Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NỖI NIỀM XÓM BẾN
09:47 | 13/01/2020

Bến đò Dền đây rồi! Tôi thầm reo lên. Lòng nao nao, xốn xang đến lạ.

Qua đò, sang bên kia sông là tới nơi: Xóm Bến.

Duyên lặng lẽ đứng bên tôi, đợi đò. Đây là lần đầu tiên tôi đưa em về xóm Bến. Và lại chọn đường về qua bến đò ngang này. Cưới nhau đã mấy chục năm. Có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại, nhưng tôi vẫn chưa một lần kể cho em nghe về xóm Bến.

Dòng sông Đuống vẫn đang mải miết trôi. Mấy hôm nay có mưa lớn trên thượng nguồn. Thủy điện sông Đà có lệnh xả lũ. Nước sông dâng cao, cuồn cuộn sôi réo, sủi bọt đỏ ngầu.

Duyên đứng sát như muốn nép vào tôi. Tôi nắm lấy tay em, tim đập chộn rộn. Như có một sợi dây vô hình truyền dẫn, tôi nghe rõ được tim em cũng đang đập mạnh. Một con đò đang sang sông. Đã có những chiếc cầu được bắc qua dòng sông này. Và những bến phà được xóa sổ, khi nó không còn giá trị sử dụng. Nhưng con đò ngang vẫn còn. Nó như con mắt của dòng sông, có khép lại bao giờ.

Đò cập bến. Một chiếc cầu ván được bắc lên, mặt cầu nhẫn lỳ đen nhẫy.Chừng hơn chục người, có đủ đàn ông đàn bà, lục tục lên bờ.

Dường như nhà đò muốn chờ thêm người. Khách sang sông mới chỉ có vợ chồng tôi và một chị phụ nữ ước chừng ngoài ba mươi tuổi. Nét mặt hao gầy dáng vẻ lam lũ với đôi quang gánh không. Hình như chị đi bán rau về.

Có lẽ phải chờ lâu đây. Tôi ngồi phệt xuống vệ cỏ, duỗi thẳng hai chân ra một cách thoải mái. Duyên cũng ngồi theo xuống. Chúng tôi tay trong tay, cùng nhìn dòng sông cuồn cuộn, màu phù sa ánh lên đỏ rực dưới cái nắng vàng suộm.

... Đã 47 năm. Ngót nửa thế kỷ. Thời gian và dòng sông đang trôi kia có bao giờ trở lại. Hôm nay tôi trở về đây. Trở lại tuổi hoa niên thuở trước.

Năm ấy, tôi đang học lớp 9B, hệ phổ thông mười năm. Một hôm mấy đứa ở tổ 4, gồm có tôi, Nghiêm, Doanh và Êm, dắt rủ nhau qua đò sang huyện bên thăm cô giáo chủ nhiệm đang ốm. Dòng sông đúng vào hôm con nước trở mã. Nước sông cuồn cuộn chảy. Một chiếc thuyền nan mỏng manh như một chiếc lá tre bồng bềnh trên mặt sông rộng mênh mông như ngoài biển cả. Lần đầu tiên được đi đò, tôi khoái trí ngồi vắt vẻo ngay ở mũi thuyền. Con thuyền vừa rời bến được một đoạn, bỗng một cơn gió mạnh thổi tạt ngang mặt sông. Chiếc thuyền thoắt quay ngang hất tôi ngã nhào xuống sông.

Tôi đâu có biết bơi. Thần trí bấn loạn, chân tay đập vẫy loạn xạ. Nước sộc đầy mồm, đầy mũi. Tôi nhô lên ngụp xuống, trôi theo dòng nước, bụng căng phồng rồi không biết cái gì nữa.

Khi tỉnh dậy, tôi ngơ ngác bắt gặp một ánh  mắt long lanh đang nhìn tôi đau đáu. Ánh mắt của cái Êm. Nó reo váng lên “A! Cậu tỉnh lại rồi”.

Thì ra, tôi vừa ngã xuống sông, Doanh lao ngay xuống, vật lộn với dòng nước hung hăng, đuổi kịp tôi. Nó túm được tóc của tôi, lôi tôi ra khỏi vùng nước xoáy. Cũng may lúc ấy có mấy chiếc thuyền câu gần đấy, họ tập trung lại đưa được Doanh và tôi lên bờ. Rồi Doanh dốc ngược tôi lên, vắt hai chân tôi lên vai nó. Hai tay Doanh ghì chặt lấy chân tôi trước ngực. Nó chạy, nó xoay vòng. Nước trong bụng tôi  chảy ra ồng ộc. Nó hà hơi, thổi ngạt làm bằng được cho tôi tỉnh lại. Hú vía.

Những ngày sau, tôi lên cơn sốt li bì phải nghỉ học. Hôm nào Doanh và Êm cũng chép bài hộ, mang về tận nhà, còn giảng lại cho tôi những phần chưa hiểu. Tình cảm của chúng tôi càng trở lên keo sơn.

Đáng mừng hơn là từ đây, như có một điều gì đó đã khai thông, đánh thức lòng cởi mở của bố mẹ tôi với đám bạn học của tôi.

Trước kia, từ các chị tôi, đã bị cấm chơi bời thân thiết với những đứa có bố mẹ là nông dân. Cứ mỗi lần, chị nào mà dẫn bạn học thuộc đối tượng “cấm chỉ” về là y rằng ngay sau đó bị chửi mắng đến thậm tệ. Thậm chí có lần còn kèm theo cả đòn roi.

Tôi là con út, được cưng chiều nhiều thứ, nhưng vẫn không qua khỏi lệnh cấm đoán trên. Tuổi học trò, ngây thơ trong trẻo, chị em chúng tôi vẫn có bạn. Nhưng phải hết sức cẩn thận. Mọi hoạt động của bạn bè đều rút vào bí mật.

Gia đình tôi thuộc diện giàu có ở làng. Đời nào cũng có người ghi tên vào bảng vàng trong các kỳ thi, từ thi Hương, thi Hội, đến thi Đình. Đến đời ông nội tôi, ông sớm từ quan, về quê hưởng thú điền viên. Ông bà tôi chỉ có hai người con. Bác cả hy sinh ngay từ buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cải cách ruộng đất, gia đình tôi thuộc thành phần địa chủ. Ruộng đất, nhà cửa từ công cụ sản xuất như liềm, cuốc, cày, bừa, trâu, bò... bị tịch thu bằng hết. Một buổi chiều, sau cuộc đấu tố, những cuộc đấu tố dai dẳng, trở về. Ông tôi thất thểu bước trên đường làng. Một đứa trẻ, nó sỉ mũi còn chưa sạch, lớn tiếng quát vào mặt ông. “Thằng kia! Gặp con của ông bà nông dân sao không chào?” Ngay đêm đó, ông tôi treo cổ tự vẫn.

Sau sửa sai, cuộc sống trở lại bình thường. Bố mẹ tôi rời làng. Ông bà chọn một mảnh đất hoang, nằm ngay đầu chợ huyện, cất một gian lều cho năm sinh mạng, hai người lớn và ba đứa trẻ con trú ngụ. Lúc ấy chị Hương lên bảy, chị Hòa lên năm, chị Huệ hai tuổi. Tôi chưa ra đời.

Chợ họp theo phiên vào buổi sáng các ngày 1-3-6-8 trong tháng. Tôi được sinh ra tại nơi đây. Nơi mà dân gian đã dành cho mấy chữ. Nghe sao mà mỉa mai chua chát. Đầu đường xó chợ.

Mẹ tôi tần tảo đầu chợ, cuối chợ. Cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi cũng không đến nỗi nào. Những buổi chiều và những hôm chợ không họp, cả khu chợ trở lên vắng vẻ quạnh hiu. Những dãy lều, lán trống trơ buồn thảm. Những chiếc bàn, chiếc ghế làm bằng gỗ, bằng tre xếp lại, nằm chỏng chơ chọc cả bốn vó vào không trung. Từng cơn gió dài đuổi nhau chán lại lôi đám lá khô lẫn cùng cát bụi tung lên trời. Một thế giới riêng của chị em chúng tôi. Các chị tôi bày ra đủ mọi thứ trò chơi. Nào nhảy dây, nhảy ô, đánh chắt đánh chuyền. Hôm chơi trốn tìm, hôm tụm lại cùng nghe chị Hương đọc truyện. Chị có giọng đọc truyền cảm nghe cứ như rót vào tai. Chúng tôi nghe hết Dế mèn phiêu lưu ký đến Không gia đình rồi nghe cả Tam quốc diễn nghĩa nữa. Nhà tôi có nhiều sách. Nhưng bố tôi chỉ cho đọc những truyện như vậy. Những tháng ngày vui.

Đấy là vào kỳ nghỉ hè, hay những hôm các chị tôi không đến lớp. Tôi mới được vui chơi cùng các chị như vậy. Còn những khi các chị đi học cả, tôi vui buồn một mình. Hôm thẩn thơ giữa buổi chợ ồn ào đông đúc, khi thui thủi bên những lều quán vắng ngơ vắng ngác.

Cứ thế tôi lớn lên.

Rồi từ một túp lều, bố mẹ tôi cất được mấy gian nhà, tường xây bằng gạch nung, mái lợp ngói Hồ Bắc. Những người ở làng, khi lên chợ thấy vậy cứ trầm trồ với nhau. Con cái nhà địa chủ có khác. Nhà ngói sân gạch mất hết cả. Mới chỉ có vài năm mà đã lại có ngay nhà ngói để ở. Ở làng, những gia đình bần cố được chia nhà chiến thắng nhưng nào có giữ được bền lâu. Vài năm đã có nhiều nhà phải bán đi, trở về với nhà tranh vách đất như xưa.

Chị em chúng tôi tới lớp, quần áo luôn lành lặn hơn lũ chúng bạn. Gia đình tôi, trước là địa chủ, giờ thuộc thành phần tư thương. Thời ấy, nói đến từ tư thương là người ta nghĩ đến ngay một thứ gì đó gần với xấu xa. Tóm lại là một thành phần chậm tiến. Không được xã hội tôn trọng. Đến chị em chúng tôi cũng bị vạ lây. Mọi đứa học sinh khác, chúng nó học cảm tình đoàn từ ba đến sáu tháng là được kết nạp vào Đoàn. Nhưng với chị em chúng tôi thì, cứ gọi là thâm niên cảm tình. Các chị tôi, ai cũng học giỏi nhất nhì trường, từ lớp 1 trở lên, nhưng đều mãi đến năm cuối cấp, mới được xét kết nạp vớt vào Đoàn.

Dường như, các chị và cả tôi nữa, tuy chẳng nói ra, nhưng trong lòng ai cũng ngậm ngùi thèm muốn được sinh vào những gia đình có thành phần cơ bản, đang được xã hội quan tâm chú trọng. Và cứ là ngầm oán trách. Sao bố mẹ chúng tôi không ở lại làng mà cầy cấy. Để được làm xã viên Hợp tác xã nông nghiệp. Cuộc đời thường nảy nở ra những điều oái oăm. Đã bao lần tôi từng thèm muốn có được cái sự nghèo khó như lũ chúng bạn. Những hôm có lịch lao động, sáng học chiều lao động, hoặc ngược lại. Hay những khi nhà trường tổ chức đi dã ngoại, chúng tôi cơm đùm cơm nắm mang theo. Cơm nắm của chúng nó đều độn nào sắn, ngô hoặc khoai lang khô. Tôi lại gạ đổi cơm trắng của tôi cho chúng. Ăn vào thấy ngon mới lạ.

Còn về phần bố mẹ tôi. Dường như ông bà chẳng hề bận tâm trước những định kiến của mọi người. Mẹ tôi mải mê vào buôn bán. Mua của những ai cần bán. Bán lại cho người nào cần mua.Thôi thì thượng vàng hạ cám. Sáng bà bỏ một đồng ra, chiều đẻ ra đồng rưỡi hai đồng là mẹ cười. Mặc ai bảo là tư thương hay gian thương.

Với bố tôi, chữ Hán, tiếng Pháp tinh thông cả. Nhưng giờ trở nên vô dụng, lâm vào dạng học không hay cày không biết. Ông sống lặng lẽ, chỉ giao du với những ai ít nhiều có đọc sách. Ngoài việc cơm nước cho cả nhà, trông nom việc học hành của chị em tôi ra, ông vùi đầu vào đọc. May mà đận cải cách, người ta chỉ tra khảo, lục tìm vàng bạc của cải chứ không ai sờ mó đến sách. Nên bố tôi được thừa hưởng toàn bộ số sách của các cụ trong nhà để lại. Một số người ở làng, trước kia có đấu tố gia đình tôi. Giờ lén quén muốn làm lành. Bố tôi không tiếp. Nhưng lại rất kỳ cục. Mỗi khi biết tin nhà nào gặp khó khăn hoạn nạn, ông tìm cách giúp đỡ bằng được. Ngay mẹ tôi cũng vậy. Người trong xóm ngoài làng, khi đi chợ thiếu tiền mua chịu, hay vay tiền, bà đều sẵn lòng. Nhưng vẻ bề ngoài vẫn giữ một thái độ lạnh nhạt, ngăn cách, và luôn cấm đoán chị em chúng tôi chơi bời thân thiết với con cái của họ.

Cho mãi tới khi xảy ra vụ tôi ngã sông, Doanh liều mình cứu tôi thoát chết, bố mẹ tôi mới hoàn toàn thay đổi thái độ cư xử với mọi người. Ông bà đã mở lòng, đã năng về làng thăm hỏi mọi người, những người một thời, đã biệt ly chi thù.

Cùng thời điểm ấy, chiến tranh ngày một lan rộng. Chợ huyện sơ tán xuống làng, họp dưới các hàng tre. Trường tôi cũng phân chia các khối lớp ra, chuyển về các xóm để học.

Cuộc sống vốn đã nghèo khó, lại càng nghèo khó hơn. Nhưng trong gian nan, người ta dễ quên đi mọi hận thù. Để xích lại gần nhau hơn

Đến cuối năm lớp 9, Nghiêm và Doanh đi bộ đội. Vừa bước sang năm học mới, lớp 10B của tôi có thêm bốn đứa nữa tòng quân. Chúng nó đều viết đơn tình nguyện bằng máu. Các thầy cô mỗi khi bước vào lớp đều có một vài phút đứng lặng, nhìn vào những chỗ trống trong lớp.

Tiếng ve ngân ra rả. Hoa phượng nở bung đỏ rực sân trường. Những ngày này tôi thường đến lớp sớm và ra khỏi lớp sau cùng. Êm thay Doanh làm lớp trưởng và kiêm luôn chức Bí thư chi đoàn.

Hồi trống tan trường đổ một cách uể oải. Tôi vẫn ngồi lại ở lớp. Hôm có Êm ở lại cùng. Chúng tôi trao đổi với nhau về cách giải một bài hàm số hay nhắc lại một công thức hóa học. Cũng có hôm chúng tôi ngồi im lặng. Dường như mỗi đứa đang theo đuổi một ý nghĩ riêng, về một điều gì xa xôi lắm.

Tối về, nhiều hôm tôi thức đến một hai giờ sáng. Đâu để học bài. Tôi đọc Thép tôi đã thế đấy. Đọc đi đọc lại. Và cứ nghĩ ngợi miên man. Bên ngoài nhà, bố tôi cũng vẫn thức. Chắc ông đang chong đèn đọc sách. Dường như bố tôi đang có một điều gì lấn cấn giằng co trong tâm. Có lẽ bố muốn nói với tôi một điều gì đó, nhưng ông chưa nói được.

Còn với tôi. Tôi đang muốn hỏi bố một việc, mà sao vẫn chưa mở miệng được ra. Hình như bố cũng hiểu được tâm trạng của tôi. Ông thường tránh nhìn thẳng vào mắt tôi. Một đôi lần, ông có vẻ như vô tình nhắc về niềm tự hào của dòng họ. Một dòng họ có quan văn, có tướng võ, có người đã ngã xuống ngoài sa trường... để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Và cũng có lần, ông than phiền một cách bâng quơ. Đã mấy đời nay, tính từ đời cụ cố, lâm vào cảnh độc đinh. Những lúc ấy, ánh mắt ông vời vợi xa xăm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                    Minh họa:  LƯU QUANG LÂM

Năm học kết thúc, chúng tôi chia tay nhau bịn rịn. Những đứa con trai vẫn hăm hở với ước mơ ấp ủ. Xếp lại bút nghiên để lên đường đánh giặc. Thanh niên thời loạn mà.

Riêng tôi, tôi có một cảm giác như đang lùi vào một cái vỏ kén vô hình. Lắm lúc cũng muốn chui ra, muốn được đứng vào hàng ngũ của những người ra trận. Nhưng chưa ra khỏi cái đầu, đã vội tụt vào ngay. Muốn hưởng một cuộc sống lặng lẽ, yên thân. Gia đình tôi cũng đã có người đóng góp. Chị Hương đi thanh niên xung phong, đang công tác ngoài tuyến lửa khu Bốn. Chị Hòa học ở Liên Xô. Chị Huệ đang học đại học Dược Hà Nội. Ừ thì phải có người ra trận và cũng phải có người đi học chứ. Nay mai độc lập thống nhất, còn có vốn để mà xây dựng đất nước chứ. Tôi tự an ủi lòng.

Trước ngày ra Hà Nội nhập học, tôi về xóm Bến. Làng xóm vắng ngơ vắng ngác. Trai tráng của làng ra trận hết cả rồi.

Êm không đi học Đại học. Nó quyết định vào học trường Trung cấp sư phạm tỉnh. Bạn có một ước mơ bình dị, được làm cô giáo trường làng.

Tôi và Êm ngồi bên nhau. Im lặng rất lâu. Bãi cỏ trước mặt chúng tôi bị vặt trụi sạch. Trăng lên đã cao. Ánh trăng ngời ngợi tràn trề trên gương mặt xinh xắn dịu hiền của Êm. Tôi định nói, nói điều hệ trọng với Êm, mà không biết bắt đầu từ đâu. Trái tim tôi thổn thức, thôi thúc. Rồi tôi cũng cất được lên lời. Rằng tôi yêu Êm. Từ những buổi đầu bước vào năm học lớp 8 trường huyện. Tôi được ngồi bàn sau, được ngắm nhìn không biết chán mái tóc đen mượt chảy dài trên tấm lưng óng ả  của cô học trò vừa lớn.  Rồi những khi... những lúc... được nghe Êm nói, được nhìn trộm Êm cười. Rằng tất cả... hình ảnh của Êm đã ngự trị trong trái tim tôi... Tôi mạnh dạn nắm lấy tay Êm. Êm vẫn để yên bàn tay nhỏ nhắn mềm mại trong tay tôi. Tôi nín thở, tưởng như tim đã ngừng đập. Êm vẫn dõi mắt ra xa. Trước mặt chúng tôi là dòng sông uốn lượn ánh lên một màu sáng bàng bạc dưới trăng. Êm xoay người nhìn thẳng vào tôi. “Mình cảm ơn Minh nhiều. Nhưng... chúng mình hãy mãi là bạn tốt của nhau... nhé”. “Sao vậy?” “Mình đã có ước hẹn rồi!” Gương mặt Êm thật bình thản.

Không thể thế được. Lẽ nào. Êm phải là của tôi. Phải thuộc về tôi. Mặt tôi nóng bừng. Máu trong người chảy rần rật. Tôi ôm choàng lấy Êm. Một bàn tay mạnh bạo lùng sục... Bốp! Mắt tôi nổ đom đóm. Hoa cà hoa cải bay tứ tung loạn xạ. Hai tay tôi bưng lấy mặt. Một lúc định thần lại. Tôi mở mắt. Bên tôi chỉ còn chiếc xe đạp nằm chỏng dưới ánh trăng vằng vặc.

Tôi dựng phắt chiếc xe dậy. Nhảy lên xe, đạp hộc tốc, lao thẳng xuống bến đò. Xe lao nhanh xuống dốc, gió ù ù bên tai. Dòng sông kia rồi, nó đang chờ tôi trước mặt. Một ý nghĩ nung nấu trong đầu. Sống để mà làm gì nữa.

Xe đang lao nhanh vun vút. Tôi đã sẵn sàng. Bỗng doành! Bánh xe trước của tôi chạm phải một vật gì đó chắn ngang. Chiếc xe quay ngoắt ném vật tôi xuống đường. Một bánh xe nằm chềnh ềnh ngay mép nước. Tôi chống tay ngồi dậy, mặt mày bỗng tối sầm lại. Tôi lăn ra bất tỉnh.

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong khoang thuyền. Toàn thân đau nhức ê ẩm. Dưới ánh sáng của chiếc đèn chai, tôi nhận ra ông Dậu, người lái đò. “Cậu thử duỗi chân duỗi tay ra xem nào”. Tôi làm theo như một cái máy. “Tốt rồi! Không bị trẹo, trật gì cả. Khiếp! Tý tẹo nữa là cả người cả xe của cậu  lao xuống sông. Có mà trời vớt. Cậu cao số đấy!”.

Đúng là tôi cao số. Ít nhiều cũng đã hai lần chết hụt tại bến sông này. Tôi sẽ không chết. Và không thể chết được. Như có một điều gì lạ lắm trong tôi. Một ý nghĩ quyết tâm sống và sống hơn tất cả mọi người.

 Tôi ra Hà Nội học. Học và chỉ học. Luyện một chữ quên. Quên tất cả những gì liên quan đến xóm Bến và lớp 10B.

Chiến tranh kết thúc. Cả nước ca vang khúc khải hoàn mừng đất nước độc lập thống nhất. Chị Hương tôi đã nằm lại tại Truông Bồn.

Tôi tốt nghiệp Đại học. Nhận quyết định vào công tác tại một tỉnh ở miền Nam xa lắc: Tiền Giang.

Tôi xách va ly hăm hở lên đường như một người qua sông tự hứa sẽ không bao giờ quay trở lại. Và sẽ quên đi tất cả những gì ở đằng sau.

Thành phố Mỹ Tho - Một thành phố bình yên thơ mộng nằm dọc theo sông Tiền mênh mông, nước cuồn cuộn đêm ngày đổ ra biển Đông. Bầu trời miền Tây cao vời vợi. Mây trắng, một màu trắng đến nõn nà, nhởn nhơ trôi. Những buổi chiều lộng gió. Cho tôi thả hồn theo gió lang thang. Tôi sống lặng lẽ khép kín. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và cũng không thể xác định được cuộc sống độc thân sẽ kéo dài bao lâu. Sau bảy năm trời, quả là không hẹn, không phải kiếm tìm mà gặp mà có. Như một cơ duyên định sẵn. Tôi gặp Duyên, người con gái của miền sông nước. Em là con của một gia đình cách mạng. Hiện công tác bên văn phòng Tỉnh ủy. Em thẳng thắn, dịu dàng đằm thắm, là người chủ động mở cánh cửa của trái tim tôi.

Chúng tôi nên vợ nên chồng.

Năm sau vợ tôi sinh thằng cu bụ bẫm. Rồi bốn năm sau sinh thằng thứ hai... Những năm tháng thời bao cấp còn nhiều chật vật, khó khăn đè nặng lên cuộc sống hàng ngày. Nhưng nhờ có sự chắt chiu thu vén của Duyên và sự hỗ trợ của bố mẹ tôi từ ngoài Bắc, đời sống của gia đình tôi cũng vẫn thuộc diện khấm khá.

Ngoài Bắc. Mẹ tôi có một sạp hàng bán đồ khô. Chị Hòa lấy chồng người ngoại quốc và định cư luôn ở quê chồng. Chị Huệ lập gia đình, hai vợ chồng chị vào Đà Lạt công tác. Gia đình tôi phận nào phận nấy.

Sau ngày cưới, duy nhất một lần tôi cùng  Duyên về thăm quê. Sau này con cái vào, đó là một lý do chính đáng cho tôi ít về.

Năm tháng cứ như thế trôi đi. Con người ta mải mê với những bươn trải, lo toan cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Nghĩ cho mình chẳng xong, làm sao còn nghĩ đến người khác được.

Rồi ở quê bố mẹ tôi lần lượt qua đời.Trước lúc lâm chung bố tôi có dặn “Mảnh đất này là do bố mẹ tự chiếm mà có. Nếu sau này Nhà nước mà dùng đến, các con phải trả lại”. Chị em chúng tôi đồng thanh hứa “Dạ vâng!” bố tôi mới yên lòng nhắm mắt. Ông lại trở về với cát bụi.

Và cơ hội cũng đã đến. Huyện có quy hoạch mới. Chợ chuyển về chợ trung tâm. Họp hàng ngày từ sáng sớm cho đến 9 giờ tối. Khu đất chợ sẽ dành cho việc xây một ngôi trường mới. Tôi ra Bắc để hoàn thành thủ tục việc trả lại đất cho huyện.

Sau lần về đó, tôi không có một lần nào ra nữa. Dường như tôi đã niệm thành công một chữ quên.

Nhưng trong những năm tháng đằng đẵng, không ít lần tôi thảng thốt giật mình. Một vài mảnh vụn của ký ức thoắt hiện về như một ánh sao băng, vừa chợt lóe lên lại tắt lịm tức khắc.

Và rồi, dẫu chẳng muốn mà vẫn có. Hình ảnh cây gạo đầu xóm, tháng ba hoa nở đỏ rực thắp sáng một góc trời. Một khúc sông, bến đò trong những ngày đông giá, gốc phượng già ở sân trường, những gương mặt thân quen của thuở học trò vẫn cứ hiện về trong những giấc chiêm bao. Dẫu chỉ là ảo ảnh. Khi tỉnh dậy, một cánh tay tôi đẫm nước mắt.

Những ngày gần đây, nhìn thấy mọi người náo nức đi họp lớp. Họ mang về bao nhiêu là chuyện vui, cảm động của một thời. Và trong tôi cứ có một cái gì đó day dứt khôn nguôi.

Duyên vẫn cứ lặng lẽ theo dõi mọi diễn biến trong tâm trạng của tôi. Tôi vô cùng cảm ơn cuộc đời, cảm ơn ông tơ bà nguyệt đã se. Em quả là một người vợ khó kiếm trên đời. Hiền hậu, dịu dàng tinh tế đến lạ.

Vợ chồng tôi đều nghỉ hưu. Các con cái đã trưởng thành. Một cuộc sống, chẳng giầu có nhưng cũng chẳng bao giờ thiếu thốn về tiền bạc. Thế nhưng từ sâu thẳm của  đáy lòng, tôi vẫn thấy thiếu thiếu một thứ gì đó.

Cho đến một ngày. Một cuộc điện thoại vào lúc đêm khuya. “A lô! Xin cho hỏi có phải số máy của Nguyễn Hoàng Minh đấy không ạ?”. Một giọng nói trong máy nghe vừa quen vừa lạ: “A lô! Phải. Tôi đây! Xin lỗi, tôi đang được nói chuyện với ai đây ạ!”. “Trời ơi! Tìm cậu đến hụt hơi. Mình đây. Sâm 10B đây! Còn nhớ không?”. “À... à... nhớ rồi!”. “Chủ nhật, ngày 15/8 này thu xếp mọi công việc để về họp lớp đấy nhé!”. “Địa điểm?” “Tại nhà lớp trưởng” “Lớp có tới hai đời lớp trưởng?” “Nhà Doanh, xóm Bến! Thế nhé! Không được vắng mặt đâu đấy! Gặp nhau nói chuyện nhiều nhé!”. Không đợi tôi trả lời, nó tắt máy.

“Bạn học cũ của anh à!” Duyên cũng đã thức giấc. “Ừ!” Tôi đáp cho qua chuyện. “Về đi anh! Cho em cùng về với anh nhé!”. Vợ ôm lấy tôi, dụi mặt vào ngực tôi dịu dàng nũng nịu.

Duyên hăng hái chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi. Và cũng thật lạ. Em vẫn không hỏi một câu gì về thời quá khứ của tôi.

*

*        *

Ngay đầu xóm Bến đã có mấy chiếc xe con đậu. Đường xóm Bến trải bê tông, mà sao tôi thấy như đang đi trên sóng bập bềnh. Cảnh vật đổi thay nhiều. Dẫu sao tôi vẫn chưa phải hỏi thăm đường vào nhà Doanh.

Mọi người ùa cả ra đón vợ chồng tôi. Những cái bắt tay. Những vòng tay ghì chặt. Những câu hỏi thay cho lời chào. “Nhớ không?”. “Ai đây nào?”. Rối rít. Tíu tít. Hồ hởi. Tôi vẫn ngỡ như còn đang trong một giấc chiêm bao. Nhưng không. Đây là những gương mặt bằng xương bằng thịt. Nào là Yên, nào Ngọ, Dự, Tuần, Lan, Tươi, Huế, Hồng... chỉ có điều tất cả đã già đi. Đã nhiều mái tóc đốm bạc. Những gương mặt già nua khắc khổ, vài gương mặt hồng hào phốp pháp. Tôi vẫn chưa thấy có Êm. Tôi và Doanh ôm nhau lâu nhất. Vỗ lưng nhau mạnh nhất.

Hàn huyên một lát, Doanh bấm tay Sâm. “Có lẽ đủ rồi đấy.” Rồi ngó xuống bếp gọi to “Mấy bạn lên cả đi!”.

Có tới bốn bạn nữ: Hậu, Khanh, Mai và  Êm dắt nhau ra từ bếp. Có lẽ mọi người đang chuẩn bị cho bữa cơm. Tôi thầm nghĩ.

Êm chủ động đến bên tôi, chìa tay ra. Một tiếng “Anh!”, nghe nhẹ như gió thoảng.Tôi ngầm quan sát. Vẫn là một gương mặt, một nụ cười, một ánh mắt sâu thẳm của ngày nào.

Doanh đứng giữa nhà vỗ tay bôm bốp ra hiệu cho cả nhà yên lặng. Không kính thưa, kính gửi, Doanh nhân danh nguyên lớp trưởng lớp 8 và lớp 9B cũ thông báo vắn tắt tình hình của lớp sau mấy chục năm trời. Lớp có mười ba bạn trai và hai bạn nữ tham gia quân đội. Hy sinh sáu bạn nam, một nữ. Hiện giờ đã tập hợp đầy đủ 26 bạn còn lại. Có đầy đủ địa chỉ và số điện thoại của từng người. Có được cuộc gặp mặt hôm nay là nhờ sự vận động tích cực của bạn Sâm và một số bạn trong lớp. Trước khi vào ăn bữa cơm mừng ngày hội ngộ, các bạn hãy cùng nhau xây dựng một chương trình cho những buổi họp của những năm về sau.

Sâm lên tiếng trước. Thằng Sâm người gầy quắt gầy queo ngày ấy. Nhà nó nghèo, chỉ vì mê thơ mới và nhạc tiền chiến mà bị quy là có tư tưởng tiểu tư sản. Giờ nom chững chạc ghê.

Sâm tóm tắt ngắn gọn quá trình tìm nhau.

Xưa chung lớp, chung thầy, giờ mỗi người một phận, một cảnh. Cả lớp có hai đôi nên vợ nên chồng. Đó là Doanh với Êm và Lan với Thiềng. Thiềng là thương binh. Lan vật lộn với mấy sào ruộng. Nhưng cũng đáng mừng vì đã lo cho các con học hành nên người. Chỉ có... Sâm bỗng nhiên dừng lại. Rồi giọng như đặc sánh lại.

... Vừa qua, tôi có mạnh dạn đăng tin về hoàn cảnh của hai bạn Doanh và Êm lên Facebook cá nhân tôi. Điều đầu tiên tôi thật sự xin lỗi Doanh và Êm, vì tự ý làm việc này, một số bạn có dùng Facebook nên có biết. Còn Doanh và Êm thì không hề hay.

Sau ba ngày, tài khoản của tôi nhận được trên 40 triệu đồng của các nhà hảo tâm. Phần lớn họ đều giấu tên và số tiền ủng hộ. Tôi đã thay mặt hai bạn Doanh  và Êm nói lời tri ân. Vì cả hai bạn đều không biết họ.

Vâng! Hôm nay, tôi cũng xin lỗi một số bạn trong lớp mình, vì lý do này, khác mà vẫn chưa biết hoàn cảnh của Doanh và Êm. 

Các bạn trong lớp 10B của mình, mỗi người cũng đã có chút của, chút công. Có bạn đã luôn bên cạnh Doanh và Êm suốt những ngày qua. Hiện giờ, còn một số bạn ở xa, không kịp về hôm nay nhưng cũng đã có tấm lòng gửi về. Thôi nào... tất cả chúng ta cùng vào thăm hai cháu Bình - Phương...

Tôi ngơ ngác, ngơ ngác đến thẫn thờ. Như một người từ hành tinh khác lạc vào chốn này. Tôi theo mọi người lặng lẽ vào trong buồng. Chúng tôi vây quanh hai chiếc giường cá nhân kê sóng đôi. Mỗi chiếc giường đặt một con người như hai khúc củi khô đét nằm bất động.

Doanh chỉ vào một người con của hai bạn: "Nó sinh năm 1977, hơn  40 tuổi rồi.Nó biết cả đấy. Nhưng không nói được một câu tiếng người. Còn kia là đứa em. Kém anh ba tuổi. Cũng như thằng anh".

Tôi đứng sát Doanh. Toàn thân như đang lên cơn sốt.

Sâm trịnh trọng trao số tiền cho hai thiên thần bất hạnh. Doanh thay mặt hai con, nhận lấy những tấm lòng thơm thảo. Miệng lắp bắp nghẹn lời.

Tất cả mọi người, nước mắt dàn dụa chan chan. Chỉ có Doanh và Êm. Dường như hai bạn đã cạn nước mắt. Hoặc lúc này nó đang chảy vào trong.

Trời ơi! Ân nhân của tôi. Đứa bạn thân thiết một thủa. Xưa khỏe như voi, cứng rắn mạnh mẽ như cây lim, cây sến giữa rừng, giỏi cả văn và toán. Từng ôm ấp bao ước mơ khát vọng. Giờ trong bộ quân phục cũ kỹ, bạc phếch. Gương mặt chai lỳ khổ ải. Một con người hầu như chưa biết khuất phục bao giờ. Nay, dường như phải bất lực trước sức tàn phá của chất độc da cam.

Còn với Êm. Một người mẹ. Một cô giáo. Bao năm trời nay, Êm đứng trên bục giảng, hàng ngày phải cất giấu đi nỗi đau xé ruột xé gan của người mẹ, để vui, để cười với mọi học trò và đồng nghiệp.

Có sự hy sinh nào cao cả hơn thế?

Vậy mà! Bao năm trời nay, tôi đã vội lãng quên. Sự lãng quên dẫn đến sự vô ơn, vô cảm từ khi nào ta đâu có hay. 

Mọi người lặng lẽ ra nhà ngoài, tiếp tục chương trình nghị sự của lớp. Tôi và Duyên còn nán lại. Chúng tôi đến sát bên giường, muốn được gần thêm với Bình và Phương. Hai gương mặt. Chẳng còn là trẻ con. Cũng chưa phải là của người lớn nhưng vẫn còn nguyên cái ánh mắt của trẻ thơ nhìn tôi nhức nhối.

Tôi nắm lấy tay Doanh, Doanh nắm tay Êm, Êm nắm tay Duyên. Mắt tôi cay xè, đắng chát./.

                                                                                                                                                                                                                                                          ĐỖ CÔNG TIỀM