Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CÂU 20: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
16:50 | 24/06/2023

BÌNH GIẢI...

Truyện Kiều là kiệt tác văn học, là thi phẩm hội tụ đầy đủ tinh hoa ngôn ngữ Việt, là một tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Du trong kho tàng thơ văn, ca dao của một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong nền văn học nước nhà ở thế kỷ XVIII.

Truyện Kiều đã ảnh hưởng sâu sắc và là món ăn tinh thần mọi mặt của nhân dân trong đời sống xã hội văn hóa, văn học nghệ thuật của hàng mấy trăm năm cho đến tận ngày nay.

Truyện Kiều cũng còn ẩn sâu những điều mà ta chưa thể tường tận trong từng câu, từng từ, từng ý tứ của Nguyễn Du. Trong 3254 câu thơ lục bát của cụ còn lưu lại, đều là những sách (không phải là bản chính). Vậy làm sao chẳng có tranh cãi trong từng câu, từng từ, ý tứ được?

Trong một thời gian khá dài vừa qua: Đã có rất nhiều bài viết, nghiên cứu rất đa dạng về Truyện Kiều. Trong đó cả nước đã hình thành một đội ngũ những người có danh là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, các văn nghệ sỹ nhà thơ, nhà báo có bài viết về Truyện Kiều.

Để đáp ứng có tính chất là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một tổ chức xã hội đã hình thành và lập ra Hội Kiều học trong phạm vi cả nước.

Vừa qua đã có lần, được ngồi tiếp, trao đổi mạn đàm trong Hội Kiều học. Ông Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học cho biết: Hiện trong tay ông đã sưu tập được 142 quyển Kiều các loại, trong đó có hai quyển chữ Hán, 68 quyền chữ Nôm, 72 quyển chữ Quốc ngữ. Quyển Kiều có niên đại lâu nhất là năm 1866, quyển muộn nhất là năm 2022.

Trong Hội Kiều học, có một việc sinh ra có tranh luận nhiều rất thú vị ở câu 20 trong Truyện Kiều mà chưa có hồi kết: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang".

Cũng theo ý kiến ông Bảo: Đại đa số trong 142 quyển Kiều ông đã sưu tập được ở câu 20 đều chép là "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Có... không đáng kể chép "nét ngài" là "nét người".

Bài viết hôm nay tâm nguyện của tác giả, chỉ muốn trải lòng của một nhà thơ, một thành viên sáng lập trong Hội Kiều học với suy nghĩ của mình "bình giải" chủ đề ở câu 20 "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang".

Ý thứ nhất "Khuôn trăng đầy đặn"

- "Khuôn trăng" là "Khuôn đẹp". "Khuôn vàng thước ngọc"... khuôn là hình có tính cố định... có thể là tròn, chữ nhật và các hình khác. "Khuôn trăng" khuôn tròn có chứa các hình đẹp... chị Hằng, Ả Hằng, Hằng Nga, Thỏ Ngọc... có thể gọi "Khuôn đẹp". Quan niệm dân gian, trăng tròn chỉ có ngày 15-16 âm lịch. "Khuôn tròn" không bị méo mó biến dạng. Ý thơ của cụ Nguyễn Du dùng bút pháp tả "khuôn" là thực, cụ dùng từ "trăng" là ảo. "Khuôn trăng" là giữa thực và ảo - hữu hình và vô hình. Với hình ảnh trên Nguyễn Du đã dùng thủ thuật trong bút pháp (trộn giữa thật và ảo - ảo và thật) hoặc gọi cách khác (trộn giữa hữu hình và vô hình). Khuôn trăng đầy đặn... không phải cô Thúy Vân khuôn mặt đầy đặn. Và lại "Khuôn trăng đầy đặn" ngày 15-16 (âm lịch) rất phù hợp trong ý thơ với quan niệm xưa: Con gái tuổi 15-16 là tuổi "cập kê" đã trang điểm sắc đẹp bằng cách búi tóc, cài trâm. Tuổi "cập kê" cũng là tuổi lấy chồng. Ý tứ này đã nói nên sự "phù hợp tương đồng" sắc đẹp của Thúy Vân ngoài đời.

Ý thứ hai "Nét ngài nở nang"

"Nét" là thoáng nhìn theo tư duy của từng người cảm nhận "Nét bút, nét sông là hình ảnh "thực", nếu là nét nguyệt, nét xuân sơn, nét thu, nét liễu, nét buồn là hình ảnh "ảo"... "nét" trong bút pháp đã dùng giữa thật và ảo. "Nét ngài" nét là ảo ngài là thực. Nếu dùng cả ý "Nét ngài nở nang" thì "Nét" là ảo "Ngài" là thật. "Nở nang" hình ảnh "cả thật và cả ảo".

Nếu dùng cả hai từ "Nét ngài" thực... là nét lông râu của con ngài (con bướm tằm) sau khi đã hóa thân (từ con nhộng tằm ra con bướm tằm). Con bướm tằm cái có cánh bay, ở đầu bướm đã có hai cái râu dài, thanh, cong hình như cái lá liễu. Chữ "nga" trong chữ Nôm là "con ngài". Có thể dùng một chữ là "nga" dùng cho hai chữ là "nga my".

Theo "Điển cố văn học"... nga my là mày ngài. Hai cái râu của con bướm ngài cái dài và cong, nên người xưa dùng để trỏ lông mày của người đàn bà đẹp.

Kinh Thi "Tàm Thủ Nga My" là (đầu con sâu tằm, mày con ngài)

Thơ của Bạch Cư Dị "Bất tích kim mãi nga my"... (Không tiếc vàng để mua mày ngài)

Chỉ người đẹp:

Lại càng dại dáng nga my

Trăm năm danh tiết xứng tùy sao đang. (Truyện Từ Thức Đ.C.V.H)

- "Nở nang" là: Thoạt nhìn trong thời điểm mới hóa thân của "con nhộng" tằm vừa cắn tổ chui ra thành con "bướm tằm" khi không có tác động của thiên nhiên như: ánh sáng, gió và độ ẩm và chưa có tác động của con người.

Thời khắc này quan sát thấy: Tại đầu con bướm ngài cái có hai râu phát ra hình cong, có lông dày từ đoạn sát đầu, mới nhỏ sau to dần (rồi mở rộng vào đoạn giữa của râu, rồi lại thu nhỏ dần về cuối râu) hình như một cái lá liễu.

Mày con ngài: Lông chỉ "nở nang" trong thời gian không đáng kể (tồn tại từ mới hóa thân đến phát dục). Khi phát dục là thời cơ con người chọn từng con (bướm ngài) cái khỏe mạnh đã thụ dục đưa vào bát úp để gây giống (đẻ trứng). Chú ý: Nếu là có ý định chọn giống, phải phân loại từ (kén cái) chọn những kén to.

Như ở phần trên: Những dãy nhà nuôi tằm người ta chọn nơi thoáng mát, ánh sáng độ ẩm phù hợp (trong kinh nghiệm nuôi tằm). Nếu khi đã bị tác động của thiên nhiên hoặc do con người (đưa nong, né đi nơi khác) thì "nở nang" sẽ không còn rõ nét.

"Nở nang" chỉ xảy ra trong một thời gian giữa thực và ảo hoặc gọi là hữu hình - vô hình. Hai từ "Nở nang" cụ Nguyễn Du đã (nhân thêm) cho sắc đẹp của Thúy Vân lại rất phù hợp với tuổi "cập kê" dậy thì của một người con gái trong trắng, hiền dịu, phúc hậu như Thúy Vân (ảo như con bướm tằm cái ở độ có râu thời kỳ phát dục).

"Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" cụ Nguyễn Du đã tạo trong thơ thành một bức tranh "thủy mạc" đẹp - hay đến ngây ngất đi vào trái tim của người đọc. Cụ đã rất thiên tài trong thơ, khéo pha trộn xen kẽ, từng ý, từ trong một không gian "thực và ảo" cái "hữu hình và vô hình". Thơ Nguyễn Du đa chiều, đa cảm. 

Trong cái không gian đa chiều, đa cảm - "thực ảo - ảo thực" đó. Chúng ta sẽ cảm nhận thấy những chiều không gian khác nhau, hình ảnh khác nhau là con đường đi vào trái tim của từng người khác nhau khi đọc Truyện Kiều ở câu 20 "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang"./.

                                                                                                                                                                                                         DƯƠNG MẠNH NGHĨA