Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

ĐỀN THỜ TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN NGHIÊU TƯ
11:16 | 25/07/2023

Khu phố Hiền Lương, phường Phù Lương, thị xã Quế Võ vốn là một làng cổ nằm ven bờ sông Cầu. Người dân nơi đây sinh sống trên các quả núi Chọc, núi Chùa, núi Tụng, núi Đền, núi Vĩnh, núi Giữa thuộc dãy Châu Sơn, nơi đầy ắp những truyền thuyết về buổi bình minh lịch sử của dân tộc ta. Cho đến nay, dấu ấn về một làng Hiền Lương cổ kính, văn hiến vẫn còn đọng lại ở tên đất, tên làng, quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm, trong đó có ngôi đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, Quyết định số 1160/QĐ-UBND ngày 30/08/2012.

Theo lời kể của các cụ cao niên địa phương, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư vốn được xây dựng từ lâu đời trước nằm ở cánh đồng Tổ Mối ở phía Đông Nam của làng sau được chuyển lên sườn núi Đền (khu cổng Thông), rồi lại được chuyển về cạnh đình làng ở phía Tây núi Vĩnh. Nhưng tiếc thay cả đền và đình đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân phải gửi tượng thờ vào đền Tiên. Đến năm 2004, dân làng cùng nhau xây dựng lại ngôi đền trên đỉnh núi Đền, mặt đền quay về hướng Nam, khuôn viên không xây tường bao và không có cổng.

 Đền có kiến trúc hình chữ Đinh gồm hai toà: Tiền tế và Hậu cung. Toà Tiền tế gồm 3 gian 2 chái với 4 bộ vì được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng hạ kẻ chuyền. Các kẻ ăn mộng từ vì nóc qua cột cái tới cột quân, từ cột quân ra ngoài tạo thành bẩy hiên. Bộ khung gỗ đỡ các bộ vì phía dưới gồm 4 hàng cột ngang liên kết với 4 hàng cột dọc, tuy nhiên phía trước của gian giữa đã được trốn hai cột để tạo sự thông thoáng rộng rãi cho toà Tiền tế. Trên các bộ phận kiến trúc như bẩy hiên trang trí đơn giản với đề tài hoa lá cách điệu, các cấu kiện khác phần lớn để trống, không chạm khắc, thiên về độ vững chắc. Cửa được mở ở 3 gian giữa của toà Tiền tế theo kiểu thượng song hạ bản. Phần mái được lợp ngói mũi hài với 4 mái đao cong uốn lượn duyên dáng, bờ nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”, bờ guột và bờ dải để trống, khúc nguỷnh đắp 2 con nghê sống động nghệ thuật.

Toà Hậu cung gồm có 1 gian được để thông với toà Tiền tế, bộ vì theo kiểu quá giang gác tường. Hậu cung là nơi tôn nghiêm thờ Thánh, được bài trí ngai thờ, tượng thờ cùng các đồ thờ tự khác. Tại Hậu cung có 2 ngai và tượng thờ là tượng Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư ngồi bên trái, bên phải cao hơn một chút là tượng thờ Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên, người thầy đã có công nuôi dạy Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư thuở nhỏ. Hai tượng tạc trong tư thế gần như giống nhau đều ngồi trên long ngai, đầu đội mũ, mặc áo quan. Phía trước là các đồ thờ tự như bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cây đèn, cây nến, lọ hương hoa… phía trên là bức hoành phi có nội dung “Thượng đẳng thần”, hai bên là đôi câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Căn cứ bản Thần tích thần sắc kê khai năm 1938 và một số tài liệu, sách báo, cũng như truyền khẩu của nhân dân địa phương đã cho biết khá rõ về ngôi đền thờ quan Trạng và lai lịch công trạng của ngài như sau: Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư tên húy là Nguyễn Trư, hiệu là Tùng Khê. Thân phụ ngài là Nguyễn Quang Bật, thân mẫu là Trần Thị Bộc. Thân mẫu ngài thường đi hái củi ở vùng núi Tam Điệp, một hôm chợt thấy có hai vết chân lớn hiện lên hòn đá, bà liền ướm thử từ đó thấy động tâm mà mang thai, đến khi sinh ra ngài vì thấy tướng mạo xấu xí mà cha mẹ đặt tên ngài là Trư. Khi lớn lên ngài thông minh, tài trí hơn người. Vì mồ côi cha mẹ sớm nên ngài phải đi ở cho một nhà giàu ở xã Đông Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Đông Sơn xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du). Sau đó ngài được thầy Vũ Mộng Nguyên đón về nuôi nấng lại dạy cho học hành tinh thông kinh sử. Không phụ công nuôi dạy của thầy, ngài thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời Vua Lê Nhân Tông. Tương truyền đêm trước ngày thi đình, Vua Lê Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng, Vua liền sai xa giá xem bảng vàng thấy Trạng nguyên tên là Nguyễn Văn Trư, Vua liền đổi tên cho là Nguyễn Nghiêu Tư. Khi vào triều gặp Vua, để thử tài quan Trạng, trước mặt văn võ quần thần, nhà Vua ra một vế đối “Long tại đỉnh long nhi bất tẩu” và yêu cầu sau khi Vua bước đi bảy bước quan Trạng phải có vế đối lại. Chẳng ngờ nhà Vua mới đi được ba bước quan Trạng đã đọc ngay vế đối “Yến cư thượng yến hà vô phi”. Vua và quần thần gật đầu thán phục.  Sau đó quan Trạng được bổ chức Hàn Lâm trực học sĩ, sau làm An phủ sứ lộ Tân Hưng. Năm 1459 Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư được cử làm phó sứ đi sứ nhà Minh, khi về được phong chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Lục bộ Thượng thư. Cuộc đời khoa cử và làm quan của ngài đã để lại nhiều giai thoại nổi tiếng đặc biệt là tài ngoại giao khi đi sứ. 

Cũng theo lời kể của các cụ cao niên, trước đây khi đình, đền chưa bị giặc Pháp phá, hàng năm từ ngày mồng 9 đến 14 tháng Giêng, nhân dân lại nô nức mở hội làng. Vào ngày hội, từ mồng 9 các ông đám đã mở cửa đình, đền để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Sang ngày mồng 10, làng tổ chức tế với lễ vật đặc biệt được gọi là “lợn ông”. Các giáp được phân công sẽ cấy ruộng công và nuôi lợn từ trong năm, lợn tế phải là lợn đen tuyền và phải đủ ít nhất 40 kg, sang ngày 11 và 12, làng tổ chức tế các đức Thánh với lễ vật là xôi gà, hoa quả, đến ngày 13 là lễ tế giã đám “tế lợn tuỳ”. Trong ngày 13 còn có nghi thức mời chạ Từ Phong (xã Cách Bi) và con rể của làng cùng tham dự lệ làng. Ngoài ra, vào ngày 5 tháng 8 (âm lịch) là ngày mất của Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư, dân làng Hiền Lương tổ chức cúng tế tại đền. Lễ vật dâng thánh có xôi gà, hoa quả, bánh trái. Trong những ngày lễ hội ngoài các phần lễ có phần hội với một số trò chơi dân gian như: đu, vật, kéo co, hát trống quân, hát chèo, hát quan họ… đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hoá tâm linh vui tươi lành mạnh nhằm đoàn kết cộng đồng, gìn giữ và phát huy những thuần phong mỹ tục.

 Đền thờ trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư từ lâu là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Hiền Lương, là nơi giáo dục truyền thống tốt đẹp, nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần và gìn giữ những thuần phong mỹ tục của cha ông, góp phần làm giàu truyền thống lịch sử quê hương. Tấm gương sáng ngời về đức độ, tài năng của Trạng nguyên mãi xứng danh khắc vào bia đá để muôn đời các thế hệ học tập noi theo./.

 

                                                                                                                                                                                                         PHAN THỊ AN NGỌC