Trang chủ

CÂU ĐỐI VỚI VĂN HÓA VIỆT
15:14 | 30/08/2018

             Câu đối trong không gian thờ cúng.

                Trong không gian thờ cúng là nơi linh thiêng, để tưởng nhớ và tri ân những vĩ nhân có công lớn với nhân dân, đất nước và với nhân loại. Câu đối là loại hình văn hóa được vận dụng rộng rãi từ trước đến nay, rất thích hợp để tôn lên sự trang nghiêm của nơi thờ cúng.

Không gian thờ cũng là đình chùa, lăng tẩm, miếu mạo, nhà từ đường (nhà thờ họ) và ở bàn thờ gia đình. Đối tượng thờ cũng là Phật, thánh, thần linh, anh hùng lịch sử, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, liệt sỹ hy sinh vì nước, vĩ nhân của nhân loại… Tổ tông khai sáng dòng họ, khai sáng nghề nghiệp hay trang ấp. Câu đối là tấm lòng của hậu thế thể hiện sự biết ơn sâu sắc, sự ca tụng tiền nhân, sự hứa hẹn thực hiện lời di huấn của các thế hệ trước được gửi gắm thông qua những lời kết tinh, cô đọng và cao khiết.

Ở nước ta, nhất là miền Bắc hầu như làng nào cũng có đình, chùa. Đình chùa nhỏ cũng có dăm ba câu đối hoành phi, đình chùa to có đến hàng chục câu đối và hoành phi, câu đối mới được bổ sung khi kiến tạo lại đình mới, chùa mới, hay khi người có tâm cúng tiến câu đối mới.

Về câu đối ở chùa:

* Vào cửa chùa ta gặp câu đối:

Tới cửa từ bi cầu quốc thái

Vào chùa hỉ xả nguyện dân an.

Hay:

Nhật nguyệt giáng lâm hành chính đạo

Càn không phú tái quán chân như.

Hoặc:

Cảnh phật trang nghiêm mõ sớm gõ tan hồn mộng ảo

Của chùa thanh tịnh chuông chiều ngân vọng tiếng từ bi.

* Vào trong chùa ta gặp những câu đối:

Quốc gia hữu vĩnh sơn hà cố

Phật đạo vô cùng nhật nguyệt trường.

(Quốc gia bền vững mãi với sông núi

Đạo Phật vô cùng dài lâu như mặt trời mặt trăng).

Trong Tam Bảo là chính điện thờ Phật, câu đối thường nói lên triết lý, chân lý của đạo Phật, sự diệu huyền của pháp duyên, hay sự từ bi tế độ của bồ tát:

Chân tâm nhất niệm thông tam giới

Chính giác vô biên độ chúng sinh.

Người đến chùa lễ Phật, chỉ một niệm mà thành tâm, chính tâm tin vào Phật, cầu Phật thì sẽ thông đến tam giới (Ba giới là Dục giới, Sắc giới và Vô giới). Còn đạo giác ngộ rộng vô cùng, độ cho mọi chúng sinh (nếu chúng sinh ấy tin vào đạo, thực sự cầu nguyện).

Ca tụng đức Phật Thích ca là bậc trí tuệ bậc nhất thế gian, giáo pháp của Ngài là đỉnh cao nhất ở trong 3 cõi (khắp cả vũ trụ) và ra cả ngoài 3 cõi, ngài là bậc giác ngộ, bậc nhất.

Thế xuất thế gian duy hữu pháp vương chi cực

Thiên thượng Thiên hạ độc xưng giác đế chi tôn

Câu đối ở Đền, Đình

Câu đối ở Đền, Đình là ca tụng khí tiết, phẩm chất, tài năng và công huân của các vị minh quân, chính thần, các anh hùng, các vĩ nhân, các danh nhân…

Đền thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương là ông Nội của Vua Hùng (ở xã Đại Đồng Thành bên bờ sông Thiên Đức (sông Đuống) huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có đối câu đối:

Thái cực nhất nguyên thiên địa thủy

Viên giao bàn cổ đế vương tiên.

(Khí âm dương trời đất tạo nên vạn vật

Có đế vương từ đời Bàn cổ xa xưa)

Hay:

Thiên cổ cương lăng linh tích tại

Nhất đàn trở đậu quốc ân sung.

(Ngàn năm lăng miếu linh thiêng vẫn còn đây

Cháu con vọng bái muôn đời ân sủng)

Và:

Bách nam vận sự truyền sơn hải

Nhất tộc nghiêm từ trĩ cổ kim.

(Một trăm con trai khắp bốn phương lập nghiệp

Gia tộc Hồng Bàng cổ xưa giữ phép nước kỷ cương).

Ngày Quốc Lễ mồng 10 tháng 3 âm lịch giỗ Tổ Hùng Vương, ta có dịp đến dâng hương chiêm bái. Nhìn lên phía trên cổng lớn có 4 chữ CAO SƠN CẢNH HÀNH: Núi cao đường lớn (hoặc đường hành hương về núi cao).

Câu đối ở cột cổng Đền

Thác thủy khai cơ tứ cố sơn hà qui bản tịch

Đăng cao vọng viễn quần phong la liệt tự nhi tôn.

(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối

Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi tựa cháu con).

Và:

Đẳng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy

Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian.

(Lên đây nhớ về cội, vạn cổ giang sơn chốn này tạo dựng

Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi)

* Vào đền Hạ ta thấy câu đối

Thập bát thế truyền trường quốc tộ

Ức niên hương hỏa điện kim âu.

(Mười tám đời truyền nối cơ đồ dài mãi

Ức vạn năm hương hỏa giữ âu vàng)

* Đến đền Trung có câu đối

Điện vũ tủng vân hà, biệt chiến giang sơn phong nguyệt

Lâu đài Lâm Thao thủy, cao tiêu long chủng uy linh.

(Đền miếu vút mây cao, riêng chiếm trời nam phong nguyệt

Lâu đài Lâm Thao soi rọi bóng nước, nêu cao vật tổ uy linh)

* Lên đến Thượng chiêm ngưỡng các câu đối:

Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ

Ngô vương ngô tổ Bắc thần tôn.

(Đất này núi này dân nước Nam ghi nhớ

Vua ta tổ ta như Bắc đẩu trên cao).

Và:

Thái hòa tại vũ sổ thiên tại

Công đức ư dân thập bát truyền.

(Nền thái hòa từ ngàn năm cũ

Công đức lớn mười tám đời truyền)

Thế hệ sau có câu đối dâng thờ:

Nước bốn nghìn năm nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ

Dân tám chục triệu, anh hùng chẳng thẹn tấm lòng cha.

Và câu đối khắc ở Lăng Vua Hùng Đền Thượng

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà nước non vẫn quay về đất Tổ

Văn minh đang buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mộ ông.

Câu đối đã nêu lên đức tính cao cả của mẹ Tiên và cha Rồng mà nhân dân ta đã đời này qua đời khác, coi như những bảo vật vô giá mà mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã để lại cho chúng ta ngày nay như sức mạnh thần kỳ để dựng nước và giữ nước.

Ngày 9 tháng 4 âm lịch, có dịp về Hội Gióng (thuộc xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội) chiêm ngưỡng ngôi đền thờ Thánh Gióng được Vua Lý Thái Tổ cho xây dựng từ đầu thế kỷ 11 và được trùng tu vào đầu thế kỷ 20, đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính trang nghiêm và không gian rất linh thiêng. Ta đọc được đôi câu đối:

Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc địch

Địa lưu Thần tích trấn Nam bang.

(Trời sinh người thánh trừ giặc Bắc

Đất giữ truyền Thần trấn nước Nam)

* Câu đối ở Đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng)

Thái chủng dục thần chân giả dị

Trúc bằng đối sứ sự nhi kỳ.

(Người mẹ trồng rau mà sinh con là thần

Nằm chõng trúc mà đối chuyện với sứ giả).

Ở các đình, đền làng quê hết thảy đều có hoành phi, câu đối ca tụng công tích hoặc tri ân các vị “Thánh, Thần” đã có công lớn với nước với dân.

Câu đối ở đền thờ hai vị tướng Hùng Long, Hùng Sơn vào đời vua Hùng thứ sáu đã đánh nhau với giặc Ân phương Bắc mấy chục trận, giữ được chân chúng ở phía Bắc sông Cầu. Sau khi hai ông đã phù trợ Thánh Gióng, ra trận đầu đã chém tướng giặc kiêu hùng là Thạch linh thần tướng, Cuối cùng Thánh Gióng đã diệt được giặc Ân, giữ được nền độc lập cho nước Nam.

Ngôi đền cổ này có tuổi thọ mấy trăm năm thờ hai vị có bức hoành phi đề: Vạn cổ phúc Thần (Là phúc Thần muôn đời) được nhà vua phong tặng.

Trong đền có hai đôi câu đối tiêu biểu:

Kinh Bắc quân doanh lưỡng phá Ân binh truyền ngọc phả

Hồng Bàng đế trụ song phù Hùng ngự điện Kim âu.

(Đóng quân ở Kinh Bắc hai lần đánh giặc Ân, còn truyền lại

Cùng Thánh Gióng bảo vệ Họ Hồng Bàng giữ được âu vàng).

Và:

Lưỡng giá tham thiết mã Thiên Vương

Nhất trận đảo Thạch Linh thần tướng.

(Hai lần theo ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương

Một trận chém thần tướng giặc Thạch Linh)

Câu đối ở từ đường và gia đình

Trong các làng quê, các nhà Từ đường (nhà thờ của dòng họ) những câu đối thường tự hào hoặc biết ơn người đã làm vẻ vang cho dòng họ hay có công lớn lập nghiệp, dựng nền, tạo nghề cho con cháu trong dòng họ. Nhắc nhở khuyên nhủ con cháu phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên.

Thừa gia đa cựu đức               

(Kế nghiệp nhiều đức cũ)

Kế Thế hữu thanh phong                     (Nối đời có gió xuân)

(Đức tổ tông ca ngợi mãi nghìn thu

Con cháu đời sau hiếu thảo đến muôn đời)

Có câu đối, nhà Từ đường nào cũng hợp:

Ông cha tích nhân đức

Con cháu trọn nghĩa tình.

Vì bất cứ ai cũng là con cháu của thế hệ trước và cũng là ông cha của các thế hệ sau nên đều phải làm tốt hai sứ mệnh là phải tích nhân đức cho đời sau và phải hiếu thuận với đời trước.

Có câu đối muốn nhắc nhở các thế hệ về mặt tâm linh (tuy không nhìn thấy) cũng như quy luật của tự nhiên có sự tương đồng: Mùa xuân đến thì cây cỏ tốt tươi, tổ tông tích đức thì con cháu vinh hiển.

Thụ thảo phùng xuân chi diệp mậu

Tổ tông tích đức tử tôn vinh.

(Cây cỏ gặp mùa xuân cành lá tốt tươi

Tổ tông tích đức con cháu vinh hiển).

Ở gia đình, trước đây chỉ nhà nho hay người có chút học vấn hay nhà giàu thì mới có câu đối. Mặt khác, câu đối được treo ở nhà có không gian rộng hay treo ở cột gỗ nhà ngói. Trước đây ở nông thôn 90% là nhà gianh, cột tre nhỏ, treo câu đối không hợp. Gần đây phục hồi nhiều nhà ngói cổ hoặc nhà trần có không gian rộng nên thuận lợi cho việc treo câu đối, nhiều nhà đã mua câu đối về treo. Đôi câu đối phổ quát, một số làng nghề đã sản xuất hàng loạt rồi đem bán dòn khắp nơi:

Tổ công tông đức thiên niên thịnh

Tử hiếu tôn hiền vạn đại Vinh (hoặc Xương)

(Tổ có công, tông có đức thì nghìn năm thịnh

Con có hiếu, cháu hiền thảo thì vạn đời vinh).

Câu đối này, gia đình nào treo cũng hợp, dù nhà quyền quý hay bình dân hoặc làm bất kể ngành nghề gì.

Một số câu đối được treo ở gia đình cũng có chủ đề và ý nghĩa tương tự:

Đức tổ quang vinh hương vạn cổ

Từ môn hiển khách tráng thiên thu.

(Tổ tiên có đức rạng rỡ luu thơm muôn thuở

Gia môn nhân từ hiển khách vững bền ngàn thu).

Hay:

Nghĩa nhân tích tụ thiên niên thịnh

Phúc đức tài bồi vạn đại hanh.

(Nghĩa nhân tích tụ ngàn năm thịnh vượng

Phúc đức vun bồi muôn đời hanh thông).

Câu đối ở gia đình đối khi thể hiện về nghề nghiệp truyền đời của dòng tộc, như nghề làm thuốc, hay nghề dạy học… Nhưng có một điểm chung là luôn nhắc nhở con cháu tu nhân tích đức, hành thiện… để giữ lấy gia phong, tộc thế./.

 

MAI TIẾN TRÌU