày thánh Đản; có năm lại mở vào dịp hoàn thành việc tu bổ đình, chùa hay các sự kiện văn hoá khác của làng. Đây cũng là một nét độc đáo thể hiện sự mềm dẻo, linh động không cứng nhắc trong đời sống văn hoá của người dân làng Guột. Tuy nhiên thường hội đình Guột được mở vào các dịp xuân, thu khi mùa màng đã xong, năm nào được mùa phong đăng hoà cốc thì hội được mở lớn kéo dài nhiều ngày với các nghi lễ tế rước trọng thể. Đoàn rước bắt đầu xuất phát từ đình ra nghè, qua Văn Chỉ, Miếu Đại Trung với ý nghĩa mời các vị thần; các vị tiên hiền cùng về đình dự hội, rồi đoàn rước trở lại đình để tiến hành các nghi thức tế lễ rất trọng thể linh thiêng.
Song song với các nghi thức tế lễ tại đình là các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát chèo, ả đào, bắt vịt, đập niêu, đấu vật, đánh lệu (đánh lốc), nấu cơm thi… để dân làng thưởng thức mua vui sau những ngày lao động vất vả. Trong những tục trò này, cùng với môn đấu vật truyền thống được nhân dân và các đô vật trong vùng tham gia đông đảo nhiệt tình còn có trò chơi “Chạy Ró” rất độc đáo, đây là nét đặc sắc riêng biệt trong lễ hội làng Guột. Các cụ cao tuổi trong làng cho biết, trò chơi chạy Ró ở làng Guột vốn có từ lâu đời, mỗi khi làng vào hội, trò chơi này lại được tổ chức và đã thu hút được đông đảo nhân dân địa phương tham dự.
Để tổ chức trò chơi “chạy Ró”, trước đó ban tổ chức lễ hội đã phải bầu ra ban trọng tài và chuẩn bị dụng cụ là các trang phục và “Ró” để phục vụ trò chơi. Ró là một bị được đan bằng cói dùng để đựng thóc, lúa, ngô, khoai của nông dân (mỗi Ró đựng được khoảng 30kg thóc), đến ngày lễ hội, Ró dùng làm đạo cụ để mang lại niềm vui cho dân làng sau những ngày lao động vất vả. Tuỳ vào tính chất, quy mô và từng giai đoạn lịch sử, Ban tổ chức sẽ lựa chọn các loại trang phục vừa mang tính giáo dục vừa tạo được sự hài hước, hóm hỉnh lại phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Mỗi bộ trang phục được cất vào một Ró, số lượng Ró bằng số lượng người tham dự trong mỗi vòng thi và trang phục đựng trong Ró được giữ bí mật đối với người chơi.
Dựa vào bản đăng ký, Ban tổ chức cuộc thi sẽ sắp xếp thứ tự và số lượng người chơi ở mỗi vòng sao cho cân bằng, hợp lý về độ tuổi và sức khỏe. Mỗi vòng thi diễn ra khoảng 10 phút gồm 5 - 10 người (hoặc nhiều hơn) cùng chơi trên một khoảng đất rộng. Bắt đầu thi, ban tổ chức gọi tên người chơi xếp thành hàng ngang, cách chỗ đặt Ró khoảng 5 - 7 mét (khoảng cách từ chỗ người chơi đến chỗ đặt Ró bằng với đường kính của vòng tròn do những chơi tạo thành). Từ lúc này người chơi sẽ phải nghe hiệu lệnh trống của trọng tài để thực hiện. Sau khi trọng tài đánh trống ra hiệu lệnh xuất phát, người dự thi chạy đến chỗ đặt Ró, chọn một chiếc cho mình rồi trở lại vị trí cũ. Nghe hiệu lệnh trống, người chơi chạy thành vòng tròn rồi vừa chạy vừa lấy trang phục trong Ró để mặc, trong khi đó vẫn phải mang theo Ró (có thể dùng tay hoặc răng để giữ Ró). Giữa không khí tưng bừng của ngày hội, từng hồi trống thúc vang ròn, giục giã hoà với tiếng hò reo, cổ vũ của người xem vô cùng náo nhiệt. Khi có hiệu lệnh dừng thì người chơi mới được quyền đặt Ró xuống đất và kết thúc trò chơi. Ban trọng tài sẽ thống nhất chọn người nào không phạm quy, mặc trang phục nhanh, hoàn chỉnh, đẹp và phù hợp nhất để trao giải. Dù phải kết hợp nhiều động tác cùng lúc, cần sự tập trung cao để không phạm quy nhưng trên nét mặt của người chơi ai cũng tươi cười, phấn khởi, vui nhất là khi những thanh niên chọn phải chiếc Ró có trang phục của bà già, phụ nữ, hay những cô gái lại chọn được trang phục của các cụ ông với ao the, khăn xếp, râu quai nón thì dân làng lại được phen cười vỡ bụng.
Chạy Ró là trò chơi mang tính cộng đồng, đem đến những giây phút thư giãn, sảng khoái cho người xem, đồng thời giúp người chơi rèn luyện sức nhanh, sức bền, độ khéo léo, linh hoạt. Bao năm qua, người dân làng Guột luôn tự hào vì vẫn gìn giữ, duy trì và phát triển trò chơi dân gian chạy Ró độc đáo, hiếm có của quê hương mình, góp thêm phần sôi nổi trong những ngày lễ hội.
Về thăm làng Guột, chúng ta như được về với miền di sản bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như ngôi đình làng được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVIII) tôn thờ đức Thành hoàng làng là nhị vị thánh Tam Giang Khước Địch Đại Vương (Trương Hống), Uy Địch đại vương (Trương Hát) và Ân quận công Nguyễn Đức Nhuận; Chùa Guột (Diên Quang tự) với quy mô rất rộng lớn, các công trình kiến trúc nguy nga thu hút hàng nghìn phật tử; Miếu Đại Trung thờ 6 vị quận công dòng họ Nguyễn Đức, một gia tộc lớn ở huyện Quế Võ; Nhà thờ họ Nguyễn Quý thờ các vị tổ tiên của gia tộc, trong đó có 3 vị từng làm quan và dạy học tại trường Quốc Tử Giám là Quốc Tử Giám giám sinh Bác văn đường Nguyễn Quý Công; Quốc Tử Giám giám sinh Tu nghiệp đường Nguyễn Quý Công và Quốc Tử Giám giám sinh Ước lễ đường Nguyễn Quý Công; Văn chỉ làng Guột; Nghè làng Guột… Những di sản văn hóa này sẽ mãi trường tồn và là niềm tự hào to lớn của người dân nơi đây./.
PHAN THỊ AN NGỌC