Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

SỰ TRỞ LẠI CỦA KÝ. (NHÂN ĐỌC "ĐI THEO ĐƯỜNG CỦA BÁC", TRUYỆN KÝ CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH
09:59 | 18/10/2019

 

Chiến tranh là đề tài không “nguội lạnh” với cuộc sống, văn chương. Là một trong những cựu chiến binh (CCB), không bao giờ quên những năm tháng hào hùng ấy, Hoàng Tiến (quê ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã viết nên truyện ký: “Đi theo đường của Bác” (nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2018).

Đi theo Đảng, tham gia kháng chiến chống Pháp - từ năm 14 tuổi, sau trở thành sĩ quan, thời chống Mỹ, rồi về quê, nghỉ hưu, Hoàng Tiến mới viết để trải lòng,“kể” chân tình và “dẫn” truyện hấp dẫn. Tập truyện ký đã xuyên suốt thời gian, từ hồi chiến tranh đến thời hậu chiến. Hơn 60 năm đã trôi qua, đọc những trang dòng ấy, vẫn thấy sống động, cảm xúc trào dâng…

Truyện “Ở một xã anh hùng”, ngay đoạn đầu, tác giả đã nhấn bút: “… hiếm nơi có nhiều kỳ tích như mảnh đất Song Liễu thân yêu…”. Tuy đói nghèo, bị giặc kiểm soát gắt gao, nhưng người dân nơi đây vẫn chở che, nuôi giấu các cán bộ cách mạng (có cả cấp cao của Đảng). Mặc dù bị uy hiếp, tàn phá, tra tấn nhưng các cán bộ, đảng viên, nhân dân vẫn trung kiên, không chịu khuất phục, không hề tiếc tài sản, thề hy sinh để bảo vệ cán bộ và đi theo cách mạng…“…Làng Bến Long… chỉ trong 1 ngày, giặc giết chết 12 người (hồi ấy, làng chỉ có hơn trăm nhân khẩu), nghĩa là tỉ lệ 1/10…”. Tác giả dẫn thêm: “… Liên Xô trong thế chiến thứ 2 hy sinh 19 triệu người trong tổng số 190 triệu dân…”, cũng tỉ lệ 1/10! Phải chăng: Hoàng Tiến “để” con số “biết nói”! Góp phần làm nên truyền thống quê hương Thuận Thành, còn có tất cả các xã khác trong huyện, điển hình như Trí Quả. Truyện “Trí Quả giương cao thành quả” đã “kể” rõ. Cách “chơi chữ” “quả” ở tên truyện và “quan” (Ba làng quan: Văn Quan, Phương Quan, Xuân Quan…), ở chi tiết, khiến cho người đọc không quá “bi thương” do sự tàn khốc của quân thù gây ra, sự hy sinh, mất mát quá lớn… mà cảm nhận niềm tự hào về truyền thống, chiến công cũng như đà vươn nông thôn mới hiện nay. Thế nên truyện ký cũng phải có “nghệ thuật” truyền cảm. Tôi nhớ: Sau khi được Hoàng Tiến tặng sách (đầu hè năm 2019), đang đọc to truyện “Vỏ chai diệt địch” đến đoạn cuối, tôi cao hứng ngân giọng, theo lời bài hát mà tác giả trích: “Ngày đêm du kích cho giặc ăn đòn, làm cho chúng nó chết dần chết mòn ngày hôm nay dăm tên, ngày mai ba thằng, cộng lại cũng bằng một trận thắng to”. Có bà cô họ đến nhà chơi, cứ lắng nghe, mặt rạng rỡ. Từng là du kích, tham gia trận đánh ở chợ Thanh Hoài hồi ấy, bà cô tôi (nay đã 85 tuổi) bồi hồi: “Đánh giặc hồi ấy có cả ca hát ấy chứ! Có viết, có kể lại, có nghe mới thấu hiểu, nhất là lớp trẻ!”. Qua đây, tôi mới ngỡ ra rằng: Đâu chỉ có “Hương thơm từ ký ức” (về tình yêu, kỷ niệm…) mà những trang truyện ký như trên còn có lửa! Lửa đó sưởi ấm lòng đọc, người nghe, tạo sự đồng cảm và họ biết cái TÂM người viết. Ở một số truyện khác, còn có chất “tráng ca” mà rất “trữ tình”. Pháo nổ càng nhiều, Du hôn tôi tới tấp, như sợ không còn được hôn nữa!... Vai em rung lên… “Bên kia còn nhiều thương binh lắm. Bỏ anh em sao được…! Du dúi cho tôi túi bông băng… Du chạy…” (Truyện “Bên một nghĩa trang liệt sĩ”). Tình yêu trong chiến tranh là vậy! Càng cao đẹp bởi biết đặt tình chung, lý tưởng lên trên hết!

“Chiến trường gần” hồi chống Pháp đã vậy, “Chiến trường xa” thời chống Mỹ, còn ác liệt bội phần: “… Pháo nổ đinh tai nhức óc, suốt 20 phút… Anh em thương vong quá nửa. Số còn lại điếc đặc…”. Bút lực tăng ở đoạn tiếp theo, khiến người đọc phấn chấn về: Sức phản công của quân ta. Giặc chạy dài... Trung đoàn 4 (Ở mặt trận Thừa Thiên Huế) tiến về Sài Gòn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Hoàng Tiến là người trong cuộc (gần 9 năm trong kháng chiến chống Mỹ), không khỏi “buông” những câu từ: “Có những chiến thắng phải trả giá quá đắt”. Đoạn tiếp đây đã thể hiện “… Anh Hạng khóc, anh Cảnh - Phó Chính ủy hi sinh rồi. Bên ấy mất nhiều hơn bên mình. Ông Hạng đang xúc động…”. Ôi! Đọc sao mà thắt lòng. Nhưng đến cuối truyện thì tôi lại mỉm cười, vì những câu từ như có nhạc điệu ngân lên: “… Và hơn một tháng sau (30/4/975), toàn miền, hơn một triệu quân ngụy đầu hàng vô điều kiện".

Một rừng người, một rừng cờ, một rừng hoa… hoan ca đại thắng… Truyện có “hào khí” như vậy. Tác giả đặt tên như lời thề đanh thép của những con người gang thép, của đoàn quân quyết thắng: “Phải thắng, nhất định không trở về rừng”. Những bộ đội cụ Hồ đã góp phần làm nên lịch sử!

Toàn tập những truyện về thương binh, liệt sĩ, nhiễm chất độc da cam không nhiều. Có lẽ, nhà văn bùi ngùi: “Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua”. (Một nhà thơ đã thốt lên như vậy). Hoàn cảnh của gia đình Hoàng Tiến cũng rất thương tâm (có con gái bị di chứng, nhiễm chất độc Điôxin…). Những người cựu chiến binh (CCB) - nhà văn này - không “Tự truyện” mà giãi bày cảnh ngộ của đồng đội, người ruột thịt của họ (như hai truyện “Những người bạn” và “Không còn tay để bắt tay”). Phải chăng Hoàng Tiến muốn có thêm “thông điệp”, nêu lên đạo lý: “Đền ơn đáp nghĩa”…

Một điều rất đáng trân trọng nữa là: Đã có rất nhiều văn nghệ sĩ (cả ở nước ngoài) ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên trong tập truyện ký trên, cái tên “Đi theo đường của Bác” (cùng cách trình bày ở bìa) đã thể hiện ý tưởng… Có thể nói hình tượng và đức tính, nhân cách của Bác Hồ bao trùm cả tác phẩm (mà 19/26 truyện trong tập đã nêu lên). Ấn tượng nhất là truyện “Chữ kiệm” qua hình tượng đôi dép cao su. Sự ngợi ca đó thật là kỳ vĩ. Những trang dòng đó là tiếng lòng rất đáng trân quý ý của tác giả, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành giá trị tiêu biểu cho con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Biểu tượng của văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo tôi “Đi theo đường của Bác” là một công trình câu từ nghệ thuật, của giá trị nhân văn ấn tượng như hòa vào bản anh hùng ca hào sảng về những năm tháng hào hùng của quê hương, đất nước mà Bác Hồ là vị lãnh tụ thiên tài - một vĩ nhân!

  Xin chúc mừng Hoàng Tiến, đã ở vào độ tuổi ngoại bát thập vẫn đang lên tay bút. Góp phần trong truyền thống văn hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ - nhất là cho miền quê “Bên kia Sông Đuống”. Mảnh đất - con người và Thơ./.

                                                                                                                                                                                                     LÊ CHÍNH NGHĨA