Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Nhân đọc “Long đong hàng xáo” của Nguyễn Anh Thuấn
10:19 | 22/07/2022

Trong tập sách Bờ sông vẫn đầy gió của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam vừa được phát hành đầu quí 2/2021, về phần văn xuôi gồm những bài viết chọn lọc, với nội dung khá phong phú, sâu sắc, gây sự chú ý và cuốn hút độc giả. Song tôi thực sự có ấn tượng với bài Long đong hàng xáo (tr.185), được tác giả giới thiệu với bạn đọc từ tháng 12.1997, nghĩa là cách đây đã 24 năm, nhưng nó vẫn vẹn nguyên giá trị bởi luôn mang hơi thở cuộc sống của người nông dân đất Việt được tiếp nối tự bao đời. Long đong hàng xáo, không riêng gì nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn mà trước kia cũng như gần đây có khá nhiều tác giả ở địa phương khác đã đề cập với những góc độ riêng, bởi vậy xét về nội dung chung nghề hàng xáo, hẳn không có gì mới cần bàn, nhưng đi vào những con người và vùng miền cụ thể mới thật đáng nói. Điều làm tôi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác chính là ở tại Kim Đôi - “Làng Tiến sĩ” nổi danh trong cả nước bao đời có một dòng họ nối tiếp nhau bằng nghề hàng xáo - một nghề mà xã hội có lúc coi là “rẻ mạt”, lại dâng hiến cho xã hội tới 18 vị Tiến sĩ với 13 đời nối tiếp nhau. Đó là dòng họ Nguyễn. Tác giả đã hé mở cho người đọc một niềm tin có căn cứ: Gia phả họ Nguyễn ở làng Kim Đôi có ghi rằng: “Các bà mẹ họ Nguyễn đã nuôi con cháu ăn học thành tài, đỗ đạt cao, làm quan to trong triều (thế kỷ thứ 15) bằng chính hạt gạo do mình làm ra. Giấy bút dầu đèn cũng từ hạt gạo. Nghề hàng xáo làng Kim Đôi có lẽ ra đời trong thời kỳ này…” (tr.186). Từ thực tiễn trên đã gợi lại trong tôi với bao kỷ niệm khó phai nhạt về quê hương mình, ấy là Làng Tam Sơn - miền đất hiếu học “Tam Khôi” và những người thân đã có những thời điểm, những lúc phải trải qua cái nghề ấy với những nét tương đồng. 

Nếu xét về tổng thể, Tam Sơn là một làng cổ, có lịch sử cư trú, tồn tại của nhiều dòng họ từ bao thế kỷ trước công nguyên và liên tục cho đến ngày nay. Người Tam Sơn vừa làm ruộng, vừa trồng dâu chăn tằm, dệt lụa, sản xuất gốm sứ, gạch ngói, giao thương buôn bán... Theo các cụ cao tuổi cho biết, từ năm 1930 trở về trước cả làng có đến một nửa số hộ chuyên sống bằng nghề dệt và một phần tư số hộ vừa làm nghề nông vừa dệt tơ lụa. Sự phát triển của nghề dệt tơ lụa đã làm cho Tam Sơn trở thành một làng với kinh tế ổn định và giàu có trong vùng thời bấy giờ… Song, từ năm 1930 trở lại sau này, dệt tơ lụa và một số nghề phụ khác ở đây do nhiều nguyên nhân nào đó tác động nên bị mai một, dần dần chỉ còn lại nghề nông là duy nhất. Đất chật, người đông, nếu chỉ trông vào làm ruộng thì không đủ ăn chứ mong gì có tiền dư giả, giàu có, nở mày nở mặt. Thế là làn sóng “di cư” lên Bắc Giang lập ấp đã thành cao trào mà cho đến ngày nay từ khu vực thành phố cho đến các địa phương khác trong tỉnh như Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên… đều có các thôn xóm mang tên Tam Sơn hoặc ngập tràn người quê tôi sinh sống.  

Ruộng ít, con đông, nhiều gia đình ở Tam Sơn ngoài làm ruộng bắt đầu tiếp cận, học hỏi thêm nghề làm hàng xáo của làng Lễ Xuyên (tên cổ làng Sậy) là láng giềng gần gũi, thân cận - nơi mà phần lớn các hộ không nhiều thì ít đều thông thạo với nghề này. Cũng như nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn, với tôi lúc còn nhỏ bao hình ảnh về những người làm hàng xáo mà hầu hết là phụ nữ tất bật, đầu tắt mặt tối, trong đó có gia đình bà cô ruột tôi… còn hằn mãi trong tâm trí tuổi thơ khó có thể phai mờ. Bà là người phụ nữ khỏe mạnh, hoạt bát. Ngoài đẹp nết, đẹp người, làm ruộng giỏi bà lại có tài chạy chợ nên không những được các anh chị em trong nhà quý mến mà nhiều chàng trai trẻ, khỏe, thuộc các gia đình khá giả để ý. Nhưng như các cụ thường dạy “Trời đã định thì tránh đâu khỏi số”, cô tôi kết duyên với một trai làng nhà nghèo rồi lên làm ấp ở một vùng thuộc Lạng Giang, Bắc Giang. Vừa sinh đứa trai đầu lòng thì ông lâm bệnh qua đời. Mấy năm sau bà đi bước nữa làm bạn với ông chú là công nhân của một xí nghiệp nhỏ cấp tỉnh. Bà làm ruộng, ông lương ba cọc ba đồng mà thế nào cứ sòn sòn 3 năm hai đứa ra đời. Mới xây dựng với nhau trong vòng trên dưới 10 năm mà tổng cộng cả gia đình đã có đến 8 - 9 miệng ăn. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng và đồng lương ít ỏi của chồng có mà chết đói chứ đừng nghĩ đến nuôi các con ăn học, này nọ. Thế là trước đây vừa làm ruộng vừa chạy chợ thì nay bà chuyển hẳn sang chuyên nghề hàng xáo. Người làm nghề này luôn phải thức khuya dậy sớm hơn cả những nghề khác. Do vậy, lúc gà gáy hoặc trời còn nhá nhem, chưa nhìn thấy mặt người bà đã phải quang quang, gánh gánh hoặc làm bạn với chiếc xe đạp cà tềnh cà tàng không chuông, không phanh (vì dùng phanh bằng đế dép); không gác đờ bu, đờ sen, với chiếc yên thì cũ nát… đi chợ bán gạo, đong thóc từ xa, có khi lên mãi vùng Kép, Mẹt hay về tận chợ Lục Nam, Sơn Động… Cứ như vậy nhiều hôm tối mù tối mịt mới về. Chưa kể những ngày trời mưa bão, đường trơn, xe hỏng hoặc muôn vàn các sự cố, tình huống bất khả kháng khác có khi gần sáng hôm sau vẫn chưa thấy người… Ở nhà, bà con hàng xóm đủ thứ lo; các con thì đứa bé, đứa nhớn chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc, thét gào không còn nước mắt. Nếu hôm nào không đi chợ, lại quần quật xay lúa, giã gạo, sàng sẩy luôn tay luôn chân, ăn uống cũng phải tranh thủ lấy đâu có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều khi phải làm triền miên đến 12 giờ đêm hoặc hơn vẫn chưa hết việc. Có lúc buồn ngủ rũ rượi bà vẫn cố mà làm cho xong để kịp buổi đi hôm sau.

Việc xay lúa thời xa xưa phải dùng cối làm bằng tre, nện chặt với đất. Cối xay làm được vài vụ thì mòn, rệu rã phải thuê thợ làm lại. Còn cối giã gồm có mỏ chày, thân chày, trụ cối và thân cối (bằng đá). Mỏ cối, thân cối bằng gỗ to, chắc, nặng phải 2-3 người cùng nhấn chân, cối mới hoạt động được. Ở nhà mặc dù bố mẹ tôi không làm hàng xáo nhưng cũng có đủ hai phương tiện trên để xay lúa, giã gạo phục vụ ăn uống thường ngày. Người thì nhỏ thó, loắt choắt, nhưng thấy mẹ gày còm vẫn một mình phải xay lúa giã gạo nghĩ mà thương, thi thoảng xúm tay giúp bà, nhưng chỉ được một chốc đã nao nao chóng mặt, mệt nhoài như kẻ hụt hơi… Vậy mà bà cô tôi cứ ngày này tháng khác vật lộn, làm bạn với những chiếc cối xay, cối giã nặng nhọc ấy để mưu sinh, nuôi 7 đứa con từng bước khôn lớn, trưởng thành và nên người. Và cũng chính thông qua những chỉ bảo, hướng dẫn của bà mà vợ tôi sau này cũng biết thêm cái nghề tay trái… giúp gia đình nhỏ bé của mình vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất tưởng chừng không thể. Đó là khi tôi vẫn ở xa, hai con còn nhỏ, lương thấp, bố mẹ chồng lại ốm yếu, thuốc thang liên tục… 

 Bây giờ bà đã qua tuổi 90, mỗi khi vợ chồng, con cái chúng tôi lên thăm và nhắc lại chuyện xưa bà chỉ mủm mỉm - nụ cười viên mãn của cô gái hàng xáo trẻ đẹp ngày nào hẳn sẽ mãi mãi không bao giờ héo tắt. Đúng như lời kết của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn trong tác phẩm của mình: “… Nó là niềm vui, hạnh phúc của người nông dân. Nó cũng là mơ ước của nhiều thế hệ, của triệu kiếp người…”.

 
 
 
                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN TỰ LẬP