Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

CẢI NGỒNG ĐÂM BÔNG
15:51 | 20/05/2020

Mây qua bến đò một chiều muộn cuối xuân. Chút nắng cuối ngày hoang mang trong gió Nam lao xao khua vạt cải ngồng sát bến rối rít hoa vàng hoa trắng. Mấy đụn khói ai đó hun cỏ khoảnh ruộng sát chân đê bị gió đánh tan tác trong chiều. Góc trời Đông đã lờ nhờ hiện hình vầng trăng mười bốn gần tròn. 

Đò vắng. Ông cháu người chở đang lọ dọ buộc lại sợi dây xích vẫn dùng để cột đò mỗi khi cập bến. Mây hắng giọng: Vắng thế này có sang bến luôn được không ông lái? Ông lão ngẩng lên, nhận ra người quen, cười tít, mắt nheo nheo bởi ánh nắng xiên tạo hình phạt mảng gương mặt sạm sương gió: Sang được, sang được.. Miễn là mày trả thêm lão chút tiền dầu. - Vâng thì con giả thêm tiền dầu. Nhưng ông phải vừa chèo vừa hò con nghe cái câu hôm trước. - Dào, câu ý có gì hay ho mà nghe. Để lát lão ơ hơ mấy câu lão được ma nhập cho đêm qua, nó còn hay bằng mấy.  Ông lái người làng Sủ, quê ngoại của Mây, bên kia sông. Bến Lác - tên bến đò - nối làng Na của Mây với làng Sủ, là nơi Mây vẫn thường qua lại mỗi khi bên quê mẹ có việc. Ví như hôm nay Mây giúp mẹ đem sang bà ngoại con gà, cân nếp cái để mai cậu em mẹ cúng rằm. Ông lái thường trêu Mây: Ngày trước, tao vẫn cõng mày xuống bến mỗi khi mẹ con mày về ngoại. Con gái đáo để, chẳng dứt mẹ, có lúc mày còn cắn tay tao khi tao đón từ mẹ mày ý. Mây hay ngượng ngùng: Con đâu ghê gớm thế. Ông không thấy giờ ngoan ngoản ngoàn ngoan thế này à. - Ờ thì lớn thế, không ngoan thì ma nó rước mày... Mây nghe mẹ kể, ông lái là người có quá khứ cũng “oanh liệt” lắm. Hồi thanh niên nổi tiếng khỏe mạnh, lại tập tành võ nghệ. Ông mê một cô gái làng. Nhưng cay đắng thay, chưa kịp ngỏ ý, cô gái bị bọn Tây càn qua làng bắt lên bốt Tổng. Cô không chịu nhục đã lao đầu vào bức tường lô cốt bằng bê tông sần sùi dày 40 phân mà chết. Đêm đó, ông một mình, cởi trần, quần cộc, dắt theo con dao găm, luồn qua đống thép gai vào bốt cứa đứt cổ ba thằng Tây thì bị phát hiện. Chính thằng cò Tửng, con nhà Chánh Phiên cùng làng - khi đó ở trong bốt cùng đám Tây - nhìn thấy ông. Nó tri hô tên ông, báo động. Súng bắn đì đòm. Ông phải bỏ chạy ra phía sông, lao xuống nước, bơi ngược dòng mấy cây số mới thoát truy đuổi. Lúc lên bờ, gặp mấy thanh niên đang lên chiến khu nhập Vệ quốc quân, ông theo luôn. Mấy năm sau, ông bị thương vào chân, không thể hành quân chiến đấu, đành trở về quê lúc này đã được giải phóng...

Ông lái vớ chiếc sào dài cắm chếch phía ngoài sông để miết mạn đò sát thêm thềm bến để Mây bước lên, trong khi người cháu gỡ dần sợi xích cột vào cọc neo đóng trên bờ. Con đò to vậy mà cũng hơi nghiêng mạn khi Mây bước lên. Chẳng biết có phải do cái sóng nước cứ dập dềnh trong gió cuối chiều càng lúc càng lộng, hay bởi cái trĩu nặng suy nghĩ trong Mây khiến nó chòng chành. Đúng lúc chuẩn bị tách bến thì một người đàn ông phóng xe máy từ trên đê vội vã lao xuống, giọng gọi cuống quýt: Đợi với đò ơi... Hai ông cháu ghìm đò, đẩy cập lại bến. Người cháu nhảy lên bờ ngoằng sợi xích sắt vào cọc, rồi kéo tấm ván mộc gác một đầu lên bờ tạo lối cho người đàn ông và chiếc xe lên. Con đò lại chòng chành. Mây phải vịn tay vào cây cột chống mái che khu buồng máy con đò. Người đàn ông dựng chân chống xe giữa lòng đò. Mây để ý thấy yên sau xe có chằng vật gì dài dài được bọc cẩn thận bằng bao da đã mốc thếch. Anh ta chậm rãi rút bao thuốc lép lấy điếu châm, ngửa đầu phả khói lên giời rồi khẽ quay sang, kín đáo quan sát Mây - cô gái làng da trắng môi hồng, mộc vẻ đẹp nồng nã như bông cải vừa trổ đầu ngồng. Người đàn ông trầm giọng hỏi: - Cô ở làng Na sao? - Vâng, anh cũng về bên đó? - Ừ, tôi sang chỗ đám thơ cụ Bổng dự buổi sinh hoạt.  À đám thơ làng Na thì Mây biết. Đám do cụ Bổng, cụ Phiêu dựng đàn chiêu mời huynh hữu, hoạt động tưng bừng lắm. Mỗi dịp gặp nhau, đôi ba chén rượu là thơ tuôn ào ào. Mây chẳng thạo mấy thơ phú, dù đã bao lần được người làm tặng. Có lần ra hầu nước nhân cuộc gặp mặt hội thơ, thấy vừa sang cách vừa thấp thoáng chút hài hước. Có cụ thơ xuân nghe thật cảm với trùng trùng chữ nghĩa, vần ý đối đăng, cao siêu như thái núi trường sông. Có cụ hơi thơ như sương giăng cành mỏng, xao xác hương hoa, thoáng màu xiêm áo người trong mộng ngày xưa rải nhớ mấy mươi năm đến đầm đìa nước mắt. Có cụ thơ như hành quân đánh trận, khẩu hiệu từng vần. Thơ từ chiếc răng rụng, đến cơn đau bụng đêm hàn, sắn lúa ngô khoai, bãi ngoài sông vắng, thơ nịnh vợ già, dặn đứa cháu ngoan... đại để cứ vần thì gọi là thơ, nhưng nghe cũng vui đáo để. Ừ thì tuổi già các cụ thế cũng vui. Giờ cuộc sống đang lên. Con cháu các gia đình đều làm ăn được, mồi tiền để các cụ có chốn gặp gỡ giao lưu tuổi già... Mây nhìn chăm chú hơn người đàn ông. Vóc người vừa phải. Gương mặt khá ưa nhìn, phảng phất phong trần lãng tử, lại thấp thoáng kiêu căng, tự tin với hai bên khóe miệng hằn nét sổ. Anh ta chỉ hơn Mây dăm tuổi, sao đã gia nhập với đám thơ các cụ được nhỉ? Nhưng hơi đâu mà tò mò. Mây lặng nhìn mặt nước lấp loáng vàng nắng vương cuối chiều. Mây biết rõ sông mùa này nước vẫn cực lạnh, dẫu bề mặt thì phơn phởn ấm áp nắng vàng.  

…Về đâu

Con sông rầu dòng

Giêng Hai bừng bừng mặt 

Sao nước buốt lòng run lạnh?


Bờ bãi, mái làng bên sông đơm khói chiều ấm thế

Hoa cải ven sông vàng thế

Chân trần gái quê nõn ngó sen mời gọi

Sao không ở lại sông ơi?


Sao cứ tự lòng ru mặt trời

Vuốt ve vầng trăng hao khuyết

Đóng mình giữa đôi bờ

Tự khúc trôi mải miết?..

Mây nghĩ và tự hỏi: Đời người có giống đời sông, cứ trôi mãi về phía trước? Khi lắc lư ghềnh thác, lúc êm ả an nhiên; khúc quanh đoạn duỗi, vơi đầy thay đổi; trong thì lạnh, đục thì ấm?... Nhưng chắc chắn sông sống lâu hơn người. Như con sông bên làng Na của Mây, nó có từ thuở hồng hoang nào ai rõ. Nó cũng chả khi nào ngừng chảy dù mùa cạn hay tiết đầy. Có đến ức vạn đời người ven sông sinh ra lớn lên rồi héo tàn mà con sông vẫn thế... Cứ mỗi đận qua sông, Mây lại - dù không muốn - vẫn nhớ đến Phan, người viết những vần thơ ấy và cũng là kẻ đã cứa vào tim Mây vết thương luyến ái đầu đời. Trưa nay, giúp mẹ đem gà, gạo nếp về bên Sủ, Mây cũng tình cờ gặp Phan. Phan là cháu nội lão cò Tửng và là chắt nội Chánh Phiên. Lão cò Tửng khi xưa theo Tây chỉ điểm bắt mấy cán bộ bí mật ở làng Sủ và mấy xã quanh vùng, bị tòa án cách mạng tuyên án tử. Vào ngày chợ phiên cuối cùng áp tết năm ấy, cò Tửng cùng đám lính dõng ra chợ Sủ uống rượu, đã bị du kích bí mật trà trộn trong người đi chợ áp sát, xiên lưỡi đòng thấu tim, chết không kêu được một tiếng. Tuy là Chánh tổng, nhưng Chánh Phiên - cha của cò Tửng lại là người có nhiều ân tình, giúp đỡ cán bộ cách mạng, chỉ cái chẳng dạy nổi thằng con nên nó phải gánh nghiệp sát thân. Oái oăm thay, trước khi chết, cò Tửng đã để lại đời giọt máu với người phụ nữ cùng làng, vốn được hắn dụ lên khu lô cốt để lấy vỏ lon, đồ hộp...  ép rượu rồi cưỡng hiếp. Đứa trẻ là con hắn với người phụ nữ ấy sau này lấy vợ làng Na, sinh ra Phan. 

Ơ hơ... Đường đời bao khúc quanh co/ Sông sâu sào ngắn khôn dò lối sang/ Chiều tàn đợi chuyến đò ngang/ Rồi đêm đom đóm soi đường sang sông/ Tàn canh le lói ánh hồng/ Nghe đôi cánh hạc phập phồng chân mây… Tiếng hò của lão lái đò bỗng cất giữa thinh không, cắt ngang luồng suy nghĩ của Mây về Phan. Giọng lão khá vang, đầy nội lực, nội tâm và mấy câu thơ kia cũng đáng tán thưởng. Nó đúng là trải nghiệm của người đủ bầm dập cuộc sống. Tiếng hò va đập cùng tiếng máy nổ, tiếng gió Nam lồng chạy... nghe thấp thỏm chẳng yên. Bỗng chiếc đầu nổ hục hặc, rồi nghe lắc cắc như tiếng kim loại vỡ. Chiếc đầu nổ giật khục khục vài cái thì tắt lịm. - Thôi chết, chắc vỡ bi phớt gì rồi. Ông lão ghìm tay lái, bảo thằng cháu giữ chặt lại để điều hướng đò, còn mình lại gần đầu nổ vẫn đang bốc ít khói trắng nghiêng ngó. Ông kéo le, mồi lại dầu, rồi giật dây khởi động. Động cơ như trượt mất đà nổ. - Hỏng rồi, chắc vỡ phớt. Định cố qua rằm thì thay, ai dè nó đổ sớm thế. Ông lái lầu bầu, đứng lên cầm cây sào ra đầu đò khua nước để tiếp tục đưa đò sang. Nhưng dòng nước sông trông lờ đờ thế mà cũng kịp đẩy thuyền cách điểm neo mấy chục mét. Hai ông cháu cột thừng vào cọc mũi, nhảy lên bờ, bảo người đàn ông cầm sào đẩy đò giữ khoảng một cách mép bờ; còn họ kéo dây giong đò trở lại bến. Bước chân họ khấp khểnh trên những vạt ruộng cải ngồng, cải cúc hoa vàng hoa trắng, khua lũ bướm bắp cải trắng liệng bay loạn xạ. Phải mấy mươi phút, con đò mới về đúng bến. 

Khi Mây rời bến đò, nắng đã tắt. Bầu trời đổ màu xanh cô ban. Cảnh vật bỗng mang vẻ đẹp gợi ý, gợi tình... đầy bí ẩn và huyền ảo. Những vạt cải ngồng cũng sẫm sắc, đằm thắm và xốn xang hơn, tỏa mùi hương hăng ngái. Người đàn ông đẩy xe máy lên bến, quay sang bảo Mây: - Cùng đường, để tôi đưa cô về? Mây chối: - Thôi, phiền anh. Tôi đi bộ mấy bước chân là tới nhà rồi. Ông lái đò đế vào, bảo Mây: - Trời sắp tối, mày đi nhờ anh ấy về cho sớm con ạ. Quay sang người đàn ông, ông lão hăm đùa: Anh chở nó hẳn hoi, có ý lưu manh thì đừng trách lão... Người đó cười ngượng ngại: - Ông yên tâm. Con còn muốn về ở hẳn làng Na cơ. Ông lái cười khứ khứ: - Cũng bẻm đấy. Đi đi, lão còn sửa máy, kẻo ai có việc qua sông lại không dốc lòng phục vụ được...  Người đó bảo: - Đêm con mới về, ông đưa con qua nhé. Ông lão cười khích khích: - Được, cứ cầm theo cút rượu với mấy củ lạc rang, lão chở miễn phí.

Người đàn ông tháo vật dài dài bọc trong bao da nơi yên xe, đưa cho Mây bảo cầm giúp để lấy chỗ ngồi. Thì ra đó là một cây đàn bầu. Mây ngượng nghịu ngồi lùi sát sau yên xe người lạ, tay trái ôm bao đàn đặt ngang ngăn giữa hai người, tay phải bấu chặt vào quai giá đèo hàng phía sau để tránh bám vào người ấy. Mây cảm giác hơi hoang mang, nhưng cũng có phần phấn khích, là lạ. Cái mùi bao da nồng nồng, cộng với mùi đàn ông xộc vào Mây đột ngột cùng lúc xe chuyển bánh. Con đường đê khấp khểnh khiến đầu và người Mây cứ lúc là lúc lắc. Mây chỉ cho anh ta lối về ngõ Giếng nhà mình. Ngõ Giếng là chòm hơn chục nóc nhà đa phần đến ở chưa lâu do dân cư làng ngày một đông, người ta cho những cặp vợ chồng trẻ, cũng như những gia đình đất chật trong làng có nhu cầu ra khu này dựng nhà ở, hình thành cụm dân cư ngõ Giếng. Chẳng biết giếng có từ bao giờ, nhưng theo cụ Bổng, cụ Phiêu kể trước đây khu giếng tách biệt, nằm hẳn đầu làng. Thời Hùng Vương, Thánh Gióng đánh giặc qua đây đã dừng chân bên giếng này nghỉ ngơi, uống nước, ăn trầu. Xung quanh giếng hiện vẫn có mấy vết lõm vừa bàn chân người được cho là dấu chân của Thánh Gióng để lại. Ngoài ra còn nhiều vết lỗ chỗ nhỏ li ti khác vẫn được truyền tụng là vết nước trầu bắn ra do Thánh Gióng ăn, nhả bã xuống. Đặc biệt, nguồn nước ở đây lúc nào cũng có màu đỏ như màu bã trầu nên người dân thường gọi là nước trầu. Màu nước vậy nhưng mà dùng luộc rau muống làng Na thì ngon không đâu sánh bằng. Vào dịp lễ hội, dân làng lại trang trọng tổ chức lễ rước nước từ giếng về đình làng để cúng thánh. Người ta bảo, người con gái làng Na yêu ai mà có dịp mời cơm, chỉ cần cho họ ăn món rau muống mình trồng, luộc bằng nước giếng trầu, sẽ khiến họ như bị bỏ bùa, tình họ với mình luôn thắm chẳng bao giờ dứt.

Đến đầu ngõ Giếng, Mây bảo người đàn ông dừng xe. Cô nhảy xuống, đưa trả bao đàn, cảm ơn rồi vội vã rảo về nhà khiến anh chàng chỉ còn cách đứng ngẩn nhìn theo. Chẳng phải Mây thiếu tế nhị và không biết ứng xử, nhưng không hiểu sao Mây cứ sờ sợ cuộc gặp bất ngờ này nên không muốn để nó kéo dài. Hơn nữa, trên quãng đường ngắn ngủi ngồi sau xe anh ta, Mây bỗng gặp cái cảm giác bồn chồn nóng ruột, gai se da thịt, mơ hồ lo lắng nhưng chẳng thể xác định điều gì. Đó là cảm giác giống lần đứng gần đến như chạm phải Phan trong đêm hội chen bên Sủ. Mây vẫn khiếp mãi cái đêm hội hầm hập mê sảng, thốc tháo cuốn người vào trạng thái cuống cuồng tay chân như a dua lên đồng ấy. Năm đó, Mây đang học năm cuối trường Cao đẳng sư phạm tỉnh. Mấy đứa bạn cùng lớp rủ nhau đi xem hội Chen bên Sủ. Mẹ bảo Mây và đám bạn: Tao cấm. Con gái con đứa chúng mày chớ có mà đưa chân vào đám hội ý. Có sang chơi thì lúc nhát ban ngày, rồi về nhà cậu thăm bà ngoại, chiều về sớm kẻo hội đông, đò đầy. Cả bọn rong chơi suốt buổi hội bên ấy. Hội làng vui lăm lắm. Nào rước xách, tế lễ; nào là các trò chơi đánh đu, đấu vật, chọi gà, kéo co.. Nhưng nổi tiếng nhất là tục tắt đăng trong đêm hội Chen. Mây và đám bạn hồi đó cũng đâu có biết cái khát vọng mang tính phồn thực, cầu mong sự sinh sôi vạn vật... hội tụ trong lễ hội âm dương giao hòa ấy. Cả bọn đâu biết đám trai làng Sủ luôn để mắt dõi theo, bám sau họ suốt ngày trong không gian lễ hội - mặc dù bề ngoài chúng luôn tỏ ra dửng dưng...

- Sao về muộn thế con? Tiếng mẹ khiến Mây giật mình, đứt mạch hồi ức. - Cụ Phiêu khi chiều qua nhà mình bảo con tối ra giúp trà nước đám thơ các cụ đấy. Cụ còn gửi bài thơ nhờ con ngâm đây này. Ăn cơm nhanh đi, rồi ra giúp họ.

- Sao mẹ không bảo con sang ngoại? Mây phụng phịu - Chị Lụa, chị Duyên đâu mà lại phải khua đến con?

- Cụ ý bảo chị Lụa có việc bên nhà chồng, còn chị Duyên đang bị cảm cúm, nhờ con thay các chị.

Chị Lụa, chị Duyên là những “cây văn nghệ” của làng. Các chị đều mặn sắc, duyên dáng, giỏi hát cả chèo, tuồng, Quan họ, lại ngâm thơ rất hay. Mây thi thoảng cũng theo chân các chị đi diễn văn nghệ ở đám hội hay sự kiện của các cơ quan, đơn vị quanh vùng. Mặc dù có giọng, có cả nhan sắc, nhưng Mây chẳng mấy chú tâm vào ca hát, mà dành nhiều thời gian cho công việc chuốt nặn gốm ở xưởng họa sĩ Phùng. Công việc đùa nghịch với đất để lên hình đồ vật, tác phẩm luôn thu hút Mây từ khi bé tí. Bãi sông làng Na có khu sét trắng, thủa nhỏ đám trẻ như Mây vẫn thường đào lấy để làm pháo đất hay nặn hình nhân, con giống. Vậy nên khi họa sĩ Phùng về làng Na mở xưởng gốm, lập nghiệp, Mây theo học rồi sau đó - khi mà chả được làm cô giáo - cô về làm luôn ở xưởng gốm. Cái trò nghịch đất thuở nhỏ đã cho Mây nhanh chóng trở thành tay thợ gốm lành nghề, có nhiều sáng tạo trọng chuốt, nặn, trang trí các đồ gốm mỹ nghệ ở xưởng của họa sĩ Phùng. Họa sĩ Phùng là dân Bát Tràng, tính khá lập dị. Anh học Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường, chẳng xin làm ở cơ quan đơn vị nhà nước, cũng không về quê mà bán luôn khuôn đất bố mẹ cho để dong duổi chơi bời, lang thang khắp các vùng gốm trong cả nước. Rồi một ngày bỗng nhiên về làng của Mây, mua lại căn nhà của lão Phận lò rèn, sửa sang lại, rồi xin chính quyền cho mở xưởng gốm, tuyển ít nhân công trong làng tới dạy nghề, sản xuất. Những sản phẩm của xưởng cũng chả giống ở đâu. Anh nặn những chiếc tiểu méo mó, sứt sẹo, điểm thêm lá cúc, lá sen cách điệu, nung cháy đen cháy đỏ xây bờ tường, xây cột cổng, trang trí cho căn nhà đất trình tường dựng lên làm nơi trưng bày gốm của mình. Lại nữa, ngoài những mẫu sản phẩm anh vẽ, đưa ra sản xuất, anh để mặc sức Mây và những người thợ chuốt, nặn các đồ vật theo cảm giác và cảm xúc của mình, rồi mới tham gia góp ý, chỉnh sửa. Có những hình nhân Mây nặn khi đất quá nhão, mãi chả thành, bực mình vứt xó rồi quên mất. Vậy mà khi nhìn thấy, họa sĩ Phùng vô cùng thích thú, đưa nung rồi đem về khu nhà đất trình tường của mình để vào giá sưu tập. Rồi những bảng phù điêu dị dạng hình khối, xoắn vặn, nứt ngang nứt dọc sau khi nung; những mảng vẩy sét, va quệt men ngẫu nhiên dính trên sản phẩm.. đều cho họa sĩ Phùng những ý tưởng sản phẩm mới. Vậy nên những đồ gốm của xưởng hầu như độc bản, ngẫu hứng, mộc và hồn nhiên hơi thở nhân sinh, hấp dẫn được khách hàng - hầu hết là giới chơi nghệ thuật. Họa sĩ Phùng phải lòng Mây. Mây biết điều đó. Nhưng trái tim Mây như chim phải tên cung một lần nên sợ cành cong, chẳng dám mở lòng với anh. Họa sĩ Phùng biết vậy, nên chỉ biết nhẫn nại đợi chờ...

Mây vội vàng ăn cơm, rửa bát đũa rồi vớ bộ quần áo mới vào nhà tắm. Do cứ mải miết những suy tư vẩn vơ về chuyện nọ chuyện kia nên Mây quên cả bật bình nước nóng. Dòng lạnh buốt đột ngột xối lên da thịt khiến cô run bắn. Nó giống như cái cảm giác khi bị những bàn tay của gã trai làng Sủ vồ lên người trong đêm hội Chen năm ấy. Đúng là năm ấy không có Phan liều mình đương đầu với chính đám trai cùng làng Sủ thì Mây và mấy cô bạn khó mà thoát khỏi nham nhở thân mình trinh nữ. Mây nhớ, tối hôm hội đó, cơm nước nhà cậu mợ xong, Mây và mấy cô bạn định về thì mợ rủ ở lại xem văn công Trung ương, sau đó còn có mấy “sao” ca nhạc đang nổi tiếng khi ấy biểu diễn. Chả mấy khi có dịp. Mây và đám bạn bùi tai, tặc lưỡi ở lại. Mây vẫn nhớ đêm đó Nhà hát Chèo Trung ương diễn vở Quan Âm Thị Kính, xem, nghe mê ly. Nhưng mê nữa là được nhìn tận mắt và nghe tận nơi mấy “sao” ca nhạc biểu diễn trên sân khấu hội làng. Chỉ mỗi tội họ là “sao”, nên cứ bắt mọi người phải chờ. Sau bao tiết mục hát đệm để đốt thời gian, gần khuya họ mới xuất hiện cùng đoàn vệ sĩ hộ tống, nghe ra vô cùng quan trọng. Khi họ rời khỏi sân khấu thì cũng là lúc đến nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội phồn thực với tục tắt đăng. Mây cùng đám bạn vội vã rời khỏi khu vực hội, tính về luôn vì ngày hội thì lái đò vẫn thường phục vụ suốt đêm. Nhưng chưa ra khỏi hội thì đã nghe trống chiêng dồn dập, rồi thì tiếng hô của ông đám trên loa: Tắt đăng! Đèn đóm tắt phụp, đám trai làng Sủ vốn vẫn theo Mây và mấy cô bạn suốt buổi hội như từ dưới đất mọc lên xông ngay vào họ. Trong cái tối tăm sây sẩm mặt mày của đêm tháng Giêng, chưa cả định thần thì Mây đã thấy đôi bàn tay ai đó vồ vào mình. Mây lạnh toát, run bắn và hoảng hốt tột độ, khoa tay chống đỡ, nhưng bước chân hụt bờ cỏ rệ đường ngã xoài. Ngay sau đó Mây bị thân hình ai đó đè lên, bàn tay hấp tấp sờ soạng lên ngực, lên đùi, rồi cuống quýt tìm cạp quần cô. Sợ hãi khiến Mây không cả thở nổi, nói gì đến chống chọi với kẻ lạ đang hùng hục dục vọng chiếm đoạt thân xác mình. Đúng lúc đó, một bóng người xuất hiện, tóm lấy cái thân hình kẻ đang đè cứng lên Mây, nhấc mạnh và đẩy ra. Rồi cả hai đấm đá loạn xạ. Mây vùng dậy chạy bán sống bán chết về phía bờ sông. Gần đến bến đò, chợt nhớ tới mấy cô bạn cùng đi, dù vô cùng sợ hãi, Mây vẫn cắm đầu chạy ngược trở lại. Được một quãng thì gặp họ cũng đang dắt díu nhau sấp ngửa về hướng Mây. Bãi ven sông do được hắt sáng bởi mặt nước, không còn tối thui như trong làng, nên Mây lờ mờ nhận ra đi theo sau mấy cô bạn là Phan. Sở dĩ Mây biết Phan bởi mẹ anh ta người làng Na; anh ta thi thoảng vẫn sang quê mẹ. Sau này, khi Mây và Phan yêu nhau, Phan thường sang xưởng gốm của họa sĩ Phùng - nơi Mây làm việc. Phan không hẳn đẹp trai, nhưng gương mặt và tính cách đàn ông như ưu thế thu hút nổi trội với cánh con gái. Phan cũng nhân đó học thêm nghề gốm. Họa sĩ Phùng tỏ ra rất khoái chàng trai cá tính, giàu cảm xúc, làm thơ khá hay, và có nhiều ý tưởng sáng tạo với nghề. Trên tay Phan cầm vật gì như cây nèo đập lúa. Mây và đám bạn ôm chầm lấy nhau, mừng đến phát khóc. Phan tiến đến bảo: Đi nhanh đi, qua sông, kẻo biết đâu bọn chúng tìm... Đến bến đò, đò đang neo bên kia. Mây và đám bạn gọi toáng bao câu chả thấy lái đò thưa. Phan bảo: Để tôi bơi qua xem sao. Mọi người cứ núp sát bờ mép sông, ở trên không thấy được. Nói rồi Phan cởi áo, nhảy xuống sông, bơi sang bờ bên kia. Trong bóng tối của đêm tháng Giêng lạnh lẽo, mặt sông cô hồn lờ nhờ vẻ lân tinh, vậy mà Phan dám xuống nước, bơi qua sông. Mây rùng mình bởi hơi lạnh từ làn nước ủ cái giá buốt qua suốt mùa đông phả vào cơ thể vẫn chưa hết run từ khi bị tấn công. May mà cô và cả đám bạn đều chưa hề hấn gì nghiêm trọng. Hỏi ra mới biết, sau khi giải cứu Mây, Phan đã vác nèo đập lúa tả xung hữu đột, đuổi đám thanh niên làng Sủ để các bạn Mây thoát khỏi cảm hứng tắt đăng, tùy cho hành sự của chúng theo lệ làng. Một lát sau, chiếc thuyền bên kia sông lừ lừ tiến vào bờ. Nhưng không phải ông lái Mây quen mặt, mà là Phan cầm chèo. Phan bảo chả biết ông lão lái đò đi đâu, thấy đò neo bến, máy nổ thì khóa, Phan phải chèo tay. Cả bọn lên thuyền. Lúc này Mây mới để ý trên trán Phan có vệt gì sẫm đen, kéo dài xuống bên má. Mây lại gần, căng mắt nhìn, thấy giống như vệt máu vẫn đang chảy. Cô lấy chiếc khăn tay, dạn dĩ tiến đến, đưa cho Phan. - Hình như anh chảy máu trên trán, lau đi. Phan đưa bàn tay quệt đuổi vệt sẫm trên má, cười nhẹ: - Vừa rồi tháo dây neo ném lên đò, vô ý bị nó quệt vào trán, chắc vết nhọ của dây thôi. Mây dúi chiếc khăn vào tay Phan: - Nhọ gì mà chảy thành dòng? Anh rịt nó lại đi, để tôi chèo. Nói rồi Mây giằng chèo của Phan. Hai cơ thể sát gần như chạm vào nhau. Mây bỗng rùng mình, gai se da thịt, hơi thở chợt gấp gáp. Một cảm giác vừa mơ hồ lo lắng, vừa háo hức tò mò bỗng bừng trong cô... 

Ơ... hơ... Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng chén rượu đi tìm người thương... Tiếng ông lão lái đò đến trước cái dáng hình xệch xạc từ trên đê xuống bến được hắt sáng bởi bóng điện bát vàng ệch từ phía điếm canh đê. Thì ra ông lão bỏ đò vào làng Na uống rượu. Chắc là quán nhà đồng Lan - Mây đoán thế - vì làng Na chỉ có đồng Lan bán rượu qua đêm, và bởi mụ chả ngại tiếp bất cứ khách nào giữa đêm khuya. Sở dĩ người làng gọi tên vậy vì mụ vốn có căn đồng bóng, thường khi năm nào cũng mấy lần hầu đền hầu phủ, chỗ ở của mụ cũng suốt ngày mịt mù hương khói. Đồng Lan là người đàn bà sồn sồn, thân hình nóng bỏng, quê tận Thanh Hóa, bỏ chồng đi làm ăn bên Trại Cau, Thái Nguyên. Nhưng nghe đâu ở đó dính dáng đến anh chàng ở nông trường chè đã có vợ, bị đánh ghen tơi bời. Đám chị em nhà anh chàng kia tóm được đồng Lan cùng anh chàng tình tự trên đồi chè, đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, cắt tóc, tống cả cái chày giã cua to tướng vào chỗ kín của đồng Lan đến chảy máu đầm đìa. Sau đó, mụ bỏ của chạy lấy người. Lang bạt đến làng Na thì gặp lão Phận lò rèn. Lão Phận góa vợ, nuôi thằng con bị câm từ nhỏ. Lão làm nghề rèn ở gần cầu ma đầu làng. Cầu ma là nơi vẫn dành để người ta đặt quan tài hay xác người làng chết đường chết chợ, theo lệ không cho vào làng, mà để đó làm lễ rồi đưa đi an táng. Nhà lão Phận giữa làng, nhưng do làm rèn chí chát đe búa, thổi bễ phì phọp, có lúc khói um bốc mùi than gio khiến hàng xóm kêu ca nên lão dựng mấy gian lán bằng gạch ba banh, lợp fibro ximăng ở đầu làng gần cầu ma để làm nghề. Vốn là dân cơ bắp, lão chả ngại mấy chuyện ma quỷ trêu chọc như người làng vẫn đồn thổi khi dựng lán ở đó. Lão còn tếu táo với bà con đến đánh dao, rẽ liềm rằng ngủ ở đó còn khoái hơn trong làng, có đêm còn mơ được mấy em trẻ măng chăm sóc, sướng như tiên. Đồng Lan gặp lão Phận như mạ già ném vào ruộng ngấu, quấn bện lấy nhau ngay. Thế là đồng Lan ở lại làng Na, mở hàng nước cùng nơi lão Phận làm rèn. Một đêm lão Phận lăn ra chết. Người làng kháo nhau lão bị “thượng mã phong”. Sau khi lão Phận qua đời, đồng Lan tiếp quản căn lán, giữ nghề bán hàng nước kiêm mua bán tuốt tuột các loại hàng hóa, đồ vật do dân đạo chích mang đến. Vậy nên quán của mụ luôn là nơi thậm thụt ra vào của nhiều đối tượng bất hảo cả ngày lẫn đêm. Lãnh đạo thôn biết điều đó nhưng cũng cho qua. Một phần do đồng Lan lý lịch chẳng mấy đẹp đẽ nhưng lại biết sống chiều lòng mọi người, sẵn sàng đem tiền của kiếm được đóng góp mọi việc làng, hay tham gia làm từ thiện. Một phần đôi khi mụ vẫn dấm dúi ưu ái các bác bằng cái cơ thể nóng bỏng đến khó cưỡng của mình. Thằng con riêng bị câm của lão Phận được gửi vào trường nuôi dạy trẻ khuyết tật mồ côi trên tỉnh, còn căn nhà trong làng của lão được đồng Lan bán cho họa sĩ Phùng lấy tiền lập số tiết kiệm cho thằng bé câm để sau này có cái mà trông. 

Khi ông lão lái đò đến bến thì cũng là lúc thuyền đưa Mây và đám bạn cập bờ. Đang định sừng sộ với mọi người vì tội tự tiện lấy đò thì chợt nhận ra Mây, Phan, lão lái đò ngọ nguậy đầu, làu bàu: Dám cả gan lấy đò của lão hử. Phan chào: Con chào thầy. Mây bảo ông lái đò: Ông khướt thế đừng có chạy đò nữa. Để anh Phan chèo đưa ông lại bên kia. Về ngủ khò đi, chứ đêm hôm sông nước nguy hiểm lắm. Ông lão bảo: Ừ, cũng khuya rồi, để thằng Phan đưa lão sang bên kia sông. Cả hai ngủ thuyền luôn cho yên tâm. Mây và đám bạn rời bến đò. Đêm tháng Giêng lạnh lẽo với màu đêm xanh xám, lờ nhờ hơi hướng liêu trai, khó nhận diện rõ hình hài cảnh vật khiến cả bọn run rẩy túm tay nhau đi như ma đuổi, về đến nhà thì đã hơn 2 giờ sáng. Hú vía... Mãi sau này Mây mới biết Phan chính là đệ tử võ học của ông lão lái đò. Chả trách đám trai cùng làng Sủ khi thấy Phan ra mặt can thiệp vụ tắt đăng cũng phải ngại mấy phần chả dám gây chuyện. Mặc dù lão lái có thâm thù với cò Tửng, ông nội của Phan. Nhưng cha mẹ Phan thì chả liên quan gì. Vả lại họ đều là những người bất hạnh. Đứa con rơi của cò Tửng - cha của Phan phải sống trong khổ ải bởi mối khinh bỉ của làng xóm. Đến bản thân Phan vẫn phải gánh nghiệp của ông, cha. Dù thông minh, học giỏi, nhưng Phan cũng chỉ đi hết cấp ba, chả thi vào trường Đại học nào. Phan viết đơn tình nguyện vào bộ đội, nhưng lý lịch ông cha khiến Phan không được toại nguyện, đành ở nhà đi xây cùng cánh thợ của cai Lữu. Có sức, có trình độ, Phan làm việc gì cũng khá. Nhất là sau khi sang chơi bên xưởng gốm của họa sĩ Phùng, Phan học hỏi khá nhiều kỹ thuật đắp nặn, về nhà dần dà chuyển sang chuyên cải đắp con giống, trang trí hoa văn, hổ phù, đắp vân mây phượng vũ các công trình tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Biết lão lái đò là người võ nghệ nổi tiếng trong vùng, Phan tìm đến năn nỉ xin theo học. Quý thằng bé đáng thương, ông lão nhận làm đệ tử duy nhất. Quá khứ bỏ qua - ông lão nghĩ vậy. Được cái thằng này thông minh, chả mấy lúc đã thạo hết các chiêu thức ông lão dạy. Nếu đấu tay đôi, chưa chắc lão đã nắm phần thắng.

*      *

*

Khi Mây đến đám thơ cụ Bổng, cụ Phiêu, mọi người vẫn chưa tập trung đầy đủ. Chắc hôm nay nhiều nhà làm rằm, nên các cụ còn dềnh dang đánh chén. Người đàn ông Mây gặp ban chiều và đưa Mây về nhà ngồi đó với cây đàn bầu trước mặt. Cạnh anh ta còn có cụ Tổng chuyên thổi sáo trúc. Cụ Phiêu vừa thấy Mây đã vồn vã hỏi: Thế nào, đã xem bài thơ của lão chưa? Lát ngâm giúp, chứ lão giờ rụng sạch cả răng, nói còn chả rõ, ngâm ngợi thơ phú sao được. Mây giật mình: - Chết rồi, con quên khuấy mất, không cầm theo. Để con chạy về lấy vậy. - Không cần, không cần, lão đây vẫn còn bản nữa. Cầm lấy xem cho kỹ nhé, chữ lão cũng hơi giun dế khó đọc. Yên tâm, lát cậu Phong đây sẽ đàn để cháu ngâm. Nó học nhạc viện hẳn hoi, là cán bộ phòng văn hóa huyện, là tay đàn cự phách đấy. Nói rồi cụ Phiêu đưa bài thơ cho Mây. Mây đọc bài thơ. Gớm, bảy tám mươi tuổi rồi mà vẫn thơ tình cơ đấy. Thảo nào cụ chẳng dám đọc. Ỡm ờ như giọt nắng thu/ Cành cao em thả lời ru tuổi chiều... Ờ mà thơ tình cuối mùa thu đây mà, Mây cười tủm tỉm, đọc tiếp. Những vần thơ cụ viết khá duyên, vừa chất chứa ẩn ý, vừa dạt dào tình cảm, lại vừa ra chiều trách yêu cái người nào đó vốn đã cảm tình mà cứ cố tỏ dửng dưng: Phập phồng nửa những mong yêu/ Đắn đo nửa sợ tiếng điều thế gian/ Xuân qua, qua, quá nhẹ nhàng/ Thu sao sóng nổi bão ngang thế này/ Xốn xang tận gốc cỏ may/ Bồn chồn cả nỗi nhớ ngày, mơ đêm/ Nhón chân lệch góc bình yên/ Kê sao bằng lại chót miền đa đoan… Khi Mây ngâm bài thơ đến đoạn này, chả hiểu sao bỗng sững lại, nhịp tim bỗng bừng bừng, phải ngưng lại để thở và lấy lại hơi. May mà người chơi đàn bầu và cụ Tổng sáo nhân đó càng có cơ trổ tài. Họ đẩy tiếng bầu, tiếng sáo quấn quện, giãi trải và đầy ngẫu hứng như các nghệ sĩ nhạc jazz. Đặc biệt, tiếng bầu của chàng trai thật đẹp. Nó mềm ấm, phiêu đến ma mị, cô hồn; vây tỏa và mê mẩn dẫn dụ người nghe đến vô thức. Đúng là dân được học hành bài bản nhạc viện có khác, ngón đàn quả là tinh thạo. Tiếng đàn khiến Mây xốn xang, nghiêng lòng, cảm tình ngay với người đàn ông chơi đàn bầu... Tiếng đàn dắt Mây lan man miền ký ức với mối tình đầu giờ vẫn cột chặt lấy cô như định mệnh ngọt ngào và đau đớn. 

*      *

*

Năm Mây học xong cao đẳng sư phạm thì cũng là khi cô và Phan chính thức đến với nhau. Bữa ấy chiều tà, đang vào mùa gặt. Mây giúp mẹ gánh lúa từ đồng về thì gặp Phan. Trước đó, cả hai đã trở nên thân quen, gần gũi, nhưng chả ai dám tỏ bày tình cảm vốn đã rất sâu dày của mình. Chuyện là sau đêm hội chen làng Sủ, Phan sang làng Na tìm Mây để trả lại chiếc khăn Mây đưa cho để lau vết máu trên trán. Chiếc khăn được giặt sạch sẽ, ướp hương nhài thơm thanh nhẹ, mang chút lãng mạn, gợi tình cảm mơ hồ.. đã trở thành vật kết thân giữa hai người. Khi Mây về đến giếng trầu thì Phan cũng vừa đến đó. Phan giành lấy gánh lúa, đỡ Mây nốt đoạn đường về nhà. Lúc hai người gỡ lúa khỏi quang, sự gần gặn cơ thể với mùi mồ hôi quện cùng hương lúa khiến Mây rạo rực. Với Phan, cảm giác còn mãnh liệt hơn. Vậy nên, khi lượm lúa cuối cùng được xếp lên hiên, vừa lúc Mây ngoảnh sang, Phan rất nhanh, ghé môi hôn ngay lên má cô. Mây sững người chả kịp phản ứng. Nhưng rồi cô nhận ra mình cũng thèm được gần gũi con người trước mặt biết chừng nào. Đúng lúc Phan đang định phân bua về hành động vừa rồi thì Mây tiến tới ôm chặt lấy anh. Phan cuống quýt, run rẩy đỡ gương mặt Mây, nhìn vào đôi mắt đang ngượng nhắm, đôi môi hé mở như bông sen vừa thẽ thọt mở cánh, tỏa hương dịu nhẹ, mời mọc. Khi hai cặp môi họ chạm nhau, trời bỗng nhiên chói lóe tia lửa điện kèm tiếng sét vang rền. Tiếp đó, chút vàng nắng sót cuối chiều biến mất nhường chỗ mây đen vần vũ lấp kín bầu trời. Gió nổi như điên dại vít cong rạp mấy khóm chuối bên giếng, khóm tre cuối vườn, giứt từng búi lá ném tung lên trời. Rồi cảnh vật tối sầm. Nhưng như trong cơn say nắng tình yêu, hai người vẫn quấn lấy nhau. Khi tấm lưng trần của Mây đổ trên đụn lúa thì cũng là lúc Mây cảm giác đau nhói nơi vùng kín, cảm thấy dòng máu ấm nóng rỉ từ cơ thể dần chảy trên kẽ đùi, xuống dưới mông. Mọi thứ quay cuồng như bầu trời thốc tháo gió lồng, mây phủ; như cơn mơ có lần Mây gặp cứ rơi sâu hun hút trong hố đen không đáy, đầy sợ hãi và kích động, muốn kêu mà không mở được miệng, muốn vùng thoát mà tay chân chẳng thể cử động...

Chiều trở gió 

Tím đen thảng thốt 

Phía eo mây chớp rờ rỡ đường cong

Anh giông khan

Em đất hạn nẻ lòng

Khát yêu như mong mưa cầu tự

Biết nhau rồi mới tiếc

Sao kiếp trước không tu?...

Phan đã viết như thế về cái chiều năm ấy. Cũng ba tháng sau, Mây trượt chân ngã ở bến sông. Đứa nhỏ vừa thành hình trong bụng bị hỏng. Chuyện ấy chẳng hiểu sao rồi mọi người cũng biết, đồn ầm cả lên. Nó cũng ảnh hưởng phần nào tới tương lai của cô sinh viên Cao đẳng Sư phạm vừa tốt nghiệp như Mây. Bởi sau đó, vài lần nộp đơn, hồ sơ xin đi dạy, nhưng Mây chẳng nhận được kết quả tốt đẹp nào. Cô về với xưởng gốm của họa sĩ Phùng. Điều đó chẳng phải mối bận lòng ghê gớm với Mây, mà quan trọng là Mây thấy Phan ngày càng trở nên lạ lùng, người như lạc khỏi cõi trần. Tình cảm giữa hai người ngày một rơi vào xa lạnh. Rồi một ngày, Phan bỏ nhà lên ở hẳn chùa làng. Mọi người bảo, khi tham gia cải đắp trang trí nơi chùa làng trong lần trùng tu, Phan đã được trụ trì giáo huấn nhiều về cõi nhân sinh, ngấm những giáo lý nhà Phật. Cõi trần bụi bặm. Tình là níu. Khổ bởi si... Phan bỗng nhận ra sự vô thường kiếp người; giận mình đã gây nghiệp cho Mây, cạo đầu quy y cửa Phật...

*      *

*

Tiếng đàn bầu của người đàn ông và tiếng nhị của cụ Tổng ngừng lại, dắt Mây trở lại thực tại đám giao lưu thơ của làng. Mây ngâm những câu cuối của bài thơ với một trạng thái khác hẳn, vừa khuyến khích giục giã, vừa khao khát tình yêu, vừa kín đáo tránh né khiến ai đó phải tò mò kiễng chân dòm cổng: Người đâu đánh tiếng bên đàng/ Ríu tay dọn quán bán hàng… những mong…/ Nắng cao tít tận từng không/ Ỡm ờ em giả vẫn không có gì… Phan ở phía nào sau lớp rào vô hình mõ kinh trì tụng? Mây đang ở đâu giữa những bộn bề công việc, sau những rối ren buộc gỡ của số mệnh? Mây hình dung về một giấc mơ đã xa với gương mặt ám ảnh trong ký ức, vòng tay ngày nào đã từng chờ đợi....Và Mây tin, qua những ngày mưa thì nắng sẽ về.

Người đàn ông chơi đàn bầu đưa Mây về ngõ Giếng, nhưng không phải đèo xe máy, mà dắt xe đi bộ cùng cô. Mây bảo: - Khuya thế này anh về kiểu gì? Ông lái đò đêm hay đi rượu, chắc gì đã có ở bến. Người đàn ông bảo: - Lo gì, không đò thì tôi quay lại tìm cô, mượn manh chiếu nằm đâu chả được. Mây cứng giọng: - Anh dám? Mây cảm tình với người đàn ông đi bên, nhưng đâu biết chút gì ngoài việc anh ta là cán bộ văn hóa, chơi giỏi đàn bầu. Nhưng rồi Mây chợt băn khoăn, nhỡ không có đò thật thì sao. Đêm hôm gió lạnh... Cô dịu giọng: - Nếu không qua sông được thì về bảo tôi, tôi có cách...  Đêm giữa tháng cuối xuân, cái lạnh không gay gắt. Bầu trời mù sương, khiến vầng trăng mười bốn mất dạng, nhưng cũng đủ tỏa nguồn sáng cho cảnh vật một vẻ nhìn mơ màng, siêu tưởng. Gió nam xào xạc đánh võng khắp không gian làng quê, đem hương bưởi, hương các loài thảo mộc đang thì rộ nở vây bọc đến xốn xang lòng người. Nó khiến tâm hồn Mây thư thái nhẹ nhõm. Hai người chẳng nói gì nhiều trên suốt quãng đường có vẻ quá ngắn, nhưng họ đều ngầm hiểu sự thiêng liêng của khoảng thời gian đi bên nhau như thế. Và những xung động tình cảm đang dâng như gió dẫn dắt họ đi như mộng du trong đêm xuân bàng bạc. Ờ mà sao cái bài thơ của cụ Phiêu nó lại như diễn đạt cái ngượng ngùng giấu giếm tâm hồn của Mây đến thế. Chết thật, hay cụ cố tình đẩy Mây vào tình cảnh tự bộc bạch? Cụ vốn dân thạo Hán - Nho, Đông Tây kim cổ. Tám mươi mấy tuổi thì đâu lại giăng hoa thơ phú như tuổi đang vơ vẩn yêu đương? Nhưng Mây không thể ưa việc cụ dùng cái từ “ỡm ờ” để chỉ thái độ của cái người nào đó - cái người quá lứa, đâm ngồng như cây cải bên sông - mà Mây tự vận vào mình - như thế. Mà chắc gì thơ của cụ, bởi đã nhiều lần Mây được nghe cụ đọc thơ. Những vần thơ cụ viết cổ kính rêu phong nhuốm vẻ Đường thi với đề tài chủ yếu là thiên nhiên, tức cảnh sinh tình... Bất giác Mây nhớ tới họa sĩ Phùng. Họa sĩ Phùng vẫn thầm yêu Mây. Mây biết điều đó. Có lần vào phòng anh lấy mẫu khi anh đi đâu đó, Mây tò mò phát hiện một cuốn sổ của anh toàn ký họa cô trong những lúc nặn, chuốt, phơi gốm. Kèm đó là những câu thơ khá hay giãi bày tình cảm khát khao, mong ngóng, đơn phương trong tình yêu. Họa sĩ Phùng là người cá tính, thậm chí có chút cao ngạo. Anh vẫn dành cho Mây tình cảm đặc biệt. Mỗi dịp đi đây đi đó về vẫn mua quà cho cô. Thi thoảng qua nhà Mây, anh bao giờ cũng kiếm được cớ để tặng mẹ cô thứ gì đó mà người được tặng chẳng thể chối từ. Nhưng anh không bao giờ khoa ngôn tán tỉnh mà chỉ lặng lẽ bày tỏ tình yêu bằng sự quan tâm và nhẫn nại đợi chờ của mình. Anh muốn để trái tim Mây tự chọn. 

Hai người chia tay nhau khi gần đến cổng nhà Mây. Vừa mở cổng, Mây đã nghe tiếng mẹ: - Mây về phải không? - Dạ. Sao giờ này mẹ vẫn chưa ngủ? - Ngủ nghê gì, tôi đợi cô đấy. Tối anh Phùng qua đây chơi. Anh bảo muốn xin phép mẹ mời con dự triển lãm mỹ thuật gốm ở đâu tận Bình Thuận. - Thế mẹ bảo sao? - Còn sao nữa, người ta có lòng thế, cô cũng nên hiểu chứ. Mà mẹ thấy anh Phùng cũng là người có tài, tốt tính, biết sống. Mà cô thì ... - Vâng, con biết rồi - Mây dài giọng nũng nịu - Cứ muốn đuổi con đi. Rồi thì ai chăm mẹ. - Tôi chẳng cần cô chăm. Tôi chỉ mong cô cưới tấm chồng, rồi cho tôi chăm cháu. Cứ ỡm ờ mãi rồi người ta chán. Mây giật mình, sao mẹ lại dùng đúng cái từ “ỡm ờ” mà Mây bất chợt nhớ đến khi đọc bài thơ của cụ Phiêu. Hay đó là cụm từ của họa sĩ Phùng? Hay cả cái bài thơ cụ Phiêu đưa cô ngâm cũng từ đấy ra? Mà sao họa sĩ Phùng chửa thấy bảo gì chuyện triển lãm gốm với Mây mà đã đi nói với mẹ. Những băn khoăn ấy cứ theo Mây trong đêm nằm thao thức xoay ngang xoay dọc trên giường. Mùi hương từ khóm nguyệt quế đầu nhà theo gió giăng khắp không gian, sà vào tận giường của Mây đêm cuối xuân. Mây hít căng lồng ngực hương thơm ngào ngạt ấy khiến đôi bầu vú đàn bà tròn như bát úp của cô càng phồng cao. Mây nhớ Phan ngày nào vẫn thường áp mặt vào giữa khe ngực của Mây mà hít hà đến lúc ngạt thở mới đẩy Mây ra xa, tròn mắt ngắm nghía như ngắm một tác phẩm đắp nặn ưng ý của anh. Mê mẩn vậy mà sao Phan vẫn dứt bỏ để theo nghiệp mõ kinh khiến Mây tan nát cõi lòng, vừa giận vừa thương, vừa xót xa nhân tình, cõi đời đầy ngoắt ngoéo. Mây cũng nhớ đôi mắt họa sĩ Phùng mỗi khi nhìn mình. Nó đầy băn khoăn, trắc ẩn, chứa bao nỗi niềm tâm sự, lại luôn cho Mây thấy sự ấm áp, vuốt ve âu yếm. Mây mơ màng vẳng bên tai tiếng đàn bầu của người đàn ông tên Phong tối nay. Tiếng đàn từng nốt thanh trầm lũ lượt theo nhau, dắt cô lên đám mây ngũ sắc bay trên làng Na, làng Sủ, theo dọc bờ sông bạt ngàn hoa cải với lũ bướm bắp cải trắng kết thảm dập dờn. Dọc bãi sông bạt ngàn cải ngồng đơm bông vàng, bông trắng là hệ thống sắp đặt rất nhiều pho tượng gốm đất của họa sĩ Phùng. Tất cả những pho tượng ấy đều tạc nặn một chân dung duy nhất là Mây với đủ kích cỡ, khuôn dạng, tư thế. Đó là những tượng gốm đất họa sĩ Phùng sẽ đem dự triển lãm trên xứ sở gốm Chăm. Đám mây đưa cô đáp xuống nơi có họa sĩ Phùng đón đợi. Sau lưng anh là ông lão lái đò, cụ Bổng, cụ Phiêu, chị Duyên, chị Lụa, cả đồng Lan cùng bao người làng lờ mờ mà Mây chẳng rõ mặt. Trong tay họa sĩ Phùng cầm một tràng hoa cải trắng tinh. Họa sĩ Phùng đón Mây, choàng lên cổ cô tràng hoa trắng ấy. Rồi anh và Mây cùng trèo lên lưng con ngựa sắt ai đó vừa dắt tới. Đúng lúc ấy, Phan trong bộ dạng thày tăng cầm trên tay chiếc mõ xuất hiện. Phan gõ mõ lầm rầm tụng niệm gì đó, con ngựa sắt đưa Mây và họa sĩ Phùng cất mình, hai bên thân mọc ra đôi cánh. Nó đưa hai người từ từ bay lên. Mây đưa tay vẫy chào mọi người. Tràng hoa cải trên cổ cô tung bay kéo thành vệt sáng phía sau, chiếu xuống những người phía dưới như dát bạc lên họ. Họ bay như thế qua những cánh đồng xanh lúa mới cấy của làng, qua giếng trầu ngày xưa Thánh Gióng từng đỗ, qua xưởng gốm của họa sĩ Phùng, lò rèn lão Phận... Nó đưa hai người lên cao dần, đến mức nhìn xuống chỉ thấy một màu trắng sữa của sương mây. Tiếng gió rít bên tai khiến Mây chẳng nghe rõ lời của họa sĩ Phùng nói gì đó với cô...

Mây tỉnh giấc bởi tiếng chim sẻ lích tích bên cửa sổ. Hương nguyệt quế đêm qua còn sót lại thoang thoảng thơm. Ngoài kia trời đang tỏ dần. Không gian bình yên đến lạ. Gió nồm sớm mơn man lùa vào phòng khiến Mây tỉnh táo và hứng khởi. Cô vùng dậy, khoác thêm chiếc áo len tím ngày nọ Phan mua tặng, bước ra sân. Khi ngang qua bàn uống nước, chợt nhìn thấy tờ rơi giới thiệu về triển lãm gốm mà chắc do họa sĩ Phùng tối qua mang đến. Mây cầm lên, đọc tên triển lãm: “Sắc màu của đất” và phần giới thiệu về họa sĩ Phùng “Phung’s Ceramic”. Cô giật mình bởi ở đó, mấy bức ảnh chụp tác phẩm tượng gốm đất của anh đều mang nhân dạng của chính cô. Trong đó có bức tượng toàn thân cô đứng trên vạt đất hình thù vặn vẹo cao thấp, trên đầu đội vòng hoa cải, nửa mình trên để trần với phần ngực được che cũng bởi tràng hoa cải. Những giọt nước li ti bám trên phần vai, ngực kéo vệt loang thành chuỗi. Trên tay tượng người đàn bàn mang nhân dạng của Mây ấy đang bế một đứa trẻ được tạo tác đơn giản đến không rõ hình hài. Bàn tay đứa trẻ xòe ra, hứng giọt nước trên tóc người đàn bà nhỏ xuống. Màu tượng đỏ sạm với những vệt men đậm nhạt khiến nó vừa mang chút hoang dại, khát khao; vừa trầm trầm suy nghiệm. Sắc màu của đất hay sắc màu lang thang của số phận con người vốn sinh từ đất làm nên sắc màu cuộc sống? Mây chẳng biết họa sĩ Phùng đã nặn tạc và nung những tác phẩm của mình khi nào, nhưng cô thấy mình gấp gáp hơi thở khi ngắm chúng - dù chỉ là qua tiêu bản ảnh. Mây cầm tờ rơi định sang xưởng gốm của họa sĩ Phùng, nhưng không hiểu sao chân cứ bước về phía bờ sông. Phía ấy, cải mùa này đâm ngồng, trổ hoa bạt ngàn dội mùi hương ngái nồng đầy nhựa sống. Và phía ấy, con sông bên làng vẫn thao thiết chảy, ru vỗ bao kiếp đời người đã, đang và sẽ sống đôi bờ. Ký ức đã qua không đủ ngọt ngào để nhấm nháp. Tương lai mơ hồ chưa cho Mây đủ niềm tin để vọng tưởng. Nhưng Mây biết, phía cuối dòng sông là biển./. 

                                                                                                                                                                                                                                          LÊ THỤ ÂN