Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

HƯƠNG SẮC QUÊ MÌNH
10:36 | 07/01/2022

Tôi thật sự xúc động khi cầm trên tay ấn phẩm “Mỹ thuật Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2021 tác phẩm - tác giả”. Đây là tập sách Mỹ thuật thứ hai kể từ khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh được thành lập. Đánh dấu một chặng đường lao động, cống hiến hết mình của các anh chị em họa sĩ tỉnh nhà bằng lối cảm, lối nghĩ riêng mà mỗi người đã thể hiện qua cá tính sáng tạo của mình, góp vào sự tiến triển nghệ thuật tạo hình xứ Kinh Bắc xưa - Bắc Ninh ngày nay.

Trong ấn phẩm này, một điều thú vị của người thưởng ngoạn là có một sự kết nối các thế hệ (cha - con - cháu) của nhiều gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.

Gia đình nhà điêu khắc Vũ Bẩy: con trai là nhà điêu khắc Vũ Bình, cháu nội là nhà điêu khắc Vũ Bình Minh, cháu ngoại là nhà điêu khắc Vũ Quang. Kế đến gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Triền: Con gái là họa sĩ Nguyễn Phúc Oanh, 2 con trai là Nguyễn Văn Trà, Nguyễn Văn Thuật. Gia đình họa sĩ Nguyễn Minh Đạt, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Bích Hiền. Gia đình họa sĩ Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Nam. Thật là một sự hiếm có, chắc chỉ có ở Chi hội Mỹ thuật tỉnh Bắc Ninh mà thôi. 

Về mảng tranh hội họa: Tôi có ấn tượng với các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Hữu Bảng, anh có một lối vẽ như chạm lộng, như dòng tranh khắc gỗ Đông Hồ. Đồng hiện một cách rõ ràng trên mặt tranh như bức “Khúc đồng dao mùa hè” Arylic khổ 120 x 140cm; hay bức “Họa sĩ và người mẫu” Arylic khổ 90 x 110cm. Gần đây họa sĩ có thiên hướng chuyển sang vẽ phong cách trừu tượng nên có in một bức theo phong cách này. Theo ý tôi, giá như họa sĩ chọn in một bức cùng phong cách với hai bức trên thì mảng tranh của anh sẽ gây ấn tượng tốt hơn.

Ở họa sĩ Nguyễn Minh Châu anh vẽ theo khuynh hướng biểu hiện trừu tượng, họa sĩ tìm hình một cách kỹ càng, thấu đáo, cân nhắc đến từng chi tiết nhỏ trong tranh. Bức “Mãi đừng xa em” sơn dầu khổ 110 x 130cm là một không gian ngồn ngộn khối, hình chắc chắn, đa dạng và sâu lắng. Có những vệt vàng đắt giá, gợi cảm “Bức đợi mặt trời” khổ 110 x 130cm. Một không gian xanh êm dịu, một khuôn mặt phụ nữ chợt tỉnh, phía trên đầu là một mảng vàng tựa nắng báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Bức “Giờ này anh ở đâu” sơn dầu 110 x 130cm, một người phụ nữ đang chơi đàn, tâm trạng không tập trung và có chút lo lắng. Bức này gam màu đẹp, bộ mặt người phụ nữ rất có thần và gợi cảm.

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương dẫn ta về quá khứ tuổi thơ ngày rằm Trung thu. Ta thấy sự náo nhiệt, không gian huyền ảo, hình vẽ lúc rõ lúc mất rất sinh động. Không thể thiếu được một anh hề bụng to đeo mặt nạ trong đám múa sư tử được họa sĩ thể hiện trong bức “Trung thu 1” và “Trung thu 2”. Bức “Du xuân” thật ngộ nghĩnh dưới cái nhìn của Nghĩa Cương, tất cả 12 con vật, biểu tượng của 12 con giáp đều đồng loạt du xuân thật vui nhộn. 

Về họa sĩ Lưu Quang Lâm, với những bức tranh mang tính biểu hiện và bán trừu tượng. Nặng lòng với mảnh đất đồng chiêm nơi sinh ra, anh không thể quên được những người nông dân vất vả đang toài người trên mặt nước để cấy lúa. Bức “Nhịp điệu chốn đồng sâu” khổ 108 x 180cm tranh sơn dầu, hay trong “Tiếng vọng chốn đồng chiêm” sơn dầu khổ 90 x 180cm ta như cảm thấy tiếng lội nước bì bõm vất vả của những người lao động nhưng trên tay họ vẫn nâng niu bó hoa đồng nội. Hai bức sơn mài “Di sản” khổ 120 x 200cm và “Những chiến sĩ đặc công” họa sĩ có khuynh hướng trừu tượng hóa tác phẩm.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Nam đóng góp hai bức tranh sơn dầu: “Đường về” 80 x 120cm và “Bông hoa chân thiện nhẫn” 70 x 55cm. Họa sĩ có tính khuynh hướng siêu thực. Vẻ đẹp trong hai bức tranh đã đem đến cho con người sự thánh thiện, nhẹ nhõm.

Họa sĩ đồ họa Nguyễn Khắc Hân đã có một đóng góp rất quan trọng trong ấn phẩm này. Những vấn đề xã hội và con người được đưa ra với cách nhìn lớn. Đề cập đến “Công trình cho con” khổ 100 x 70 cm gồm 3 tấm. Tranh mang tính tượng trưng hình thức thể hiện có chất đương đại, cuộc sống thiên nhiên bình dị cần giữ gìn và bảo vệ cho thế hệ tương lai. Trong bức “Hạnh phúc bên ô cửa” khắc gỗ 100 x 70cm, đề cập đến sự hạnh phúc của mỗi gia đình có được là trải qua chiến tranh tàn khốc, chết chóc, sự phá hoại mà không ai có thể quên được. “Đánh cắp giấc mơ” khắc gỗ 100 x 70cm, gồm 3 tấm đã đem đến sự vinh quang cho Hân trong cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng và sau này là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 anh được giải A. Trong thực tế đời sống của chúng ta, những khó khăn với những bộ mặt và muôn vàn lý do khác nhau được họa sĩ vẽ tượng trưng bằng một tấm lưới sắt, ngăn chặn con đường dẫn đến thực hiện những giấc mơ của bạn - đó chính là kẻ đánh cắp giấc mơ. Bạn nghĩ sao? Vấn đề họa sĩ đặt ra bằng hình tượng nghệ thuật. Đây chính là tiếng nói nội tâm sâu thẳm mà đôi khi ngôn ngữ cũng không thể thay thế được. Vậy bạn hãy lặng im và nhắm mắt lại để từ từ cảm nhận...

Trong khuynh hướng tả thực, những tác giả trẻ Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Lai cùng chung một quan niệm, họ vẽ về những con người, cảnh vật, đồ vật mà ta thấy hiện hữu thân quen mỗi ngày, nhưng để đạt tới sự chủ quan có cá tính thì tranh của Nguyễn Văn Hưng tạo ra cho mình một gu màu man mác gợi cảm. Trong tranh Hưng ta thấy con người, cảnh vật được nâng niu, cân nhắc và tôn trọng tưởng như nếu có sự va đập mạnh thì chúng sẽ bị tan ra và biến mất. Trong những họa sĩ đương đại của tỉnh Bắc Ninh cũng có người đã ra đi, để lại sự nghiệp còn dang dở. Thương tiếc thay họa sĩ Phan Hùng (1962 - 2019), một con người dễ mến, hiền lành, tử tế với mọi người và đồng nghiệp. Anh có in 4 bức tranh để lại kỷ niệm cho chúng ta. Về cuối đời tranh của Phan Hùng cũng có hướng chuyển sang trừu tượng như bức “Dòng sông Quan họ” sơn mài 122 x 200cm. Con người Quan họ không còn hình hài cụ thể, mà qua các thế hệ chuyển thành dòng sông, đời đời không bao giờ mất đi, đấy là thông điệp của họa sĩ Phan Hùng trước khi mất. 

Còn nhiều họa sĩ mà tôi muốn đề cập ở đây, song giới hạn của một bài viết không thể nói hết ra được, mong các đồng nghiệp khác hết sức thông cảm.

Về mảng điêu khắc, để tiến kịp trào lưu đổi mới trong lĩnh vực điêu khắc, Vũ Bình Minh là nhà điêu khắc thành công hơn cả nhưng trong ấn phẩm này tôi thấy có vẻ hơi đồng điệu, các tác phẩm na ná giống nhau về cách thể hiện, còn một số nhà điêu khắc khác chưa có những tác phẩm gây ấn tượng mạnh.

Nhìn một cách khách quan, tập “Mỹ thuật Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2021 tác phẩm - tác giả” được in đẹp hơn, sang trọng hơn tập trước. Các tác giả trẻ tham gia đông hơn, phong cách thể hiện đa dạng hơn, những tác giả: Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Xuân Quyền, Nguyễn Tuấn Anh, Hà Thị Khánh, Nguyễn Văn Thuật, Trương Hồng Mỵ... đang hình thành một phong cách, một tiếng nói riêng. Chúng ta có niềm tin tưởng họ, hy vọng tương lai sẽ tìm thấy cái đẹp đặc thù của miền quê Kinh Bắc, đưa chúng ta đi xa hơn, thể hiện được những yêu cầu mới lớn lao của thời đại./.

                                                                                                                                                                                                                      NGUYỄN MINH TUẤN