Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

YÊU THƯƠNG TRÊN TỪNG TRANG SÁCH
14:22 | 10/01/2020

 “Không chỉ là giấc mơ” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê làng Tiến sỹ - Kim Đôi, thành phố Bắc Ninh. Tập thơ khá đẹp, giấy in như giấy ảnh, trình bày đơn giản nhưng sáng và bắt mắt. Có lẽ bất cứ người làm thơ nào cũng đều ước mơ có được một tập như thế. Cái tiêu đề “Không chỉ là giấc mơ” khá ấn tượng khiến tôi vội mở trang mục lục tìm bài thơ ấy, bởi theo thông lệ người ta thường lấy tên một bài thơ tâm đắc nhất (cũng có nghĩa là hay nhất) để đặt cho cả tập. Nhưng tôi đã thất vọng. 78 bài thơ không có bài nào mang tựa đề “Không chỉ là giấc mơ”. Nghi hoặc, tôi úp sách xuống, rất may nhìn thấy ba khổ thơ ở bìa sau cuốn sách:

Thơ như là giấc mơ/ Một đời không thấy được
Thơ như là giọt nước/ Mà bao la vòm trời
Thơ như là tiếng gọi/ Yêu người - Người yêu ơi!...
Đó chẳng phải là tuyên ngôn của nhà thơ thì là cái gì?
Đúng vậy! Nguyễn Anh Thuấn trung thành với tuyên ngôn ấy. 78 bài thơ như 78 giấc mơ, xa vời không tới được; 78 giọt nước rải rác khắp vòm trời bao la và cũng là 78 tiếng gọi từ trái tim gần gũi mà huyền diệu, 78 cái nghĩa, cái tình, cái yêu, cái quý… những con người, những vùng quê, những dòng sông, những cơn mưa… và cả những điều tưởng như vô bổ.
Trước hết là tình thương yêu với những người thân yêu nhất. Ngày giỗ bà nội - người bà đã phải “nuôi cháu thay con bạc trắng mái đầu”, nhà thơ khấu đầu trước bàn thờ nghĩ tới từng giọt nắng, từng bữa cơm ngon, nghĩ tới những lúc à ơi ru con thay vợ để nhớ tới bà và “lại thấy trong hào quang rạng rỡ / Bóng dáng bà lam lũ giữa rừng xưa”…
Rồi đến người cha. Bây giờ ngày giỗ cha nhà thơ có đủ tất cả mọi thứ dâng lên, nhưng nỗi đau bao năm tháng vẫn không hề thuyên giảm. Thiếu cha “con đi xiêu vẹo” bởi “trần gian… bụi mù bay”.
Đặc biệt nhà thơ dành tình cảm cho người mẹ của mình. Cúng mẹ thất tuần lần cuối, nhà thơ tính được đây là ngày thứ 49, lần thứ 147… nhưng lại hơn 147 lần nước mắt nhà thơ từng giọt rơi ra mà “giọt rơi ra ngoài thì ít, giọt rơi vào trong lại nhiều”. Có người bảo thơ gì mà thống kê con số, hiếu gì mà tính từng bữa cúng? Nhưng nỗi đau mất mẹ choán hết trái tim, khối óc thì còn nghĩ được gì nữa ngoài việc chăm chăm nhớ tới bữa để sắp lưng cơm cúng Mẹ? Chính lúc ấy nhà thơ bỗng ngộ ra không phải mẹ đã chín mươi, không phải con đã già thì khi mất mẹ không còn nỗi đau. Nỗi đau khiến nhà thơ thảng thốt cất lên tiếng gọi:
Mẹ ơi Mẹ ơi! Con thành bãi bể
Sóng mẹ xô về đau biết bao năm?
Không biết có phải vì tôi mồ côi cha mẹ từ tấm bé mà hễ cái gì đụng tới cha mẹ (nhất là những câu thơ) cũng khiến tôi rơi nước mắt. Tôi muốn có được những câu thơ như của Nguyễn Anh Thuấn để kính dâng bà mình, cha mình, mẹ mình… nhưng tôi bất hạnh hơn nhà thơ. Cha mẹ tôi ra đi, tôi chỉ là đứa trẻ còn bi bô khát sữa!
Với người vợ tào khang, tuột trôi hết tuổi thanh xuân cho chồng, cho con khiến nhà thơ thương đến nát lòng, bởi “Em chưa hề được trẻ/ Già đã về bên song”.
Với bạn bè, cái yêu, cái thương của Nguyễn Anh Thuấn thực sự hết mình. Tết Nguyên tiêu Nhâm Thìn (2012) văn nghệ sỹ Bắc Ninh đã mất đi một người bạn tốt. Đó là nhà thơ Mẫn Đức Kiểm. Nguyễn Anh Thuấn viết: “Kiểm đi rồi/ Nguyên tiêu buồn tê tái” và luận ra rằng:
Hóa ra cuộc đời đâu có rộng dài
Chỉ là vài mét vuông
Trên cánh đồng hoang hoác
Hóa ra cuộc đời vô cùng khắc nghiệt
Lá vừa xanh. Hoa vừa ra.
Quả đã đẩu đâu rồi?...
Nỗi buồn đau mất bạn không dễ gì quên nổi. Năm năm sau, nhà thơ có dịp trở lại phố Chờ vẫn phải thốt lên “Kiểm ơi! Chưa thể khô dòng lệ/ Ta ở phố Chờ. Bạn nảo nao?
“Thơ như là tiếng gọi”. Tiếng gọi của những người yêu thương nhau, của những trái tim đồng loại. Gặp cô bạn gái trên tàu hỏa, chuyện phiếm dăm câu, nắm tay từ biệt. Thế mà Nguyễn Anh Thuấn không thể quên. Nhà thơ cho rằng:
Phải đâu là chuyện tình cờ
Nếu tầu không chậm bao giờ gặp em
Nếu tầu không chạy vào đêm
Sao tôi có được ấm mềm bàn tay
Đạo Phật quan niệm rằng ở đời không có gì là tình cờ, tất cả đều có căn duyên. Gặp một người, tới một miền quê, trải qua một thử thách, thậm chí có được một bài thơ hay, một phần thưởng cao quý… đều là kết quả của chân tu kiếp trước. Nguyễn Anh Thuấn đi nhiều. Nơi đâu cũng ắp đầy kỷ niệm. Nào là Thái nguyên, Yên Bái, Tam Đảo, Ninh Bình… Nào là sông Cầu, sông Thương, sông Công, sông Tam Bạc… Nào là nắng, là mưa, là sương đêm, là gió… Gió gắn cuộc đời nhà thơ với cuộc đời một người con gái. Vì thế có người bảo Nguyễn Anh Thuấn là nhà thơ của gió. Trong bảy tập thơ thì đã có ba tập mang tên “Gió”. Gió đem đến cho Nguyễn Anh Thuấn luồng sinh khí mới, đem đến cảm hứng và tự nó thoát ra những câu thơ thi sỹ, những câu thơ thần. Cái đích của những câu thơ ấy vẫn là “tiếng gọi”, vẫn là “yêu người” và được “người yêu”.
Đã đành là như thế, nhưng tập thơ còn có những bài vượt qua ranh giới tình yêu con người. Trong bài “Với Mik ngày vĩnh biệt” thì con Mik của Nguyễn Anh Thuấn đâu phải chỉ là một con chó cụ thể nào đó. Nó còn là một người bạn, là tri âm, tri kỷ trong cuộc đời . Đến nỗi lúc nó ra đi,  nhà thơ an táng ở góc vườn, vừa vùi đất, vừa thì thầm tâm sự:
Mik yêu ơi!
Để mày yên nghỉ nơi góc vườn
Để tao còn có nơi trò chuyện
Để tao có sức mà đi tiếp
Qua những buổi chiều tê tái nỗi cô đơn…
Còn nữa. Với cây bằng lăng nhỏ xíu mà đã ra hoa, nhà thơ bực dọc mắng mỏ không thương tiếc “Cây chửa ra cây. Bóng chưa ra bóng/ Ai ép duyên mình đến nỗi vội vàng hoa?”. Nhà thơ mắng cây, mắng ai nhẹ dạ cả tin, mắng ai “sao nỡ vội lấy chồng” hay mắng thói đời bất công, chèn ép? Rồi với đám hoa khoai, với cây chuối đang ra buồng, với cây gạo mới trồng và cả với đám bèo tây trên sông Tam Bạc…Nguyễn Anh Thuấn đều gửi vào đó bao nhiêu chuyện đời, bao nhiêu tình yêu thương, thậm chí cả những tuyên ngôn cuộc sống…
Thơ Nguyễn Anh Thuấn nói chung, thơ trong “thơ chọn” “Không chỉ là giấc mơ” nói riêng đều đa diện, đa sắc, đa cảm xúc và nhiều khi có cái nhìn rất lạ. Anh miêu tả dòng sông (mà cụ thể ở đây là sông Đáy):
Sông Đáy mềm như dải lụa còn tơ
Sông Đáy mơ như tình yêu thứ nhất
Sông Đáy chảy như một dòng mía mật
Sông Đáy thương như một vệt sương mờ.
Ví dòng sông như một dòng mía mật thì thật là lạ và ưu ái đến không ngờ…
Đôi khi Nguyễn Anh Thuấn có cách nghĩ rất cực đoan. Rõ ràng nhà thơ vẫn “Thương người quan họ” thế nhưng lại buông câu kết “Con xin kính lậy ông bà/ Nhưng con chẳng thích í a cả đời”. Có phải nhà thơ thấy “Người mình… thành vợ người ta/ Người đâu lễnh loãng… hóa ra vợ mình”, thấy “Miếng trầu một kiếp nhạt vôi / Miếng yêu lơ lửng thành lời í a…” mà ghét, mà không thích cả đời đắm mình vào Quan họ? Tôi nghĩ là không. Bây giờ đến nhà nước còn cần đến phản biện thì thi ca cũng cần phản biện (hoặc cực đoan) lắm chứ…
Sau cùng xin có đôi lời về hai bài cuối tập. “Thơ nơi lều cỏ” có thể coi là lời nhắn gửi với những ai đam mê nghiệp thơ dù là “lều” hay đã là “nhà”. Còn với bài cuối cùng, theo tôi nghĩ là hơi sái. Sao đã sớm bi quan bảo là “chiều rồi còn mộng hão”? Đọc “Không chỉ là giấc mơ” ta có thể cảm nhận nhà thơ còn rừng rực lửa, tình còn mênh mông và năng lượng còn ạt ào như sóng nước thì sao đã vội buông những lời như thế? Cái gì đến thì nó sẽ đến, nhưng tình yêu, tình bạn, tình người thì phải chân thực từ trái tim. Yêu người và được người yêu là điều Nguyễn Anh Thuấn vẫn đang hướng tới cơ mà…
Xin cám ơn nhà thơ đã có một thi phẩm hay, yêu thương trên từng trang sách, đầy nội lực, đầy dự cảm. Chúc Nguyễn Anh Thuấn mang ngọn lửa này, tình yêu này, năng lượng này tiến mãi trên con đường thi ca đầy hào quang và trắc trở. Thành công chỉ đến với những ai có niềm tin yêu và sáng tạo không ngừng…
                                                                                                                                                                                                                                                 HOÀNG GIÁ