Trang chủ

THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHỮNG DI TÍCH, LÀNG NGHỀ TIÊU BIỂU Ở HUYỆN GIA BÌNH, NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
09:09 | 28/06/2018

 NGUYỄN VĂN ĐỊNH

 

 

Gia Bình vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh thành nhiều bậc hiền tài từng làm “rường cột” của quốc gia, dân tộc, như: thời Thục An Dương Vương có tướng quân Cao Lỗ chế tạo “nỏ thần” đánh lui quân xâm lược; Trạng nguyên khai khoa, Thái sư Lê Văn Thịnh tài cao đức trọng, thày dạy của minh vương Lý Nhân Tông; Trạng nguyên, Thiền sư Huyền Quang - một trong ba vị Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Thám hoa Nguyễn Văn Thực văn chương cái thế như rồng cuốn gấm thêu; Quận công Nguyễn Công Hiệp văn võ toàn tài, đức dày như núi, tâm sáng tựa ngọc đã hưng dựng nên nhiều công trình, danh lam, cổ tự nổi tiếng xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc…Nơi đây còn nổi tiếng với những làng nghề như: gò đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai  đã được Bộ VHTT công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Gia Bình là vùng đồng bằng chiêm trũng song lại có núi, có sông “sơn thuỷ hữu tình”. Dãy núi Thiên Thai trải dài ở phía Tây Bắc của huyện tựa như con Rồng đang vươn mình ra sông Đuống và những mỏm núi được các làng xã đặt những tên cổ kính với các hình ảnh khác nhau. Bên cạnh núi còn có các con sông lớn nhỏ chảy qua huyện. Cũng chính các con sông này từ ngàn đời xưa đã bồi đắp lượng phù sa lớn cho các dân cư bên bờ sông làm nên vùng đất trù phú, màu mỡ của huyện Gia Bình.

1. Thực trạng di tích

Huyện Gia Bình hiện nay có 64 di tích được xếp hạng, trong đó 10 di tích cấp bộ và 54 di tích cấp tỉnh, hệ thống di tích của huyện Gia Bình phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, Các di tích này được phân bố trên khắp các làng xã của huyện với nhiều danh lam cổ tự, tiêu biểu như: Đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh, chùa Thiên Thư, đình Bảo Tháp, đền thờ Doãn Công Đào Nương, chùa Tĩnh Lự thuộc dãy núi Thiên Thai; khu di tích Lệ Chi Viên, nơi ghi dấu vụ thảm án đối với vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; chùa Đại Bi, nơi lưu niệm sâu sắc về Trạng nguyên, Thiền sư Huyền Quang, vị Tam Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm; cụm di tích xã Cao Đức, Vạn Ninh thuộc khu vực Lục Đầu Giang, nơi có lăng mộ và các đình, đền thờ Cao Lỗ Vương, vị tướng tài giỏi được coi như là ông tổ của ngành quân khí Việt Nam - người đã có công chế tạo “nỏ thần” để bảo vệ đất nước ngay từ buổi bình minh của dân tộc. Đó còn là đền Tam Phủ trên bãi Nguyệt Bàn, địa điểm diễn ra hội nghị Bình Than trên Lục Đầu Giang lịch sử do các vương hầu quý tộc nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên -Mông…

Hệ thống các di tích huyện Gia Bình được hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời luôn được các thế hệ, các triều đại và nhân dân bảo tồn, nhằm giáo dục những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, theo thời gian một số di tích đã bị xuống cấp, cổ vật, di vật tại một số di tích do bảo quản thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng thất lạc, xuống cấp, mối mọt. Trước tình hình đó, Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch phối hợp với các cấp, các ngành trong huyện trên cơ sở kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp ủng hộ, đã tiến hành trùng tu, sửa chữa các di tích.

Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập vấn đề phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc càng trở nên cần thiết. Một trong những biểu hiện của việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy, tôn tạo các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định số 73/1999/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Gia Bình  đã xác định việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa là một nội dung quan trọng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích , huyện Gia Bình tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ về vai trò của di sản văn hoá trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường Gia Bình.

Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá huyện Gia Bình, vẫn còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình.

Thứ  hai, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước một cách chặt chẽ nên không được định hướng để sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

 Thứ ba, công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích chưa được chú trọng, thông tin về di tích còn hạn chế. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa được làm một cách khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích. Một số di tích còn có hiện tượng sử dụng các “hướng dẫn viên không chuyên”.

Thứ tư, năng lực tham mưu công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá huyện Gia Bình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiêù hạn chế như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa  chưa thực sự hiệu quả. 

          2. Thực trạng làng nghề

Làng nghề gò đồng Đại Bái và tre trúc Xuân Lai được nhà nước công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Độ tinh xảo trong mỗi sản phẩm, nét đẹp văn hóa và thương hiệu của mỗi làng nghề đã làm nên di sản văn hóa phi vật thể riêng biệt của Quốc gia.

   2.1.  Làng nghề tre trúc Xuân Lai

Hiện tại, thôn Xuân Lai có 255 hộ làm nghề tre trúc, 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao với khoảng 540 lao động thường xuyên có việc làm, bình quân thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Tổng giá trị sản xuất từ nghề mây tre đan ước đạt 30-40 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc cơ khí, thay thế làm thủ công, mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác và các thị trường như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Một số hộ tích cực tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm thủ công làng nghề tiêu biểu và được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Trung ương Hội Nông dân, Sở Công thương tỉnh khen thưởng… Trong quá trình phát triển, các hộ làng nghề từng bước mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, tạo được uy tín và khẳng định thương hiệu trên thị trường, chú trọng các điều kiện về vệ sinh môi trường. Một số sản phẩm nổi bật của làng nghề truyền thống Xuân Lai hiện nay có thể kể đến như: tranh tre, bàn, ghế ,xích đu, giường, tủ kệ sách báo, khung nhà tre…

2.2. Làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái

Hiện nay, làng nghề Đại Bái có 570 hộ và 80 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 80% số hộ sản xuất đồ đồng mỹ nghệ. Sản phẩm làng nghề được biết đến là những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, được thị trường rất ưa chuộng. 

Vượt qua những khó khăn thách thức về thị trường, giá cả, trong những năm gần đây làng nghề Đại Bái tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Năm 2014 doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, năm 2015 đạt 180 tỷ đồng. Đại Bái nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã như: bộ đồ thờ; tranh đồng với các chủ đề: Tùng, Cúc, Trúc, Mai, cảnh đồng quê, vinh quy bái tổ; tranh chữ… các sản phẩm truyền thống, tranh đồng, đồ thờ cúng, các cơ sở sản xuất tập trung vào các sản phẩm cao cấp được chế tác công phu và tinh xảo như tượng doanh nhân, trống đồng, chuông đồng… Bên cạnh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đồ gia dụng như nồi, xoong…

Trong những năm gần đây lợi dụng uy tín của sản phẩm làng nghề nhiều hộ kinh doanh đã giả mạo trưng bày lẫn với các sản phẩm của làng nghề. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng nhiều tới uy tín của làng nghề.

Các cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều, rải rắc khắp các thôn xóm, ngõ ngách. Phần lớn là máy móc cũ vẫn chưa được chọn lọc và đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm còn thấp, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giảm sức cạnh tranh về mẫu mã và giá thành.

Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Nhiều sản phẩm đặc thù đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tính mỹ thuật cao, tay nghề khéo léo…

Riêng về thị trường tiêu thụ sản phẩm thì trước đây về cơ bản thị trường này nhỏ hẹp tiêu thụ tại chỗ do đó giá thành cũng thấp, hơn nữa làng nghề chưa có bộ máy chuyên môn quản lý nên có sự cạnh tranh giá cả cao ngay tại các cơ sở trong làng vì thế mà chất lượng sản phẩm ngày một kém đi.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ở làng nghề vẫn phải thông qua các khâu trung gian để tiêu thụ làm giảm lợi nhuận. Cùng với đó, sự thiếu gắn kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở cả khâu đầu vào-đầu ra của sản phẩm đã khiến cho giá trị kinh tế hàng hóa làng nghề chưa được như mong muốn.

   Xuất phát từ những thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá huyện Gia Bình thành những lợi thế, động lực phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực và hiệu quả.

          3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và làng nghề

3.1 Tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, làng nghề huyện Gia Bình.

- Thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, vận dụng linh hoạt các Nghị định của Chính phủ, chính sách của tỉnh cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá địa phương.

- Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn hyện như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Gắn công tác thi đua với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tới từng các cán bộ đảng viên, thị trấn, xã, khu dân cư nơi có di sản văn hóa.

- Mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân để người dân thấy được họ vừa là người bảo vệ vừa là người được hưởng lợi từ việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Từ đó, người dân có ý thức và những hành động thiết thực nhất trong việc giữ gìn các di sản văn hóa.

- Chủ động phối hợp với ban ngành liên quan, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong huyện, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, khách du lịch vào việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa Gia Bình.

3.2 Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích, làng nghề gắn với phát triển kinh tế xã hội huyện Gia Bình

Để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đúng đắn, tạo nên một định hướng khoa học thì vấn đề quy hoạch luôn phải đi trước một bước.

Thứ nhất, tiến hành khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu lại toàn bộ các loại hình di sản văn hóa nhằm nhận diện, xác định giá trị, sức sống của các di sản văn hóa từ đó đề xuất hướng bảo tồn và phát huy.

Thứ hai, chú ý quy hoạch di sản văn hóa trọng điểm và di sản văn hóa gắn với du lịch. Các di sản văn hoá trọng điểm là những di sản văn hoá đang xuống cấp, đang có nguy cơ mai một hay biến mất cần có kế hoạch lưu giữ, bảo vệ ngay. Đối với quy hoạch di sản văn hoá gắn với du lịch nên có sự tính toán, đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với tầm nhìn chiến lược.

Thứ ba, tổ chức những cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các cấp, các ngành liên quan đang hoạt động trong khu vực có di sản để góp ý cho bản quy hoạch. Ngoài ra, chú ý đến vai trò phản biện của người dân địa phương.

Thứ tư, đối với làng nghề cần đưa ra được một quy hoạch tập trung như cụm công nghiệp làng nghề (xa cách ly với khu dân cư) với hệ thống xử lý chất thải, rác thải, xử lý nguồn nước tốt. Cần đưa ra kế hoạch phát triển sản xuất rõ ràng để cải thiện hệ thống máy móc, tăng khả năng sáng tạo những mẫu mã sản phẩm làm tăng tính đa dạng của sản phẩm, năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường thông qua các hội trợ, buổi triển lãm, giao lưu làng nghề truyền thống, đưa hình ảnh làng nghề  tới bạn bè quốc tế thông qua hình thức phát triển hình thức du lịch làng nghề.

3.3 Đẩy mạnh công tác quản lí, giám sát và định hướng hoạt động bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa

Cần triển khai có hiệu quả phân cấp về quản lí di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Phòng Văn hoá Thông tin tiếp quản, quản lí hồ sơ của các di sản văn hoá; phân công chuyên viên quản lý, giám sát hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hoá. 

 

Ban hành chính sách quản lí, sử dụng các nguồn tài chính của các di tích như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ... theo định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn thu của di tích cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn liền với việc duy trì, phát triển loại hình văn hóa lành mạnh như lễ hội, cưới hỏi, tang ma. Chính quyền địa phương cần đưa ra quy ước thực hiện nếp sống văn hóa mới để giữ lại được những nét sinh hoạt văn hóa quý giá đồng thời loại bỏ những yếu tố lạc hậu, phiền nhiễu không đáng có.

 Khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vào hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng chương trình du lịch cụ thể, phong phú và phát triển du lịch bền vững.

3.4 Giải pháp xã hội hoá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư nhất là nhân dân địa phương. Để làm tốt điều này cần:

- Ban hành những chính sách thu hút và tập hợp quần chúng vì sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa.  Đồng thời, có hình thức khen thưởng thích đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp trực tiếp cho công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.

- Chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trên địa bàn huyện có chương trình hỗ trợ thực hiện bảo tồn di sản văn hoá.

3.5 Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lí, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá

- Đối với cán bộ quản lí văn hoá: Tạo điều kiện cho cán bộ quản lí văn hóa học tập kinh nghiệm quản lí và khai thác tài nguyên văn hoá tại các tỉnh thành khác trong nước

- Đối với cán bộ thực hiện công việc bảo tồn di sản văn hóa: chú trọng đào tạo cán bộ, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực thi nghiệp vụ bảo quản, tu bổ, tôn tạo đối với các di sản văn hóa vật thể; đủ năng lực để nghiên cứu lập hồ sơ lưu trữ và hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.

 - Đối với cán bộ văn hoá cơ sở: tạo điều kiện để cán bộ văn hoá cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản do huyện, tỉnh hay trung ương tổ chức. Cung cấp cho họ những tài liệu hướng dẫn về di sản văn hoá để họ được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.

3.6 Tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu văn hoá

Huyện Gia Bình muốn tồn tại và phát triển bền vững cần có sự giao lưu, hội nhập về con người, văn hoá. Do đó huyện Gia Bình phải chủ động tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhất là khu vực miền Bắc, khu vực đồng bằng Sông Hồng để phát triển huy giá trị các di sản và gắn với phát triển du lịch.

Để các giải pháp này đạt được hiệu quả cao nhất thì chúng phải được thực hiện đồng  bộ và kết hợp chặt chẽ với nhau. Điều này phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, sự đồng lòng chung sức của nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá một cách tốt nhất, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân huyện Gia Bình nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung./.