Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

"THỊ XÃ ĐÈN DẦU" - TẬP SƯU TẦM VÀ TUYỂN CHỌN CỦA TRẦN ANH TRANG
14:55 | 21/12/2021

 

 
Tác giả Trần Anh Trang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh, đã sưu tầm và tuyển chọn những bài thơ viết về thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) thành một cuốn sách 160 trang, khổ 14x20cm, mang tên Thị xã đèn dầu do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2016.
Sách gồm 71 bài thơ và 2 câu thơ lẻ của 52 tác giả là người Bắc Ninh và người ngoài tỉnh sáng tác. Điều đó chứng tỏ từ lâu Bắc Ninh đã là nguồn cảm hứng dồi dào của nhiều thi nhân.
Mở đầu tập sách có bài giới thiệu của ông Trần Đức Điện, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh. Cuối tập sách là lời bạt của tác giả, nhà thơ Trần Anh Trang.
Là người có tấm lòng tha thiết yêu quê hương Bắc Ninh, Trần Anh Trang đã dành nhiều thời gian sưu tầm, tuyển chọn nên và xuất bản ấn phẩm này. 71 bài thơ viết về thị xã (thành phố) Bắc Ninh nằm rải rác ở nhiều trang sách, báo từ xưa đến năm 2016. Tìm đọc và tuyển chọn để cho ra mắt ấn phẩm này, mất nhiều thời gian, công sức nhưng nhà thơ không quản ngại khó khăn, luôn tận tụy và tâm huyết với việc mình đang làm. 
Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) chỉ với 2 câu thơ tả cảnh chùa Lãm Sơn (Chùa Dạm) khi nhà vua viếng thăm chùa, nhưng ngài và sáng tác của ngài có một vị trí tầm cao xứng đáng đứng đầu tập sách. Đứng sau Trần Nhân Tông (sau về thời gian và sau về vị trí xã hội) là bảng nhãn Lê Quý Đôn, một nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII với bài tứ tuyệt vịnh chùa Lãm Sơn. Tên tuổi các tác giả khác được xếp theo thứ tự A, B, C… từ Đặng Nguyệt Anh, đến Nguyễn Văn Bộ, đến Bùi Cẩn Công… và cuối cùng là Đào Quang Vinh. Đây là một cách làm rất công tâm, không phân biệt tác giả ấy là người thân hay sơ với mình, số bài thơ nhiều hay ít, dài hay ngắn và chất lượng thơ cao hay thấp.
Đọc tập sách này, ta thấy được chân dung thị xã Bắc Ninh lớn dần theo sự phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Từ một Thị xã đèn dầu nhỏ bé nghèo nàn đến một thành phố Bắc Ninh hiện đại rộng lớn lung linh còn là công sức, trí tuệ của cải của người Bắc Ninh.
Số bài thơ, câu thơ về thị xã Bắc Ninh, thị xã đèn dầu trong tập sách này không nhiều. Tiêu biểu nhất là một khổ thơ trong bài Thành phố trẻ của Huy Phách.
Nơi đây xưa là thị xã đèn dầu
Phố lép kẹp bám dài theo quốc lộ
Những phố Vệ, phố Tiền, làng Niềm, làng Đọ
Những ngọn muống dài, phủ kín những ao sâu
Phố thì nghèo, nhà cửa có gì đâu
Những cửa hiệu lèo tèo, thành cổ thì hoang phế
Cái giếng vàng như pha nghệ
Thèm ngụm nước trong vơi cơn khát trưa hè.
Trước khi chưa tái lập tỉnh Bắc Ninh, thị xã Bắc Ninh nhỏ hẹp, nghèo nàn kéo dài chừng hai cây số, từ chân dốc Suối Hoa đến Tiền An, Võ Cường, Hòa Đình. Trung tâm thị xã là Tiền An, có Chợ Nhớn, gần đó có phố Nhà Thờ, bến xe, vườn hoa. Sau lưng Tiền An là Vệ An, làng Niềm, làng Đọ. Phía đông Chợ Nhớn là Đại Phúc… Cho nên thơ Huy Phách là một bức tranh tả thực rất sống động về thị xã Bắc Ninh xưa.
Từ sau khi tái lập tỉnh (1997), thị xã Bắc Ninh bỗng “dậy thì”, phổng phao duyên dáng thành thành phố Bắc Ninh. Số lượng bài thơ, câu thơ về thành phố Bắc Ninh - một thành phố trẻ, là trọng tâm của tập sách. Huy Phách là một kiến trúc sư từng tham gia vào việc viết kế xây dựng thành phố, nên cảm hứng của anh về Thành phố trẻ rất dạt dào:
Phố xá rộng dài, phổng phao vạm vỡ
Tít tắp hàng cây, tít tắp những con đường
Và anh mơ ước về một “đô thị thông minh”, “đô thị vững bền”
Rồi phố phường sẽ lại phổng phao thêm
Những kiến trúc xanh, vườn cây thảm cỏ
Ngoài Huy Phách, những nhà thơ quen thuộc như Giáp Đình Chiến, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Hoa, Trần Ninh Hồ, Trương Nam Hương, Duy Khoát, Nguyễn Thanh Kim, Đỗ Trung Lai, Duy Phi, Nguyễn Anh Thuấn, Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang, Anh Vũ...và nhiều nhà thơ khác cũng đã góp phần vẽ nên gương mặt thành phố Bắc Ninh hôm nay. Đây là một nét trên gương mặt thành phố:
Suối Hoa gác tía nhà lầu
Điện đèn thay ánh trăng mầu lung linh
                     (Suối Hoa - Thành Lộc)
Thành phố Bắc Ninh hôm nay thật rộng mở, “lớn” gấp nhiều lần thị xã đèn dầu năm xưa, mọc ra nhiều phường mới: phường Đáp Cầu, phường Suối Hoa, phường Đại Phúc… và nhiều con đường mới: đường Nguyễn Gia Thiều, đường Nguyễn Đăng Đạo, đường Nguyễn Cao... nhiều công trình kiến trúc mới: Trung tâm văn hóa Quan họ, Tượng đài Lý Thái Tổ... tên những phường mới ấy, con đường mới ấy và những công trình, tượng đài mới ấy đã xuất hiện nhiều lần trong tập sách này như những tiếng reo vui.
Nếu viết về thị xã Bắc Ninh, thị xã đèn dầu xưa, các tác giả vẫn giữ được tình cảm nồng ấm, yêu mến thủy chung của mình nhưng người đọc không khỏi bùi ngùi thương cảm, thì khi viết về thành phố Bắc Ninh hiện đại hôm nay, tác giả nào dường như cũng lộ rõ niềm vui sướng tự hào trên gương mặt. Niềm vui sướng ấy đã truyền cảm đến những ai đọc cuốn sách sưu tầm và tuyển chọn có giá trị này của Trần Anh Trang./.
                                                                                                                                                                                                                      NGÔ VĂN HIỂU