Cách đây hơn ngàn năm, nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường bên Trung Quốc có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Đến nay câu thơ này không còn đúng nữa bởi tuổi thọ con người đã cao hơn nhiều. Tuy tuổi 70 không còn hiếm nữa nhưng đó vẫn là cái mốc đáng nhớ của mỗi đời người khi bước vào ngưỡng tuổi già.
Có lẽ đến tuổi này ai cũng “tri thiên mệnh”, biết mình đang đi tới đoạn cuối cuộc đời. Hẳn rằng nhiều người chu đáo lo xa đã có những dự liệu cho mình, có di chúc cho con cháu trước lúc rời xa cõi tạm vậy.
Nhà thơ Vũ Đình Ứng, Hội viên Hội VHNT tỉnh nhà, năm nay đã 82 tuổi trời cho, là một người chỉn chu trong cuộc sống nên ông đã chuẩn bị đầy đủ dự liệu những việc cần lo cho con cháu. Hơn thế nữa, với người bạn đời, ông viết bài thơ “Lời giã biệt” để dặn dò tri kỷ. Bài thơ đã được đăng trên Tạp chí Người Kinh Bắc số 5/2018.
LỜI GIÃ BIỆT
(Gửi bạn đời)
Tôi về với mẹ tôi đây
Để người ở lại tháng ngày cô đơn
Ngoài sân cây khế xanh rờn
Tội gì héo hắt, lây buồn sang tôi.
Người đi tấc dạ bồi hồi
Cảnh nhà hoang vắng, tình đời đa đoan
Ngày xưa xuống biển lên ngàn
Bây giờ lễ Phật cầu an em à.
Hết thời trồng nụ hái hoa
Bốn mùa thanh đạm tương cà cũng xong
Cho chín chục, nhận một đồng
Chẳng cần kể đức kể công làm gì.
Dặn mình trước lúc phân li
Này con này cháu, tôi thì cậy ai
Đêm thì vắn, mộng thì dài
Thôi đành gắp lửa tay người tôi yêu.
Một liều, ba bảy cũng liều
Tình ta trọn vẹn, trăm chiều tinh khôi
Con phương trưởng, cháu nên người
Bõ công tích đức một đời mẹ cha.
Từ khi làm bạn với bà
Gừng cay muối mặn hai ta trải rồi
Ngọt bùi, đến đận chia phôi
Ngước lên, cái mặt ông trời đỏ gay.
Tôi về, mình trụ lại đây
Trông chừng cả gió rung cây đó mình
Cần làm thinh, cứ làm thinh
Xin đừng giận dỗi, tội tình gối chăn.
Nhả tơ là phận con tằm
Trăm năm một kiếp trầm luân cõi người.
Ta về với mẹ ta thôi!
VŨ ĐÌNH ỨNG
Đọc bài thơ này có lẽ những người đồng trang lứa với tác giả đều cảm thấy ít nhiều đúng với tâm trạng mình. Mở đầu bài thơ là một câu nhẹ tênh “Tôi về với mẹ tôi đây”...
Ôi chao! Nói tới sự sắp sửa từ giã cõi đời này mà cứ như được trở về nhà với mẹ sau chuyến đi xa vậy, không đau buồn bi lụy chi cả. Vẫn biết rằng như vậy là “Để người ở lại tháng ngày cô đơn”.
Đương nhiên là như vậy, người ở lại phải chịu bao đau buồn cô đơn mà chỉ có thời gian mới làm nguôi ngoai dần được.
Nhà thơ như “nhìn thấy”, thấu hiểu tình đời nên đã lên tiếng dặn dò người vợ thân thương: “Tội gì héo hắt lây buồn sang tôi”.
Ôi! Một lời rất thực lòng nhưng cũng đầy thi vị. Hẳn rằng bà vợ cũng phải nén buồn làm vui cho ông ấy ở bên kia thế giới khỏi… buồn lây! (Dường như ông vẩn quanh quẩn đâu đây bên bà thì mới “lây” được cái buồn của người ta).
Người ở lại vẫn phải sống cuộc sống thường ngày cùng con cháu, chưa hết lo toan, mặc dù có nhiều chuyện mình cũng không thể lo toan nổi. Đó là cái chuyên muôn đời “nước mắt chảy xuôi” của đạo làm người. Biết vậy nên nhà thơ phải nhấn mạnh cho “bà xã” biết:
Ngày xưa xuống biển lên ngàn
Bây giờ lễ Phật cầu an em à!
Thôi hãy cứ an nhiên thanh thản sống với hoàn cảnh của mình. Tất cả đã là quá khứ. Những gì đã làm được cho gia đình, cho con cháu rất đáng được trân trọng. Dẫu biết rằng: “Cho chín chục, nhận một đồng”, thì cũng: “Chẳng cần kể đức kể công làm gì”. Nhà thơ đã gắn bó với người bạn đời nửa thế kỷ rồi. Vui buồn sướng khổ có nhau, nhưng vẫn thấy “Đêm thì vắn, mộng thì dài”, vẫn còn đầy tiếc nuối khi phải giã biệt nhau, cũng đành day dứt đau buồn lần cuối thốt lên: “Thôi đành gắp lửa tay người tôi yêu”. Đó là một lời ủy thác nặng tình nặng nghĩa, đầy “hối hận” nhưng chẳng biết làm sao vì mọi sự trên đời bây giờ bà vợ phải gánh vác cả phần của người ra đi. Biết là như vậy nhưng nhà thơ cũng đã an lòng vì:
“Con phương trưởng, cháu nên người
Bõ công tích đức một đời mẹ cha”.
Tạm yên về con cháu, nhà thơ lại thủ thỉ cùng bạn trăm năm: “Từ khi làm bạn với bà/ Gừng cay muối mặn hai ta trải rồi/ Ngọt bùi đến đận chia phôi/ Ngước lên, cái mặt ông trời đỏ gay”.
Ấy là tình, biết bao đằm thắm, dẫu đã hơn nửa thế kỷ hạnh phúc bên người vợ hiền, vẫn oán trách ông trời sao sớm gây ra cảnh chia phôi này. Nhưng biết làm sao, ấy là số phận của mỗi người phải chịu mà thôi. Tôi đi đã yên phận rồi, nhưng mình ở lại hẳn vẫn còn nhiều trắc trở, tôi vẫn không yên lòng: “Tôi về, mình trụ lại đây/ Trông chừng cả gió rung cây đó mình”.
Và nhà thơ khuyên rằng: “Cần làm thinh, cứ làm thinh
Xin đừng giận dỗi tội tình gối chăn”.
Chao ôi! Lời dặn dò mới thấu tình đạt lí làm sao, mà lại rất mùi mẫn nữa chứ “tội tình gối chăn”. Ấy là tội tình cho tôi đó, tôi cũng không được vui ở thế giới bên kia, mình thì mất ăn mất ngủ. Tội gì mà giận dỗi!
Rồi nhà thơ đúc kết cho vợ, cho mình và cũng có thể cho nhiều người:
“Nhả tơ là phận con tằm
Trăm năm một kiếp trầm luân cõi người”.
Vậy thì hãy cứ sống cho phải đạo làm người là được rồi. Hẳn rằng nhà thơ mong bà xã của mình cảm nhận được những lời dặn dò này mà vui vẻ sống nốt những tháng ngày cuối đời dù phải cô đơn vì vắng người chồng thân yêu.
Đến lúc này nhà thơ cũng đã yên lòng nên thanh thản nhẹ nhàng thốt ra lời kết: “Ta về với mẹ ta thôi”. Câu kết này chỉ khác hai từ đầu và cuối so với câu mở bài thơ, nhưng đã thấy sự thay đổi về ý nghĩa; câu đầu bài thơ còn có vẻ băn khoăn lo lắng tí chút, thì câu kết đã rũ bỏ hết mọi sự ưu tư, phiền lụy đã tải được sự nhẹ nhàng, thanh thản của “người ra đi”.
Mong “người ở lại” thấu hiểu tâm nguyện của ai để vui vẻ sống, cho ai đó được an lòng ở cõi vĩnh hằng. Có lẽ không lâu nữa “người đi xa” lại được đón bạn đời về chung mái nhà với mẹ hiền yêu dấu.
Bài thơ lục bát như một lời tự sự tâm tình gửi gắm cho người thương yêu nhất đời.
Không cầu kỳ về câu chữ, nhưng vần điệu lại trau chuốt mượt mà, rất dễ gợi và thấm đẫm nhân tình thế thái. Có lẽ tâm sự riêng của tác giả cũng là tâm trạng chung của nhiều người, chỉ chưa muốn nói thành lời mà thôi./.
NGUYỄN ĐÌNH TỰ