Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

"TRẦM TÍCH NHỮNG DÒNG SÔNG" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHẾ. MỘT SỨC BỀN SÁNG TẠO
09:57 | 18/10/2019

 

Mới thế mà đã ứa nước mắt rồi, vì thương: Có ai về/ Có ai đó không? Ròng ròng một chuỗi âm thanh đuổi gọi! Có ai về, ngoái lại là trống vắng, là vắng lạnh. Có ai đó không? Chông chênh bốn bề không bóng khói. Câu hỏi cứ ngỡ như hư vô, ngỡ như cô đơn khó ai mà tránh được. Nào hay một chặng đường Lục thập Hoa giáp ai bảo không dài. Đến đích rồi, ngoảnh lại, ô hay, ta về vui với thanh nhàn, sau những tháng năm gập ghềnh, khúc khuỷu… Có ai về/ Có ai đó không?

Đó là Trầm tích những dòng sông, của nhà thơ Nguyễn Đình Chế, vừa ra mắt bạn đọc tháng 8/ 2019, là một minh chứng, sau năm tập thơ dày dặn. Tập thơ là một dụng công tràn đầy năng lượng, với những chiêm nghiệm đường đời. Tôi chỉ dám miên man phía bờ, đôi bến, của một dòng chảy Thăm thẳm đường xa nhẩn nha, dạo cùng những dòng thơ ngắn, ngót 20 bài thì cũng đủ mỏi mệt rồi!

Có thể nói rằng, đôi chục bài thơ ngắn ấy, bài nào cũng đáng yêu ở sự mộc mạc, chân thành, dung dị, trầm tĩnh… Gọi là nhẩn nha, vì nó được đặt xen giữa những bài thơ dài cuộn chảy, giữa những mạch thơ tràn bờ cảm xúc. Đó là những nét ký họa ngôn ngữ về những địa danh, những danh thắng hay di tích trên dằng dặc đường trường. Tạm biệt, viết tặng ngày nghỉ hưu, ghi ngày 01/02/2013 như một dấu ấn đường đời:

Ngoảnh lại vừa tròn cây Hoa giáp 

Đổi áo, về vui với thanh nhàn

Ấm trà, ly rượu khi tiếp bạn

Nồng cũng an và nhạt cũng an

Thôi thì mặn nhạt, thôi thì cay nồng thì cũng gói trọn vào câu cuối cả. Hạ mà buông  được thế là khéo lắm rồi! Sang Tự nghệ: Bốn mốt năm dư, chặng đường dài, vẫn là lối kể về một thời gian không ngắn. Ở đây, hoa hồng được chọn làm chủ thể. Hoa hồng, hoa cũng lắm chông gai, thì gợi lắm, thì đa nghĩa lắm, thứ hoa hồng lắm gai thì chả phải bàn, thì cần gì tốn mực, vậy mà, chỉ chèn thêm một chữ thôi, chữ chông trong chông gai là nghĩa đẩy lên rồi! Tôi thích lối viết ấy, chân trần đạp đất giữa đường đời thăm thẳm, vịn vào mình mà đi, thế thì thật hả khi mà Ta nhận về ta một thái lai, mới òa vỡ ra sau 41 năm đằng đẵng, chông gai, đầu mây phủ, mà băng qua được, để mà về đến đích, trong viên mãn quá xưa của đời mình!

Lên cao nguyên đá, nơi biên cương hùng vĩ, nơi lá cờ tung bay trên Lũng Cú hằng ngày, nhận ra đó là Đất mẹ quê hương tha thiết. Trở về neo đậu, bàn chân lữ khách nơi Vũng Chùa - Đảo Yến: Tháng năm thăm đảo Yến/ Vũng Chùa một bóng thông/ Ta về nơi kính trọng/ Hương trầm bay thơm nồng. Về đây, đã có tới hàng ngàn, hàng vạn những bài viết về Đại tướng kính yêu, bằng một tấm lòng ngợi ca, biết ơn, ngưỡng mộ, xót thương, cầu nguyện… mà tôi từng được đọc. Nguyễn Đình Chế không là ngoại lệ. Song cái mà gọi là cách ấy thật là lạ, dẫu vẫn lòng tôn kính, trầm điệu, mà thực: Ta về nơi Kính trọng thế là quá đủ, gọn đến thế là cùng, thay cho vạn luận. Gạn ra mà tìm được từ Kính trọng thế là siêu. Thơ thật cần sự nồng thành ấy!

Vẫn là Quảng Bình nắng lửa, gió Lào và cát trắng. Ta lạc vào mê cung hang động. Nơi mà hang động đã thành đặc sản của xứ này! Hàng triệu triệu con người đã tới đây, sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng. Hàng ngàn những trang viết về nơi đây không cạn. Nguyễn Đình Chế vẫn có lối cho riêng mình: Bốn trăm triệu năm có thiên đường/ Thăm thẳm lối vào, hoa ngát hương, nhưng sang câu 3...một thiên rừng thạch nhũ thì kỳ quan quá đi rồi, thì phiêu quá đi thôi khi hạ một thiên rừng thì sức lay động sáng tạo đầy thuyết phục. Một Thiên đường, kỳ bí, thăm thẳm, ngát hương trong bấy dụng công ấy tưởng gì, hóa ra chỉ để tôn cái vẻ đẹp đầy dụng ý Thoáng bóng em qua phấn má hường, nhòe đi hết khi mà em xuất hiện, như một lát cắt thật mỏng của thời gian. Hóa ra thiên nhiên và con người nơi đây như một cặp song sinh trong cách phát hiện của lữ khách. Bởi thế, cái đẹp cứ tự mà ngân lên, gợi ra, trong số chữ thật kiệm mà thoát! Dùng ở trang 40 của tập, Trên đỉnh Mã Pì Lèng: Trên đỉnh đèo ngàn thước/ Dưới chân Nho Quế quanh/ Đây cung đường Hạnh phúc thì thật dễ tả, thật như chính nó rồi. Hà Giang mến yêu của tôi 100% rồi. Nhưng đến câu kết của bài: Vút lên vần thơ xanh thì xao xuyến khôn tả, thì cao thủ, chớp lóe bất chợt. Tôi yêu cái từ vút ấy, nhưng tôi lại cứ thích cái từ vắt trong vắt lên vần thơ xanh đến vô cùng vì là đồng điệu! Và kia Nghe từ tiếng đá, thôi thì cứ vụng tay hay con mắt: Đứng giữa Cao nguyên đá/ Ta mới hiểu thêm người là quá ổn. Lạ thay, sao mà tôi vẫn cứ mê cái từ càng, nếu được thay vào vị trí của từ mới trong câu. Bởi thực tế, ta đã yêu một Hà Giang với hạnh phúc một con đường kiến tạo, mở dài ban đầu 200 km, bám chặt vào đá, vào mây, vào lòng ta... mà có! Vẫn biết yêu nhau thì đứng ở đằng xa mà huých được một cái, mà tê được một cái mà không dại là quý cho nhau lắm người ơi.

Tập thơ, phía bờ đang dạo, nhiều lắm những bài hay, nhiều lắm những câu hay và những từ, ngữ đắc đạo... là sức đi để mà thu vào tầm mắt muôn trùng ngàn dặm, trên thăm thẳm đường xa, trong thăm thẳm bóng người, trong ngổn ngang trăm mối. Cái sức đọc trong đồ sộ sách. Cái sức rung động và tài năng nghệ sỹ mới thành. Mới làm cho Trầm tích... tràn đầy năng lượng trao tay bạn đọc, mà yêu cái giọng điệu, mà yêu cái cách dụng chữ tinh tường, sâu sắc và sức gọi được nhiều nhiều, những vị đời từng trải vào từng con chữ, trong từng tứ thơ biết làm mới!

Trầm tích những dòng sông, làm tôi chăm đọc hơn, càng đọc càng thấy không cũ. Có phải vì quá mến, hay vì sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm, những phút giây thăng hoa đồng điệu, đồng hiện. Nào hay vào Lục thập hoa giáp rồi, Nguyễn Đình Chế lại có thêm một đỉnh cao mới trong sáng tác. Trầm tích những dòng sông thật xứng với đam mê, trong sức bền của sự sáng tạo, bản nguyên của thơ mình!  

                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN NHƯ HẠO