Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Cuộc đấu đối thú vị qua tranh Đông Hồ
15:54 | 14/01/2022

Vào một ngày cuối năm, các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đang tấp nập làm tranh bán Tết, thì nhận được tin có quan huyện xuống thăm. Vị quan mới về nhận chức huyện Siêu Loại, nghe nói cũng là một vị quan hay chữ. Sau màn đáp lễ, quan bảo với các vị nghệ nhân:

- Nghe nói tranh Đông Hồ còn là loại tranh chơi chữ, chắc các nghệ nhân cũng là người hay chữ. Hôm nay ta đến vừa là mục sở thị ngắm tranh vừa thử chữ với các vị, ta ra vế đối theo tranh, các vị phải đối lại theo tranh. Nếu các vị không đối được, ta thu hết số tranh này về treo ở huyện đường để chơi Tết.

Mọi người hết sức lo lắng, một nghệ nhân cao tuổi thưa lại với quan:

- Bẩm quan, nếu quan chịu thì sao ạ?

Quan có vẻ rất tự tin với tài hay chữ của mình: 

- Nếu ta thua, thì ta miễn thuế, phu dịch cho cả làng một năm.

Cụ nghệ nhân cao tuổi cũng khá tự tin trả lời:

- Vậy mời quan.

Quan xem đến bức tranh “Đám cưới chuột” thấy một chú chuột xách cá đến lễ mèo, bên dưới bức tranh đề chữ “Tống lễ”, quan liền ra vế đối:

Tý tận, thử tống Mão

Nghĩa câu này là chuột bé nhỏ, yếu đuối (còn có nghĩa là cuối năm chuột) nên chuột phải lễ mèo. Thâm ý của quan là ví người dân, người lao động là hạng người thấp hèn, yếu đuối như chuột, còn quan có quyền sinh, quyền sát giống như mèo bắt chuột, vì thế dân phải cống nạp cho quan. Vế đối khá hiểm hóc. Mọi người còn đang lúng túng, cụ nghệ nhân cao tuổi nói nhỏ vào tai một nghệ nhân trẻ tuổi, cụ bảo đi lấy cho cụ một bức tranh. Đó là bức vẽ một con trâu đang vểnh tai đi trên con đường dài ngoằn ngoèo như con rồng. Cụ nghệ nhân cao tuổi đưa bức tranh đến trước mặt quan rồi nói:

- Đây là vế đối của chúng tôi.

Quan ngắm nghĩa bức tranh một lúc rồi cười ha hả:

- Con trâu đang trên đường về chuồng, mà gọi là đối được vế đối của ta.

Cụ nghệ nhân cao tuổi thong thả đọc: “Sửu đầu, ngưu thôn Thìn”. Bức tranh này là vế đối với ý đối quan đưa ra đó”.

Vế đối này có nghĩa là: Đầu năm trâu, trâu nuốt rồng. “Đầu năm trâu” đối với “Cuối năm tý”, “Trâu nuốt rồng” đối với “Chuột lễ mèo”, vế đối khá chuẩn. Thâm ý của vế đối này là: Trâu tượng trưng cho nông nghiệp (là dân), còn rồng tượng trưng cho thiên tử (là Vua). Dân là sức mạnh của đất nước “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, ý tứ “Trâu nuốt rồng” nghĩa là dân có thể hạ bệ được cả Vua huống chi một chức quan huyện. Vế đối đã chuẩn lại có thâm ý chọc quan. Biết bị chọc nhưng vế đối chuẩn, quan tím mặt không dám nổi giận.

Đi một dạo, quan thấy bức tranh “Thầy đồ cóc”, trên bức tranh có đề chữ “Lão oa giảng độc” và có vẽ một cái bàn của thầy đủ cả văn phong tứ bảo nhưng không thấy quyển sách nào. Quan liền ra vế đối:

“Lão oa giảng độc, lão vô thư”

Nghĩa là: Thầy cóc dạy học, nhưng thầy không có sách. Thâm ý của quan có ý chê các nghệ nhân chỉ là học mót, học lỏm (không có sách) gọi là “mượn chữ” để đề vào tranh, làm sao thông tuệ được như quan có học hành hẳn hoi. Hiểu thâm ý của quan, cụ nghệ nhân cao tuổi đưa quan đến một bức tranh vẽ một đoàn thanh niên cởi trần, đóng khố đang khiêng trống đi đấu vật, người nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vạm vỡ, thông minh, người đi đầu vác tấm biển đề bốn chữ: “Trung nam bản xã”, rồi bảo với quan:

- Đây là bức tranh xin đối lại vế đối của quan, xin đọc là “Trung nam bản xã, trung hữu chí”.

Nghĩa là: Trai trẻ đất này, trai có chí. Vế đối vừa chỉnh, vừa nói lên được sự tích trong tranh (đúng là tranh đối tranh theo yêu cầu của quan), quan trọng hơn cả là thâm ý của vế đối: Có chí lớn thì không có sách nào sánh được, nghĩa là ta không có sách, nhưng ta có chí lớn, có chí lớn còn hơn cả sách. Quan mỉm cười tỏ ý khâm phục.

Khi xem đến bức tranh “Hứng dừa” có đề hai câu thơ:

Khen ai khéo vẽ nên dừa

Đấy trèo, đây hứng cho vừa một đôi

Quan lại ra vế đối:

Tứ thủy đồng lưu hà chi đạo

Nghĩa là: Bốn dòng nước cùng chảy là đường gì? Vế đối còn có thâm ý muốn nói: Hai dòng nước ở hai quả dừa trên cây và hai dòng sữa ở hai “trái dừa” của người phụ nữ hứng dưới là bốn dòng nước. Nước này ở đâu ra và chảy đi đâu?

Bên cạnh bức “Hứng dừa” là bức “Đánh ghen” cụ nghệ nhân cao tuổi chỉ vào bức “Đánh ghen”:

- Bẩm quan, bức tranh này có đề câu: “Thôi thôi bớt giận làm lành/ Chi điều sinh sự, nhục mình, nhục ta” là vế đối, xin quan duyệt cho. 

Quan nghĩ một hồi, rồi tỏ ý không hiểu:

- Tranh có ba người, một chồng, hai vợ. Vợ cả đưa kéo dọa cắt tóc vợ lẽ, có vẻ người vợ lẽ được chồng bênh, nên chìa mớ tóc ra thách thức, còn hai câu thơ ở bức tranh không thấy ý tứ gì của vế đối lại.

Cụ nghệ nhân cao tuổi cung kính:

- Bẩm quan, ý của bức tranh đúng như quan vừa phân tích, còn vế đối với vế đối quan đưa ra qua bức tranh này là “Tam nhân tranh đoạt tất tại thiên” không biết có vừa ý quan không ạ?

“Tam nhân tranh đoạt tất tại thiên” có nghĩa là: Ba người tranh nhau là do trời định, cũng có nghĩa là mọi vật sinh ra đều có quy luật của tự nhiên, bốn dòng nước cũng theo quy luật đó.

Quan im lặng không nói gì, tiếp tục đi xem hết lượt các loại tranh, cũng không thấy quan ra vế đối nào nữa. Xem xong tranh, quan quay lại nói với các nghệ nhân:

- Quả thật danh bất hư truyền, nay mục sở thị mới biết tranh Đông Hồ nổi tiếng cả nước là nhờ sự khéo tay, hay chữ của các vị nghệ nhân đây. Hôm nay xuống thăm các vị cũng là dịp muốn thử xem thực hư như thế nào mà thôi. Ta công bố sẽ thực thi những điều đã giao ước: Miễn thuế, Phu dịch cho cả làng một năm.

Mọi người có mặt hết sức bất ngờ, hóa ra vị tân quan huyện là một vị quan anh minh, chính trực. Thực ra không phải quan đến thăm làng tranh để đấu câu đối, chủ ý của quan miễn thuế, phu dịch cho làng chính là việc động viên, khuyến khích cho nghề tranh Đông Hồ tiếp tục được mở rộng phát triển. Tết năm ấy, làng tranh Đông Hồ ăn Tết to hơn những Tết trước./.

                                                                                                                                                                       Sưu tầm: NGUYỄN CÔNG HẢO