Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

VÀI CẢM NHẬN VỀ TRUYỆN NGẮN NGUYÊN MẪU CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THÁI SƠN
09:18 | 13/04/2020

Truyện ngắn luôn là một lát cắt của cuộc sống. Từ một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của một con người, nhà văn dựng lên một câu chuyện, để từ đó truyền tải tới người đọc những thông điệp có giá trị, ý nghĩa. Có lẽ chính bởi lý do trên mà những truyện ngắn hay thường chỉ đi vào một chủ đề, không rườm rà, miên man. Cái hay của truyện ngắn nằm chính ở chỗ nhà văn bố trí chặt chẽ các chi tiết để làm nổi bật ý đồ của mình. Đương nhiên, đó là việc không hề dễ dàng đối với những cây bút mới vào nghề.

Tôi gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thái Sơn thật tình cờ (trong một Hội nghị Văn chương). Được biết, tuy đến với nghiệp văn khá muộn, thế nhưng anh đã kịp trở thành một cây bút chắc chắn, nhiều triển vọng của văn nghệ tỉnh nhà với khoảng trên 20 truyện ngắn in trên báo và tạp chí danh tiếng như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Công an. Ngoài ra, anh vẫn thường xuyên có tác phẩm đăng tạp chí Người Kinh Bắc, báo Bắc Ninh… Và rồi tình cờ, tôi được đọc  truyện ngắn Nguyên mẫu của anh. Hỏi ra mới biết, trước khi đưa vào tập Khói chiều mỏng mảnh, truyện ngắn này đã được in trên báo Văn nghệ số 51, Thứ bảy ngày 20 tháng 12 năm 2014. Chả trách, nó cuốn hút và để lại trong tôi ấn tượng khá sâu đậm.

Truyện mở đầu bằng chi tiết người con trai (Dự) nhớ ra và tìm lại được tờ lịch cũ có ghi một dòng địa chỉ từ hơn 20 năm trước mà người cha đã khuất của anh để lại. Nhìn thấy tờ lịch, người mẹ (bà Chuyển) xúc động nghẹn ngào nhớ lại câu chuyện năm xưa: Trong cơn hấp hối, người chồng (ông Cầu) đã nhắc bà ghi lại dòng địa chỉ trên và dặn tìm tờ báo Văn nghệ có viết câu chuyện về ông.

Dòng địa chỉ và lời trăng trối của ông Cầu khiến cho vợ con ông mất ngủ. Rồi vợ chồng Dự quyết định tìm báo, tìm người. Thấy tờ báo, Dự mới biết được câu chuyện giữa ông Cầu và ông Đấu - họ chính là những nguyên mẫu trong truyện ngắn Tri ân của Thái Nguyễn.

Có thể thấy, nhà văn Nguyễn Thái Sơn đã rất dụng tâm khi xây dựng kết cấu truyện. Đây là kiểu truyện lồng trong truyện thường gặp trong văn xuôi. Nếu là tiểu thuyết thì kết cấu kiểu này không có gì đáng nói, nhưng với truyện ngắn, để xây dựng một cốt truyện theo kết cấu lồng như vậy, đòi hỏi tay bút phải vững vàng, ngược lại, người viết rất dễ lan man, mất kiểm soát. Với Nguyễn Thái Sơn, anh đã khéo léo đan cài truyện ngắn trên báo vào với câu chuyện ngoài đời thực để lý giải về dòng địa chỉ có từ hơn hai chục năm trước mà vẫn giữ mạch truyện đi đúng hướng, vừa đủ để người đọc hiểu ra vấn đề rồi lại tiếp tục chủ đề đã định chứng tỏ tầm khống chế ngòi bút thật rắn rỏi của nhà văn.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói nhiều hơn chính là cái kết của truyện. Sau khi biết được ngọn ngành câu chuyện về ân nhân của cha mình, Dự đã quyết định đi tìm ông Đấu - người cứu cha anh đến hai lần. Song trước đó, cả Dự và vợ đều không thể đoán trước được cái kết của truyện ngắn Tri ân. Hóa ra, nhân vật bác sĩ Hiệp (nguyên mẫu là ông Cầu) không trích quỹ hỗ trợ nhân đạo của bệnh viện để hỗ trợ nhân vật Hai Ga (nguyên mẫu là ông Đấu), cũng không trực tiếp đứng mổ và chi trả viện phí cho Hai Ga như dự đoán của Thủy, mà lại qua chuyện về cái chậu đồng ông Ga tự gò bằng đạn pháo được một “thằng cha chơi đồ cổ” trả đến 50 triệu. Người trong cuộc không biết “thằng cha” ấy là ai nhưng độc giả thì biết rõ. Cái sự biết rõ ấy khiến chúng ta thêm ấm lòng bởi tình người cao quý và cũng bởi cách ứng xử tế nhị đáng trân trọng của con người đã kinh qua trận mạc, đã từng cận kề cái chết trong gang tấc từ một thuở đạn bom.

Cái kết của truyện ngắn Tri ân đã gây bất ngờ cho vợ chồng Dự, nhưng cái kết thật sự của truyện ngắn Nguyên mẫu cũng bất ngờ không kém đối với bạn đọc. Nhà văn đã để cho nhân vật Thủy, một cô giáo dạy Văn viết cái kết cho câu chuyện về Hai Ga: Dự lao đến ôm chầm lấy ân nhân của người cha đã khuất, nước mắt nhạt nhòa: “Mẹ con xin ghi ơn bác suốt đời, bác đã cứu bố con đến hai lần”. Lão Đấu vỗ vỗ lên lưng Dự, nghẹn ngào: “Không, tui chỉ cứu ổng một lần. Còn lần thứ hai tui tự đâm cái cổ chai vào đùi mình là để cứu vợ con tui đấy”. Một cái kết đậm chất văn chương làm nổi bật tính cách con người ông Đấu. Còn cái kết thật sự thì sao? Lão Đấu đã chết bởi quả mìn chưa kịp ném xuống suối đánh cá nó đã nổ. Rồi sau đó, khi “dồn điền đổi thửa” có tính điểm ưu tiên cho gia đình có công, người ta lại đến thu cái Bằng khen tặng Hai Đấu vì có đơn yêu cầu làm rõ việc Hai Đấu say xỉn tự đâm cổ chai vào đùi mà sao được tặng bằng có công với cách mạng. Những lá thư ông Cầu viết được đem ra làm bằng chứng nhưng không có giá trị vì không có “dấu đỏ”. Bằng khen của ông Đấu chỉ được trao trả khi người ta biết được thông tin ông Cầu chính là Năm Ngạn, nguyên Chủ tịch huyện, điều mà ngay cả bà Khoa vợ ông Đấu cũng không hề biết. Một cái kết vừa có hậu vừa không. Có hậu vì ông Cầu, bằng danh tiếng của mình đã giúp ông Đấu lấy lại sự trong sạch. Nhưng nó không có hậu ở chỗ cả hai đều đã trở nên người thiên cổ trong khi họ vẫn chưa được gặp lại nhau, dù ông Cầu suốt bao năm thả lờ, đặt đó “kiếm ít tiền vào Nam một chuyến” mà chẳng đủ, vì “cứ kiếm được đồng nào khi con ốm, con đau, lễ khóc, lễ cười lại phải bỏ ra”. Đến cuối cùng, dẫu đã cố gắng chắt chiu, ông Cầu cũng chỉ để dành được vẻn vẹn số tiền đủ mua bốn bát phở bình dân hồi ấy. Thật buồn làm sao!

Truyện tuy kết thúc song vẫn để lại một xúc cảm khó phai, một chút day dứt, bâng khuâng trong lòng độc giả. Những con người đã từng vào sinh ra tử một thời, những nguyên mẫu đẹp trong văn chương ấy đã sống thủy chung, bền bỉ giữa đời thường đầy rẫy những khó khăn, chật vật, thậm chí là ngang trái để hướng tới những điều chân - thiện - mỹ. Mới hay, cuộc sống muôn màu, luôn sống động và đầy ắp những tình tiết bất ngờ mà văn chương cơ hồ không theo kịp. Với Nguyên mẫu, dường như nhà văn Nguyễn Thái Sơn đã phần nào thoát ra khỏi cách hành văn chậm rãi, nặng về kể, tả rất quen thuộc của mình. Đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng đối với một cây bút có phong cách truyền thống như anh./.

                                                                                                                                                                                                                                   TRẦN THỊ THU HÀ