Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

"Như nằm trên cỏ đọc thơ" - Nhân đọc thơ, trường ca, tiểu luận… của Nguyễn Tự Lập
10:55 | 22/07/2022

Cuộc đời quân ngũ thường bắt đầu từ tuổi 18, thời chiến tranh giải phóng nhiều người còn sớm hơn, bắt đầu từ 16, 17 tuổi. Những người có thâm niên 30, 40 năm công tác trong quân đội, khi về hưu (về với đời thường) cứ như rơi vào vùng trời khác. Lạ lẫm và ngơ ngác, nhớ đến quay quắt thời còn mặc áo lính. Có ông Đại tá về hưu ngoài tư trang chỉ có duy nhất một bộ đồ cắt tóc. Hỏi, ông trả lời: Về mở quán cắt tóc cho nó vui. Có ông Đại tá về hưu đã ba năm, mà sáng nào cũng dậy từ năm giờ tập thể dục hô vang 1,2,3,4, rèn luyện thân thể, xây dựng quân đội, rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc, rồi sáu giờ đóng bộ, gắn quân hàm, quân hiệu xách cặp bước xuống cầu thang, cứ như ra xe đang đón để đi làm việc.

Riêng với Đại tá nhà thơ Nguyễn Tự Lập thì lại khác, sau hơn 40 năm quân ngũ khi được mặc lại bộ thường phục, ông như vẫn đi trên lộ trình đã được định sẵn của đời mình. Như anh nông dân cày xong thửa ruộng này, sang cày thửa ruộng khác mà thôi. Ông tâm sự: “Là người say mê, yêu mến văn học từ thời còn cắp sách đến trường, nên về hưu là cơ hội để ông hoạt động trên lĩnh vực Văn học nghệ thuật”. Ông đã có khá nhiều tác phẩm được xuất bản: thơ, văn, trường ca, tiểu luận phê bình. Gần đây nhất là tập “Đôi nét chấm phá về tác phẩm, tác giả” tiểu luận phê bình, đã được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Tôi biết Nguyễn Tự Lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, bởi cùng đơn vị, ông là cấp trên của tôi. Có những ký ức mà không bao giờ tôi quên. Năm ấy có phái đoàn của Quân Đoàn xuống kiểm tra đơn vị chuẩn bị bước vào huấn luyện. Khi kiểm tra đến công tác hậu cần, tôi dẫn đoàn ra bãi tăng gia, rau xanh mướt mát, cà chua chín mọng, đàn lợn trong chuồng có tới hơn 50 con to nhỏ, trên mặt ao cá còn có đàn vịt hàng trăm con đang bơi lội bì bõm, ai cũng xuýt xoa khen. Đại tá Nguyễn Tự Lập, Trưởng phòng Tác chiến là thành viên của đoàn kiểm tra, ghé vào tai tôi hỏi nhỏ: “Nơi nhốt vịt ở đâu, hả tiểu đoàn trưởng?” Tôi giật thót, mặt chắc tái ngắt. Chưa biết trả lời ra sao, đã thấy ông mỉm cười: “Hỏi vui thế thôi, chứ việc này là của mấy ông hậu cần, không phải của tham mưu”. Tôi thở phào. Một câu hỏi quá khó, tôi không thể trả lời, bởi đàn vịt do cậu trợ lý hậu cần tiểu đoàn, thuê thằng bé đi chăn ngoài cánh đồng lùa vào với giá 10.000đ. Lúc ông lên xe ra về, tôi đến bên khẽ khàng: “Bác là tác chiến có khác”. Ông lại cười: “Thì cũng trưởng thành từ đơn vị mà lên”. Nụ cười ấy cứ theo tôi mãi tới hôm nay.

Với 2 tập thơ, 4 trường ca, 1 tiểu luận phê bình được xuất bản trong một thời gian không dài, nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã khẳng định được tài năng cá nhân và sự miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa của mình. Về thơ ông không còn cái rung động của tuổi trẻ, không còn cái run rẩy trước những nụ hôn, hay lấp lánh của câu từ, nhưng thơ ông lại là sự chắt lọc của những tháng ngày, quá chừng gian nan vất vả của ông, của cả một thế hệ đã từng cầm súng đi qua chiến tranh. Bom đạn, khói lửa, đói rét, ông đều đã nếm trải, ông quá hiểu giá trị của được mất, sống còn, có lẽ vì vậy mà thơ ông viết về đề tài chiến tranh cách mạng luôn là khúc tráng ca, luôn là những ký họa sắc nét, hoàn hảo về chiến tranh:

Một chọi mười, hai mươi ta cũng đánh

Trong giây phút đau thương 

Vẫn tin tưởng, thiết tha …

Ngừng tiếng súng chung miếng cơm muối vắt

Khi chờ địch lên chung nghe lá thư nhà …

                                 (Bài ca trên chốt)

… Hầm sập

Đất vùi

Đôi tai nghễnh ngãng

Quý bị cây đè

Dập nát một chân….

… Vừa đánh trận đầu 

                    tiểu đội đã thương vong

Hy sinh một, bị thương ba

Đinh Quyến ơi!

Sao vội vàng đến thế

Phát Diệm quê nhà 

                          bạn gái chờ mong…

                     (Khúc tráng ca ngày ấy)

  Ký ức của con người thường sâu đậm nhất, khó quên nhất là ở thời trai trẻ. Thời trẻ của nhà thơ Nguyễn Tự Lập là ở chiến trường, bởi vậy khi chiến tranh qua đi, ký ức ấy luôn thức dậy. Trong 4 trường ca có tới 2 trường ca ông viết về đồng đội, về đơn vị cũ. Ông viết như một sự tri ân, viết như một lời nguyện cầu, nhiều cái tên đồng đội được ông gọi đích danh, nhiều thân phận được ông khắc họa thô tháp, nhưng lại rưng rưng đến nao lòng. Chẳng hiểu sao tôi cứ mường tượng, khi ông viết những đoạn thơ thế này, là ông đang khóc:

… Có những lỗi lầm 

                        hẳn còn mãi khắc ghi

Đó là khi vượt sông 

                     bị trực thăng địch đánh

Do sai sót chỉ huy

Thiếu thông tin phòng tránh

Hàng chục chiến sỹ thương vong….

Khẩu trung liên trúng pháo hỏng nòng

Huyền bị trọng thương 

                           mảnh xuyên ổ bụng

Máu thấm ướt nhưng không rời tay súng

Vẫn cùng anh em giữ trận địa đến cùng

Hữu Tản một mình chặn đứng địch  

                                        xung phong

Ba lần đất, đá vùi… cả ba lần vùng dậy

Anh ngã xuống… trước khi còn thấy

Hàng chục tên lính Mỹ phơi thây.

(Khúc tráng ca ngày ấy)

Nguyễn Tự Lập sinh năm 1949 năm nay ông đã vào tuổi 72. Tuổi “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” tuổi con người đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế. Tôi thấy ông hiền, tôi thấy ông như một nhà giáo, chứ chẳng còn dấu tích gì của một cựu binh đã từng qua chiến trận. Ông như người vừa cày xong thửa ruộng nằm trên bãi cỏ làm thơ: 

Tiền của bao nhiêu cũng hết

Công danh địa vị một thời

Chỉ niềm tin phẩm giá con người

Còn lại với thời gian cuộc sống. 

                        (Còn lại với thời gian)

Đúng là tiếng thở phào nhẹ nhõm, thảo nào với đề tài quê hương đất nước, thơ ông như tiếng hoan ca. “Ngọn đèn Ngô Gia Tự”, “Bắc Ninh, Kinh Bắc người ơi” hai tập trường ca. Ông viết như sự tuôn chảy, không bay bổng nhưng thành kính, thiện lương:

…  Ơi những người con Kinh Bắc anh hùng

Đất văn hiến ngàn năm thiêng liêng còn đó

Chữ “sát thát” ngày nào như bao điều nhắn gửi

Hãy vững vàng trước báo táp phong ba …

       (Bắc Ninh, Kinh Bắc người ơi)

Tôi chưa làm con tính thống kê nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã nhận được bao nhiêu giải thưởng về VHNT ở tỉnh nhà (Bắc Ninh) nhưng nhiều lần tôi đã thấy ông lên nhận giải thưởng “Quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ông viết khá nhiều thể loại, ở thể loại tản văn, bút ký, ghi chép, tiểu luận phê bình không phải là thế mạnh ngòi bút của ông, nhưng ông đã tạo được dấu ấn. Đặc biệt khi khắc họa chân dung, tác giả tác phẩm. Minh chứng là ông đã được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, dành cho tập tiểu luận phê bình: “Đôi nét chấm phá về tác giả, tác phẩm”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2020.

Với thể loại văn xuôi trên kệ sách của tôi đang còn có tập bản thảo “Khát vọng và lẽ sống”. Đây là tập bản thảo tổng hợp những bài viết với nhiều thể loại của nhà thơ Nguyễn Tự Lập. Ngồn ngộn hiện thực. Không chỉ quê hương, đất nước, con người mà còn có cả nguyên mẫu trong các trường ca ông đã viết.

Văn chương như con đường đi mãi, con đường vẫn xa. Với tuổi ngoài bảy mươi đã qua trận mạc về với đời thường nhà thơ Nguyễn Tự Lập vẫn cần mẫn chắt chiu với từng con chữ. 2 tập thơ, 4 trường ca, 1 tiểu luận phê bình, 1 bút ký (bản thảo) đã đủ làm nên “thương hiệu” Nguyễn Tự Lập, nhưng sao tôi vẫn cứ mong ông viết tiếp, viết cả những gì đang còn e ấp, đang còn đắn đo. Bởi thế hệ ông vào sinh ra tử, không chỉ có hoa, không chỉ có thắng, mà còn có cay đắng, thất bại và tủi buồn. Văn chương tải đạo, nhưng văn chương cũng chính là thân phận con người./.

 
                                                                                                                                                                                                           NGUYỄN THÁI SƠN